VnReview
Hà Nội

Cài đặt Windows 10 “sạch”: Đâu là lựa chọn phù hợp nhất với bạn?

Có rất nhiều trường hợp bạn cần phải cài đặt lại hệ điều hành Windows trên máy tính của mình. Có thể là do một lỗi hệ thống nghiêm trọng không thể khắc phục được, có thể bạn muốn cài lại từ đầu để dùng máy tính vào một mục đích khác, hoặc chỉ đơn giản là máy tính của bạn dạo này hoạt động quá "ì ạch" và bạn muốn mang đến cho nó "một làn gió mới".

Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu với bạn bốn cách thường sử dụng nhất để cài đặt lại một phiên bản Windows "sạch", cùng với lợi ích và bất tiện mà mỗi cách mang lại, để bạn có thể cân nhắc và lựa chọn một phương pháp phù hợp nhất với mình.

Sử dụng file ảnh phục hồi của nhà sản xuất máy tính

Nếu trước đây máy bạn được cài đặt sẵn hệ điều hành Windows 10 từ lúc mới mua về, bạn có thể phục hồi lại hệ thống của mình bằng cách sử dụng file ảnh phục hồi được nhà sản xuất cung cấp sẵn.

Điều may mắn là file ảnh đĩa gốc này chứa tất cả các trình điều khiển (driver), các phần mềm phụ trợ và đặc biệt là nó hỗ trợ toàn bộ các phần cứng của chiếc máy tính bạn đang dùng, nhằm giúp bạn có thể đưa máy quay về trạng thái như lúc mới xuất xưởng. Khi ấy, tất cả chức năng của máy đều sẽ hoạt động tốt và nguyên vẹn như lúc ban đầu.

Tuy nhiên, tin không vui là file ảnh đĩa này cũng có thể chứa những phần mềm "rác" mà các nhà sản xuất máy tính được các hãng phần mềm trả tiền để cài đặt phần mềm của họ lên các sản phẩm PC bán ra thị trường. Nếu bạn mua các lô máy tính được sản xuất phục vụ đối tượng khách hàng doanh nghiệp, thì có thể nó sẽ không chứa nhiều phần mềm "rác" đến như vậy. Nhưng nếu bạn mua máy dành cho thị trường tiêu dùng (bán lẻ) thì nhiều khả năng bạn sẽ được cài sẵn rất nhiều phiên bản dùng thử của các phần mềm mà bản thân chẳng bao giờ đụng đến.

Bên cạnh đó, một bất tiện khác khi khôi phục ảnh đĩa là bạn sẽ phải quay trở về sử dụng một phiên bản Windows đã lỗi thời. Do đó, sau khi khôi phục, bạn sẽ cần phải mất thêm rất nhiều thời gian để cài đặt các bản cập nhật tính năng lớn mới nhất, cùng với các bản cập nhật tích luỹ định kỳ của Microsoft để có thể sử dụng phiên bản Windows mới nhất, an toàn nhất và nhiều tính năng nhất.

Phương pháp khôi phục ảnh đĩa thường được sử dụng trong trường hợp bạn muốn cài lại máy tính "sạch trơn" trước khi bán lại nó cho người khác, hoặc trong trường hợp bạn gặp phải những vấn đề phần cứng quá nặng mà cần phải gửi lại máy để sửa chữa hoặc đổi trả cho nhà sản xuất.

Thông thường, các nhà sản xuất sẽ tạo riêng một phân vùng ẩn để lưu trữ ảnh đĩa phục hồi. Khi bạn khởi động máy trong chế độ sửa chữa/phục hồi (recovery), máy sẽ sử dụng đến dữ liệu trên phân vùng này. Hoặc, các nhà sản xuất máy tính cũng có thể cung cấp cho bạn một tập tin ảnh đĩa khôi phục riêng biệt; những gì bạn cần làm là mount nó sang ổ đĩa USB và khởi động máy từ ổ USB này.

Khôi phục lại máy từ file ảnh sao lưu mà bạn đã tạo trước đó

Cách này chỉ có thể sử dụng nếu khi mới mua máy về (hoặc trước khi máy gặp trục trặc, cần khôi phục), bạn đã tạo một bản sao lưu hệ thống đầy đủ bằng công cụ Windows Backup mặc định hoặc một phần mềm khác của bên thứ ba có chức năng tạo ảnh chụp (snapshot) của hệ thống hoặc phân vùng cài đặt Windows.

Đây cũng là giải pháp thường sử dụng nếu công việc của bạn đòi hỏi bạn phải cài đặt thêm rất nhiều phần mềm của bên thứ ba, hay các driver thiết bị đặc thù không có sẵn trên hệ thống Windows Update. Để làm điều này, sau khi mua máy về, bạn hãy cài đặt tất cả những phần mềm và driver mình cần vào máy trước, rồi sau đó mới tiến hành sao lưu hệ thống. Như vậy, file ảnh phục hồi của bạn sẽ chứa tất cả những phần mềm bạn đã cài đặt; để sau này sau khi khôi phục lại máy, bạn không phải mất công cài lại thủ công từng phần mềm một.

Hạn chế của cách làm này là bạn sẽ phải tốn nhiều thời gian và công sức để tạo bản sao lưu toàn hệ thống, cũng như phải quản lý và lưu trữ tập tin phục hồi một cách an toàn và bảo mật để sử dụng khi cần. Tương tự như file phục hồi của nhà sản xuất, file sao lưu của bạn chắc chắn sẽ không chứa những bản cập nhật Windows 10 mới nhất, và bạn sẽ cần cài đặt các bản cập nhật sau này một cách thủ công (Mặc dù vậy, nếu bạn chưa muốn cài đặt các bản cập nhật Windows mới nhất vội vì sợ lỗi, thì phương pháp này có thể coi là một "điểm cộng").

Sử dụng tuỳ chọn Reset This PC có sẵn của Windows 10

Tính năng reset máy tính (Reset This PC) đã được Microsoft tích hợp vào hệ điều hành kể từ phiên bản Windows 8 và đã được cải tiến rất nhiều trên Windows 10. Tính năng này cho phép bạn cài đặt lại một bản sao hoàn toàn mới của phiên bản Windows mà bạn đang sử dụng, không chứa bất kỳ driver hoặc phần mềm nào của bên thứ ba có thể gây ra lỗi. Bạn không cần phải có ổ đĩa gắn ngoài để mount file ISO cài Windows, cũng không cần tìm lại khoá bản quyền (product key) ban đầu của máy. Bạn cũng không cần phải tuỳ chỉnh thiết lập BIOS hay UEFI phức tạp để máy có thể khởi động từ một thiết bị lưu trữ gắn ngoài.

Bạn cũng không cần phải lo lắng việc mình vô ý chọn phải chức năng này. Quy trình reset máy tính của Windows đòi hỏi bạn phải thực hiện 4 bước, trong đó ở bước cuối, Microsoft sẽ nêu rất rõ ràng và cụ thể những gì sẽ xảy ra khi bạn lựa chọn phương thức này.

Để sử dụng tính năng Reset This PC, bạn hãy mở Settings > Update & Security > Recovery. Bên dưới mục Reset This PC, chọn Get Started.

Ở bước đầu tiên, bạn chọn Keep My Files nếu muốn giữ lại toàn bộ các tập tin, dữ liệu cá nhân của mình đã có trên máy tính hoặc Remove Everything để xoá bỏ mọi dấu ấn cá nhân trên thiết bị (rất hữu ích nếu bạn có ý định bán lại máy tính của mình cho người khác). Nếu chọn tuỳ chọn xoá toàn bộ máy, ở bước tiếp theo Windows sẽ thực hiện việc ghi đè lên các phần dung lượng trống của ổ đĩa để đảm bảo rằng những dữ liệu cá nhân của bạn sẽ không thể được phục hồi bằng bất kỳ phần mềm khôi phục dữ liệu nào.

Phương pháp này rất phù hợp nếu bạn muốn khôi phục lại máy tính của mình thật nhanh và không đòi hỏi quá nhiều hiểu biết chuyên sâu về kĩ thuật. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bạn có thể sẽ không reset máy được nếu hệ thống bị nhiễm một số loại phần mềm độc hại nguy hiểm, hoặc trong trường hợp một số tập tin hệ thống quan trọng bị lỗi.

Cài đặt lại Windows 10 từ thiết bị lưu trữ gắn ngoài có khả năng boot

Tuỳ chọn này mang đến cho bạn quyền tuỳ biến và kiểm soát cao nhất đối với toàn bộ quá trình cài đặt lại Windows. Mặc dì vậy, phương pháp này cũng đòi hỏi bạn cần phải có kiến thức tương đối về kĩ thuật – công nghệ máy tính; đồng thời sau khi cài đặt xong, bạn có thể sẽ phải nghiên cứu một chút để tinh chỉnh các thiết lập hoặc driver phần cứng để chúng hoạt động ổn định. Bạn cũng sẽ phải tự mình cài đặt các bản cập nhật tính năng mới của Windows 10 nếu bộ cài của bạn không phải là phiên bản mới nhất.

Thông thường, quá trình này sẽ gồm 3 bước:

1. Sử dụng công cụ Media Creation Tool của Microsoft để tải về bộ cài Windows 10 mới nhất từ trang web của Microsoft, sau đó tạo ổ đĩa USB có khả năng boot với bộ cài vừa tải về.

2. Tìm cách khởi động máy tính từ ổ đĩa USB vừa tạo (có thể bạn sẽ phải tìm tổ hợp phím để boot từ thiết bị bên ngoài hoặc tuỳ chỉnh các tính năng trong BIOS/UEFI của máy tính), sau đó sử dụng các công cụ có sẵn trong trình cài đặt Windows để format phân vùng có sẵn hoặc tạo phân vùng mới để cài đặt Windows vào đó. Nếu bạn không đồng ý format, trình cài đặt sẽ di chuyển tất cả các tập tin hệ thống cũ vào một thư mục có tên Windows.old trên ổ đĩa đó.

3. Cuối cùng, cài đặt Windows 10. Nếu bạn cài đặt Windows trên máy tính trước đó đã từng được kích hoạt bản quyền, thì trình cài đặt sẽ không yêu cầu bạn nhập khoá bản quyền nữa; và sau khi cài đặt xong, Windows sẽ tự động kích hoạt bản quyền hệ điều hành cho bạn.

Sau khi hoàn thành tất cả các bước trên, bạn hãy sử dụng công cụ Windows Update để cài đặt tất cả các bản cập nhật mới nhất của Windows, bao gồm các driver phần cứng tuỳ thuộc vào thiết bị của bạn. Nếu trước đó bạn không format ổ đĩa, bạn sẽ cần phải xoá thư mục Windows.old để giải phóng không gian đĩa cứng, rồi sau đố hoàn thành nốt các bước thiết lập Windows cuối cùng.

An Huy

Chủ đề khác