VnReview
Hà Nội

"Mổ bụng" MacBook với chip M1: mới cũ lẫn lộn

Dù Apple quảng cáo những chiếc máy Mac với chip M1 không khác gì một cuộc cách mạng, khi nhìn vào bên trong, bạn sẽ thấy rất khó để phân biệt chúng với các thế hệ Mac trước.

Bạn không hề nghe nhầm đâu. "Nội thất" của mẫu Macbook Pro 13-inch mới trông quen thuộc đến mức các thành viên của iFixit phải kiểm tra lại để xem có phải họ đã mua nhầm mẫu cũ hay không. Trong khi đó, thay đổi lớn nhất trên MacBook Air mới chính là việc nó không còn quạt nữa. Ấn tượng, nhỉ?

MacBook Air - bỏ quạt, ít không khí lưu thông hơn

Trái: MacBook Air (Early 2020); Phải: MacBook Air (Late 2020, với chip M1, không quạt)

Thay đổi phần cứng lớn nhất đối với MacBook Air cũng là một thay đổi đầy mỉa mai: chiếc Air (nghĩa là "không khí") nay không còn thổi không khí để tản nhiệt nữa. Học theo Microsoft, Apple đã tháo bỏ quạt để thay bằng một miếng tản nhiệt nhôm đơn giản treo ở rìa trái bảng mạch logic.

Nếu bạn đang lắc đầu ngán ngẩm, cũng dễ hiểu thôi. Mẫu MacBook Air từ trước đến nay không phải là một mẫu laptop tản nhiệt tốt, và những giải pháp làm mát mà Apple trang bị cho một số mẫu laptop khác của hãng cũng nổi tiếng "có mà như không". Do đó, bạn có thể lo lắng rằng quạt của MacBook Air mới có khả năng trở thành giống như jack headphone, một nạn nhân không thể tránh khỏi của những nhà thiết kế với nỗi ám ảnh về thiết kế mỏng, nhẹ và chủ nghĩa tối tối giản.

Nhưng bạn đã thấy khả năng tản nhiệt mà không cần quạt của những mẫu iPad thời gian qua rồi chứ? (Apple cũng gọi chúng là "máy tính" đấy!). Nếu giải pháp tản nhiệt mới này thực sự đã đủ để đáp ứng những nhu cầu của M1 - và những bài đánh giá ban đầu cho thấy với hầu hết các tác vụ, quả thực là như vậy - thì điều đó đồng nghĩa MacBook Air mới sẽ bớt đi một thành phần cần bảo trì cũng như nguy cơ hư hỏng. Chúng ta ai cũng từng một lần tháo bung chiếc laptop của mình ra để lau chùi sạch sẽ, hoặc thay chiếc quạt tản nhiệt đã cũ bám đầy bụi bẩn. Nhưng sự thật là: sẽ tốt hơn nhiều nếu bạn không bao giờ phải làm điều đó.

Bởi bên trong MacBook Air mới, chẳng có gì nhiều để phải sửa chữa hay vệ sinh. Một tấm kim loại dày, lạnh ngắt nằm bên trên vi xử lý M1 sẽ thu nhiệt thông qua hiện tượng dẫn nhiệt và truyền sang phần phẳng hơn, mát hơn của nó, nơi nhiệt có thể toả ra ngoài một cách an toàn. Không có quạt, giải pháp này có thể cần nhiều thời gian hơn để làm nguội, và có thể đến giới hạn nhiệt sớm hơn, nhưng nhờ loại bỏ hệ thống tản nhiệt buồng hơi, bề mặt hút nhiệt được làm lớn hơn để bão hoà được năng lượng nhiệt. Không có thành phần nào chuyển động, do đó chẳng có gì có thể hư hỏng. Thỉnh thoảng, bạn chỉ cần trét lại lớp keo tản nhiệt mới là đủ.

Ngoài việc có bảng mạch và hệ thống tản nhiệt mới, phần còn lại của MacBook Air với chip M1 không thay đổi so với đời trước. Pin máy là loại pin mới, nhưng thông số khác biệt ở mức tối thiểu. Quy trình sửa chữa nhiều khả năng vẫn vậy. Chúng ta sẽ đi sâu hơn vào bảng mạch và vi xử lý M1 ở bên dưới.

MacBook Pro - hầu như không thay đổi, nhưng đó chính là thứ tạo nên sự khác biệt

Trái: MacBook Pro 13-inch chip Intel; Phải: MacBook Pro 13-inch chip M1

So với MacBook Air, MacBook Pro mới thậm chí còn có ít sự thay đổi bên trong hơn, và bản thân điều đó đã là một sự ngạc nhiên rồi. Trong tương lai, có thể chúng ta sẽ được thấy những thành phần và thiết kế của các mẫu MacBook khác nhau trở nên thống nhất hơn. Xét cho cùng, những mẫu MacBook này (Air và Pro) đều dùng chung một con chip, chạy cùng một hệ điều hành, được trang bị hai màn hình gần như nhau. Các thành phần thay thế qua lại được cho nhau (giống như một số thành phần của các mẫu iPhone năm nay); sẽ giúp làm tăng đáng kể cơ hội cho bạn tìm được linh kiện thay thế về sau này, bởi Apple sẽ còn sản xuất nhiều mẫu MacBook mới nữa. Bạn thậm chí có thể "mượn" tạm các thành phần từ các thiết bị không giống hệt thiết bị của bạn nữa. Và các thủ tục sửa chữa cũng sẽ tương tự, nếu không muốn nói là như nhau.

Nhưng mẫu MacBook Pro hai cổng kết nối với mẫu MacBook Air mới vẫn thể hiện rằng chúng đến từ hai nhánh tiến hoá hoàn toàn khác nhau. Rõ ràng nhất chính là thiết kế tản nhiệt của Pro. Hệ thống làm mát của MacBook Pro với vi xử lý M1 rất giống của các MacBook Pro chip Intel: không có gì đặc sắc, chỉ là một ống đồng mang nhiệt đi ra từ vi xử lý đến thiết bị tản nhiệt buồng hơi nhỏ hơn, nơi không khí nóng sẽ được thổi ra ngoài bởi quạt.

Nói về quạt, có một số đồn đoán rằng bởi những chiếc MacBook mới chạy êm ái đến khó tin dù tải nặng, chúng nhiều khả năng được trang bị một loại công nghệ làm mát mới thần kỳ nào đó. Hoá ra, không phải thế: chiếc quạt duy nhất của chiếc MacBook Pro mới giống hệt quạt của chiếc MacBook Pro 2020 với chip Intel mà Apple ra mắt đầu năm nay. Không phải là tương tự - mà là giống hệt.

Quạt của MacBook Pro 13-inch M1 và Intel

Nói cách khác, bạn không nghe thấy tiếng quạt quay là bởi nó chẳng bao giờ phải gồng mình lên như trước đây. Nên nhớ, cũng con chip M1 này hoạt động rất tốt trên chiếc MacBook Air không quạt, do đó quạt của MacBook Pro nhiều khả năng sẽ... "ngồi chơi xơi nước" kể cả khi máy phải tải nặng đi chăng nữa. Chip M1 tốt như thế đấy!

Và đây là M1

Nói dông dài đã đủ, hãy gặp nhân vật chính của chúng ta (và có lẽ là lý do bạn vào đọc bài viết này): con chip M1 mới toanh, trái tim của những chiếc máy Mac mới.

Apple đã có một màn giới thiệu rất chi tiết về SoC M1 của họ trong buổi ra mắt vào ngày 10/11. Chúng ta sẽ tóm tắt lại như sau: M1 được sản xuất trên quy trình 5nm tiên tiến (các bán dẫn có kích thước nhỏ hơn trước, từ đó mang lại hiệu năng cao hơn nhưng tiêu thụ ít năng lượng hơn), giống như A14 Bionic trên những mẫu iPhone mới. M1 có 8 nhân CPU (4 nhân hiệu năng, 4 nhân hiệu suất), và một GPU tích hợp với 7 hoặc 8 nhân, tuỳ thuộc cấu hình bạn chọn (cả hai đều dùng cùng con chip M1 thuộc cùng một dây chuyền sản xuất, nhưng Apple phân loại chúng trong một quy trình gọi là "binning", nơi mà con chip với chất lượng thấp hơn một chút sẽ bị tắt bớt một nhân GPU).

Mặt trước và sau của bảng mạch logic trên MacBook Pro 13-inch mới

Bên cạnh con chip M1 màu bạc sáng chói trên mỗi bảng mạch, bạn sẽ để ý thấy hai con chip hình chữ nhật nhỏ. Chúng là chip nhớ "tích hợp" mới: bộ nhớ LPDDR4X SK hynix 8GB (2x 4GB). Apple gọi đây là UMA, hay Unified Memory Architecture (Kiến trúc bộ nhớ thống nhất). Nếu bạn thấy nó có vẻ quen quen, thì đó là bởi chúng đã hiện diện trên iPad Pro 11 (2020). Không hề ngạc nhiên khi Apple sao chép thành quả của chính mình. Bằng cách hàn chết RAM vào SoC M1, mỗi phần của M1 (CPU, GPU, Neural Engine...) có thể truy cập vào cùng một bộ nhớ mà không phải tốn công sao chép hoặc lập cache dữ liệu ở nhiều nơi khác nhau.

Mặt trước và sau của bảng mạch logic mỏng hơn trên MacBook Air mới

Thiết kế này giúp cải thiện tốc độ và hiệu suất, nhưng nó đồng nghĩa người dùng không thể tiếp cận và nâng cấp bộ nhớ hay khu vực lưu trữ trên các thiết bị mới được. Các thành phần có thể được nâng cấp bởi người dùng có thể giúp kéo dài tuổi thọ của bất kỳ chiếc máy tính nào (đặc biệt là khi bạn mua một mẫu máy cấu hình thấp để từ từ nâng cấp dần khi có thêm ngân sách). Các ứng dụng và các tập tin media thì ngày càng phình to ra, hệ điều hành liên tục được cập nhật thêm nhiều tính năng, và việc giới hạn bất kỳ chiếc máy tính nào với không gian lưu trữ hay bộ nhớ cố định chẳng khác gì phán cho nó một án tử sớm cả. Apple chắc chắn có thể thiết kế công nghệ bộ nhớ này theo hướng thay thế được bởi người dùng (hay thậm chí là cho phép người dùng mở rộng nó), nhưng họ sẽ chẳng ưu tiên điều đó đâu. Hãy cứ hi vọng vào năm sau đi. Apple cho biết quá trình chuyển đổi chip sẽ mất 2 năm, và sẽ có những con chip mạnh hơn nữa được tung ra, nhắm đến đối tượng người dùng chuyên nghiệp với nhu cầu cao hơn.

Dưới đây là toàn bộ những con chip được trang bị cho MacBook Pro và MacBook Air mới:

- SoC Apple M1 (bảng mạch chính + 2 mô-đun LPDDR4X Hynix 4GB 4266MHz)

- Intel JHL8040R Thunderbolt 4 Retimer (x2) (về cơ bản là một chip mở rộng/repeater Thunderbolt 4)

- 2 chip nhớ flash 128GB SDRGJHI4 (của Western Digital?)

- Apple 1096 & 1097 - nhiều khả năng là các IC quản lý điện năng

- Texas Instruments CD3217B12 - IC USB và PD

- Apple USI 339S00758 - mô-đun Wi-Fi 6/Bluetooth 5.0

- Winbond Q64JWUU10 - bộ nhớ flash serial 64Mb

- Renesas 501CR0B

- Intersil 9240H1 (từng có mặt trên MacBook Pro 13-inch 2019)

- National Semiconductor 4881A07

- Siliconix 7655 - MOSFET pin 40A

Giữa hai bảng mạch, bảng mạch của Pro có thiết kế phase năng lượng dày dặn hơn và có thêm vài chip mở rộng I/O:

- NXP PCAL6416AHF (được ghi là L16A) - 2 chip mở rộng I/O 12C/SMB

Đáng chú ý, trong số các chip nói trên thiếu vắng con chip T2 nổi tiếng. Trong nhiều năm trước khi M1 xuất hiện, Apple đã chuyển hàng loạt tác vụ (đặc biệt là các tác vụ liên quan bảo mật/mã hoá) từ các vi xử lý Intel sang con chip T2 tuỳ biến của riêng mình.

Những chức năng đó nay đã được tích hợp vào M1, vốn có một Secure Enclave và hàng loạt tính năng bảo mật tích hợp, giống như chip A. Hiện nay, khi Apple đã tự lực cánh sinh một lượng lớn chip của Mac, trong tương lai, xu hướng chip tích hợp như thế này sẽ còn tiếp tục mạnh mẽ hơn nữa.

Kết

Những thứ tưởng chừng như chỉ là những thay đổi nhỏ nhặt thực ra là thành quả của hàng năm trời nghiên cứu vất vả, và tất nhiên mọi thứ sẽ không dừng lại ở đó. MacBook Air cùng MacBook Pro mới chính là những mẫu laptop mà Apple đã muốn tung ra từ nhiều năm qua, những mẫu laptop do chính họ thực hiện từ trong ra ngoài. Chúng hoạt động êm ái, nhanh, và thú vị. Chúng cũng khó tiếp cận để nâng cấp và sửa chữa hơn nếu bạn tìm đến những cửa hàng không thuộc hệ thống của Apple, ít nhất là trong tương lai trước mắt.

Minh.T.T (theo iFixit)

Chủ đề khác