VnReview
Hà Nội

10 bước đơn giản để tăng tốc máy tính Mac của bạn

Máy tính Mac của Apple được nhiều người lựa chọn bởi thiết kế đẹp, sự ổn định, hiệu suất hoạt động tốt nhờ sự tối ưu hoá giữa phần cứng và phần mềm.

10 bước đơn giản để tăng tốc máy tính Mac của bạn

Tuy nhiên, nếu máy tính Mac của bạn đang chạy chậm, hoặc bạn muốn tăng tốc hệ thống hơn nữa để thực hiện những tác vụ nặng, bài viết này sẽ giới thiệu một số giải pháp nhanh mà bạn có thể thực hiện. Bạn sẽ nhận ra rằng có nhiều cách đơn giản và không tốn kém để làm điều này; chứ không chỉ có việc "rút hầu bao" và nâng cấp bộ nhớ RAM cho máy, hay thậm chí là mua hẳn một chiếc Mac mới.

Tắt hẳn các ứng dụng bạn không còn sử dụng

10 bước đơn giản để tăng tốc máy tính Mac của bạn

Lưu ý rằng việc nhấn chuột vào nút dấu "x" màu đỏ ở góc trên bên trái cửa sổ không phải lúc nào cũng tắt hẳn phần mềm đó như trên Windows. Trên thực tế, đa số ứng dụng Mac vẫn chạy dưới nền ngay cả khi bạn đã đóng cửa sổ. Dấu "x" chỉ giúp bạn đóng cửa sổ hiện hành của ứng dụng đó; còn ứng dụng đó vẫn hoạt động, thể hiện ở dấu chấm màu đen bên dưới biểu tượng ứng dụng trên thanh dock.

Để tắt hoàn toàn ứng dụng, bạn có thể nhấn chuột phải, vừa giữ Command vừa nhấn chuột hoặc nhấn bằng hai ngón tay vào biểu tượng của ứng dụng trên thanh dock, rồi nhấn Quit (Thoát) để đóng hẳn ứng dụng. Bạn cũng có thể sử dụng menu File > Quit hoặc tổ hợp phím Command+Q trên bàn phím để thoát hẳn ứng dụng (nếu ứng dụng đó đang được hiển thị chính trên màn hình – thể hiện qua việc tên ứng dụng và các menu của nó vẫn xuất hiện trên thanh menu phía trên cùng).

Bạn nên tập thói quen đóng các ứng dụng nặng như Photoshop hay Excel nếu không dùng đến. Các ứng dụng như Steam có thể chạy ngầm theo mặc định dưới nền hệ thống và "ngốn" tài nguyên máy bạn. Hãy đóng hẳn chúng và chỉ mở lại khi cần sử dụng. Nếu ứng dụng bị lỗi hoặc không phản hồi, hãy vừa nhấn chuột phải vào biểu tượng vừa giữ phím Option, rồi chọn Force Quit để buộc ứng dụng thoát.

Tìm những ứng dụng, tiến trình tốn nhiều tài nguyên hệ thống bằng Activity Monitor

10 bước đơn giản để tăng tốc máy tính Mac của bạn

Nếu máy tính Mac của bạn đột nhiên không phản hồi (hay còn gọi là bị "treo"), chạy chậm hoặc quạt tản nhiệt hoạt động mạnh bất thường, bạn nên kiểm tra xem có phần mềm nào quá nặng hoặc bị lỗi đang hoạt động trên hệ thống không bằng công cụ Activity Monitor. Bạn có thể khởi động công cụ này bằng Spotlight (nhấn Command+phím cách, rồi gõ tên công cụ này vào thanh tìm kiếm), hoặc mở trong thư mục Applications > Utilities.

Để tìm ứng dụng đang "gây áp lực" lên bộ xử lý máy bạn, hãy mở tab CPU và nhấn vào để sắp xếp cột "% CPU" theo thứ tự giảm dần. Ứng dụng xuất hiện đầu danh sách sẽ là những ứng dụng đang "ngốn" nhiều CPU nhất. Hãy chọn ứng dụng đó rồi nhấn biểu tượng dấu "X" ở góc trên bên trái cửa sổ để thoát tiến trình đó. Hãy lưu ý rằng một số tiến trình trong số đó là tiến trình hệ thống mà bạn không nên "động vào" nếu không thực sự hiểu rõ.

Tương tự, bạn cũng có thể tìm những phần mềm đang sử dụng nhiều bộ nhớ RAM nhất trong tab Memory. Hãy sắp xếp cột "Memory" theo thứ tự giảm dần để xem những phần mềm nào đang chiếm dụng nhiều RAM trên máy. Nếu thấy có ứng dụng mình đang không dùng đến hoặc có tab trình duyệt nào đang sử dụng quá nhiều tài nguyên, bạn có thể buộc ứng dụng đó ngừng hoạt động để giải phóng tài nguyên.

Ngăn ứng dụng khởi động cùng máy tính

10 bước đơn giản để tăng tốc máy tính Mac của bạn

Việc vô hiệu hoá ứng dụng khởi động cùng máy tính là một phương pháp khá đơn giản và quen thuộc để giải quyết vấn đề về hiệu suất máy tính. Trong đa ssố trường hợp, những ứng dụng này không cần thiết phải khởi động cùng máy. Tốt nhất bạn chỉ nên khởi động các phần mềm khi mình thực sự cần đến chúng.

Mở ứng dụng System Preferences > Users & Groups và chọn tab "Login Items" để thấy danh sách các ứng dụng khởi động cùng máy khi bạn đăng nhập vào tài khoản của mình. Hãy chọn các ứng dụng không cần thiết và nhấn vào dấu trừ "-" để ngăn không cho ứng dụng đó khởi động cùng máy nữa. Bạn cũng có thể bổ sung ứng dụng vào danh sách khởi động bằng cách nhấn dấu cộng "+", nếu cần thiết.

Duyệt web bằng trình duyệt Safari

10 bước đơn giản để tăng tốc máy tính Mac của bạn

Trình duyệt bạn sử dụng có ảnh hưởng lớn đến hiệu suất của máy tính mà bạn đang sử dụng. Safari là một trong những lựa chọn tốt nhất dành cho người dùng Mac, bởi nó được Apple tối ưu hoá cho phần cứng của hãng. Nếu dùng máy tính MacBook, bạn có thể kéo dài thời lượng pin và hiệu suất hoạt động cao hơn nếu dùng Safari so với Chrome hoặc Firefox. Hai trình duyệt này đều là những phần mềm "ngốn" rất nhiều tài nguyên.

Giới hạn việc sử dụng các phần mở rộng trình duyệt và tab duyệt web

10 bước đơn giản để tăng tốc máy tính Mac của bạn

Dù bạn sử dụng Safari, Chrome, Firefox hay bất kỳ trình duyệt nào khác, hãy cân nhắc xoá bỏ các phần mở rộng (extensions) trình duyệt không cần thiết để tăng tốc máy tính. Các phần mở rộng sẽ khiến trình duyệt "ngốn" nhiều tài nguyên CPU và RAM hơn khi duyệt web; và trong đa số trường hợp, hiệu suất của máy sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn và không "đáng" để đánh đổi với những tính năng rất nhỏ mà chugns đem lại.

Thói quen duyệt web của bạn cũng có thể làm chậm hệ thống của bạn. Nếu mở cả trăm tab trên trình duyệt, dĩ nhiên máy Mac sẽ bị chậm lại. Hãy tránh mở các ứng dụng web "ngốn" nhiều tài nguyên như Google Drive, Facebook, và Gmail mở khi không sử dụng. Bạn có thể thấy điều đó bằng cách mở công cụ Activity Monitor và chọn tab Memory.

Reset SMC và PRAM/NVRAM

System Management Controller (SMC) (tạm dịch: Bộ phận điều khiển và quản lý hệ thống) chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của các tính năng cấp thấp của máy Mac, như đèn LED báo hiệu, nút nguồn và quạt tản nhiệt của máy. Sau một thời gian sử dụng, bạn có thể sẽ muốn reset SMC nếu thấy trục trặc xảy ra với đèn nền bàn phím, quạt hoạt động bất thường hoặc hiệu suất hoạt động giảm ngay cả khi không thực hiện các tác vụ nặng.

Cách reset SMC có thể khác biệt giữa các dòng máy tính Mac với nhau. Bạn có thể tìm hiểu trên trang web trợ giúp chính thức của Apple hoặc chờ đợi các bài viết tiếp theo trên VnReview.

PRAM và NVRAM là các bộ phận chịu trách nhiệm lưu trữ các thiết lập như âm lượng, độ phân giải màn hình, múi giờ và một số thiết lập quan trọng khác, được lưu trữ lại sau khi bạn tắt nguồn máy tính. Hiệu suất hạot động chậm (nhất là trong quá trình tắt máy) cũng có thể là dấu hiệu của lỗi PRAM/NVRAM, do đó bạn nên thử reset linh kiện này.

Cách reset PRAM hoặc NVRAM khá đơn giản: giữ tổ hợp phím Command+Option+P+R khi khởi động máy.

Giải phóng bộ nhớ ổ cứng

10 bước đơn giản để tăng tốc máy tính Mac của bạn

Nếu máy tính của bạn hoạt động chậm lại, một trong những việc đầu tiên cần kiểm tra là liệu ổ cứng máy bạn có còn đủ bộ nhớ trống hay không. Máy Mac của bạn cần khoảng 5-10GB ổ cứng trống để duy trì các tác vụ thường xuyên. Hãy tưởng tượng phần dung lượng đó giống như một "khoảng trống" để hệ điều hành của bạn có thể "thở".

Nhấn chuột vào biểu tượng logo Apple ở góc trên bên trái màn hình, chọn About This Mac. Mở tab "Storage", bạn sẽ thấy thống kê việc sử dụng ổ cứng của máy mình, cùng với lượng bộ nhớ trống còn lại trên máy. Nếu ổ cứng chính của bạn đang bị đầy, thì bạn nên tìm cách giải phóng bộ nhớ cho máy Mac càng sớm càng tốt.

Máy Mac của bạn sẽ sử dụng dung lượng ổ cứng trống để tải các bản cập nhật, giải nén các tập tin có dung lượng lớn, và lưu trạng thái hệ thống khi máy được đưa vào chế độ sleep. Thậm chí, hệ điều hành macOS còn có thể từ chối khởi động nếu máy bạn quá thiếu dung lượng ổ cứng, nên hãy lưu ý luôn để lại một khoảng dung lượng trống để máy hoạt động. Còn nếu bạn muốn giải quyết vấn đề một lần và mãi mãi, hãy cân nhắc việc nâng cấp ổ cứng có dung lượng cao hơn cho máy.

Tắt các hiệu ứng hoạt hoạ "hào nhoáng"

10 bước đơn giản để tăng tốc máy tính Mac của bạn

macOS là một hệ điều hành tốt cả về giao diện lẫn trải nghiệm người dùng; và một trong những yếu tố góp phần lớn là tính phản hồi của hệ thống. Trải nghiệm của bạn có thể bị ảnh hưởng tiêu cực nếu máy thường xuyên bị "lag" hoặc chậm phản hồi. Bạn có thể giảm thiểu tối đa tình trạng này bằng cách tắt những hiệu ứng hình ảnh "hào nhoáng", nếu đang sử dụng máy Mac đời cũ hoặc không có bộ xử lý đồ hoạ (GPU) riêng biệt và mạnh mẽ.

Để làm điều này, bạn cần mở System Preferences > Dock và vô hiệu hoá hộp kiểm "Automatically hide and show the dock" (Tự động ẩn và hiện thanh dock). Bạn cũng có thể đổi "Genie effect" và "Scale effect" bên dưới tuỳ chọn "Minimize windows using". Bạn còn có thể giảm thiểu tối đa các hiệu ứng hoạt hoạ hơn nữa dưới mục System Preferences > Accessibility bằng cách kích hoạt tuỳ chọn "Reduce Motion" dưới tab Display.

Dọn dẹp màn hình desktop máy tính của bạn

10 bước đơn giản để tăng tốc máy tính Mac của bạn

Bạn có biết rằng một tập tin lưu trên desktop đều được hệ điều hành macOS kết xuất dưới dạng một cửa sổ riêng biệt? Điều này là nhằm giúp bạn có thể nhanh chóng xem trước nội dung của các tập tin thông qua tính năng "Quick Look" (nhấn phím cách). Nếu lưu trữ các tập tin tràn lan trên desktop, bạn chỉ đang lãng phí tài nguyên hệ thống mà thôi. Hãy dọn dẹp ngay màn hình desktop và xoá những tập tin mà bạn không thực sự cần dùng đến.

Cài đặt các bản cập nhật phần mềm

10 bước đơn giản để tăng tốc máy tính Mac của bạn

Cài đặt các bản cập nhật phần mềm để nhận các bản sửa lỗi, các tính năng mới nhất và quan trọng hơn, là để cải thiện hiệu suất hoạt động của máy. Các bản cập nhật đối với cả macOS và các phần mềm của bên thứ ba đều giúp tăng cường hiệu năng chung của máy bạn. Tuy nhiên, cách thức cập nhật phần mềm còn phụ thuộc vào bản thân phần mềm đó cũng như cách bạn cài đặt chúng. Ví dụ, các ứng dụng cài đặt từ cửa hàng Mac App Store sẽ có thể được cập nhật thông qua App Store.

Bạn cũng có thể nâng cao hiệu năng của máy hơn nữa bằng cách nâng cấp lên phiên bản macOS mới nhất. Hãy mở kho ứng dụng App Store và tìm kiếm "macOS" để nhận bản cập nhật mới nhất.

Mặc dù các bản cập nhật macOS trong quá khứ thường bị "tiếng xấu" là làm chậm các máy đời cũ, nhưng những bản cập nhật gần đây của Apple đã chuyển trọng tâm sang cải thiện hiệu suất trên các dòng máy đời trước. Tuy nhiên, bạn nên tự tìm hiểu kĩ thông tin và đảm bảo rằng các bản cập nhật macOS mới nhất vẫn tương thích tốt với những phần mềm tối quan trọng mà bạn cần cho công việc của mình. Ví dụ, bản cập nhật macOS Catalina mới nhất đã chính thức ngừng hỗ trợ các ứng dụng 32-bit, do đó sẽ có một lượng lớn ứng dụng không thể chạy trên hệ điều hành desktop mới nhất của Apple được nữa.

Có nhiều thời gian rảnh? Hãy cài đặt lại macOS

Những bước chúng tôi giới thiệu ở trên có thể giúp bạn nhanh chóng giải quyết vấn đề về hiệu năng với chiếc máy tính của mình; tuy nhiên mọi thứ chỉ có thể dừng lại ở đó. Để thực sự mang đến một "làn gió mới" cho hiệu suất máy tính của mình, bạn nên cân nhắc việc cài đặt lại hoàn toàn macOS để có một chiếc máy tính "sạch sẽ" hoàn toàn.

Quang Huy

Chủ đề khác