VnReview
Hà Nội

Có Windows 10, hệ điều hành Windows vẫn "phân mảnh" nặng nề!

Với Windows 10, Microsoft kì vọng sẽ thuyết phục được tất cả người dùng hệ diều hành Windows nâng cấp và sử dụng thống nhất một nền tảng duy nhất.

Tuy nhiên, mọi thứ có vẻ không diễn ra theo đúng kì vọng của hãng. Mới chỉ có 6,6% máy tính chạy Windows 10 đang sử dụng bản cập nhật October 2018 (tháng 10-2018) mới nhất, ba tháng kể từ khi nó được phát hành rộng rãi.

Các con số gây thất vọng

Những số liệu này đến từ AdDuplex, một công ty chuyên theo dõi thị phần của các bản cập nhật Windows và được trang tin Bleeping Computer phát hiện và đăng tải lại. Theo đó, tính đến tháng 12 năm 2018:

  • 6,6% số máy tính Windows 10 đang chạy bản cập nhật October 2018
  • 83,6% số máy tính Windows 10 đang chạy bản cập nhật April 2018
  • 5,7% số máy tính Windows 10 đang chạy bản cập nhật Fall Creators
  • 1,8% số máy tính Windows 10 đang chạy bản cập nhật Creators Update
  • 1,4% số máy tính Windows 10 đang chạy bản cập nhật Anniversary Update
  • 0,5% số máy tính Windows 10 đang chạy bản cập nhật November Update
  • 0,3% số máy tính Windows 10 đang chạy Windows 10 gốc (phiên bản đầu tiên).

Trên lý thuyết, bản cập nhật October 2018 đã được "phát hành rộng rãi", tuy nhiên trên thực tế, Microsoft vẫn chưa hoàn toàn "tự tin" để tung nó cho tất cả người dùng máy tính Windows 10. Vẫn còn một số trường hợp máy tính bị Microsoft "cấm" không cho cập nhật, trong đó có những thiết bị gặp vấn đề với trình điều khiển (driver) màn hình của Intel và các card đồ hoạ AMD Radeon đời cũ.

Ngoài tốc độ phổ cập chậm chạp của bản cập nhật October 2018, số liệu còn cho thấy có tới 9,7% người dùng Windows 10 vẫn đang sử dụng các phiên bản cũ hơn April 2018. Ít ra thì tỉ lệ này vẫn còn khá hơn tình trạng "phân mảnh" của hệ điều hành Android.

Hãy chuẩn bị nâng cấp tiếp sau ba tháng nữa!

Windows 10 nhận được các bản cập nhật lớn 6 tháng một lần. Điều này có nghĩa là bản cập nhật tiếp theo, với tên mã 19H1, sẽ được ra mắt trong khoảng 3 tháng nữa. Vậy mà mới chỉ có một tỉ lệ nhỏ các máy tính Windows đang chạy phiên bản mới nhất của hệ điều hành này.

Vậy điều gì sẽ xảy ra? Liệu Microsoft có tăng tốc cập nhật cho số máy tính Windows 10 còn lại trong khoảng thời gian 3 tháng ít ỏi còn lại hay không? Liệu Microsoft có "bỏ qua" bản cập nhật tháng 10 năm 2018 với nhiều vấn đề và lỗi phát sinh, để nâng cấp tất cả người dùng trực tiếp lên 19H1? Ngay cả khi họ làm điều đó, điều gì có thể đảm bảo những lỗi tương tự không lặp lại?

Có lẽ Microsoft nên thừa nhận rằng tiến trình phát triển Windows hiện tại không phù hợp và việc ra mắt một bản cập nhật lớn sáu tháng một lần là một ý tưởng hơi gấp gáp. Chẳng có công ty công nghệ nào khác làm như vậy - ngay cả Google với hệ điều hành Android hay Apple với iOS hoặc macOS, tất cả các hệ điều hành này chỉ được cập nhật một năm một lần (với các bản cập nhật lớn).

Đúng, đây thực sự là vấn đề của Microsoft!

Microsoft muốn tất cả người dùng Windows sử dụng cùng một nền tảng hệ điều hành duy nhất để khiến công việc của họ cũng như các nhà phát triển trở nên đơn giản hơn, nhưng cách họ hiện thực hoá ý tưởng đó thậm chí còn khiến mọi việc rắc rối hơn. Nếu bạn cần hướng dẫn hay hỗ trợ một khách hàng nào đó gặp vấn đề với máy tính, bạn không những phải hỏi phiên bản Windows họ đang sử dụng, mà còn phải tìm hiểu xem họ đang sử dụng bản cập nhật Windows 10 nào.

Các nhà phát triển phần mềm cho Windows 10 lại càng không thể ngồi yên chờ đợi tất cả khách hàng của họ nâng cấp lên bản cập nhật Windows 10 mới nhất. Bản cập nhật tháng 10 năm 2018 hỗ trợ tính năng "dò tia" (ray tracing) trong thời gian thực với một số sản phẩm card đồ hoạ đến từ NVIDIA, nhưng bản thân NVIDIA và các nhà phát triển game không thể chờ đợi người dùng nâng cấp hết lên October 2018 rồi mới triển khai tính năng này. Người dùng sẽ phải tự mình tìm cách cài đặt bản cập nhật mới nhất, ngay cả khi Microsoft chưa khắc phục hết lỗi.

Và đây mới là điều đáng buồn nhất: Tình trạng phân mảnh không phải là vấn đề lớn bởi đa số các công ty phần mềm đâu có khai thác hết các tính năng mới của Windows 10 được Microsoft bổ sung qua các bản cập nhật! Thay vì đưa ứng dụng lên kho và phát triển phần mềm dựa trên nền tảng UWP mới, đa số nhà phát triển phần mềm vẫn đi theo mô hình đóng gói phần mềm truyền thống, tương thích với các phiên bản Windows cũ hơn như Windows 7. Nói cách khác, tình trạng phân mảnh của Windows không đáng lo ngại bởi người ta chẳng quan tâm đến các tính năng mới của Microsoft!

Thật vậy, những tính năng hấp dẫn như Timeline đâu có đuợc các nhà phát triển phần mềm quan tâm khai thác và đưa vào sản phẩm của họ; do đó, việc nó chỉ xuất hiện trong phiên bản Windows 10 mới nhất cũng chẳng tạo ra được động lực nào khiến người dùng nâng cấp.

Thậm chí, ngay chính các lập trình viên của Microsoft cũng đâu có tạo ra những ứng dụng có khả năng khai thác những tính năng mới của Windows 10 như "shared experiences". Vậy thì việc liên tục ra mắt các bản cập nhật lớn chỉ để tung ra những tính năng không ai sử dụng là để làm gì?

Quy trình nâng cấp và cập nhật vội vã của Windows 10 chỉ khiến cho nó trở thành một nền tảng không thống nhất. Nếu như Microsoft phát hành một cách "chậm rãi" chỉ một bản cập nhật lớn, ổn định mỗi năm và không chứa đầy những tính năng chẳng mấy người dùng quan tâm (như My People), Windows 10 sẽ trở thành một nền tảng ổn định hơn và các nhà phát triển có thể tin tưởng rằng đa số người dùng mục tiêu của họ đang sử dụng phiên bản phần mềm mới nhất.

"October 2018" (bản cập nhật tháng 10 năm 2018) không xuất hiện ở bất cứ nơi đâu trên giao diện của hệ điều hành này, mà chỉ thấy số hiệu phiên bản như "1809" (ảnh trên), khiến cho người dùng bối rối và khó hiểu.

Các ứng dụng Windows 10 không tương thích ngược với Windows 7

Ngay cả trong trường hợp tất cả người dùng Windows 10 đều sử dụng một phiên bản thống nhất, tình trạng "phân mảnh" trong hệ sinh thái Windows vẫn có thể xảy ra bởi các ứng dụng UWP (vốn chỉ có thể được tải về từ kho Windows Store) sẽ chỉ có khả năng hoạt động trên Windows 10. Nếu nhà phát triển phần mềm chọn đi theo cách của Microsoft, họ sẽ phải tạo ra hai phiên bản của cùng một ứng dụng: một cho Windows 10 và một cho Windows 7.

Vậy nên sẽ chẳng có gì là ngạc nhiên nếu các công ty phần mềm không đi theo cách làm của Microsoft và vẫn duy trì mô hình đóng gói và phát hành phần mềm dạng desktop truyền thống của Windows 7, vì tính tương thích cao của nó.

Tệ hơn, nền tảng lập trình ứng dụng UWP của Windows 10 thậm chí còn không tương thích với Windows 8! Có vẻ như Microsoft đang tìm cách "làm khó" các nhà phát triển hết mức có thể.

Lưu ý rằng thuật ngữ "phân mảnh" được sử dụng trong bài viết này được dùng với nghĩa trừu tượng và khác với tình trạng "phân mảnh đĩa" làm chậm khả năng truy cập tập tin của ổ cứng. "Phân mảnh" ở đây chỉ thực trạng đang có ngày càng nhiều phiên bản khác nhau của hệ điều hành Windows được tung ra và sử dụng, khiến cho việc thống nhất và hỗ trợ chúng trở nên khó khăn và phức tạp.

Với các hệ thống Windows hiện đại ngày nay, bạn không cần thực hiện chống phân mảnh đĩa. Hệ điều hành sẽ tự động làm điều đó nếu bạn có một ổ cứng xoay vật lý cần phải chống phân mảnh.

An Huy

Chủ đề khác