VnReview
Hà Nội

iPad Pro phần cứng quá mạnh, iPadOS bỗng thành "gánh nặng"

iPad Pro mới không có quá nhiều thay đổi về thiết kế, thậm chí, phiên bản 11 inch còn chẳng được trang bị màn hình Liquid Retina XDR có trên mẫu 12,9 inch lớn. Tuy vậy, cả hai đều được nâng cấp lớn bên trong, có thể gợi ý về mục tiêu trong tương lai của Apple dành cho iPad, bao gồm cả chip Apple M1.

Hệ điều hành iPadOS đang bị tụt lại phía sau phần cứng

iPad Pro 2021 sở hữu con chip Apple M1 xuất hiện trong những cỗ máy Mac mới nhất của Apple, từ các mẫu laptop MacBook cho đến Mac Mini và iMac mới. Đây là một con chip mạnh mẽ và tiếp tục chứng minh rằng Apple coi iPad Pro là một lựa chọn thay thế máy tính cho một số đối tượng nhất định.

Tuy nhiên, có một vấn đề quan trọng: iPadOS chắc chắn là một hệ điều hành tốt, nhưng nó vẫn chưa thể tận dụng tối đa sức mạnh tính toán mà con chip M1 cung cấp. Hơn nữa, số lượng ứng dụng chưa hỗ trợ trên iPad khá nhiều. iPad Pro mới đã trở thành chiếc iPad mạnh mẽ nhất từng được Apple phát hành, nhưng các phiên bản thế hệ trước đã đủ mạnh để xử lý mọi thứ mà người dùng có thể thực hiện. Và chiếc iPad Pro được trang bị Apple M1 cần phải làm mọi thứ hơn thế.

Ứng dụng

Không phủ nhận rằng iPadOS có một kho ứng dụng lớn, tận dụng từ iOS, nhưng chúng chủ yếu hướng đến thiết bị di động. Gần như chẳng có ứng dụng chỉnh sửa video hay âm thanh nào có thể đạt mức tương đương desktop, hoặc thậm chí là những tựa game có chất lượng tương đương console. Điều đó không xuất phát từ sức mạnh xử lý mà là những thứ liên quan đến cách tiếp cận chặt chẽ của Apple đối với Apple Store.

Chìa khóa quan trọng để thực sự tận dụng tối đa sức mạnh xử lý của iPad mới đó chính là ứng dụng, thay vì chỉ bản thân hệ điều hành. Nhiều người dùng đã yêu cầu Apple đưa Logic Pro và Final Cut Pro lên iPad trong những năm qua. Tuy rằng iPad có sẵn phiên bản Logic Pro Remote rút gọn, thế nhưng, nó chẳng thể mang đến trải nghiệm ở cấp độ desktop cho người dùng. Đáng lẽ ra, người dùng có thể tắt các dự án Logic Pro hay thư viện Final Cut của mình trên Mac và xử lý chúng ngay trên iPad.

Hệ điều hành iPadOS đang bị tụt lại phía sau phần cứng

Dĩ nhiên, thực hiện sẽ khó khăn hơn là nói suông. Cả hai ứng dụng này dều hỗ trợ các plug-in bên thứ ba và điều đó khiến quá trình chuyển đổi thiết bị xử lý trở nên phức tạp hơn mức cần thiết. Nhưng nếu thành công, sự tiện lợi sẽ là vượt trội so với việc di chuyển quá trình xử lý sang một máy tính khác.

Điều này đã được đồn đại trong một khoảng thời gian, ít nhất là khi nói đến các ứng dụng bên thứ nhất. Apple nhiều khả năng sẽ mang Final Cut Pro và Logic Pro lên iPad trong tương lai gần.

Các ứng dụng khác có thể mất nhiều thời gian hơn, nhưng Apple đã và đang thúc đẩy điều đó. Bằng cách chuyển sang các bộ xử lý sử dụng kiến trúc ARM cho máy tính Mac, quá trình đưa những ứng dụng của mình lên iPad của nhà phát triển cũng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, thông qua các công cụ dành cho nhà phát triển, những nhà phát triển có thể dễ dàng phát hành ứng dụng của mình lên iOS App Store cũng như Mac App Store.

Một hệ điều hành linh hoạt hơn

Dù những ứng dụng ở cấp độ desktop có thể giúp iPad Pro trở thành một lựa chọn thay thế laptop cho các chuyên gia, nhưng đối với nhiều người khác, Apple cần phải cải thiện các công cụ do chính hệ điều hành cung cấp.

Khi Apple tách iPadOS thành một hệ điều hành riêng từ iOS, điều đó báo hiệu rằng nhà Táo đã coi trọng nhu cầu và sức mạnh riêng của iPad hơn. Rõ ràng, công ty đã và đang làm điều đó. Nhờ các công cụ như Slideover và Split Screen, chỉ cần bạn dành vài phút để tìm hiểu cách tận dụng chúng, iPad sẽ cung cấp rất nhiều công cụ năng suất cũng như khả năng đa nhiệm tuyệt vời. Hỗ trợ chuột cũng như hàng loạt phụ kiện tuyệt vời khác, bao gồm cả Apple Pencil, đã cải thiện trải nghiệm tổng thể đó.

Hệ điều hành iPadOS đang bị tụt lại phía sau phần cứng

Tất nhiên, nó có thể trở nên tốt hơn. Thực tế, nền tảng iPadOS thậm chí còn chưa thể tận dụng hết sức mạnh của những chiếc iPad Pro hiện tại, chứ chưa nói đến thế hệ 2021 mạnh mẽ hơn đáng kể.

Apple có thể bổ sung những thứ như đa ứng dụng thực sự bằng cửa sỗ, hỗ trợ đồng thời nhiều người dùng cũng như khả năng giữ dock luôn hiển thị. Một vài trong số này quan trọng hơn những thứ khác, chẳng hạn, không phải ai cũng muốn phần dock luôn hiển thị và hầu hết mọi người đều không cần nó. Nhưng tất cả đều góp phần tạo nên một hệ điều hành thực sự có thể thay thế cho laptop với mục đích năng suất, chứ không phải một hệ thống mà bạn phải cố gắng để sử dụng nó như một chiếc laptop.

Có một con đường khác mà Apple có thể thực hiện: mang macOS vào iPad. Điều đó cho phép mọi người tận dụng lợi thế của hệ điều hành desktop, vốn đã được phát triển và hoàn thiện trong nhiều thập kỉ. Có một vài dấu hiệu gợi ý Apple đang làm điều đó, chẳng hạn, macOS Big Sur lấy rất nhiều ngôn ngữ thiết kế từ iOS và có như nó cũng sẽ hỗ trợ cảm ứng. Apple có thể gộp macOS và iPadOS lại với nhau.

Nếu điều đó xảy ra, dĩ nhiên, nó có thể chỉ dành cho những chiếc iPad cao cấp nhất được trang bị chip Apple M1 hoặc mới hơn. Dẫu sao đi chăng nữa, ở thời điểm hiện tại, chúng ta có một chiếc iPad Pro sở hữu cùng một con chip có trong thế hệ MacBook Pro mới nhất.

Hệ điều hành iPadOS đang bị tụt lại phía sau phần cứng

Tương lai tươi sáng

Chắc chắn, tất cả chúng ta đều muốn một hệ điều hành iPadOS mạnh mẽ hơn nhiều. Nhưng với phong cách của Apple, điều đó có thể mất một khoảng thời gian. Apple đã bị chỉ trích rất nhiều vì chưa tung ra những chiếc máy Mac có màn hình cảm ứng trong nhiều năm nay, và có vẻ như, công ty sẽ tiếp tục ngó lơ điều đó, hoặc chỉ tung ra một chiếc MacBook Air có màn hình cảm ứng. Thay vào đó, họ dường như muốn biến iPad, chí ít là với các mẫu Pro, lên ngang tầm Mac. Hi vọng, tham vọng đó của Apple sẽ sớm diễn ra một cách nghiêm túc.

Minh Hùng theo Digital Trends

Chủ đề khác