VnReview
Hà Nội

10 cách tái sử dụng router cũ: Đừng vội vứt đi nhé

Trong trường hợp nhà mạng cấp cho bạn một cục router khác hay bạn vừa mua một em xịn sò về thay thế thì cái cũ phải làm thế nào? Mang vất đi thì thấy tiếc, mà cất tủ lại chẳng biết làm gì? Dưới đây là một số gợi ý cách tái sử dụng router cũ bạn có thể tham khảo.

Bạn có thể làm gì với router cũ?

Thường thì sau khi có một thiết bị router mới, cái cũ sẽ bị cất ngay vào hộp và quăng đâu đó dưới gầm tủ. Trong khi đó ít ai để ý rằng chúng ta hoàn toàn có thể tái sử dụng chúng, dù là thiết bị router thế hệ cũ hay thiết bị router 2-trong-1 hiện đại ngày nay. Đây là 10 cách bạn có thể tái sử dụng chúng, hãy cùng đi vào cụ thể từng cách nhé.

1. Biến thành một thiết bị tiếp sóng không dây (wireless repeater)

Nếu thiết bị phát sóng wifi mới không thể phủ kín căn nhà của bạn, bạn cần làm gì? Bạn có thể sử dụng mạng dây kéo trực tiếp đến thiết bị, hoặc sử dụng một thiết bị phát wifi thứ hai là một ý tưởng không tồi đâu.

Bạn có thể kết nối cục router cũ với mạng không dây mới trong nhà thông qua sóng wifi. Nhờ đó, bạn có thể mở rộng độ phủ sóng wifi trong ngôi nhà của mình. Tuy nó sẽ có một độ trễ nhất định nhưng đây là cách dễ dàng nhất để thực hiện mà lại có thể tái sử dụng thiết bị cũ.

Ngoài việc mở rộng sóng wifi trong nhà, bạn cũng có thể dùng cách tương tự để có thể truy cập internet ngay cả khi đang ở ngoài vườn chẳng hạn.

2. Mạng không dây dành riêng cho khách

Nếu nhà bạn thường xuyên có khách khứa và bạn bè đến chơi, tại sao không tạo riêng một mạng wifi dành cho khách đến nhà nhỉ?

Cách làm cũng giống như cách trên là biến router thành bộ tiếp sóng wifi. Tuy nhiên, điểm khác biệt là để truy cập vào wifi từ router chính, bạn phải nhập mật khẩu, còn router thứ hai, bạn hoàn toàn có thể không đặt mật khẩu truy cập. Đồng thời, bạn có thể chỉnh router phụ sang chế độ mạng cho khách. Khi tính năng này được kích hoạt, các thiết bị truy cập vào mạng cho khách không thể dò ra các thiết bị khác trong mạng.

Nếu cảm thấy chưa an tâm với mức bảo mật như vậy, bạn cũng có thể cài đặt tường lửa cho router chính để phù hợp với nhu cầu của mình.

3. Đài phát thanh wifi giá rẻ (Radio Streamer)

Bạn muốn nghe kênh phát thanh yêu thích của mình trên internet? Một số thiết bị router có thể tùy chỉnh để trở thành một chiếc radio sử dụng mạng internet đấy. Nếu cần, bạn có thể cài đặt bản firmware OpenWrt hoặc DD-WRT cho router của mình.

Bạn cũng sẽ cần một số phần mềm cũng như card âm thanh gắn cổng USB để xuất âm thanh.

Tuy quá trình cài đặt có hơi phức tạp nhưng việc tùy biến router cũ thành một chiếc radio cũng khá thú vị đó chứ.

4. Biến router cũ thành bộ chia mạng (network switch)

Hầu hết các thiết bị router hiện nay chỉ có khoảng 4 cổng mạng dây Ethernet, nhất là khi hiện nay chúng ta chú trọng sử dụng mạng không dây nhiều hơn, dó đó số cổng có thể còn thấp hơn. Tuy nhiên, với các thiết bị cần kết nối mạng dây thì con số 4 có lẽ là không đủ.

Ví dụ thiết bị giám sát, smartTV, bộ tiếp sóng truyền hình, thiết bị chơi game và nhiều thiết bị khác có thể không được trang bị mạng không dây. Chúng cần kết nối mạng thông qua cổng vật lý, có nghĩa là kết nối thông qua cổng Ethernet.

Nếu bạn thiếu cổng Ethernet, bạn có thể bổ sung với thiết bị switch, hay còn gọi là bộ chia mạng. Về cơ bản nó giống như ổ cắm điện phụ vậy, nó sẽ cho ra nhiều cổng kết nối hơn chỉ với một đường dây cắm vào router.

Thiết bị router cũ của bạn có thể có 4 hoặc nhiều cổng hơn, nhờ đó bạn có thể có thêm một số cổng Ethernet để sử dụng. Lưu ý là bạn cần tắt chế độ mạng không dây trên router để tránh xung đột mạng.

5. Biến router cũ thành cầu mạng không dây (Wireless Bridge)

Trong trường hợp router mới của bạn chỉ cho phép phát mạng không dây mà không có cổng Ethernet, trong khi bạn lại cần chúng, hoặc nếu bạn sử dụng mạng 4G thì cần phải làm gì? Hay nói cách khác, bạn cần làm gì nếu muốn mở cổng Ethernet với mạng không dây, wireless bridge chính là thứ bạn cần.

Router cũ là một thiết bị có thể sử dụng làm wireless bridge với chi phí rất rẻ.

Wireless bridge hoạt động tương tự như một bộ tiếp sống, nhưng thay vì nó chia sẻ mạng không dây thì nó chia sẻ mạng dây, hay mạng Ethernet. Cách thức rất đơn giản, bạn chỉ việc kết nối router cũ vào mạng wifi sẵn có và gắn các thiết bị vào cổng Ethernet của nó là xong. Chi tiết quá trình thiết lập bạn hoàn toàn có thể tra cứu trên Google.

6. Biến router cũ thành thiết bị điều khiển nhà thông minh (Smart Home Hub)

Một số router được trang bị thêm các cổng khác với nhiều chức năng phụ, ví dụ như cổng USB chẳng hạn, với cổng này, bạn có thể dễ dàng cài đặt firmware OpenWRT hay DD-WRT cho router của mình từ USB.

Một số router còn được trang bị cổng nối tiếp; những router này có thể chuyển đổi mục đích sử dụng làm máy chủ tự động hóa thiết bị trong nhà.

Về cơ bản, router hoạt động như một máy chủ mà bạn có thể truy cập bằng trình duyệt trên PC hay tiện lợi hơn là điện thoại di động.

Có một số lựa chọn cơ bản về dễ thực hiện cho người mới bắt đầu, bạn có thể tham khảo thêm trên internet và lựa chọn cách tùy biến phù hợp.

7. Biến router cũ thành thiết bị lưu trữ gắn mạng (NAS Drive)

Bạn đang tìm cách lưu trữ dữ liệu trên một thiết bị và có thể truy cập được chúng từ bất cứ đâu trong nhà? Đáp án bạn cần là thiết bị lưu trữ gắn mạng (Network Attached Storage - NAS), nói đơn giản nó là một ổ cứng được kết nối với mạng của bạn.

Những thiết bị NAS thường khá đắt, tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể giảm chi phí nếu có một cục router cũ. Lưu ý rằng tính năng này chỉ giới hạn với một số router có thể chạy firmware tùy biến (như DD-WRT chẳng hạn) và có cổng USB. Bạn cũng có thể truy cập dữ liệu từ bất cứ thiết bị nào có kết nối USB gắn vào router.

Nếu router không có cổng USB, bạn không thể kết nối ổ cứng hay USB vào router để lưu dữ liệu được.

Sau khi hoàn tất cài đặt, thiết bị NAS tự thiết kế của bạn có thể giúp bạn truy cập dữ liệu từ bất cứ đâu trong ngôi nhà.

8. Sử dụng router làm máy chủ đặt trang web

Router cũ có thể chạy firmware OpenWRT hay DD-WRT ngoài việc biến chúng thành NAS, hay Smart Home Hub thì chúng còn có thể dùng làm máy chủ chứa một trang web đơn giản.

Bạn có thể làm một trang web cho gia đình để chia sẻ thông tin cho các thành viên. Hay thậm chí là bạn có thể làm blog nếu router có thể chạy firmware hỗ trợ LAMP. Điều đó có nghĩa là bạn có thể cài đặt WordPress lên router.

Chạy một trang web cần một bộ nhớ phù hợp để có lưu giao diện, phần bổ trợ và chạy mã lập trình. Thiết bị router chỉ có thể đáp ứng cho một trang web có mức độ kỹ thuật thấp.

9. Thiết lập thành bộ router VPN riêng

Router cũ hỗ trợ firmware tùy biến có thể cài đặt phần mềm VPN lên chúng. Có nghĩa là nếu bạn có một tài khoản VPN của nhà cung cấp nào đó, bạn có thể cài chúng lên router của mình.

Nhờ đó, mọi thiết bị kết nối với router này đều được bảo vệ bởi VPN. Bạn không cần phải cài đặt thêm bất cứ ứng dụng VPN nào khác trên từng thiết bị nữa.

Bạn cần lưu ý rằng một số router cũng có cung cấp tính năng VPN, tuy nhiên cách chúng tôi đề cập chỉ hoạt động khi chuyển sang chế độ modem-only.

10. Đơn giản và thiết thực, bán nó đi

Nếu bạn không thích tốn quá nhiều thời gian để tái sử dụng cục router cũ của mình, tại sao không bán lại chúng cho người khác?

Bán các thiết bị router cũ trên các chợ điện tử online để đổi lấy ít tiền cà phê sáng chẳng hạn. Bạn chỉ cần ghi rõ tên thiết bị, nhà sản xuất và mã sản phẩm. Có thể những người đam mê đồ cũ kỹ sẽ tìm đến bạn hay đơn giản là họ đang cần một cục router giá rẻ.

Bán đồ cũ để lấy chi phí mua một món mới cũng là một cách rất thiết thực, lại tiết kiệm được một ít nữa.

Dù sao thì thiết bị router không "cũ" như bạn nghĩ

Có rất nhiều cách để bạn có thể tái sử dụng cục router dù nó cũ đến đâu. Hay thậm chí là dù nó không thể phát mạng không dây được nữa thì bạn vẫn có thể dùng làm bộ chia mạng. Và nếu những cách trên không thiết thực với nhu cầu cầu của bạn thì phương án tốt nhất là bán chúng lại cho những ai cần.

Minh Bảo theo makeuseof.com

Chủ đề khác