VnReview
Hà Nội

Những điều cần biết về MacBook Pro 13-inch mới: Nhiều nâng cấp đáng giá ẩn sau mác “giá rẻ” (phần 2)

Nối tiếp bài viết trước, hãy cùng phóng viên chuyên trang công nghệ The Verge trải nghiệm mẫu máy tính MacBook Pro 13-inch 2019 "giá rẻ" vừa được Apple trình làng để xem dòng máy này có điểm gì mới đáng chú ý.

Những điều cần biết về MacBook Pro 13-inch mới: Nhiều nâng cấp đáng giá ẩn sau mác "giá rẻ" (phần 1)

Touch Bar, màn hình cảm ứng dạng thanh được Apple tích hợp nhằm thay thế hàng phím chức năng ở phía trên cùng của bàn phím, là một trong những chi tiết gây nhiều tranh cãi kể từ khi được Táo Khuyết trình làng. Nhiều người dùng MacBook Pro có Touch Bar đã phàn nàn về việc không còn các phím vật lý để điều khiển độ sáng màn hình, âm lượng, và quan trọng nhất là phím thoát (Esc). Và mặc dù thiết kế của Touch Bar cho phép cácnhà phát triển có thể linh hoạt trong việc lựa chọn các chức năng ngữ cảnh cho từng phần mềm, tác vụ cụ thể thay vì bị bó buộc hoàn toàn vào các phím cứng, nhưng có vẻ như đa số các lập trình viên vẫn chỉ sử dụng chúng với những chức năng truyền thống như của các phím vật lý thông thường trước đây: điều chỉnh âm lượng loa, độ sáng màn hình và phím escape.

Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của tôi, Touch Bar có hay không cũng không quan trọng lắm. Việc sử dụng Touch Bar trong các công việc hàng ngày không có gì quá khó khăn, và tôi nhận thấy những chức năng được tuỳ biến theo từng phần mềm tỏ ra khá hữu ích (nhất là là khi xem video YouTube bằng trình duyệt Safari). Tuy vậy, tôi cũng không cảm thấy quá tiếc nuối nếu không có thanh công cụ cảm ứng này. Tuy nhiên, nếu không có cảm biến vân tay Touch ID thì sẽ là một thiếu sót lớn, bởi nó cho phép người dùng có thể đăng nhập vào máy tính bằng dấu vân tay một cách vô cùng nhanh chóng và dễ dàng, thay vì phải nhập mật khẩu như trước đây.

Dĩ nhiên, như tôi đã đề cập ở phần trước của bài viết, thứ gây tranh cãi nhất trên các dòng máy tính MacBook mới ở thời điểm hiện tại là bàn phím. Mẫu MacBook Pro "giá mềm" mới này vẫn được tích hợp thiết kế bàn phím cánh bướm có quá nhiều lỗi và hoạt động không ổn định (trên thực tế, bất kỳ mẫu MacBook nào được bán ra ở thời điểm hiện tại đều chứa thiết kế bàn phím khó chịu này), tuy nhiên chúng đã được nâng cấp bằng những loại vật liệu mới và thiết kế chống bụi. Thiết kế mới này mang đến cho người dùng trải nghiệm gõ phím ít tiếng động hơn, nhưng thực tế tác dụng chính của những cải tiến này là nhằm gia tăng độ ổn định cho bàn phím, giảm thiểu tình trạng kẹt phím hoặc "nhấn một lần ra hai chữ" do bụi bám vào bên trong kết cấu phím. Sau một tuần trải nghiệm, thật khó để kết luận Apple đã khắc phục hoàn toàn các nhược điểm của thiết kế bàn phím cũ, tuy nhiên, trong thời gian tôi dùng thử, nó hoạt động khá tốt và không gặp vấn đề gì.

Bên cạnh những vấn đề về độ ổn định, chiếc bàn phím này đem lại cho người sử dụng hai "thái cực": hoặc là cực kỳ ghét nó, hoặc là không hề phải bận tâm! Tôi thuộc nhóm thứ hai – bởi kích thước và khoảng cách giữa các phím khiến tôi cảm thấy rất thoải mái khi di chuyển các ngón tay. Tôi cũng thấy cần phải dành sự ca ngợi cho sự "tĩnh lặng" mà thiết kế bàn phím mới này mang lại khi sử dụng.

Phần bàn chuột cảm ứng (trackpad) thì không có gì thay đổi so với thế hệ trước, và là trackpad tuyệt vời nhất mà bạn có thể tìm thấy trên bất cứ chiếc máy tính xách tay 13-inch nào. Phần trackpad lớn, mượt mà như lụa, và cực kỳ nhạy trước các thao tác lướt và cử chỉ nhiều ngón tay cùng lúc. Apple cũng trang bị hệ thống nhận diện phần lòng bàn tay tốt nhất mà tôi từng trải nghiệm, giúp giảm thiểu tối đa tình trạng con trỏ chuột bị "nhảy" ngoài ý muốn khi đang gõ phím, do người dùng vô tình chạm phần lòng bàn tay vào trackpad.

Về cổng kết nối, chiếc máy được trang bị hai cổng USB-C Thunderbolt 3 ở bên cạnh trái và một jack tai nghe 3,5mm ở bên cạnh phải. Bạn cần phải sử dụng một trong hai cổng đó làm cổng cắm sạc pin cho máy, do vậy khi cắm sạc, máy sẽ chỉ còn một cổng để bạn kết nối với các thiết bị ngoại vi. Và nếu các thiết bị công nghệ của bạn không sử dụng dây cắm chuẩn USB-C, bạn sẽ cần đến các cổng chuyển và adapter để kết nối với chiếc MacBook này. Do đó, trước khi mua máy, bạn nên "dự toán" thêm kinh phí mua một vài cổng chuyển. Nếu so với MacBook Air, số cổng kết nối của chiếc máy này là giống hệt; còn so với các mẫu MacBook Pro cao cấp hơn, thì chiếc máy này có ít hơn 2 cổng kết nối.

Apple có vẻ như đã có một số thay đổi đối với phần loa của mẫu máy tính này – chúng không có chất âm hoàn hảo như trước kia. Tôi không có ý nói chúng dở – trên thực tế, loa của mẫu máy này vẫn vượt xa so với đa số các máy tính Windows khác, tuy nhiên chất âm có phần hơi "loảng xoảng" hơn so với các dòng máy MacBook Pro khác.

Và cuối cùng, mặc dù Apple quảng bá rằng mẫu MacBook Pro này có thể thời lượng pin khoảng 10 tiếng giữa hai lần sạc, nhưng qua trải nghiệm thực tế của tôi, chiếc máy này chỉ hoạt động được khoảng 6,5 giờ. Thời lượng pin như vậy khá thấp so với kỳ vọng – bởi tôi sẽ không thể làm việc được đủ 8 tiếng một ngày – với độ sáng màn hình ở mức 50%, chạy các phần mềm thông dụng gồm trình duyệt web, Slack, trình đọc email, Tweetdeck, Word, Excel, và một số ứng dụng phục vụ công việc phổ biến khác – bằng viên pin này. Đó là điều khiến tôi cảm thấy khá thất vọng. Thêm vào đó, thời lượng pin gần như không đổi dù tôi sử dụng trình duyệt Safari hay Chrome, do đó có thể nói việc đổi trình duyệt không đem lại sự khác biệt đáng kể nào về thời lượng pin của mẫu máy này.

Tựu trung lại, chiếc máy tính MacBook Pro "dành cho người mới bắt đầu" phiên bản mới nhất này đã giải quyết được một số vấn đề của phiên bản cũ, tuy nhiên vẫn còn một số chi tiết cần phải cải tiến hơn nữa ở các phiên bản sau. Chiếc máy này có hiệu năng tốt hơn và nhiệt độ khi hoạt động thấp hơn, đem lại trải nghiệm hài lòng hơn so với mẫu máy đời trước đó và so với dòng MacBook Air hiện tại.

Nếu bạn nhìn vào toàn bộ các sản phẩm MacBook Pro hiện đang được Apple bày bán trên thị trường, có lẽ bạn sẽ cảm thấy mỗi máy lại thiếu đi một (vài) thứ. Dòng máy Air thì có hiệu suất hoạt động hơi yếu, chiếc máy Pro "giá rẻ" này thì chỉ có 2 cổng USB, còn những mẫu Pro cao cấp hơn thì gặp vấn đề về nhiệt và về giá cả (quá cao!). Tuy nhiên về tổng thể, tôi thấy mẫu MacBook Pro "giá rẻ" này là sự lựa chọn lý tưởng nhất đối với đa số khách hàng: hiệu suất tốt hơn dòng Air, trong khi giá lại mềm hơn các mẫu MacBook Pro khác khá nhiều. Đa số người dùng cần mua một mẫu laptop để mang tới trường hay phục vụ các công việc văn phòng cơ bản sẽ cảm thấy hài lòng với chiếc máy này. Trừ trường hợp bạn có những nhu cầu đặc biệt và cần lựa chọn một mẫu máy cụ thể để thực hiện những tác vụ đó, thì mẫu máy này có thể "gánh" được đa số các tác vụ thường dùng nhất mà chúng ta có thể kỳ vọng ở một chiếc laptop của năm 2019.

Ngoài ra, hãy cùng hy vọng rằng đây là mẫu MacBook Pro cuối cùng mà chúng ta phải "nghi ngại" về vấn đề bàn phím, bởi Apple được cho là sẽ tung ra thiết kế bàn phím mới vào năm sau và sẽ tích hợp nó vào các mẫu MacBook Pro 2020. Tuy vậy, trong khi chờ đợi đến ngày đó, chiếc MacBook Pro 13-inch 2019 là một lựa chọn tuyệt vời dành cho nhu cầu học tập và làm việc thông thường của bạn.

Quang Huy (theo The Verge)

Chủ đề khác