VnReview
Hà Nội

Chuyên gia iFixit tư vấn cách chăm sóc pin laptop đúng cách

Tất cả pin máy tính đều bị "chai" đi theo thời gian, nhưng tốc độ "chai" của chúng không giống nhau. Bạn và một người bạn khác có thể mua hai chiếc laptop cùng ngày, cùng tháng, nhưng sau hai năm, dung lượng pin của hai chiếc máy đó có thể khác nhau đến 40%. Sự khác biệt đó đến từ nhiều yếu tố: số lần sạc lại, các nguồn nhiệt xung quanh máy, cách thức bạn bảo quản thiết bị, và số lần bạn để pin "kiệt" đến 0%.

Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những lời khuyên hữu ích để giữ cho pin laptop của mình hoạt động lâu nhất có thể, tận dụng tối đa toàn bộ các thành phần hoá học có trong viên pin để sử dụng được trong khoảng thời gian dài nhất. Đừng lo nếu không phải lúc nào bạn cũng có điều kiện để "thực hành" tất cả những thao tác được liệt kê trong bài viết này. Chúng chỉ là những hướng dẫn và quy tắc, nhưng cuộc đời thì luôn tràn ngập những ngoại lệ. Dù vậy, bạn nên cố gắng thực hiện những điều này càng nhiều càng tốt, và bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt đáng kể sau một thời gian (khoảng vài năm) sử dụng.

Luôn giữ cho pin ở mức từ 40% đến 80%

Nếu bạn thường xuyên phải sử dụng laptop bằng nguồn pin và không có điều kiện để thường xuyên cắm sạc, hãy cố gắng luôn giữ cho pin ở mức từ 40% trở lên. Còn khi sạc, bạn cũng chỉ nên sạc đến tối đa là 80%, nếu ngần ấy pin là đủ cho một ngày làm việc của bạn. Cách dùng pin như vậy được các chuyên gia coi là tối ưu và cũng là cách hiệu quả nhất để kéo dài tuổi thọ cho pin. Mặc dù vậy, đây cũng là cách khó thực hiện nhất, bởi mỗi người lại có một thói quen làm việc khác nhau, chưa kể những tình huống phát sinh trong thực tế không cho phép chúng ta thực hiện điều này.

Cách làm này có thể khó thực hiện trong thực tế đối với những người thường xuyên phải di chuyển trên đường, các nhân viên làm thêm ca, thêm giờ, hay những người không cảm thấy thoải mái khi cứ "hơi tí" lại phải cắm sạc cho máy. Tuy nhiên nếu bạn là một người quan tâm đến tuổi thọ pin, hoặc thường xuyên có mang sạc laptop bên mình, thì lý tưởng nhất là bạn nên giữ cho pin của máy hoạt động giữa hai mức pin đó. Nếu cứ thường xuyên xả "kiệt" pin rồi lại sạc đầy hoàn toàn, thì viên pin của bạn có thể chỉ dùng được khoảng 300-500 lần sạc ở dung lượng đầy đủ. Tuy nhiên, nếu chỉ sạc pin đến 80% dung lượng của nó, thì viên pin có thể "chịu" được từ 850-1.500 lần sạc.

Một số mẫu laptop cung cấp "giải pháp" triệt để hơn cho bài toán "cắm sạc" cho pin. Ứng dụng Vantage được cài đặt sẵn trên các dòng laptop ThinkPad của Lenovo cho phép người dùng thiết lập mức sạc pin tối đa. Một số mẫu laptop của Samsung và Sony cũng có tính năng tương tự. Hãy tìm trong phần mềm hỗ trợ của nhà sản xuất laptop của bạn xem có tính năng này hay không.

Nếu thường xuyên cắm sạc cho máy, nhớ để ý đừng để pin quá nóng

Nếu quy tắc bên trên khiến bạn cảm thấy "có lỗi" với chiếc máy tính của mình bởi vì bạn thường xuyên cắm sạc cho nó ở mức 100%, thì đừng lo! Một số trang tin tức cho rằng việc cắm sạc laptop đầy 100% liên tục trong một thời gian dài đồng nghĩa với việc bạn đang từ từ "giết chết" viên pin của mình, nhưng thông tin đó là hoàn toàn sai lầm. Khi pin đạt đến mức 100%, đa số các mẫu laptop hiện đại đều sẽ tự động ngắt sạc, và máy tính hoàn toàn hoạt động dựa vào nguồn điện từ dây sạc.

Ngoại lệ duy nhất có thể khiến viên pin của bạn gặp vấn đề là trong trường hợp bạn để chúng trở nên quá nóng. Những trường hợp có thể khiến pin bị nóng là khi bạn thực hiện các tác vụ như biên dịch mã nguồn, kết xuất hình ảnh/video hoặc những công việc nặng khác. Hoặc cũng có thể do bạn sử dụng laptop ở môi trường có nhiệt độ cao, dưới ánh nắng mặt trời gay gắt hoặc khi dùng gần cạn kiệt pin. Nếu để một viên pin còn đầy dung lượng tiếp xúc với nhiệt độ cao trong một thời gian dài, thì viên pin đó sẽ nhanh mất dung lượng hơn so với khi sử dụng ở nhiệt độ thông thường.

Giữ cho pin thoáng khí, bảo quản ở nơi có nhiệt độ mát

Mặc dù gọi là laptop (chiếc máy đặt trên đùi), nhưng thực tế là bạn không nên sử dụng laptop trên đùi của mình! Do thiết kế của những chiếc máy tính xách tay đang ngày càng nhỏ gọn và các nhà sản xuất có xu hướng loại bỏ quạt tản nhiệt, nên laptop có thể dễ bị quá nhiệt, đến mức có thể khiến phần da đùi của bạn bị cháy, hay còn gọi là "hội chứng nướng da". Đó là những nguy cơ đối với sức khoẻ của bạn; còn đối với máy, việc đặt chúng lên đùi vô tình có thể khiến cho nhiệt bị giữ chặt trong thiết bị, che kín các khe thoát nhiệt và khiến cho chiếc máy nóng lên. Nhiệt độ cao có thể khiến cho pin bị phồng lên và làm biến đổi các thành phần hoá học bên trong đó. Ông Kyle Wiens, CEO iFixit hồi năm 2013 có đề cập rằng: "Việc để viên pin bị quá nhiệt trong một thời gian dài có thể làm giảm đáng kể tuổi thọ của chúng."

Do đó, bạn nên mở màn hình laptop khoảng một lúc (không gập xuống ngay) sau khi tắt máy, và tránh đặt laptop trên đùi, gối hay chăn. Hãy nhìn quanh chiếc máy của mình, quan sát những lỗ/khe thoát nhiệt của máy, và tránh đặt laptop trên những bề mặt có thể làm bịt kín những khe này.

Còn khi không dùng máy, hãy để chúng ở một nơi có nhiệt độ mát, tránh xa ánh nắng Mặt trời và các nguồn nhiệt khác. Nguồn tin từ Battery University cho biết: những viên pin lithium-ion được bảo quản ở những nhiệt độ khác nhau sẽ có tuổi thọ khác nhau. Pin được giữ ở nhiệt độ 32 độ F (0 độ C) giữ được 94% dung lượng, trong khi cùng một khoảng thời gian đó chiếc laptop được bảo quản ở nhiệt độ 104 độ F (40 độ C) chỉ giữ được 65% dung lượng. Cũng theo Battery University, 86 độ F (30 độ C) là nhiệt độ lý tưởng để bảo quản laptop. Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng đó là nhiệt độ bên trong máy; thông thường, nhiệt độ bên trong máy thường cao hơn nhiệt độ không khí xung quanh một chút.

Đừng dùng pin "kiệt" đến 0%

Bạn nên giữ viên pin nằm trong khoảng từ 40% đến 80% là lý tưởng nhất; tuy nhiên, thảm hoạ thực sự sẽ xảy ra khi bạn dùng kiệt pin xuống 0%. Dung lượng pin khi sạc đầy ở những lần sau đó cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Tác hại của việc xả kiệt pin rồi lại sạc đầy đã từng được báo chí nói đến nhiều lần. "Xả kiệt pin rồi lại sạc đầy có thể tạo nên áp lực không cần thiết lên viên pin của bạn," nguồn tin từ ;Battery University cho hay. Một thử nghiệm trên pin điện thoại đã cho thấy, dung lượng pin bị sụt từ khoảng 88-94% xuống chỉ còn 73-84% dung lượng ban đầu chỉ sau khoảng 250 xả kiệt rồi sạc đầy lại.

Trường hợp duy nhất mà bạn cần phải xả kiệt pin là khi bạn thay pin mới, nhưng việc làm đó là vì lợi ích của chính chiếc máy chứ không phải là viên pin. Pin lithium-ion không có hiệu ứng "nhớ" giống như những viên pin nickel-cadmium của thời xưa, nên bạn cũng không cần phải xả kiệt pin để "xoá" điều này. Việc xả pin 1 lần đầu nhằm giúp máy tính của bạn có thể ước lượng chính xác tuổi thọ pin và phần trăm dung lượng pin còn lại để hiển thị cho bạn biết.

Thay pin mới khi pin còn lại dưới 80% dung lượng pin ban đầu

Dù bạn có cố gắng "giữ gìn" đến mức nào đi chăng nữa, nhưng cũng sẽ đến lúc pin máy tính của bạn bị "chai" và mất đi một phần dung lượng ban đầu.

Đa số các nguồn tin trên mạng đều khuyên người dùng nên thay pin sau khi dung lượng của chúng tụt xuống dưới 80% mức dung lượng ban đầu. Đây cũng là mức dung lượng từng được Apple áp dụng đối với chương trình thay pin giảm giá hồi năm ngoái.

Lý do là bởi khi dung lượng pin tụt xuống 80% so với thiết kế ban đầu, thì các chất điện trở bên trong viên pin đã tích tụ tới một khối lượng đáng kể, khiến cho việc sạc pin mất nhiều thời gian hơn so với khi dung lượng pin còn đầy. Bộ đếm thời lượng sử dụng pin và phần trăm pin còn lại của máy sẽ hoạt kém chính xác hơn (hoặc ít nhất là khó theo dõi hơn) một cách đáng kể. Lúc đó, bạn sẽ biết rằng mình cần thay pin mới.

Quang Huy

Chủ đề khác