VnReview
Hà Nội

Chính thiết kế quá mỏng nhẹ của MacBook Pro đã khiến chip Intel Core i9 bị "thọt"

Bạn muốn MacBook Pro của mình có hiệu năng mạnh mẽ nhưng vẫn giữ được sự mỏng nhẹ? Xin lỗi, đó là điều rất khó xảy ra, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

MacBook Pro 15 inch 2018 cho phép bạn nâng cao khả năng xử lý hơn nữa với tùy chọn sử dụng chip Core i9 với 6 nhân xung nhịp 2.9Ghz của Intel với số tiền 300 USD. Tuy nhiên, con chip này dường như đang gặp rất nhiều khó khăn khi xử lý các tác vụ nặng, đến mức xung nhịp bị giảm xuống thấp hơn rất nhiều so với quảng cáo. Tệ hơn, một số bài thử nghiệm còn cho thấy con chip Core i9 thậm chí còn yếu hơn cả phiên bản i7 vốn có giá rẻ hơn.

Con chip Core i9 này có xung nhịp lên đến 4,8GHz khi Turbo Boost, nhưng một vài người dùng cảnh báo rằng nó gặp vấn đề khi tải các tác vụ nặng. Bài thử nghiệm của Dave Lee, một YouTuber, cho thấy tốc độ trung bình của nó khi hệ thống Core i9 chạy Adobe Premiere Pro là khoảng 2,2GHz. Thời gian render của bản i9 lại chậm hơn so với i7, dù rằng hệ thống này đã được làm mát (anh đã cho vào trong... tủ lạnh để giảm nhiệt cho chiếc MacBook Pro của mình). Có vẻ lý do gây ra việc này chính là do thiết kế của chiếc laptop, cụ thể hơn là hệ thống tản nhiệt.

Mức tiêu thụ điện trên con chip Intel (TDP) sẽ quyết định mức nhiệt của nó khi chưa kích xung và giúp cho các nhà sản xuất thiết kể tản nhiệt sao cho đảm bảo đủ mát khi đưa nó sử dụng trên các sản phẩm của mình. Các máy tính desktop thường có nhiều không gian hơn để di chuyển không khí xung quanh, vì thế, người dùng thường không cần quá lo lắng khi sử dụng một con chip có TDP cao. Trong khi đó, với laptop thường có thân hình mỏng nhẹ, điều này cũng đồng nghĩa rằng nó khó để có thể giữ các linh kiện bên trong đảm bảo đủ độ mát, và TDP của những con chip nằm bên trong thường thấp hơn nhiều so với desktop.

Theo Intel, con chip i9 này có TDP là 45 Watts, ngang bằng với i7. Điều này cũng đồng nghĩa rằng, về cơ bản, chúng vẫn sẽ có hiệu quả tương tự nhau khi sử dụng cùng một hệ thống làm mát và hoạt động tại xung nhịp cơ bản. Khi vi xử lý đủ mát, nó sẽ tự động kích hoạt Turbo Boost để tăng xung nhịp. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa sẽ khiến nhiệt độ bị tăng lên, CPU sẽ trở nên nóng hơn, và nó sẽ lại phải hoạt động chậm lại để đảm bảo cho hệ thống làm mát bên trong có thể phân tán nhiệt ra ngoài.

Mức xung nhịp khi chạy Turbo Boost của Core i9 là 4,8GHz. Chính điều này khiến cho nó tỏa nhiệt nhiều hơn so với con chip Core i7 chỉ có 4,4GHz. Tốc độ này không được tính vào TDP. Vì thế, với không gian hạn chế trên MacBook Pro, rõ ràng nó sẽ gây ra các vấn đề cho Apple khi máy hoạt động ở mức xung cao hơn.

Điều này cũng diễn ra tương tự đối với bất kì chiếc máy tính nào khi vi xử lý bên trong được tăng tốc và chạm đến ngưỡng nhiệt độ nhất định. Đảm bảo an toàn cho cỗ máy và người dùng sẽ quan trọng hơn nhiều so với việc thực hiện các tác vụ nhanh hơn. Tuy nhiên, CPU và GPU trong MacBook Pro lại sử dụng chung hệ thống làm mát, vì thế, nếu bạn sử dụng một ứng dụng nặng về đồ họa, hiệu năng có thể bị giảm đi nhiều hơn.

Thế nhưng, không hẳn là hết hi vọng đối với những người dùng quan tâm đến phiên bản Core i9 vì hiệu năng chậm như hiện tại. Apple có thể giải quyết hoặc giảm thiểu vấn đề đề này bằng cách tung ra một bản cập nhật firmware nhằm điều chỉnh thời gian CPU có thể ép xung được hoặc tinh chỉnh lại độ nóng của vi xử lý trước khi dừng ép xung. Ngoài ra, Apple cũng có thể lựa chọn việc cắt giảm tốc độ clock cao nhất, giúp cho hiệu năng được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, Apple đã viết thông số Core i9 của Intel trên trang sản phẩm của mình, với mức xung cơ bản là 2,9GHz và 4,8GHz với Turbo Boost. Chính điều này sẽ khiến Táo khuyết bị chỉ trích và gặp các vấn đề pháp lý từ khách hàng khi họ mong chiếc laptop của mình đạt được mức xung nhịp 4,8GHz đúng như quảng cáo.

Minh Hùng

Chủ đề khác