VnReview
Hà Nội

7 rủi ro khi dual boot hệ điều hành Windows và Linux

Bạn đang phân vân có nên cài đặt một hệ điều hành thứ hai trên chiếc PC của mình và thắc mắc không biết sẽ gặp những rủi ro gì khi làm vậy?

Windows và Linux có vẻ là hai hệ điều hành sáng giá giúp mang đến cho bạn một trải nghiệm đầy lý tưởng. Tuy nhiên, mọi việc không phải lúc nào cũng "thuận buồm xuôi gió", dual boot có thể mang đến những sự cố không mong muốn, một số trong đó thậm chí không thể nào lường trước được. Dưới đây là 7 rủi ro mà bạn cần lưu ý khi dual boot.

1. Vô tình ghi đè dữ liệu hoặc hệ điều hành

Nếu đây chưa phải là thứ đáng sợ nhất, thì chắc chắn cũng là rủi ro có thể khiến bạn "cau mày" trước cả khi tính đến chuyện bắt đầu. Sau tất cả, việc ghi đè dữ liệu hiện tại hoặc thậm chí là hệ điều hành gốc sẽ dẫn đến cả một tá vấn đề trước mắt. Tất nhiên, bạn hoàn toàn có thể tính đến việc sử dụng công cụ phục hồi dữ liệu, nhưng cơ hội để phục hồi tất cả dữ liệu là rất thấp.

May mắn thay, hầu hết các trình cài đặt hệ điều hành đều có thể phát hiện các phân vùng primary. Có nghĩa là nếu bạn đang cài đặt Windows song song với bản phân phối Linux, trình cài đặt sẽ đánh dấu phân vùng đã có, tiếp đó đưa ra lựa chọn trình tự cần làm kế tiếp. Các hệ điều hành Linux cũng có thể làm được điều tương tự.

Tuy nhiên, sự cố lúc nào cũng có thể xảy ra, vì vậy hãy cẩn thận khi quyết định cài đặt. Hãy đảm bảo bạn cài đặt hệ điều hành mới vào đúng ổ đĩa và phân vùng, tránh vô tình làm đánh mất dữ liệu của mình.

2. Ảnh hưởng đến hiệu suất

Chạy cùng lúc nhiều hệ điều hành trên PC quả là một cách tuyệt vời để tối đa hóa hiệu suất làm việc, nhưng đôi khi điều này cũng có thể phản tác dụng. Nếu bạn có nhu cầu sử dụng Windows 10 cùng với Ubuntu 20.04, thì việc chuyển đổi giữa hai hệ điều hành sẽ khá là tiện lợi.

Tuy nhiên, cần cân nhắc có thật sự cần làm như thế hay không? Tiện nhất là bạn hãy thủ sẵn cho mình một ứng dụng tương tự trên Linux nếu chuyển sang từ Windows và ngược lại. Dual boot là để trải nghiệm và tận hưởng toàn bộ môi trường của hệ điều hành thay thế đó.

Ngoài ra, bạn vẫn có cách để không phải thực hiện chuyển đổi giữa hai hệ điều hành. Đó là chạy Windows trong một máy ảo trên Linux. Và ngược lại, bạn cũng có thể cài đặt Linux trong một máy ảo trên Windows.

Cuối cùng, điều quan trọng là bạn phải đảm bảo mình đang sử dụng hệ điều hành tốt nhất cho trải nghiệm trước mắt của mình.

3. Các phân vùng bị khóa

Có lẽ một trong những thứ khó ngờ tới nhất của dual boot đó là không thể truy cập vào nguồn dữ liệu. Tuy nhiên, sẽ không còn là vấn đề nếu bạn chú ý sắp xếp mọi thứ một cách hiệu quả, ví dụ như lưu trữ trên đám mây hoặc phân vùng ổ cứng dành riêng cho các tệp cá nhân, lúc đó các tệp quan trọng sẽ có sẵn trên bất cứ hệ điều hành nào bạn sử dụng.

Dẫu vậy, sự cố vẫn có thể xảy ra. Nếu đang sử dụng Windows và hệ thống "bất thình lình" tắt ngúm, mọi phân vùng chuyên biệt được dùng cho các tệp cá nhân sẽ bị khóa. Khi đó, mọi cố gắng truy cập ổ đĩa từ phân vùng trên Linux đều sẽ thất bại. Cụ thể, bạn sẽ nhận được một thông báo như thế này:

Đây có lẽ là rủi ro gây khó chịu nhất của dual boot. May mắn là lỗi này có thể khắc phục được nhưng sẽ mất vài phút (tùy thuộc vào tốc độ khởi động bản cài đặt Windows). Bạn sẽ có hai lựa chọn:

- Thực hiện theo các hướng dẫn trong thông báo lỗi và khởi động thiết bị ở chế độ Read-Only.

- Reboot lại vào Windows, sau đó bắt đầu restart theo trình tự vào menu khởi động và chuyển trở lại vào Linux.

Với cả hai cách trên, các tệp sẽ có lại quyền truy cập đầy đủ.

4. Sự cố khi cập nhật Windows

Cập nhật hệ điều hành là một trong những bước quan trọng nhất để đảm bảo thiết bị hoạt động mạnh mẽ và an toàn. Không may là, nó có thể xảy ra các sự cố khi dual boot.

Chạy Windows Update có thể khiến Master Boot Record (MBR) bị ghi đè, làm mất phân vùng Linux. Cập nhật thất bại hoặc thậm chí chỉ với quá trình cập nhật driver đơn giản cũng có thể gây ra sự cố với dual boot PC.

Trong tình huống này, hãy dùng các công cụ khôi phục Windows. Mặc dù tốn thời gian, nhưng nếu bạn thật sự cần chạy Windows, đây là cách giúp nó hoạt động trở lại.

Để có trải nghiệm dual boot tốt nhất, hãy đảm bảo trình tự boot mặc định của máy tính là cho Windows thay vì Linux.

5. Ảnh hưởng đến bảo mật

Các hệ điều hành Linux đều rất mạnh mẽ, chúng hầu như không bị ảnh hưởng bởi virus và malware, mặc dù vẫn có một số ngoại lệ. Điều này phần lớn nhờ vào lượng người dùng tương đối nhỏ.

Rõ ràng, những kẻ lừa đảo nhắm vào các máy tính Windows bởi vì tỷ lệ thành công cao hơn. Tuy nhiên, nhiều trang web bị tấn công hoặc thậm chí bị "sập" vì virus và malware, và hầu hết máy chủ web chạy trên Linux. Vì thế, nếu bạn đang chạy một máy tính được dual boot, khả năng malware ảnh hưởng đến môi trường Linux sẽ tăng lên.

Vì vậy, khôn ngoan nhất là bạn hãy trang bị một bộ bảo mật internet khi chạy Windows. Trên hệ điều hành Linux, hãy chạy một trình quét malware như là ClamAV hàng ngày. Đừng chỉ tập trung vào hệ điều hành khi quét virus, hãy quét luôn các tập tin dữ liệu cá nhân của bạn.

6. Lỗi driver

Thỉnh thoảng, một số vấn đề phần cứng có thể xảy ra khi dual boot. Những lỗi này thông thường liên quan đến driver thiết bị Windows, nhưng hiếm khi xảy ra.

Có lẽ vấn đề phần cứng phổ biến nhất khi dual boot thường xuất phát từ card mạng không dây tích hợp. Những thiết bị chuyển đổi này có thể bị vô hiệu hóa trên Windows và do đó cũng không thể hoạt động trên Linux.

Theo một số cách nào đó, card Wi-Fi bị vô hiệu hóa sẽ gặp lại lỗi sự cố với phân vùng bị khóa đã được bàn đến ở mục số 3 phía trên.

Giải pháp là tìm kiếm hỗ trợ card không dây (hoặc thiết bị khác) trước khi cài đặt hệ điều hành của bạn. Bạn cũng nên đảm bảo các driver được cập nhật mới nhất trên cả hai hệ điều hành. Ngoài ra, hãy dành một chút thời gian để kiểm tra trạng thái của thiết bị trong UEFI hoặc BIOS của máy tính.

7. Ảnh hưởng đến phân vùng swap trên đĩa cứng

Thật ra, trong phần lớn trường hợp sẽ không có quá nhiều tác động đến phần cứng khi dual boot. Tuy nhiên, có một vấn đề mà bạn nên lưu ý đó là ảnh hưởng đến phân vùng swap. Cả Linux và Windows đều sử dụng một số phần của ổ đĩa cứng để cải thiện hiệu suất trong khi máy tính đang chạy. Tuy nhiên, khi cài đặt các hệ điều hành bổ sung trên ổ đĩa, dung lượng trống tất nhiên sẽ giảm theo.

Giải pháp ở đây rất rõ ràng: đừng cài đặt thêm các hệ điều hành nếu không còn đủ dung lượng ổ đĩa. Nếu vẫn "thèm khát" dual boot trên PC, thì bạn cần mua một ổ cứng HDD hoặc SSD mới. Sau khi cài đặt, bạn sẽ có không gian cho nhiều hệ điều hành hơn.

Rất khó có khả năng bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi tất cả những rủi ro đã kể ở trên. Tuy nhiên, ít nhất một, hoặc có thể hai sự cố sẽ có khả năng xảy ra tại thời điểm nào đó. Nhưng đừng lo sợ, hãy đảm bảo hệ thống của bạn được thiết lập một cách chính xác, nó có thể giúp giảm thiểu hoặc thậm chí giúp bạn tránh các vấn đề này.

Giang Vu (theo MakeUseOf)

Chủ đề khác