VnReview
Hà Nội

Tại sao game ngày nay lại tốn nhiều dung lượng ổ cứng như vậy?

Red Dead Redemption 2: 105GB, Shadow of War: 98GB và Final Fantasy 15: gần 150GB. Tại sao những game này lại chiếm nhiều dung lượng ổ cứng đến vậy?

Theo How-To Geek, ba lý do chính khiến những tựa game AAA 3D như trên có dung lượng rất lớn: đồ họa nặng khiến dung lượng file game lớn hơn, thế giới trong game ngày càng lớn và ổ cứng dung lượng lớn ngày càng rẻ hơn.

Cùng tìm hiểu chi tiết 3 nguyên nhân trên nhé.

1. File game độ phân giải cao sẽ nặng hơn

Trở lại 20 năm trước, thời kỳ đầu của game 3D, mọi nhân vật hay chi tiết trong game đều khá đơn giản vì các nhà phát triển chỉ mới làm quen với loại đồ họa này. Hãy nhìn vào nhân vật Solid Snake trong Metal Gear Solid, tựa game phát hành năm 1998 thuộc series nổi tiếng Metal Gear.

Vào thời điểm ấy, đồ họa 3D của Metal Gear Solid được xem là ấn tượng nhất so với bất kỳ tựa game 3D nào khác. Nhưng nhìn vào Snake trong Metal Gear Solid sau 20 năm, anh ta trông khá đơn giản và thô cứng: bạn có thể đếm số đa giác tạo nên cái đầu nhân vật, hay các chi tiết như cỗ xe tăng thực chất là ảnh 2D đặt trên các khối đa giác để tạo cảm giác "3D" mà thôi, nhìn rõ hơn nữa còn thấy các điểm ảnh.

Đồ họa 3D thô sơ như vậy là do giới hạn sức mạnh của hệ máy PlayStation đầu tiên. Không chỉ vì không thể dựng các nhân vật, môi trường phức tạp mà PS1 chỉ có thể xuất video ở độ phân giải 320x240 pixel, tức bằng... 1/27 so với Full HD (1920x1080), độ phân giải màn hình phổ biến trên nhiều smartphone hiện nay.

Nhưng độ phân giải trên lại vừa đủ cho những chiếc TV thập niên 90. Những tựa game có nhân vật 3D đơn giản, chi tiết 2D độ phân giải thấp có dung lượng chỉ cỡ 2 chiếc đĩa CD, chính xác hơn là 1.5GB cho Metal Gear Solid. Game PC lúc ấy có thể nặng hơn vì độ phân giải xuất ra màn hình cao hơn, song chúng vẫn chẳng là gì so với game hiện đại ngày nay.

Bây giờ, hãy so sánh với Solid Snake trong Metal Gear Solid 5 phát hành năm 2015 để thấy sự khác biệt.

Khuôn mặt của Snake nhìn y như người thật. Nếu bỏ miếng che mắt và tóc ra, thật khó tin khi nói rằng đây là kết quả của đồ họa máy tính. Có được độ sắc nét, chi tiết như vậy là do độ phân giải của game được tăng lên Full HD 1080p hoặc 4K. Bạn sẽ không thể thấy các điểm ảnh trừ khi phóng thật to chúng ra.

Ngoài khuôn mặt chân thực, các hiệu ứng thị giác phức tạp như ánh sáng, khói lửa đều được xử lý, thể hiện trong thời gian thực, trong một môi trường mà người chơi có thể tương tác với chúng chứ không phải được dựng sẵn như trong phim.;Với sự cải tiến về đồ họa, thị giác thì không phải thắc mắc nếu Metal Gear Solid 5 có dung lượng lên đến 40GB, hơn 26 lần so với phiên bản của 1998.

Ngoài nhân vật 3D và chi tiết 2D phức tạp ngày càng nhiều, âm thanh trong game cũng cải thiện không kém. Nếu vài chục năm trước, nhạc nền trong game chỉ là những nốt nhạc đơn điệu thì ngày nay, chúng phải gây ấn tượng cho người chơi ngay khi mới bước vào game nên cần nhiều chi tiết và hiệu ứng, chưa kể đến tiếng động, lời thoại, tiếng lầm bầm hay tiếng thở của nhân vật. Đôi khi những file âm thanh này không được nén (để console hay PC không phải thêm một bước xử lý âm thanh) nên dung lượng của chúng còn cao hơn nữa. Trong bản phát hành cho PC của Titanfall năm 2014, chỉ riêng các file âm thanh (không nén) đã chiếm 35GB toàn bộ dung lượng game rồi.

2. Thế giới trong game ngày một lớn hơn

Ngoài đồ họa và âm thanh càng phức tạp, chính bản thân game cũng ngày càng "phình to" ra. Hãy xem bức ảnh dưới đây về bản đồ trong series đình đám Grand Theft Auto (GTA). Nếu GTA III (2001) được xem là tựa game hành động có thế giới mở rộng lớn nhất tại thời điểm phát hành thì với phiên bản GTA: San Andreas ra mắt sau đó chỉ 3 năm, thế giới trong game đã được nhà sản xuất mở rộng thêm đến 3 lần. Trong phiên bản GTA V mới nhất, nó đã rộng hơn 10 lần bao gồm nhiều loại địa hình, môi trường hơn.

Thế giới trong game GTA từ 1997 đến 2013

Một số trò chơi như Overwatch hay Street Fighter chỉ có vài thế giới nhất định theo từng stage, nhưng sự bùng nổ của thể loại game thế giới mở trong 10 năm qua đã mở ra cuộc đua giữa các nhà sản xuất trong việc tạo ra những tựa game thế giới mở rộng lớn nhất có thể.

Far Cry, Assassin's Creed, Just Cause, Borderlands, The Elder Scrolls, Fallout hay The Witcher là một trong nhiều game như vậy, qua nhiều phiên bản thì thế giới trong chúng ngày càng rộng hơn. Như thế giới trong Just Cause 3, nếu chiếu ra thế giới thực thì nó rộng đến 1.000 km2. Điều đó khiến dung lượng các game ngày càng nặng hơn, tất nhiên nhà sản xuất có thể giảm bớt dung lượng bằng cách dùng lặp đi lặp lại các chi tiết như viên đá, bức tường,...

Assassin's Creed: Odyssey (2018)

Ngay cả những game có lối chơi truyền thống hơn như Doom cũng ngày càng nặng nề do có nhiều cấp độ chơi, đồ họa và âm thanh phức tạp.

3. Bộ nhớ ngày càng rẻ, mạng internet ngày càng nhanh

Nếu 20 năm trước, máy tính với ổ cứng 40GB được xem là lớn thì bây giờ, ổ cứng HDD 1TB, 2TB thậm chí nhiều hơn đã quá thịnh hành (không nhắc đến SSD). Không chỉ máy tính mà bộ nhớ trên smartphone cũng đã đạt đến "cảnh giới" 512GB hay 1TB (nếu gắn thêm thẻ nhớ ngoài).

Nếu ổ cứng SSD mang đến tốc độ cao nhưng giá vẫn còn đắt thì ổ cứng HDD truyền thống đang ngày một rẻ hơn. Bạn có thể sở hữu một chiếc ổ cứng HDD 4TB với giá chỉ khoảng 3 triệu đồng. Tất nhiên đó là nếu mua rời, còn việc mua sẵn PC hay console gắn ổ cứng dung lượng cao lại có thể khá đắt vì nhà sản xuất (PC và console) muốn kiếm lợi nhuận cao, nhưng so với quá khứ thì vẫn rẻ chán. Những chiếc PS4 hay Xbox One 1TB giờ chỉ khoảng 8-9 triệu đồng.

Để game được xử lý nhanh hơn, chúng được cài đặt vào ổ cứng chứ không chơi từ đĩa (nhưng khi chơi thì vẫn cần gắn đĩa để thiết bị xác minh bản quyền, chứng minh rằng bạn có quyền sở hữu game đó).

Ổ cứng 1TB của PS4 hay Xbox One có thể chứa khoảng 20 đến 30 game, hoặc chỉ là 10 nếu dung lượng của chúng nặng như Final Fantasy 15. Nếu ổ cứng đầy, bạn buộc phải gỡ game cũ nếu muốn chơi game mới.

Nhưng đó cũng không phải vấn đề lớn bởi bạn có thể tải chúng bất cứ lúc nào đúng không? Đúng vậy, đặc biệt khi tốc độ internet đang ngày càng nhanh. Nhưng ngay cả khi bạn có đường truyền nhanh (100Mbps chẳng hạn), vẫn phải mất hơn 1 giờ để tải xong game nặng 50GB. Tốc độ thậm chí còn chậm hơn tùy thuộc vào máy chủ của hãng, nếu còn 25Mbps thì thời gian tải là hơn 5 giờ. Nếu cần tải nhiều game hay game có dung lượng nặng, đó quả là cực hình.

Đây là minh họa với ổ cứng 1TB trên PC của tôi với dung lượng trống chỉ còn cỡ 100GB. Phần màu đỏ gần 500GB chính là game của Steam, Origin và Blizzard. Phần màu xanh lá 60GB là hàng trăm game cổ xưa từ thập niên 80, 90 và 2000, còn phần xanh dương là file hệ thống của Windows.

Điều này sẽ ảnh hưởng tốt hay xấu?

Câu trả lời là xấu, ít nhất là trong thời điểm này. Quá trình "phình to" của game sẽ ngày càng nhanh, có thể là nhanh hơn quá trình bạn kiếm ra đủ tiền để nâng cấp ổ cứng hay máy console dung lượng cao hơn. Trước mắt là như vậy.

Nhưng một xu hướng mới gần đây có thể giúp giải quyết vấn đề này: các dịch vụ stream game. NVIDIA hay Sony đã có giải pháp stream các tựa game AAA đầy đủ thông qua kết nối internet tốc độ cao. Các dịch vụ này thực hiện toàn bộ quá trình xử lý, lưu trữ game thông qua máy chủ từ xa, và máy tính hay console của bạn chỉ làm nhiệm vụ phát chúng mà thôi. Ngoài 2 cái tên trên thì Google, Nintendo và Microsoft cũng đang nghiên cứu các dịch vụ tương tự.

Nhưng đây chưa hẳn là giải pháp lý tưởng. Giống các dịch vụ stream phim như Netflix hay Hulu, dịch vụ stream game sẽ bị giới hạn game do vấn đề thương lượng bản quyền. Có khả năng các game bạn thích sẽ không có mặt trong bất kỳ dịch vụ stream nào, và cũng có thể game mà họ cung cấp lại... không hợp với bạn.

Stream game cũng đòi hỏi đường truyền internet tốc độ cao, ổn định hơn so với phim. Ngoài băng thông rộng, bạn cũng cần kết nối mạng cho độ trễ thấp nhất có thể giúp thời gian hình ảnh phát từ màn hình và tín hiệu từ gamepad đến máy chủ không bị trễ. 25Mbps là tốc độ phù hợp cho việc stream game Full HD, còn 4K sẽ yêu cầu tốc độ cao hơn.

Nếu đang gặp khó khăn khi có quá nhiều game nhưng ổ cứng sắp hết, bạn có thể chọn giải pháp đơn giản là mua ổ cứng rời gắn ngoài rồi chép dữ liệu game qua chúng là xong. PS4 hay Xbox One cũng hỗ trợ ổ cứng ngoài để lưu game, hoặc bạn tự thay ổ cứng trong nếu có thể (và sẽ bị từ chối bảo hành nếu hư hỏng).

Phúc Thịnh

Chủ đề khác