VnReview
Hà Nội

Bàn phím ortholinear là gì, và bạn có nên dùng nó không?

Nếu từng tham gia các hội nhóm chuyên về bàn phím cơ trên mạng internet, bạn hẳn đã chú ý thấy một vài bàn phím với thiết kế khá kỳ quặc: chúng nhỏ gọn, hình chữ nhật, với các phím bấm hình vuông được xếp thành từng hàng và cột đều tăm tắp.

Người ta gọi đó là bàn phím ortholinear. Vậy loại bàn phím này có gì thú vị?

Ý nghĩa tên gọi

"Ortho" là một từ tiếng Hi Lạp, có nghĩa là "thẳng hàng" hoặc "cứng nhắc". Đây cũng là tiền tố trong từ "orthodontics" - tức "thuật chỉnh răng", một phương pháp y tế được các bác sỹ chỉnh răng sử dụng để làm thẳng răng. Kết hợp "Ortho" với "linear" - nghĩa là "thẳng" - chúng ta có từ "ortholinear": tính từ chỉ một thứ gì đó có rất nhiều đường thẳng.

Bố cục mặc định của bàn phím ortholinear Planck

Vậy loại bàn phím kỳ lạ này có tác dụng gì? Để trả lời câu hỏi đó, bạn phải tự suy ngẫm xem tại sao bạn lại cho rằng một bàn phím bình thường là bình thường? Kiểu bố trí phím bấm so le đã xuất hiện từ thời những chiếc máy đánh chữ cơ khí cũ kĩ: bởi mỗi phím bấm được kết nối đến một thanh dài đè lên giấy, nên để thực hiện điều đó với nhiều hàng phím, các phím bấm phải được đặt so le với nhau.

Trong đoạn video bên dưới, bạn có thể thấy những cánh tay đòn đặt so le trên chiếc máy đánh chữ 110 năm tuổi kích hoạt cơ chế in mực lên giấy như thế nào.

Kiểu thiết kế này vẫn được duy trì khá lâu sau khi những thanh vật lý kia được thay thế bởi tín hiệu điện tử, và các máy đánh chữ dùng điện lúc này sử dụng những bố cục phím tương tự các thiết kế trước đây. Bố cục này sau đó được "truyền lại" cho hầu hết các thiết kế bàn phím máy tính. Bởi việc sử dụng thiết kế phím bấm đặt so le hầu như không có nhược điểm rõ ràng nào, nên một khi bạn đã nhớ được cách gõ, chẳng có lý do gì để điều chỉnh lại thiết kế cả. Ngày nay, bố cục này phổ biến đến mức chúng ta vẫn đang dùng trên các thiết bị màn hình cảm ứng.

Giống như nút "Save" (lưu) vẫn được đại diện bởi hình ảnh một chiếc đĩa mềm, dù nhiều thập kỷ đã trôi qua kể từ thời mà người ta thực sự còn dùng đến món đồ này trong quá trình sử dụng máy tính mỗi ngày. Những thiết kế được đưa ra hơn một thế kỷ trước hiện vẫn ảnh hưởng đến cách chúng ta tương tác với các vật thể mỗi ngày.;

Ortholinear có gì tốt hơn?

Các bàn phím ortholinear không sử dụng bố cục phím khác so với các bàn phím tiêu chuẩn, như sự khác biệt giữa QWERTY và DVORAK. Chúng có cùng cách bố trí các phím bấm mà bạn đã quen thuộc, chỉ khác ở chỗ các phím được sắp xếp thẳng hàng và song song nhau một cách hoàn hảo. Để làm được điều này, một vài phím nằm ở hai rìa, như Control, Enter, và Shift, sẽ bị cắt bớt để bề rộng chỉ còn bằng một phím thông thường mà thôi.

Vậy thì điều gì khiến bàn phím ortholinear tốt hơn các bàn phím khác? Còn tuỳ vào người dùng. Một số nói rằng cách sắp xếp thẳng hàng này giúp họ gõ nhanh hơn bởi mọi thứ "hợp lý hơn". Nhưng tất nhiên, nếu bạn đã và đang quen gõ trên một bàn phím tiêu chuẩn, bạn sẽ cần một khoảng thời gian điều chỉnh để các ngón tay của bạn "học" lại vị trí các phím, vốn đã có sự xê dịch nhỏ so với những gì bộ não bạn ghi nhớ.

Quá trình học lại này không tốn nhiều thời gian - chắc chắn không lâu bằng việc học cách sử dụng một bố cục hoàn toàn mới. Trên thực tế, thời gian làm quen này cũng tương đương thời gian bạn cần để học cách sử dụng bàn phím công thái học kiểu chia đôi (và một số người dùng khẳng định bàn phím ortholinear cũng có những lợi ích về mặt công thái học của riêng nó). Nhưng tất nhiên, quãng thời gian này sẽ khác nhau đối với từng người.

Và tương tự, không ai có thể nói trước được bạn sẽ hưởng lợi được đến mức nào sau khi chuyển sang bố cục ortho... hoặc liệu bạn có thấy được chút lợi ích nào không. Một lần nữa, điều đó phụ thuộc rất lớn vào sở thích của mỗi người.

Các bàn phím ortholinear không hẳn là một phát minh mới: đã có nhiều ví dụ về loại bàn phím này từ những ngày đầu của ngành công nghiệp máy tính. Nhưng những thiết kế mới ngày nay chú trọng nhiều hơn vào sự nhỏ gọn: các phím ở rìa được thu hẹp lại chỉ bằng một phím bình thường, giúp cắt giảm được khoảng 1-inch tổng chiều dài bàn phím so với bố cục 60% tiêu chuẩn, và sẽ giảm thêm được một chút nữa nếu bạn chọn thiết kế 40%. Bạn nên lưu ý điều này nếu muốn có một bàn phím nhẹ nhất, nhỏ nhất có thể để mang đi sử dụng ở nhiều nơi.

Mua bàn phím ortholinear ở đâu?

Nếu bạn đang hào hứng muốn thử một bàn phím ortholinear thì bạn không hề đơn độc đâu. Nhưng bạn có lẽ sẽ hụt hẫng đôi chút bởi không có nhiều công ty sản xuất loại bàn phím này. Trên thực tế, khá khó để tìm mua được một bàn phím ortholinear được hoàn thiện sẵn tại các cửa hàng máy tính ngoài đời lẫn trực tuyến.

Bởi xu hướng này được nhen nhóm bởi cộng đồng bàn phím cơ, đại đa số bàn phím ortholinear bạn thường thấy đều được tự làm tại nhà. Người dùng mua một bảng mạch, một bộ vỏ tương thích, và các switch, sau đó dùng thiết bị hàn để lắp ráp mọi thành phần lại với nhau. Tiếp theo, họ phải cắm dây bàn phím vào (bàn phím ortholinear đã hiếm, ortholinear không dây gần như không tồn tại) và lập trình hoặc điều chỉnh bố cục phím theo ý thích.

Nếu bạn đã quen với việc tự buil bàn phím, rất tuyệt! Chỉ cần tìm một bảng mạch (PCB) ortholinear với bố cục bạn thích, một bộ vỏ tương thích, và loại switch bạn thường dùng. Nếu bạn không thích làm những việc đó? Không có nhiều lựa chọn cho bạn đâu.

Thiết kế Planck thường là lựa chọn của nhiều người mới chơi. Bàn phím 40% này có mọi phím ký tự như một bàn phím tiêu chuẩn, nhưng thiếu dãy phím số hoặc phím chức năng (và nhiều phím khác). Bạn phải dùng đến các lớp phím số ảo. Planck EZ là phiên bản Planck được lắp ráp sẵn với switch và keycap của nhà sản xuất. Nó khá đắt, đến 230 USD, nhưng cho phép bạn lựa chọn màu sắc vỏ và phím, cũng như loại switch mong muốn.

Bàn phím Planck EZ

Drop.com (trước đây là Massdrop) cũng có bán một phiên bản của Planck, nhưng đòi hỏi bạn phải "vận động tay chân" đôi chút. Bạn cần tự tìm các switch cơ tương thích (không khó lắm đâu). Bộ kit có giá chỉ 110 USD, và bộ switch bán riêng (bạn sẽ cần ít nhất 48 switch) sẽ có giá từ 30-60 USD tuỳ thuộc loại bạn thích. Hàng trên Drop khá nhanh hết, do đó đừng bất ngờ nếu sau vài tiếng suy nghĩ, bạn không còn thấy chiếc bàn phím mình đã chọn nữa.

Có một lựa chọn khác dễ tìm hơn: Koolertron. Công ty này chuyên bán các bàn phím một tay, còn được gọi là macro pad, với bố cục ortholinear. Kết hợp hai macro pad lại với nhau và lập trình chúng thành hai phần của một bàn phím, bạn sẽ có một bàn phím ortholinear chất lừ với phong cách công thái học chia đôi. Vấn đề ở đây là bạn sẽ cần mua hai bàn phím (vẫn rẻ hơn một bàn phím Planck) và sử dụng hai sợi cáp USB cho hai bàn phím riêng biệt này.

Bàn phím macro pad của Koolertron

Nếu bạn muốn một bàn phím khác, lớn hơn hoặc nhiều tính năng hấp dẫn hơn chẳng hạn, bạn sẽ phải tự lùng linh kiện và tự chế tạo ra nó. Khá khó khăn đấy, do đó bạn nên tìm mua một bàn phím ortholinear lắp sẵn về dùng thử trước - nếu không thấy thoả mãn, bạn có thể bán lại nó mà không lỗ bao nhiêu - hoặc mượn từ một người bạn nào đó nếu có.

Bắt tay vào chế tạo bàn phím

Nếu đã nghiên cứu xong và sẵn sàng để tự chế bàn phím ortho cho riêng mình, hãy tìm một PCB tương thích để bắt đầu. Bạn sẽ muốn một PCB đi kèm với vỏ đấy.

Có rất nhiều lựa chọn ở đây, chủ yếu được bán theo từng gói nhỏ. Thiết kế Planck vẫn là phổ biến nhất, và tìm vỏ cho nó cũng dễ hơn. ID75 là một thiết kế tương tự, nhưng lớn hơn một chút (15 cột phím thay vì 12) và có lẽ dễ làm quen hơn nếu bạn thường dùng bàn phím truyền thống.

Một khi đã tìm thấy PCB và vỏ, hãy thêm vào một vài switch MX tương thích (và một sợi cáp USB nếu chưa có). Đặt hàng, đợi linh kiện ship về nhà, và làm nóng thiết bị hàn thôi nào!

Minh.T.T (theo ReviewGeek)

Chủ đề khác