VnReview
Hà Nội

iFixit: Sửa chữa MacBook Air Retina 2018 dễ hơn nhiều so với Microsoft Surface Pro 6

Màn "mổ bụng" mới đây của các chuyên gia iFixit đã chỉ ra rằng, MacBook Air Retina 2018 còn dễ sửa chữa hơn rất nhiều so với Microsoft Surface Pro 6 ra mắt mới đây.

Lý do rất đơn giản. MacBook Air Retina mới dễ mở, dễ tháo và linh kiện đa số được gắn lên bo mạch chủ. Máy cũng có nhiều bộ phận cấu tạo theo dạng mô-đun nên dễ dàng thay thế. Đặc biệt theo iFixit, các bộ phận như quạt, cổng kết nối và loa đều rất dễ tiếp cận.

Ngược lại Surface Pro 6 rất khó để mở khung máy và tháo màn hình. Các chuyên gia iFixit cho biết, Microsoft đã sử dụng một lớp keo vô cùng chắc chắn để hàn chặt các chi tiết ráp nối. Điều này khiến việc thay thế màn hình trong trường hợp rơi vỡ sẽ vô cùng khổ sở nếu không muốn nói là không thể. Tương tự cả với pin. Bộ phận pin trên Surface Pro 6 được gắn vào vỏ máy và đầu nối của nó gắn trực tiếp dưới bo mạch chủ. Như vậy nếu muốn thay pin, bạn sẽ phải tháo rời toàn bộ cả máy.

Về phần MacBook Air Retina mới, bạn có thể yên tâm hơn vì pin được cố định bằng ốc vít và một chút keo dính. Do đó các nhân viên Apple Genius Bar hoặc các đối tác ủy quyền hoàn toàn có thể tháo rời và thay thế pin cho bạn dễ dàng.

Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm trên, MacBook Air Retina 2018 vẫn gặp một số hạn chế khi sửa chữa. Đó là bàn phím được gắn trực tiếp vào lớp vỏ máy và trackpad dùng chung cáp với bàn phím. Điều đó có nghĩa bạn sẽ phải tháo rời cả máy chỉ để sửa chữa bàn phím.

Ngoài ra đáng tiếc nhất là bạn sẽ không thể nâng cấp bộ nhớ và RAM vì nó được hàn trực tiếp vào bo mạch chủ. Phải chăng đây là chiêu bài của Apple nhằm khuyến khích người dùng nâng cấp lên những phiên bản có bộ nhớ trong và RAM cao hơn?

Kết quả từ bài "mổ bụng" MacBook Air Retina 2018 không quá ngạc nhiên. Máy đạt điểm 3/10 vì dễ tiếp cận khi sửa chữa nhưng lại khiến người dùng không thể nâng cấp cấu hình. Mặc dù vậy ít ra chiếc máy này của Apple còn dễ sửa chữa hơn Surface Pro 6 của Microsoft với điểm số 1/10 và MacBook Pro 13 inch 2018 kèm Touch Bar với điểm 1/10.

Thậm chí chiếc Surface Laptop 2 của Microsoft còn đạt điểm 0/10, tức là nếu hỏng chỉ có thể vứt đi hoặc đem tái chế và phải mua máy mới.

Màn mổ xẻ MacBook Air Retina 2018:

Chỉ cần tháo vít ở các lỗ sau lưng máy là đã có thể tháo được mặt lưng khá dễ dàng

Bên trong MacBook Air Retina 2018 được sắp xếp khá gọn gàng gồm bo mạch logic nhỏ, một quạt, cặp loa dài lớn, 3 thỏi pin lớn, một bộ tản nhiệt, mặt dưới trackpad Forcce Touch, bản lề và dải ăng-ten

Đầu tiên là tháo bo mạch chủ. Apple sử dụng vít và cáp để giữ bo mạch nên việc tháo cũng khá dễ dàng. Bo mạch trên MacBook Air Retina 2018 nhỏ gọn hơn khá nhiều so với MacBook Pro. Tuy nhiên đáng tiếc là hầu hết linh kiện chính đều bị hàn chết trên bo mạch và bạn không thể nâng cấp được

Đây là mô-đun giắc cắm tai nghe 3.5mm

Bo mạch gồm chip Intel Core i5-8210Y (màu đỏ), chip bảo mật Apple T2 (màu da cam), chip nhớ SSD 128GB SanDisk (màu vàng), bộ điều khiển Thunderbolt 3 (màu xanh lá cây), chip quản lý nguồn (màu xanh dương)

Lật mặt sau của bo mạch chủ sẽ thấy các linh kiện khác gồm: RAM SK Hynix 8GB (màu đỏ), mô-đun Wi-Fi (màu da cam), mô-đun NFC (màu xanh lá cây), bộ điều khiển nguồn Texas Instruments (màu xanh dương đậm)

Cổng Thunderbolt

Phiên bản MacBook Air Retina 2018 sở dĩ phải có thêm quạt vì chip xử lý 7W nâng cấp sản sinh ra nhiều nhiệt hơn

TrackPad của MacBook Air Retina 2018 gắn với bàn phím thông qua một đoạn cáp nằm ở bên dưới bo mạch chủ. Do đó nếu muốn sửa hoặc thay trackpad, bạn sẽ cần tháo bo mạch trước

Để lấy được pin ra khỏi máy cần phải làm lỏng lớp keo gắn bên dưới và tháo các ốc vít

Pin của máy được tách thành ba với công suất 49,9Wh, lớn hơn 45,2Wh của Surface Laptop 2. Tuổi thọ pin của máy là khoảng 10 giờ, tất cả nhờ con chip Y tiết kiệm pin

Khung ăng-ten kim loại, cảm biến Touch ID

Đây là toàn bộ linh kiện bên trong của máy sau khi tháo rời

Video mổ bụng MacBook Air Retina 2018

Tiến Thanh

Chủ đề khác