VnReview
Hà Nội

Đừng hạ cấp từ Windows 10 xuống Windows 8.1

Đối với nhiều người, Windows 10 đôi khi thực sự là một mớ hỗn độn. Từ các bản cập nhật khắc phục lỗi, đối xử với người dùng như là những người tester các bản beta cho đến việc thêm những tính năng ngăn chặn những suy nghĩ hạ cấp. Dù vậy, bạn cũng không nên quay lại Windows 8.1.

How To Geek đã thử cài lại Windows 8.1 và trải nghiệm trong vài giờ. Và đây là lời khuyên của họ dành cho chúng ta.

Start Menu tệ hại

Windows 8.1 không có một Start Menu thực sự và Microsoft đã thay nó bằng Start Screen. Windows 8.0 là phiên bản đầu tiên Microsoft đưa Start Screen lên hệ điều hành của mình nhằm mục đích mở ra một kỉ nguyên mới cho những chiếc máy tính Windows. Thế nhưng, nó hoạt động không hề tốt, khiến Microsoft cũng phải "bó tay". Đến phiên bản Windows 8.1, Microsoft lại mang nút Start đến, thế nhưng, nó chỉ có tác dụng đưa vào màn hình Start Screen.

Tất nhiên, bạn có thể cài một chương trình thay thế như Classic Shell hay Start Menu 8, nhưng nó vẫn tồn tại nhiều vấn đề. Classic Shell đã bị ngừng phát triển, vì thế sẽ tiềm tàng những lỗ hổng nguy hiểm. Còn các chương trình khác như Start Menu 8 lại yêu cầu trả phí hay thêm nhiều add-on không cần thiết. Bức ảnh này sẽ cho bạn thấy thiết lập mặc định của Start Menu 8:

Bạn sẽ thấy 4 phần mềm nằm trên đầu, nếu bạn bấm vào một dòng nào bất kì, nó sẽ cài phần mềm đó ngay lập tức. Và Start Menu 8 cũng chỉ có dùng thử 7 ngày, thế nên, bạn cần chi tiền để sử dụng nó.

Với Windows 10, Microsoft đã mang Start Menu trở lại. Dù nó hơi bừa bộn và có nhiều quảng cáo, nhưng nó đã dần trở nên tốt hơn. Quan trọng hơn, bạn có thể loại bỏ mọi ô mà bạn không thích để nó trông giống với Windows 7 hơn.

Các ứng dụng toàn màn hình không tốt

Một "tính năng đáng quên" nữa trên Windows 8.1 đó chính là các ứng dụng toàn màn hình. Thời bấy giờ, Microsoft muốn theo đuổi thị trường di động, thế nên, cùng với một Start Screen mới, họ đã mang thêm các ứng dụng toàn màn hình được thiết kế dành cho tablet và bạn không thể tắt tính năng này. Tính năng này luôn áp dụng ngay cả các ứng dụng không cần thiết, ví dụ như Máy tính.

Thay vì sử dụng chế độ xem desktop riêng biệt, các ứng dụng được phóng to tối đa, chiếm toàn bộ màn hình. Bạn phải sử dụng cử chỉ chạm hoặc chuột để có kiểu nhìn side-by-side và thậm chí bạn chẳng có tính linh hoạt như các chương trình desktop.

Microsoft đã cố gắng thực hiện các hướng dẫn trên Windows 8.1, tuy nhiên, điều đó lại không giải quyết được những vấn đề tiềm ẩn bên trong giao diện người dùng (UI) thiếu trực quan này. Điều tốt nhất mà họ đã làm là tối ưu chế độ desktop trên Windows 8.1, nhưng nó vẫn không hoàn hảo. Gã khổng lồ phần mềm cuối cùng cũng giải quyết vấn đề này trong Windows bằng cách loại bỏ Start Screen tối ưu lại deskstop.

Và dù có một số ứng dụng giúp bỏ qua tính năng này trên Windows 8, giống như các ứng dụng Start Screen, thế nhưng, chúng lại là những ứng dụng thu phí, đi kèm với những phần mềm bổ sung không cần thiết.

Không còn được bảo mật

Windows 10 an toàn hơn nhiều so với bất kì phiên bản Windows nào xuất hiện trước đó. Mặc dù vẫn có những phàn nàn về các tính năng không cần thiết mà Microsoft thêm vào, thế nhưng, bảo mật lại được ưu tiên hàng đầu.

Windows 10 đi kèm với các tính năng như Block Suspicious Behavior (Chặn hành vi đáng ngờ), Core Isolation and Memory Integrity Security (Cách ly lõi và bảo mật toàn bộ bộ nhớ), Công nghệ Container và Controlled Folder Access (Kiểm soát khả năng truy cập thư mục). Ngoài ra, công cụ bảo vệ Windows Defender cũng là một add-on bổ sung hiệu quả thay thế cho EMET đã bị Microsoft ngừng phát triển. Các tính năng bên trong công cụ này giúp cách ly hệ điều hành và khiến nó khó để chiểm quyền điều khiển điều khiển hơn. Windows 8.1 an toàn hơn Windows 7, nhưng mọi tính năng bảo mật của Microsoft (từ SmartScreen cho đến Secure Boot) đều có trong Windows 10.

Sắp bị ngừng hỗ trợ

Windows 7 sắp bị ngừng hỗ trợ, và sau đó, đến tháng 01/2023, Windows 8.1 cũng sẽ không còn nhận được các bản cập nhật quan trọng. Tất nhiên, nó không xảy ra vào ngay ngày mai, nhưng thời điểm đến cột mốc này cũng không còn xa nữa. Và giống như Windows 7, phiên bản này cũng đã ngừng hỗ trợ chính thức.

Ngay cả với Windows 10, Microsoft cũng ưu tiên tập trung vào phiên bản mới nhất. Dĩ nhiên, bất kì công ty phần mềm nào cũng thực hiện điều này. Đến khi ngừng hỗ trợ dịch vụ (End of Service), Microsoft sẽ không vá bất kì lỗ hổng nào hay phát hành bất cứ bản cập nhật nào để ngăn chặn virus lây nhiễm vào hệ thống.

Thông thường, khi đến lúc End of Service, các chương trình khác cũng ngừng hỗ trợ cho các phiên bản Windows đó. Vì thế, các lỗ hổng vẫn sẽ tồn tại trong hệ điều hành và cả phần mềm bạn đã cài đặt.

Nhưng có phải các bản cập nhật Windows 10 Updates có quá nhiều lỗi?

Đúng là các bản cập nhật Windows 10 thường hay có vấn đề, tuy nhiên, vẫn có một số cách để giảm thiểu nó. Đầu tiên và quan trọng nhất, nếu bạn muốn một sự ổn định, đừng tham gia chương trình Insider. Các bản Insider previews thường ít ổn định nhất.

Nếu có thể, hãy nâng cấp lên Windows 10 Pro, cho phép bạn hoãn cập nhật. Một tin tốt là, thậm chí nếu bạn không sử dụng Windows 10 Pro, Microsoft sẽ sớm cho người dùng Windows 10 Home tạm dừng cập nhật trong vòng 7 ngày – một khoảng thời gian đủ dài để giải quyết các vấn đề quan trọng.

Gần đây, Microsoft đã phát hành các bản cập nhật tồi tệ cho những phiên bản Windows cũ, thế nên, việc quay trở lại là không an toàn. Cuối cùng, được cập nhật thường xuyên, kể cả khi xuất hiện những rủi ro, vẫn tốt hơn là không có bản cập nhật nào.

Windows 8.1 không hỗ trợ các vi xử lý đời mới

Nếu bạn đang sử dụng một chiếc PC sử dụng CPU Intel thế hệ thứ 7 trở lên hoặc bộ xử lý Ryzen mới của AMD, thì Windows 8 (hay 7) sẽ không hỗ trợ chúng và sẽ hiện thông báo "Unsupported Hardware". Microsoft đã đưa ra một chính sách vào năm 2016 xác nhận rằng các bộ vi xử lý mới sẽ bị giới hạn hỗ trợ trên những phiên bản hệ điều hành cũ.

Nếu Windows phát hiện cỗ máy của bạn sử dụng phần cứng mới, nó sẽ ngăn chặn ngay các bản cập nhật. Windows 8.1 và Windows 7 đã xuất hiện trước các bộ xử lý này, vì vậy, chúng ta cần phải cài đặt lại một hệ điều hành mới hơn để phù hợp với các thay đổi phần cứng.

Microsoft vẫn có thể làm chúng thương thích, nhưng thẳng thắn mà nói, họ không muốn dành quá nhiều thời gian vào những phiên bản cũ kĩ, đặc biệt là quá trình thử nghiệm mất khá nhiều công sức. Có thể bạn không cần đến cập nhật, nhưng chạy Windows 8.1 trên phần cứng mới cũng đồng nghĩa rằng bạn sẽ không được hỗ trợ đến năm 2023.

Bản quyền Windows 8.1 quá đắt hoặc rủi ro

Dù bạn có hạ cấp xuống Windows 8.1, bạn vẫn phải cần đến một key kích hoạt bản quyền. Microsoft không còn bán các key Windows 8.1, thế nên, việc mua một key bản quyền sẽ trở nên khó khăn hơn. Bạn có thể "tiền mất tật mang" khi mua các key giá rẻ, nhưng nếu không có key bản quyền, cỗ máy bạn sẽ không được kích hoạt chính thức. Trong khi đó, nếu bạn có một key Windows 8.1, bạn vẫn có thể sử dụng nó để kích hoạt Windows 10. Thế nên, bạn sẽ không phải tốn chi phí khi nâng cấp từ Windows 8.1 lên Windows 10.

Hãy sử dụng Windows 10

Windows 8.1 là một mớ hỗn độn khổng lồ. Đó là lý do mà Microsoft từ bỏ nó và bắt đầu lại từ đầu. Windows 8.1 thực sự rất tồi tệ và mọi vấn đề sẽ được giải quyết trên Windows 10. Bên cạnh đó, phiên bản Windows mới nhất này cũng có tính bảo mật tốt hơn, hiệu năng tốt hơn và được hỗ trợ lâu dài hơn.

Minh Hùng

Chủ đề khác