VnReview
Hà Nội

Lỗi khi cập nhật Windows 10: Vì sao "cuộc chiến" của Microsoft vẫn chưa thể kết thúc?

Microsoft đang tìm cách "cải tổ" lại phương thức công ty phân phối các bản cập nhật hệ điều hành Windows 10 tới người dùng. Nhưng sự đa dạng "không giới hạn" của các dòng máy tính cá nhân đã khiến cho "cuộc chiến" của Microsoft chưa thể đi đến hồi kết.

Bản update Windows 10 tháng Năm có thể cho người dùng kiểm soát các cập nhật

Bản cập nhật Windows 10 mới nhất xuất hiệu nhiều lỗi ảnh hưởng đến hiệu năng chơi game và chuột

Bản cập nhật Windows 10 (1809) gặp lỗi nghiêm trọng, Microsoft chính thức tạm dừng phát hành

Những thay đổi mới nhất trong cách Microsoft quản lý và phân phối các bản cập nhật Windows 10 chắc chắn chưa phải là những nỗ lực cuối cùng của hãng trong việc cải tiến quy trình cập nhật hệ điều hành, để đảm bảo các máy tính đều được sử dụng phần mềm mới nhất từ Microsoft.

Microsoft phải thay đổi vì quy trình cập nhật trước đó của hãng đã gặp phải khá nhiều trục trặc trong thời gian gần đây. Ý tưởng cốt lõi là những bản cập nhật này sẽ bổ sung các tính năng mới định kì cho hệ điều hành của Microsoft. Khác với những bản cập nhật lớn từ phiên bản Windows này lên phiên bản Windows khác (chẳng hạn như Windows 7 lên Windows 8), động thái của công ty xứ Redmond được gọi là "Windows như một dịch vụ" sẽ cho phép hãng bổ sung các tính năng mới cho hệ điều hành mà không đem lại sự xáo trộn quá lớn đối với người dùng máy tính hay bộ phận IT của các công ty, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề phức tạp hơn rất nhiều. Mặc dù Microsoft đã liên tục có những cải tiến với quy trình cập nhật phần mềm trong vài năm qua, nhưng những chỉ trích vẫn không ngừng "gõ cửa" nhà Microsoft. Một số người dùng chỉ trích chất lượng và cả… số lượng của các bản cập nhật; đáng chú ý nhất là hồi cuối năm ngoái, khi Microsoft buộc phải rút lại bản cập nhật Windows 10 tháng 10 năm 2018 (phiên bản 1809) do một lỗi làm mất dữ liệu của người dùng. Phải mất 8 tuần, Microsoft mới có thể cung cấp bản cập nhật trở lại.

Trong một bài blog đăng tải hồi cuối tuần qua, Phó Chủ tịch Microsoft phụ trách mảng Windows, ông Mike Fortin thừa nhận quy trình cập nhật Windows có thể làm "gián đoạn" công việc của người dùng và hứa sẽ đưa ra một số thay đổi với quy trình phân phối các bản cập nhật.

Các thay đổi này bao gồm việc cung cấp cho người dùng quyền quyết định thời điểm cài đặt bản cập nhật, chẳng hạn như cho phép họ hoãn cài đặt bản cập nhật trong tối đa 35 ngày. Microsoft cho biết công ty cũng sẽ tăng cường quy trình thử nghiệm các bản cập nhật và sử dụng công nghệ máy học để phát hiện những lỗi tiềm tàng. Công ty cũng sẽ ra mắt một công cụ mà họ gọi là bảng thông báo "sức khoẻ" các bản cập nhật Windows để mang đến cho người dùng nhiều thông tin hơn về các bản cập nhật đã và sẽ được phát hành, cả những lỗi chưa và đã được vá của các bản cập nhật hàng tháng lẫn các bản cập nhật tính năng lớn 2 lần một năm.

Steve Kleynhans, Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu của công ty phân tích công nghệ Gartner, cho biết mục tiêu của Microsoft là tích hợp các tính năng mới và tăng cường sự bảo mật cho hệ điều hành Windows 10 theo cách nhẹ nhàng và ít gián đoạn nhất có thể.

"Sự thật là đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, đặc biệt là với hệ điều hành chứa quá nhiều tính năng mà không phải người dùng nào cũng thực sự cần như Windows," ông cho biết. Microsoft sẽ tiếp tục cải tiến và điều chỉnh cách thức các bản cập nhật được tiến hành, các công cụ được sử dụng và các nguyên tắc đối với các bản cập nhật.

"Microsoft sẽ liên tục cải tiến cho đến khi họ tìm được sự cân bằng phù hợp, ngay cả khi sự cân bằng ấy có thể thay đổi theo thời gian," ông cho biết.

Kleynhans nói rằng trong một số trường hợp, Microsoft đã đánh giá thấp những khó khăn và những vấn đề có thể xảy ra khi các bản cập nhật được chuyển đến hàng triệu máy tính cá nhân, và cũng đánh giá quá cao công hiệu của chương trình thử nghiệm (insider), gồm mạng lưới những người dùng thử để phát hiện lỗi trước khi phát hành bản cập nhật rộng rãi tới người dùng.

"Tôi nghĩ sự thật nằm ở chỗ các máy tính chạy Windows 10 đa dạng đến mức "không giới hạn", quá phức tạp, với vô số những biến thể; và bất kể bạn có cho thử nghiệm bao nhiêu lần đi chăng nữa, thì chắc chắn vẫn sẽ có lúc bạn gặp phải những vấn đề mà bạn chưa bao giờ gặp phải, và tôi cho rằng đó là thực sự là điểm đã khiến Microsoft loay hoay trong suốt thời gian qua".

Với hơn 800 triệu máy tính cá nhân đang chạy Windows 10 trên toàn cầu, với đủ mọi hình dạng, kích thước và tuổi thọ, từ vô số nhà sản xuất khác nhau, cực kì khó để có thể tính đến từng biến thể một.

"Ở thời điểm hiện tại Windows đang ở trong tình trạng hỗn loạn trên một khía cạnh nào đó, và đây cũng là vấn đề Microsoft đang phải đối mặt. Sự hỗn loạn không thể tưởng tượng nổi mà công ty phải giải quyết mỗi khi họ định phát hành một phần mềm gì đó," ông kết luận.

"Android và iOS được thiết kế ngay từ đầu để có thể quản lý theo cách này, chúng không có mức độ phức tạp giống như trong thế giới của máy tính cá nhân. Các máy tính Windows thường chứa một lượng "rác" khổng lồ (các tính năng mà không phải người dùng nào cũng cần hoặc sử dụng tới), và chính những thứ "rác" đó là nguyên nhân của mọi vấn đề."

Ngoài ra, còn có một sự mâu thuẫn "tay ba" giữa người dùng – những người luôn muốn được trải nghiệm những tính năng mới trong thời gian sớm nhất có thể, Microsoft – hãng sản xuất phần mềm luôn muốn tung ra những phần mềm mới, và các nhà quản trị công nghệ thông tin (IT) của các công ty, tổ chức, doanh nghiệp – những người đang hàng ngày, hàng giờ phải vật lộn để triển khai các bản cập nhật đang tới với tần suất ngày càng dồn dập hơn với những chiếc máy tính thuộc quản lý của họ.

"Bộ phận IT phải đáp ứng những đòi hỏi của người dùng, và điều đó có nghĩa rằng họ phải làm quen với tần suất cập nhật dồn dập hơn của tất cả các nhà sản xuất phần mềm, chứ không riêng gì Microsoft và hệ điều hành Windows," Kleynhans lý giải.

Bộ phận IT sẽ không cần phải kiểm soát quá chặt chẽ mọi khía cạnh của các bản cập nhật phần mềm nữa. Trong quá khứ, họ sẽ thử nghiệm các bản vá bảo mật một cách cẩn thận trước khi triển khai trên toàn bộ các máy tính trong tổ chức, công ty; nhưng giờ đây, với tần suất tung ra các bản cập nhật phần mềm ngày càng dày đặc của các nhà sản xuất, các chuyên gia IT buộc phải "tin tưởng" hơn vào chất lượng của các bản cập nhật đó (đơn giản là vì họ không có thời gian để thử nghiệm mọi thứ!)

Điều tương tự cũng xảy ra với các bản cập nhật tính năng lớn của hệ điều hành Windows. Ông cho biết: bộ phận IT cần phải thu hẹp quy mô thử nghiệm lại, chỉ chọn lọc thử nghiệm những gì mà họ cho là thực sự cần thiết và tối quan trọng, thử nghiệm trên quy mô người dùng nhỏ hơn để nắm được những lỗi phổ biến nhất, tìm đến các nguồn tin báo cáo lỗi khác để tham khảo và xử lý, và cuối cùng – chấp nhận sự thật rằng chúng ta đang ở trong một thế giới vận hành với tốc độ nhanh hơn nhiều so với trước kia!

Windows 10 đã cho thấy một điều rằng Microsoft có thể học hỏi từ những sai lầm của mình. "Công ty đang đi đúng hướng và mọi thứ sẽ ngày càng suôn sẻ hơn với mỗi bản cập nhật được tung ra. Tôi không tin rằng họ đã hay sẽ có bao giờ khắc phục được hết toàn bộ các vấn đề hay không. Mọi thứ luôn thay đổi mà, nhưng ít nhất, chúng ta hãy tin vào điều tốt đẹp nhất," Kleynhans kết luận.

Quang Huy theo ZDNet

Chủ đề khác