VnReview
Hà Nội

“Xếp hạng” 6 phiên bản Windows tệ nhất trong lịch sử

Trong ba thập niên thành công và thống trị thị trường của Microsoft Windows, chắc chắn không thể tránh khỏi những thời điểm mà hệ điều hành này thất bại. Bài viết - do chuyên trang How-to Geek biên soạn và VnReview biên dịch - sẽ bình chọn 6 phiên bản Windows có chất lượng "tệ" nhất trong lịch sử.

Tất cả những phiên bản Windows này, ở thời điểm phát hành, đều khiến cho người dùng cảm thấy muốn gắn bó với những phiên bản Windows cũ trước đó nhưng chất lượng tốt hơn, hoặc chuyển sang các lựa chọn thay thế như macOS hay Linux.

Tiêu chí xếp hạng

Đa số chúng ta đều có thể dễ dàng gọi tên một phiên bản Windows là "tệ" ngay khi thấy tên nó trong danh sách. Có thể trước đó bạn đã từng phải "vất vả" khắc phục các lỗi do hệ điều hành đó gây ra, hoặc mất rất nhiều thời gian cài đặt đi cài đặt lại, hay đã từng nghe nói đến việc phiên bản đó đã gây "sập" máy tính của mọi người nhiều đến mức nào.

Để lập nên danh sách này, chúng tôi đã xét đến những tiêu chí sau: Người dùng "ghét" phiên bản Windows đó nhiều như thế nào (thông qua việc tìm đọc các danh-sách-tệ-nhất được đăng tải trên các báo hay diễn đàn khác), doanh số của phiên bản đó thấp ra sao, tốc độ triển khai của hệ điều hành đó chậm như thế nào (thể hiện qua số lượng máy tính cài đặt phiên bản Windows đó sau từng mốc thời gian), khoảng thời gian phiên bản đó tồn tại trên thị trường, và những trải nghiệm cá nhân của chúng tôi với hệ điều hành đó.

Thành thật mà nói, chúng tôi không dồn quá nhiều quan điểm chuyên môn vào bài viết này, do đó bạn có thể không đồng tình với cách xếp hạng của chúng tôi, tuy nhiên chúng tôi tự tin để khẳng định rằng: Nếu bạn đã từng sử dụng một trong những phiên bản Windows này, chắc chắn bạn đã từng muốn nâng cấp.

Để đảm bảo yếu tố đơn giản, chúng tôi sẽ chỉ liệt kê các phiên bản Windows dành cho máy tính thông thường (ngoại trừ phiên bản dành cho chip xử lý ARM), do đó các phiên bản dành cho máy chủ (Windows Server) và các phiên bản dành cho các thiết bị di động, máy PDA sẽ không được tính vào đây.

#6: Windows 1.01 (1985)

Windows 1.0 có thể là một trong những phiên bản Windows quan trọng nhất (dĩ nhiên, vì nó là phiên bản Windows đầu tiên mà), nhưng trên thị trường, đây là một phiên bản bị cho là đáng ghét. Khác với những chiếc máy tính Mac được xây dựng từ đầu, phần cứng được tối ưu hoá để sử dụng với chuột và giao diện người dùng đồ hoạ (GUI), những chiếc PC của IBM phải "vật lộn" với những thủ thuật phần mềm khó sử dụng để tiếp cận thị trường theo cách tương tự.

Do đó, khi ra mắt, phiên bản Windows 1.0 đã vượt qua những giới hạn của những chiếc PC năm 1985 đi quá xa, khiến nó trở thành một hệ điều hành "ngốn" bộ nhớ đến mức chậm không sử dụng được. Năm 1986, báo The New York Times đã đánh giá Windows 1.0 và cho rằng "chạy Windows trên những chiếc PC có bộ nhớ 512KB giống như việc bạn đổ một hũ mật lên thảm băng ở Bắc Cực vậy". Nếu cộng thêm sự hỗ trợ nghèo nàn của các công ty phần mềm bên thứ ba nữa, thì bạn có trong tay một hệ điều hành mà không-ai-muốn-nhắc-lại nữa.

May mắn cho Microsoft, sau đó mọi thứ đã dần được cải thiện. Cấu hình PC trung bình về sau đã trở nên đủ mạnh mẽ để chạy Windows một cách mượt mà ở thời điểm đầu những năm 1990.

#5: Windows XP (phiên bản ra mắt đầu tiên vào năm 2001)

Chắc hẳn nghe đến cái tên này, bạn thấy khá kì lạ phải không? Thật vậy, sau tất cả những bản cập nhật sửa lỗi sau đó, Windows XP xứng đáng là một trong những phiên bản tuyệt vời nhất của hệ điều hành Windows. Tuy nhiên, chắc chắn một vài người trong số các bạn vẫn còn nhớ XP đã như thế nào trước khi gói dịch vụ Service Pack 2 được phát hành: một đống hỗn độn đầy lỗi, trình điều khiển thiết bị (driver) trục trặc và những lỗ hổng bảo mật lớn.

Ngoài ra, hệ thống kích hoạt bản quyền phần mềm hoàn toàn mới của Windows XP đã khiến biết bao người dùng đau đầu - đây cũng là lần đầu tiên hệ thống này xuất hiện trên Windows. Để ngăn ngừa tình trạng sử dụng "lậu", Microsoft yêu cầu các khách hàng tự build máy tính hay nâng cấp từ phiên bản Windows cũ lên phải kích hoạt Windows XP của họ qua mạng Internet hoặc qua điện thoại. Nếu bạn thực hiện những thay đổi lớn với phần cứng máy tính của mình (chẳng hạn như lắp thêm ổ cứng hay card đồ hoạ mới), Windows XP sẽ yêu cầu người dùng phải kích hoạt bản quyền lại - điều mang đến sự đau đầu cho không ít người trong kỷ nguyên Internet không phải là một thứ luôn sẵn có.

Tuy nhiên, may mắn là Microsoft vẫn tiếp tục hoàn thiện Windows XP qua vài năm, và hệ điều hành này đã trở thành một phiên bản ổn định, chắc chắn mà nhiều người không muốn từ bỏ. Việc Windows XP Service Pack 2 được phát hành đã trở thành một dấu mốc quan trọng, giúp cho hệ điều hành này trở nên bảo mật hơn rất nhiều.

#4: Windows RT (2012)

Microsoft đã tuỳ biến Windows RT trở thành một phiên bản Windows dành riêng cho chip ARM, chạy trên những thiết bị nhẹ hơn, tiết kiệm pin hơn như Surface RT. Chỉ có một vấn đề duy nhất: hệ điều hành này không thể chạy hàng triệu phần mềm ứng dụng được thiết kế cho kiến trúc vi xử lý x86 truyền thống của Windows. Và đa số những ứng dụng dành riêng cho Windows 8 trên kho ứng dụng Windows Store ở thời điểm đó có chất lượng không tốt lắm.

Tệ hơn, hệ điều hành này còn hỗ trợ một chế độ desktop hoàn chỉnh nhưng chỉ hỗ trợ các ứng dụng desktop do Microsoft phát triển, chẳng hạn như Microsoft Office. Các ứng dụng của bên thứ ba bị cấm hoạt động, ngay cả khi đã được biên dịch lại cho nền tảng chip ARM. Cuối cùng, RT còn hơn cả một nỗi hổ thẹn: Sự thất bại của Windows RT và phần cứng Surface RT đi kèm đã khiến Microsoft thiệt hại 900 triệu USD vào năm 2013.

#3: Windows 8 (2012)

Windows 8 là một động thái kinh doanh táo bạo của Microsoft. Công ty đã nhìn ra những thách thức với PC do các thiết bị di động iPhone và iPad của Apple mang lại (doanh số PC qua các năm bắt đầu sụt giảm từ 2011), và quyết định sẽ giải quyết tình trạng này bằng một phiên bản hệ điều hành "lai" có thể sử dụng với cả màn hình cảm ứng và PC truyền thống.

Thật không may, Microsoft có vẻ đã hơi quá "nhiệt huyết" với chiến lược mới này, với việc buộc nhóm người dùng PC desktop truyền thống phải đánh đổi hiệu suất làm việc của họ với một giao diện ưu tiên màn hình cảm ứng mới có tên gọi Metro. Đây là một giao diện tuyệt vời dành cho máy tính bảng, nhưng không phải cho những chiếc máy tính để bàn truyền thống.

Thực tế, Windows 8 coi trải nghiệm desktop truyền thống là một thứ "xếp sau": hệ điều hành khởi động vào màn hình Start theo mặc định và ẩn tuỳ chọn màn hình "Desktop" truyền thống sau một biểu tượng. Trừ phi bạn vào được màn hình Desktop này, thì sẽ không có menu Start nào cả, chưa kể lại còn có những "góc cạnh" màn hình đầy phiền phức. Nếu vô tình di chuột vào góc trên bên phải màn hình này chỉ vài giây thôi, một thanh Charms sẽ hiện ra không hề theo ý người dùng.

Cuối cùng, Windows 8 - một canh bạc tất tay cho thiết bị di động, đã không thành công. Các đánh giá dành cho phiên bản này hầu hết là tiêu cực, và Microsoft đã phải rút lại tham vọng của mình dần dần, đầu tiên là với Windows 8.1, sau đó là đến Windows 10. Trong thời gian đó, nhiều người dùng đã chọn ở lại với Windows 7 hoặc chuyển hẳn sang máy tính Mac.

#2: Windows Vista (2006)

Sau thành công vang dội của Windows XP, Windows Vista là một "thảm hoạ". Hệ điều hành mới hào nhoáng, bóng bẩy này được phân phối với 6 phiên bản khác nhau (Starter, Home Basic, Home Premium, Business, Enterprise và Ultimate), làm xáo trộn thị trường như một đĩa salad và gây bối rối cho người mua.

Một trong những phàn nàn đầu tiên về Vista là hệ điều hành này hoạt động rất chậm chạp trên những chiếc máy trước đây vốn chạy tốt Windows XP. Phiên bản này cũng rất ngốn bộ nhớ RAM. Điều này một phần là do giao diện Aero "trong suốt", "bóng mờ" rất bắt mắt, cùng với những gadget hoạt động liên tục trên desktop, sử dụng rất nhiều tài nguyên đồ hoạ, bộ nhớ RAM và sức mạnh xử lý của CPU.

Tiếp đó, còn có những vấn đề gây bối rối, khó chịu đến từ những tính năng vốn được xây dựng để hỗ trợ người dùng nhưng không hoạt động như ý định ban đầu. Các hộp thoại User Account Control (UAC) xuất hiện cứ vài phút một lần, che kín toàn bộ màn hình bất cứ khi nào bạn thực hiện một hành động với máy tính của mình. Thật may là có thể tắt tính năng này đi chỉ với vài cú nhấp chuột, nhưng thực sự Microsoft đã nghĩ gì vậy?

Song, cuối cùng, chúng ta vẫn nên cảm ơn những thất bại của Vista đã mở đường cho thời hoàng kim của Windows 7, phiên bản khắc phục những lỗi của Vista nhưng vẫn giữ lại những cải tiến của hệ điều hành này.

#1: Windows Millennium Edition (2000)

Ban đầu, Microsoft thiết kế Windows 98 với mong muốn đây sẽ là hệ điều hành cuối cùng dựa trên nhân (kernel) MS-DOS truyền thống; song công ty nhận ra rằng họ không có đủ thời gian để hoàn thiện một phiên bản Windows dựa trên nhân NT dành cho thị trường người tiêu dùng phổ thông. Kết quả, công ty ra mắt Windows Millennium Edition (Phiên bản Thiên niên kỷ mới), hay gọi tắt là "Windows Me".

Vậy điều gì là "sai sai" với Windows Me? Vấn đề nghiêm trọng nhất trong số tất cả những vấn đề là hệ điều hành này gặp lỗi, gây "sập" máy tính của người dùng - và tình trạng "sập" này xảy ra rất nhiều! Theo những gì chúng tôi tìm hiểu, không ai có thể thực sự giải thích chính xác vì sau Me lại có thể bất ổn định hơn cả hệ điều hành vốn dĩ đã không mấy ổn định là Windows 98, nhưng chúng tôi ngờ rằng lý do nằm ở những lỗi xuất hiện khi Microsoft vội vã bổ sung những tính năng mới cho Me mà không có sự thử nghiệm đầy đủ.

Bên cạnh đó, còn một số vấn đề khác nữa: Phần mềm chạy trên Windows Me thường gây lỗi tràn bộ nhớ rất thường xuyên, từ đó tạo ra thêm nhiều lỗi khác nữa. Công cụ System Restore được tích hợp trong hệ điều hành này không hoạt động đúng. Me cũng loại bỏ chế độ MS-DOS thực sự, vốn là một thành phần cần thiết cho các phần mềm cũ hoạt động, đặc biệt là những game ở kỷ nguyên muộn của MS-DOS từ giữa thập niên 1990, vốn vẫn được nhiều người dùng PC chơi ở thời điểm đó.

Như "trêu ngươi" nhóm người dùng phổ thông, Microsoft đã ngay lập tức có câu trả lời cho những vấn đề của chính họ ở trên: Windows 2000, một hệ điều hành ổn định và tuyệt vời. Dĩ nhiên, hệ điều hành này thiếu đi những tính năng đem lại sự thoải mái và dễ sử dụng cho nhóm người dùng phổ thông (vì đây là hệ điều hành hướng đến doanh nghiệp), nhưng nó đã giải quyết được nhiều vấn đề. Thay vào đó, Microsoft lại "đá" cho người dùng thông thường "quả bóng" Windows Me, và hãng chỉ "chiều lòng" những khách hàng này với phiên bản Windows XP ra mắt năm 2001 (nhưng mới đầu, XP cũng có khá nhiều lỗi, như chúng tôi đã trình bày ở trên).

"Đại sảnh danh dự": Windows 10 (2015)

Con đường dành cho Windows 10 cũng có khá nhiều khó khăn. Trong số các vấn đề của phiên bản này: tích hợp quá nhiều quảng cáo, cài sẵn những trò chơi miễn phí, "ép buộc" người dùng phải cập nhật, việc thu thập dữ liệu và các vấn đề về quyền riêng tư, cùng một giao diện vốn là sự hoà trộn các thành phần của bốn thế hệ Windows làm một mà đến nay, Microsoft vẫn đang tiếp tục cải tiến, hoàn thiện.

Windows 10 được đánh giá cao vì đã mang đến trải nghiệm desktop khá tốt, nhưng dĩ nhiên, đổi lại, trải nghiệm màn hình cảm ứng của hệ điều hành này kém hơn so với Windows 8. Và để nói về Windows 8, Microsoft đã tập hợp hai kiến ​​trúc phần mềm: UWP và nền tảng Win32 cũ vào làm một. Bị trói buộc giữa hai lựa chọn: một là loại bỏ các ứng dụng Win32 cũ - Windows 10 chạy những ứng dụng này khá kém ở chế độ DPI (mật độ điểm ảnh cao) - nhưng vẫn phải giữ chân được lượng người sử dụng khổng lồ, Windows 10 dường như "chông chênh" ở giữa, chưa thực sự làm được điều nào một cách chỉn chu.

Với Windows 10, các bản cập nhật - đôi lúc gây ra sự khó hiểu cho người dùng - cứ nối tiếp nhau và dường như không bao giờ kết thúc. Microsoft liên tục thử nghiệm các tính năng mới, lúc thêm lúc bớt trong khi để nhiều ứng dụng và tiện ích cũ trong tình trạng "bơ vơ". Và vẫn còn có ít nhất hai phương thức khác nhau (Control Panel và Settings) để người dùng cấu hình hệ thống. Windows 10 mang đến cảm giác như những đoạn mã rời rạc được gắn nay đây mai đó, mà không có tầm nhìn lớn nào hợp nhất chúng.

Chúng tôi đã nhận được những bình luận của độc giả về Windows 10 trong nhiều năm, đủ để thấy rằng nhiều người dùng không hài lòng với nhiều khía cạnh của hệ điều hành này.

Vì vậy, mặc dù Windows 10 (trong một chừng mực nào đó) là một trong những phiên bản Windows tuyệt vời nhất trong lịch sử, nhưng nếu nói đây cũng là một trong những hệ điều hành tồi tệ nhất trên một vài phương diện thì cũng không sai. Nếu trong tương lai Microsoft có ý định tạo ra Windows 11, hãy hy vọng rằng nó có thể có một khởi đầu mới mà không khiến cho người dùng "phát điên" (như Vista và Windows 8 trước đó). Hãy cùng chờ xem!

Quang Huy

Chủ đề khác