VnReview
Hà Nội

Cách sử dụng macOS cơ bản dành cho người mới từ Windows chuyển sang

Tuy được thiết kế thân thiện với người dùng song bạn sẽ gặp một chút khó khăn trong lần đầu sử dụng macOS, đặc biệt khi mới từ Windows chuyển sang.

Nếu là người mới, hãy tham khảo những điều cơ bản dưới đây để sử dụng macOS một cách thuận tiện, hiệu quả hơn.

Những khác biệt cơ bản

Điều đầu tiên bạn cần biết là macOS không có Start Menu, thay vào đó là thanh Dock luôn xuất hiện dưới cùng màn hình (theo mặc định). Trên thanh Dock gồm 3 "ngăn" chính, từ trái sang phải là ngăn chứa biểu tượng kích hoạt nhanh ứng dụng, tiếp theo là các ứng dụng mới mở gần đây, cuối cùng là ngăn chứa thùng rác, thư mục đã ghim và cửa sổ ứng dụng thu nhỏ xuống. Ứng dụng đang chạy có thêm dấu chấm bên dưới biểu tượng.

Trên cùng màn hình là menu bar, bên trái chứa các tùy chọn quen thuộc như File, Edit, View,... cho từng ứng dụng còn bên phải là khu vực ngày giờ, tình trạng pin, kết nối mạng,... tương tự Windows System Tray.

Spotlight giúp bạn tìm kiếm mọi thứ

macOS có một công cụ tìm kiếm rất mạnh mẽ đó là Spotlight, được kích hoạt bằng biểu tượng kính lúp trên menu bar hoặc phím tắt Cmd + Dấu cách.

Khi Spotlight xuất hiện, chỉ cần nhập bất cứ thứ gì bạn muốn tìm (ứng dụng, tài liệu, thiết lập hệ thống,...), kết quả sẽ hiện ra ngay phía dưới. Bạn cũng có thể dùng Spotlight để tính toán, chuyển đổi đơn vị đo lường, tiền tệ,...

Có thể mất một chút thời gian để kết quả hiện ra hết

Khi đã tìm được thứ mong muốn, bạn có thể xem địa chỉ của nó trong Finder bằng cách nhấn Cmd khi click vào, hoặc dùng phím tắt Cmd + Enter.

Cách sử dụng chuột và bàn phím

Theo MakeUseOf, phím Command trên macOS có tác dụng tương tự Windows hay Ctrl (trên Windows), ví dụ phím tắt Copy trên Windows là Ctrl + C thì sang macOS là Cmd + C, tương tự với Paste là Cmd + V.

Phím Option có chức năng tương tự Alt, trong khi Delete chính là Backspace. Trong khi nhập văn bản, nhấn Delete để xóa ký tự bên trái dấu nháy, Fn + Delete để xóa ký tự bên phải dấu nháy, còn trong Finder nhấn Cmd + Delete để di chuyển file/folder vào thùng rác (Trash).

Tiếp theo, nếu phím tắt chuyển đổi giữa các cửa sổ trên Windows là Alt + Tab thì trên macOS là Cmd + Tab.

Tương tự Windows thì Mac cũng có menu ngữ cảnh khi nhấp chuột phải, thực hiện bằng cách nhấn chuột phải (khi sử dụng chuột), nhấn 2 ngón tay cùng lúc (với trackpad) hoặc giữ nút Control trên bàn phím + nhấn chuột trái (1 ngón tay).

Nếu sử dụng trackpad trên MacBook hoặc Magic Trackpad, bạn còn có nhiều cử chỉ khác như cuộn trang bằng 2 ngón tay, vuốt 3 ngón từ dưới lên để bật Mission Control (quản lý cửa sổ, desktop), hay thu phóng nội dung bằng 2 ngón tay.

Bạn có thể tùy chỉnh, bật tắt những cử chỉ khi dùng chuột, trackpad trên macOS bằng cách vào System Preferences -> Trackpad.

Nếu đang dùng Magic Trackpad 2 hoặc MacBook có trackpad Force Touch, bạn thậm chí còn có thể ấn mạnh xuống trackpad để thực hiện nhiều tính năng khác (như Look Up, xem trước nội dung link trong Safari, tua nhanh chậm trong QuickTime,...).

Sử dụng Finder

Nếu đang tìm kiếm trình quản lý file tương tự Windows Explorer trên macOS thì đó chính là Finder (biểu tượng mặt cười). Bạn có thể tìm kiếm, gắn tag cho file, quản lý các thư mục trong ổ đĩa, ổ cứng ngoài hoặc duyệt theo tab, tính năng mà đến bây giờ Windows mới đang thử nghiệm.

Như đã nói, thao tác copy và paste trong Finder tương tự như Windows với tổ hợp phím Cmd + CCmd + V, tuy nhiên trong Finder không có thao tác Cut. Để "cut" file hay folder, bạn phải copy nó trước (Cmd + V), sau đó nhấn Cmd + Option + V trong thư mục đích để di chuyển chúng. Để đổi tên file/folder, click vào nó rồi nhấn Return trên bàn phím.

Tương tự Windows Explorer, bạn có thể ghim các thư mục thường xuyên truy cập vào thanh sidebar bên trái bằng thao tác kéo thả, theo mặc định là các thư mục Downloads, Documents, Movies,...

Nếu đang kết nối với ổ lưu trữ ngoài, chúng sẽ xuất hiện ở dưới sidebar (phần Locations) và ngoài desktop. Nếu gặp sự cố với ổ cứng ngoài, rất có thể nó được format dưới dạng NTFS, loại system file mà macOS không hỗ trợ ghi dữ liệu. Để ghi dữ liệu lên ổ cứng NTFS trên Mac, bạn phải dùng các phần mềm bên thứ ba như Paragon NTFS,...

Kích hoạt, đóng và thiết lập ứng dụng

Khởi chạy ứng dụng bằng cách click vào biểu tượng trên Dock, thông qua Launchpad (nhấn F4) hoặc tìm kiếm bằng Spotlight. Chuyển đến thư mục Applications trong Finder để xem danh sách toàn bộ ứng dụng đang cài đặt. Kéo biểu tượng ứng dụng lên Dock để ghim vào hoặc kéo ra (đến khi thấy chữ Remove) để gỡ khỏi Dock.

Trong bất cứ cửa sổ nào bạn đều thấy 3 nút bao gồm đóng (màu đỏ), thu nhỏ (màu vàng) và toàn màn hình (màu xanh lá) ở góc trên bên trái. Riêng nút màu xanh lá, nhấn giữ để kích hoạt Split View (sử dụng song song 2 ứng dụng toàn màn hình cùng lúc).

Khi đóng cửa sổ bằng nút màu đỏ (hoặc phím tắt Cmd + W), đa số ứng dụng không thực sự tắt mà vẫn đang chạy ngầm. Bạn có thể biết ứng dụng nào đang chạy thông qua dấu chấm phía dưới biểu tượng của chúng trên Dock. Để tắt hoàn toàn ứng dụng, dùng phím tắt Cmd + Q (hoặc nhấn chuột phải vào biểu tượng trên Dock -> chọn Quit).

Nếu gặp phải ứng dụng bị treo không tắt được, nhấn chuột phải vào biểu tượng trên thanh dock, giữ nút Option rồi chọn Force Quit để buộc đóng nó.

Bạn cũng có thể xem danh sách tác vụ đang chạy, cái nào tốn tài nguyên nhất thông qua Activity Monitor (tương tự Task Manager trên Windows).

Để truy cập phần cài đặt của ứng dụng đang mở, nhấn vào tên của nó trên menu bar -> chọn Preferences (hoặc phím tắt Cmd + dấu phẩy).

Một vài thủ thuật nâng cao

Cũng giống Windows, macOS có sẵn nhiều ứng dụng cơ bản giúp bạn giải quyết một số vấn đề cấp bách như TextEdit (trình soạn văn bản giống WordPad), Stickies (ghim ghi chú lên desktop giống Sticky Notes,...).

Terminal là một trong số đó với tác dụng giống hệt Command Prompt, nhưng bạn cần tìm hiểu đôi chút về lệnh trong Linux để sử dụng thành thạo Terminal.

Trợ lý ảo Siri cũng là tính năng khá hay. Nếu đã sử dụng iOS thì bạn cũng không còn lạ gì với nó nữa. Nhấn giữ Cmd + Space (hoặc biểu tượng Siri trên menu bar) để kích hoạt và ra lệnh. Bạn có thể yêu cầu Siri bật ứng dụng, tìm kiếm file, đọc thông tin thời tiết và nhiều thứ khác.

Làm sao để tắt máy?

Nhấn vào logo Apple ở góc trên bên trái, bạn sẽ thấy các tùy chọn như Shut down (tắt máy), Sleep (ngủ), Restart (khởi động lại), Lock Screen (khóa màn hình) hay Log Out (đăng xuất khỏi tài khoản).

Hy vọng các bạn sẽ có những trải nghiệm thú vị với chiếc máy Mac của mình nhé!

Phúc Thịnh

Chủ đề khác