VnReview
Hà Nội

Apple chỉ cải tiến hai chi tiết nhỏ trên bàn phím MacBook Pro 2019 song được đánh giá là “khéo léo”

Chuyên trang "mổ bụng" các sản phẩm công nghệ iFixit mới đây đã "mổ xẻ" chiếc máy tính MacBook Pro 2019 mới của Apple để tìm hiểu xem Táo Khuyết đã thay đổi những gì để giúp bàn phím của mẫu laptop này ít gặp lỗi hơn.

Apple lại sửa thiết kế bàn phím 'cánh bướm' MacBook Pro, mở rộng chương trình sửa chữa miễn phí

Và kết luận của các chuyên gia iFixit là: chỉ có 2 hai cải tiến nhỏ và không có sự thay đổi mang tính căn bản nào về thiết kế và cấu trúc của bàn phím của dòng MacBook.

Hồi đầu tuần, Apple đã công bố với người dùng và giới truyền thông rằng hãng đã quyết định sẽ làm mới thiết kế bàn phím của dòng máy tính MacBook Pro bằng một loại "vật liệu" mới, qua đó góp phần giảm thiểu đáng kể lỗi kẹt phím vốn bị người dùng trên khắp thế giới than phiền kể từ khi công ty giới thiệu thiết kế bàn phím "cánh bướm" hồi năm 2016.

Tuy nhiên, câu hỏi được nhiều người đặt ra là loại "vật liệu" mới mà Apple nhắc đến ở đây là gì và liệu nó có thực sự khắc phục được vấn đề đã xảy ra bấy lâu nay với bàn phím MacBook hay không.

Theo iFixit, Apple thực hiện hai thay đổi đối với bàn phím MacBook thế hệ mới. Công ty đã sử dụng một loại vật liệu mới để làm màng bao phủ switch và switch vòm, hai chi tiết nằm bên dưới phím, giúp chúng hoạt động bền bỉ hơn. Và mặc dù vẫn còn quá sớm để đưa ra nhận định liệu những thay đổi trên có thể giúp cải thiện độ ổn định và tin cậy của hệ bàn phím hay không, nhưng có thể thấy Apple chỉ cải tiến một chút về thiết kế chứ không có sự thay đổi "căn bản" nào.

Màn "mổ bụng" của iFixit là việc làm cần thiết để xác định những thay đổi nằm bên trong thiết kế của Apple, bởi công ty từ chối giải thích cụ thể mà chỉ nói với các phóng viên rằng họ đã sử dụng "một loại vật liệu mới". Theo iFixit, phân tích cho thấy những thay đổi được Apple tạo ra nhỏ đến mức phải sử dụng các thiết bị chuyên dụng để xác định sự khác biệt so với các dòng sản phẩm trước.

Phát hiện đầu tiên của iFixit là Apple đã sử dụng một loại vật liệu mới để tạo nên một thành phần trong bên trong các phím. Họ sử dụng một lớp polymer mới để phủ lên switch của các phím; tuy nhiên, nếu như trước đây lớp phủ đó được làm bằng các vật liệu polymer phức tạp, thì nay Apple chỉ sử dụng một loại vật liệu đơn giản đã được sử dụng rộng rãi từ lâu, đó là nylon. Lần thay đổi gần nhất vào năm ngoái, Apple bắt đầu sử dụng lớp phủ bằng silicon, được công ty lý giải là nhằm giúp giảm tiếng ồn. Tuy nhiên, các bằng sáng chế và các tài liệu sửa chữa của hãng lại cho biết mục đích chính của lớp silicon là để bảo vệ bàn phím khỏi bụi bẩn. Vật liệu nylon mới sẽ không thay thế hoàn toàn silicon, mà chỉ là một lớp polymer thứ hai nằm bên dưới lớp silicon cũ.

Theo iFixit, loại vật liệu mới này đem lại cảm giác "dễ dùng hơn và thao tác chạm mượt mà hơn". Dù vậy tác dụng thực sự của nó mới là điều mà người dùng quan tâm. Liệu nó có thực sự giúp bụi ít bị kẹt dưới các phím hơn hay không? Ở thời điểm này, có lẽ các kĩ sư Apple mới hiểu.

Thay đổi thứ hai thậm chí còn bí ẩn hơn. Bên trong bàn phím cánh bướm của Apple, có một switch vòm bằng kim loại nằm bên dưới mỗi phím. Đây chính là linh kiện tạo ra tiếp xúc điện khi người dùng nhấn phím, để xác nhận phím vừa được gõ. Apple có vẻ như cũng đã có sự thay đổi nhỏ với các switch này trên bàn phím mới.

iFixit cho biết "Sự khác biệt trong cách thức hoàn thiện bề mặt của phiên bản bàn phím năm 2018 (trái) và năm 2019 (phải) cho thấy Apple có thể đã sử dụng một giải pháp tản nhiệt cải tiến, hoặc một loại hợp kim khác, hoặc cả hai." Tuy nhiên, để có thể phân tích đầy đủ sự khác biệt giữa hai phiên bản đòi hỏi nhiều trang thiết bị phức tạp mà iFixit không có.

Tuy nhiên, điều rõ ràng là những switch kim loại này là mấu chốt (mặc dù có thể không phải tất cả) của những lỗi bàn phím mà người dùng gặp phải trong một vài năm qua. Chúng có kích thuớc quá nhỏ và mỏng manh, bị nén xuống và nảy lên mỗi lần người dùng nhấn phím "như nắp hộp mứt trong tủ bếp vậy". Do đó, không khó để tưởng tượng linh kiện này có thể bị biến dạng như thế nào dưới đủ loại tác động lực từ người dùng mỗi ngày.

Do đó, các kĩ sư Apple chắc chắn sẽ phải tìm cách để làm cho linh kiện này trở nên càng bền càng tốt – nhưng điều đó cũng đồng nghĩa rằng sẽ luôn có một giới hạn nhất định bởi kích thước và tính chất của vật liệu làm nên linh kiện này.

Bàn phím cánh bướm của Apple đã trải qua một vài lần cải tiến kể từ khi chúng được giới thiệu lần đầu tiên trên các mẫu MacBook ra mắt vào cuối năm 2015, nhưng vẫn không giải quyết được gốc rễ của các vấn đề về độ ổn định và tin cậy. Thế hệ thứ hai của mẫu bàn phím này được tích hợp với dòng MacBook Pro đời 2016. Đến năm 2017, bàn phím này tiếp tục được cập nhật để giúp giảm tiếng ồn gây ra khi gõ phím. Tuy nhiên, vấn đề vẫn tiếp diễn, và Apple đã trang bị cho mẫu máy MacBook Pro năm 2018 một chiếc bàn phím thế hệ thứ ba với lớp màng bằng silicon. Đến thời điểm hiện tại của năm 2019, chiếc bàn phím thế hệ thứ ba tiếp tục được nâng cấp với phần nắp switch được cải tiến, cùng với việc thay đổi vật liệu làm switch phím.

Tất cả các mẫu bàn phím MacBook Pro được bán ra trong bốn năm qua, cùng với các mẫu máy đời 2019 mới nhất, đều đủ điều kiện tham gia chương trình sửa chữa mới của Apple. Công ty cũng cam kết rút ngắn thời gian sửa chữa lỗi này. Bạn có thể lựa chọn có mang thiết bị của mình tới sửa tại các cửa hàng Apple Store và các trung tâm bảo hành uỷ quyền.

Hiện vẫn chưa thể biết được liệu thiết kế bàn phím mới của Apple có giúp khắc phục triệt để các vấn đề xảy ra với người dùng khắp nơi trên thế giới trong thời gian vừa qua hay không. Thông qua phần "mổ xẻ" của iFixit, điều duy nhất chúng ta có thể chắc chắn là Apple chỉ thực hiện một số cải tiến nhỏ, chứ không thay đổi căn bản kết cấu của bàn phím. Điều đó có nghĩa rằng mẫu bàn phím mới nếu xảy ra lỗi (dù xác suất có thể thấp hơn nhiều), người dùng vẫn sẽ phải mang máy đi để thực hiện một cuộc sửa chữa can thiệp sâu vào phần cứng.

Và hơn nữa, bàn phím cánh bướm của Apple còn ẩn chứa một lỗi khác lớn hơn nhiều, mà những nỗ lực của Apple khó lòng có thể sửa được: đó là đã có quá nhiều người dùng mất niềm tin vào thiết kế bàn phím này. Về lý thuyết, Apple có thể cải thiện vấn đề về niềm tin của người dùng bằng cách thẳng thắn và thành thực thừa nhận vấn đề, nhưng hãng vẫn chưa làm vậy. Sẽ phải mất thêm nhiều năm để buộc Táo Khuyết chính thức thừa nhận một lỗi nào đó trên sản phẩm của họ.

Do vậy, về vấn đề niềm tin của người dùng đối với các mẫu bàn phím cánh bướm của Apple, một loại vật liệu mới vẫn chưa thể đem đến một sự thay đổi căn bản về chất.

An Huy

Chủ đề khác