VnReview
Hà Nội

Mỹ hợp tác Nhật, quyết chiến với Trung Quốc bằng máy tính lượng tử

Vừa qua, IBM vừa công bố máy tính lượng tử đầu tiên của Nhật Bản IBM Quantum System One hướng tới lĩnh vực thương mại. Dự án đánh dấu một bước tiến cho sự hợp tác Nhật - Mỹ trong lĩnh vực cạnh tranh gay gắt vốn đã bị cuốn vào cuộc chiến giành ưu thế công nghệ với Trung Quốc.

Theo Nikkei, IBM Quantum System One đang hoạt động tại Trung tâm Ươm mầm Doanh nghiệp Kawasaki gần Tokyo và sẽ do Đại học Tokyo quản lý. Tổ chức Sáng kiến đổi mới lượng tử, với các thành viên bao gồm Đại học Keio và Toyota Motor, là đơn vị được quyền sử dụng.

Được biết, máy tính lượng tử thương mại này sử dụng 24 qubit lượng tử để tính toán song song. Tập đoàn IBM Nhật Bản cho biết, vì qubit dễ bị rung động, thay đổi nhiệt độ và sóng điện từ, IBM Quantum System One được niêm phong trong một hộp thủy tinh borosilicat có chiều dài và chiều ngang xấp xỉ 2,7 mét (chiều sâu không được hiển thị) và dày khoảng 1,3 cm. Khung được làm từ nhôm và thép, đồng thời tích hợp hệ thống giữ lạnh, thiết bị điện tử điều khiển và vỏ máy, giúp tránh nhiễu rung làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động.

Điện toán lượng tử là một trong những lĩnh vực hợp tác được Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Tổng thống Mỹ Joe Biden thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 4 vừa qua. Koichi Hagiuda, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, cho biết: "Các quốc gia đã đầu tư mạnh mẽ và bắt tay vào nghiên cứu, phát triển công nghệ lượng tử quy mô lớn. Sự cạnh tranh để giành vị trí thống trị trong tương lai giữa các quốc gia và công ty đã không ngừng gia tăng".

Theo đó, các tổ chức từ Trung Quốc bao gồm Đại học Khoa học và Công nghệ nước này đã vươn lên dẫn đầu công nghệ lượng tử, đe dọa thế thượng phong của những gã khổng lồ công nghệ Mỹ như IBM và Google. Nhật Bản và Mỹ đang hướng tới việc ứng dụng các hệ thống tối tân của IBM vào thực tiễn. Đây được xem là động thái chạy đua công nghệ với Trung Quốc của các nước phương Tây với mục tiêu không bị bỏ lại phía sau.

Dự kiến, các cỗ máy tính toán lượng tử sẽ bắt đầu được thương mại hóa cho các dịch vụ đặc thù trong vòng ba đến năm năm nữa. Trước mắt, các công ty đang cạnh tranh để tận dụng lợi thế công nghệ lượng tử vốn có vào các lĩnh vực của riêng họ.

Doanh nghiệp hóa phẩm Mitsubishi Chemical của Nhật Bản có khả năng sử dụng công nghệ lượng tử trong phát triển vật liệu OLED và pin mặt trời. JSR Corp sẽ ứng dụng vào quang học, bao gồm chất cản quang để chế tạo mạch bán dẫn, cũng như vật liệu màn hình tinh thể lỏng.

Ở châu Âu, 10 công ty của Đức gồm Volkswagen, Bosch và Siemens đã cùng nhau thành lập tập đoàn liên doanh nhằm đưa công nghệ lượng tử vào sử dụng thực tế. Goldman Sachs là một trong những tổ chức của Mỹ đang tìm cách sớm ứng dụng công nghệ lượng tử vào lĩnh vực tài chính.

"Để nền kinh tế Nhật Bản duy trì vị thế ổn định trên thế giới và đạt được sự tăng trưởng cùng với phát triển bền vững, chúng tôi không cho phép mình tụt hậu trong công cuộc phát triển công nghệ", ông Yasuhiro Sato, chủ tịch Tập đoàn tài chính Mizuho kiêm chủ tịch Hội đồng Sáng kiến ​​Đổi mới Lượng tử, nhấn mạnh.

Theo ước tính của công ty tư vấn quản lý Boston Consulting Group, điện toán lượng tử có thể tạo ra giá trị hằng năm lên tới 850 tỷ USD vào năm 2040, và cuộc chiến để tạo đòn bẩy cho thị trường khổng lồ trong tương lai đã bắt đầu.

Trước Nhật Bản, Đức là quốc gia đầu tiên được IBM chế tạo hệ thống máy tính lượng tử thương mại bên ngoài nước Mỹ. Đây được xem là sự hợp tác giữa các quốc gia phương Tây nhằm chống lại Trung Quốc trong lĩnh vực ứng dụng máy tính lượng tử.

Tại sự kiện ra mắt này, Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu: "Máy tính lượng tử là một công nghệ kỳ diệu, một điểm sáng cho ngành IT nước Đức".

Ngọc Diệp (Theo Nikkei)

Chủ đề khác