VnReview
Hà Nội

"Mổ xẻ" cấu hình iMac Pro: 5000 USD liệu có quá đắt?

Nổi tiếng là bán những thiết bị với giá cao hơn so với cấu hình thực sự, liệu mẫu máy tính cao cấp iMac Pro của Apple có tiếp nối "truyền thống" đó không?

Bên cạnh việc nâng cấp iMac và loạt sản phẩm MacBook, iMac Pro là sản phẩm máy tính cao cấp hoàn toàn mới vừa được Apple ra mắt tại hội nghị WWDC 2017 vừa diễn ra cách đây ít ngày.

Dưới đây là cấu hình chính thức của iMac Pro, tất cả đều gói gọn trong một màn hình duy nhất:

- Màn hình: 27 inch 5K (5120x2880 pixel), độ sáng 500 nit, dải màu rộng (P3)
- Chip xử lý: Intel Xeon tùy chọn (8 nhân, 10 nhân, 18 nhân)
- RAM: ECC 2666MHz tùy chọn (32GB, 64GB, 128GB)
- Bộ nhớ trong: PCIe SSD tùy chọn (1TB, 2TB, 4TB)
- GPU: AMD Radeon Pro Vega 56 với bộ nhớ HBM2 8GB (tùy chọn Vega 64 bộ nhớ HBM2 16GB)
- Webcam: FaceTime HD 1080p
- Loa stereo, 4 microphone, jack 3.5mm
- Kết nối Ethernet 10Gbps
- 4 cổng Thunderbolt 3 (USB-C)
- 4 cổng USB 3.0
- Wi-Fi 802.11ac, Bluetooth 4.2
- Khe thẻ nhớ SDXC hỗ trợ UHS-II

iMac Pro thực sự là một chiếc máy tính mạnh mẽ. Với giá bán 5000 USD (113 triệu đồng) cho phiên bản thấp nhất (Intel Xeon 8 nhân, RAM 32GB, SSD 1TB), Apple tự tin tuyên bố iMac Pro có giá bán rẻ hơn so với những hệ thống tương tự có giá 7000 USD (158 triệu đồng), cụ thể là của HP.

Với cấu hình trên, bạn sẽ tự hỏi liệu iMac Pro có phải là cỗ máy chơi game tuyệt vời nhất của Apple đúng không? Câu trả lời là có. Dựa trên sức mạnh của CPU và GPU, iMac Pro có thể chiến mọi thể loại game một cách mượt mà. Trước đây, các game thủ thường "lắc đầu" khi nhìn vào những bộ máy chơi game vì chúng thường có giá cao hơn so với khi tự build một dàn máy cho mình.

Nếu nhìn vào iMac Pro và cũng có suy nghĩ như trên, hãy cùng "mổ xẻ" cấu hình và giá bán từng linh kiện của iMac Pro xem điều đó có chính xác hay không. Tất nhiên, đối tượng mà Apple nhắm đến với iMac Pro không chỉ game thủ mà là giới doanh nghiệp, dân thiết kế hay người dùng chuyên nghiệp. Bản thân macOS cũng không hoàn toàn dùng để chơi game, song vẫn có nhiều công cụ hỗ trợ chạy Windows trên macOS nếu cần.

Sau khi được sự trợ giúp từ PCPartPicker, trang tin PCGamer đã đưa ra giá bán cụ thể của từng linh kiện bên trong iMac Pro (phiên bản rẻ nhất), một số thành phần như màn hình, case hay nguồn không thể biết rõ model nên chúng ta sẽ lấy những sản phẩm có thông số tương tự.

Và đây là kết quả:

- CPU: Intel Xeon E5-2620 V4 2.1GHz 8 nhân (409 USD, 9,2 triệu đồng)
- Bộ tản nhiệt CPU: NZXT - Kraken X62 Liquid (159 USD, 3,6 triệu đồng)
- Bo mạch chủ: Asus X99-E-10G WS SSI CEB LGA2011-3 (649 USD, 14,7 triệu đồng)
- RAM: Crucial 32GB DDR4-2133 (254 USD, 5,7 triệu đồng)
- Ổ cứng: Samsung 960 EVO 1TB M.2-2280 SSD (480 USD, 10,8 triệu đồng)
- GPU: Zotac GeForce GTX 1080 Ti 11GB Founders Edition (679 USD, 15,3 triệu đồng)
- Case: Sliverstone TJ04B-EW ATX Mid Tower (152 USD, 3,4 triệu đồng)
- Nguồn: SeaSonic PRIME Titanium 1000W 80+ Titanium Certified Fully-Modular ATX (243 USD, 5,5 triệu đồng)
- Hệ điều hành: Microsoft Windows 7 Professional (135 USD, 3 triệu đồng)
- Màn hình: LG UltraFine 5K 60Hz (1300 USD, 29,4 triệu đồng)
- Khác: ASUS Model ThunderboltEX 3 Expansion Card (70 USD, 1,5 triệu đồng)
- Bàn phím: Apple MB110LL/B Wired Standard Keyboard (50 USD, 1,1 triệu đồng)
- Chuột: Apple MB829LL/A Magic Mouse Bluetooth Wireless Laser (80 USD, 1,8 triệu đồng)
- Loa: Logitech Z130 5W 2 channel (19 USD, 430 ngàn đồng)
- Đầu đọc thẻ: Kingston Digital MobileLite G4 USB 3.0 (9 USD, 200 ngàn đồng)

Tổng cộng: 4688 USD (khoảng 106 triệu đồng)

Đó là số tiền bạn phải trả để build một dàn máy giống như iMac Pro. Chúng tôi đã trang bị đủ các thành phần cao cấp trên máy gồm card Wi-Fi 802.11ac, cổng Ethernet 10Gb, Thunderbolt 3 (USB-C), cả bàn phím và chuột Apple (tất nhiên không phải bản màu xám kèm theo iMac Pro), nhưng chỉ tiết kiệm được khoảng 312 USD (khoảng 7 triệu đồng) so với giá tiền 5000 USD để mua iMac Pro

Với việc tự build máy, bạn cũng không thể có một trải nghiệm tuyệt vời với những sản phẩm Apple vốn có thiết kế tuyệt đẹp, tinh xảo như iMac Pro. Nhưng nếu có khả năng tự build, lợi thế của bạn chính là khả năng nâng cấp, thay thế linh kiện bên trong nếu cần (iMac Pro không hỗ trợ điều này). Chưa hết, đôi khi bạn còn có thể nhờ cửa hàng máy tính build máy giùm hoàn toàn miễn phí.

Trong khi Apple nổi tiếng với việc "làm giá" các sản phẩm của mình, đặc biệt đối với iPhone hay thậm chí là cả những mẫu máy tính Mac trước đây, thì có lẽ điều đó không đúng với iMac Pro. Tóm lại, nếu là người dùng chuyên nghiệp, cần sự ổn định, hỗ trợ lâu dài thì iMac Pro là lựa chọn đáng cân nhắc lúc này. Còn nếu muốn tự tay vọc vạch, nâng cấp trong tương lai thì có lẽ bạn nên suy nghĩ đến việc build một dàn máy cho riêng mình, trừ khi có nhu cầu ngược lại hay muốn trải nghiệm các sản phẩm dán mác "Táo khuyết" và hệ điều hành macOS.

Phúc Thịnh

Chủ đề khác