VnReview
Hà Nội

Mua lại card đồ hoạ từng dùng để đào tiền mã hoá liệu có an toàn không?

Bong bóng tiền mã hoá đã bắt đầu nổ, và card đồ hoạ (GPU) trước đó không lâu còn có giá trên trời, nay đã tràn ngập các chợ secondhand với giá khá hợp lý khi mà các thợ đào Bitcoin tìm cách gỡ vốn.

Các card đồ hoạ cao cấp đã bắt đầu hạ giá về mức bình thường, nhưng bạn sẽ tự hỏi rằng liệu có an toàn không khi mua lại những chiếc card đã từng được dùng để đào tiền mã hoá 24/7 trong nhiều tháng, hay thậm chí là nhiều năm liền?

Theo HowToGeek, câu trả lời là "có". Mua GPU secondhand từ các thợ đào Bitcoin thực ra cũng không nguy hiểm hơn mua lại từ những người dùng thông thường khác là bao. Tại sao lại như vậy?

GPU không phải là xe hơi

Nhiều người nghĩ rằng các thiết bị điện tử đều có vòng đời ngắn ngủi, và sau một thời gian sử dụng nhất định, bạn sẽ phải tìm cách thay thế nếu muốn dùng tiếp. Thực ra không hoàn toàn đúng. Các thiết bị điện tử cũ có thể hoạt động hàng thập kỷ mà không gặp vấn đề gì, miễn là chúng không chứa các bộ phận chuyển động khi sử dụng, và không tiếp xúc với điều kiện khắc nghiệt vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Đúng là các linh kiện PC sẽ dần "hao mòn" theo thời gian. Ổ cứng là một ví dụ: nếu bạn không có kế hoạch dự phòng cho việc ổ cứng bị hỏng, bạn sẽ chẳng biết phải làm gì khi chuyện đó xảy ra. Card màn hình thì khác đôi chút. Chúng có thể sẽ hỏng, nhưng chủ yếu sẽ hỏng sớm sau khi lắp đặt bởi một điểm yếu trong quá trình lắp ráp chip phức tạp, chứ không phải hỏng do thời gian. Đây gọi là hiện tượng "quả chanh": nếu GPU hoặc CPU hoạt động tốt sau khi thời hạn bảo hành đã kết thúc, nó nhiều khả năng sẽ hoạt động tốt thêm nhiều năm nữa. Các kỹ sư gọi đây là "đường cong bồn tắm" như hình dưới đây:

Do đó, bạn có thể xem các card màn hình đã từng được dùng vào việc đào tiền mã hoá như là đã vượt qua được "điểm hỏng hóc" của chúng. Miễn là nó không bị overclock bất hợp lý, quá nhiệt, hay hư hỏng vật lý, chiếc card của bạn sẽ ổn thôi.

Thợ đào tiền mã hoá không... phá phần cứng như bạn vẫn nghĩ

Các dàn máy đào tiền mã hoá phải hoạt động ngày này qua ngày khác để giải những bài toán phức tạp. Có thể hiểu quá trình này như sau: các thợ đào Bitcoin biến điện năng thành tiền điện tử thông qua việc giải các bài toán, và card đồ hoạ sẽ giải các bài toán đó.

Điều đó cũng cho thấy rằng quá trình đào tiền mã hoá cần sức mạnh xử lý, đó là lý do tại sao những con chip được thiết kế đặc biệt trên GPU là tốt hơn CPU. Tuy nhiên, nếu một thợ đào sử dụng quá nhiều điện năng, trong khi số tiền mã hoá thu về lại không được bao nhiêu, thì họ lại đang mất tiền. Đào tiền mã hoá là một quá trình cân bằng giữa việc chọn một loại tiền mã hoá có khả năng sinh lời nhất, một chiếc máy tính với sức mạnh tính toán cao nhất, và sử dụng sức mạnh đó để mang lại lợi ích tối đa mà không tiêu thụ quá nhiều điện.

Chính vì vậy, các thợ đào Bitcoin thường hạ xung nhịp GPU thay vì ép xung chúng. Việc bạn ép xung 6 GPU trong một dàn máy đào Bitcoin thực ra lại có ít lợi ích hơn so với việc ép xung chỉ 1 GPU trong một dàn máy chơi game. Các thợ đào Bitcoin thường quan tâm hơn đến hiệu quả thay vì sức mạnh đồ hoạ, do đó nếu bạn nghĩ họ sẽ dùng một chiếc card màn hình cho đến khi chúng nóng chảy ra, thì đó thực sự là một điều hoang đường.

Bên cạnh đó, GPU được thiết kế để hoạt động ở nhiệt độ cao. Một chiếc GPU trung bình nóng đến 50-70 độ C khi hoạt động với cường độ cao, và nó có thể hoạt động liên tục như vậy trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày mà không gặp vấn đề gì.

Vậy, bạn không nên lo lắng quá. Sự thực là hoàn toàn có khả năng một chiếc card màn hình sau vài năm sử dụng bởi một game thủ thường xuyên overclock để chiến game "khủng" sẽ không đáng tin bằng một chiếc card sử dụng để đào tiền mã hoá đâu.

Bạn sẽ cần thay quạt

Trên card đồ hoạ ngày nay thường có quạt tản nhiệt. Việc đào tiền mã hoá đòi hỏi card phải chạy liên tục, do đó những chiếc quạt này cũng sẽ phải quay liên tục, khiến mô-tơ điện bị yếu đi và dễ bị hỏng hóc.

Nhưng việc này cũng đơn giản thôi, bởi phần lớn các loại card màn hình mới đều có linh kiện thay thế và có thể dễ dàng được tìm thấy tại các cửa hàng thiết bị tin học, đặc biệt là các dòng card trung và cao cấp thường xuyên được giới đào tiền mã hoá săn đón. Việc thay thế quạt cũng khá dễ dàng nếu bạn đã từng thử thay thế quạt tản nhiệt của CPU trước đó. Hoặc bạn có thể nhân dịp này để nâng cấp hệ thống tản nhiệt cho card, hoặc tìm một chiếc card cũ đã hỏng và... "vơ vét" các linh kiện cần thiết cho tiết kiệm.

Về cơ bản, mọi chiếc card màn hình thường xuyên hoạt động trong môi trường bụi bẩn đều có khả năng bị hỏng quạt cao chứ không chỉ riêng card màn hình dùng để đào tiền mã hoá.

Bạn vẫn nên cẩn thận khi mua card màn hình đã qua sử dụng

Dù sao thì hàng đã qua sử dụng vẫn là hàng đã qua sử dụng. Việc mua lại chúng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ mà bạn nên chú ý. Nếu bạn mua card màn hình từ các "chợ" trên Facebook, hay qua các trang chợ trực tuyến như Chợ tốt, Nhật tảo..., khả năng bạn được đền bù nếu có hư hỏng xảy ra là rất thấp. Do đó nếu có thể, bạn nên tìm kiếm những chiếc card màn hình đời càng mới càng tốt để có sức mạnh và hiệu năng cao hơn, đồng thời tận dụng chế độ bảo hành/thay thế của các hãng như EVGA, Gigabyte và MSI.

Nếu thị trường tiền mã hoá tiếp tục trồi sụt như những gì chúng ta được chứng kiến từ đầu năm nay, chắc chắn sẽ có những món hời mà bạn không thể chối bỏ. Rất có thể thị trường card màn hình secondhand sẽ tiếp tục ngập tràn những chiếc card màn hình đã qua sử dụng, phần nhiều trong số chúng sẽ là những dòng đời mới, với mức giá thấp hơn hẳn so với mức giá bán lẻ ban đầu.

Minh.T.T

;

Chủ đề khác