VnReview
Hà Nội

Bao nhiêu RAM là đủ cho nhu cầu chơi game máy tính?

Thắc mắc của rất nhiều game thủ khi muốn sắm hoặc tự ráp cho mình một bộ máy chơi game mới sẽ phần nào sáng tỏ trong bài viết này.

Không giống với CPU hay card đồ họa cứ nhiều là nhanh, việc tăng RAM chưa chắc giúp máy tính của bạn hoạt động nhanh hơn. Với game cũng vậy, nếu đã trang bị đủ lượng RAM mà máy yêu cầu thì tăng RAM không tạo nên sự khác biệt nào cả. Song, thắc mắc của hầu hết mọi người đều nằm ở bước đầu tiên: nên cung cấp cho máy tính bao nhiêu RAM để đủ cho nhu cầu chơi game?

Đây có lẽ là thắc mắc của rất nhiều game thủ khi muốn sắm cho mình một bộ máy chơi game mới, hoặc chi ít là nâng cấp chiếc máy đã cũ ở nhà. Câu hỏi trên sẽ phần nào được giải đáp trong bài viết dưới đây của trang công nghệ Howtogeek được chúng tôi chuyển ngữ. Lưu ý rằng những tư vấn trong bài viết này đều phù hợp với nhu cầu chơi game, nếu là người dùng phổ thông, bạn có thể xem bài viết tư vấn chọn dung lượng RAM cho máy tính đã được VnReview đăng tải cách đây gần 1 năm.

Tốc độ và dung lượng

Card đồ họa có tốc độ nhanh hơn đương nhiên sẽ cải thiện hiệu suất đồ họa cho máy tính, cũng như cho phép bạn tùy chỉnh mức đồ họa cao hơn cho game mà mình đang chơi. Còn một CPU với tốc độ nhanh hơn sẽ giúp đỡ rất nhiều cho các tựa game cần sự hoạt động của CPU như Civilization V hoặc các tựa game chiến lược thời gian thực (RTS) khác, vì không chỉ riêng người dùng điều khiển và được GPU tạo ra hình ảnh, thể loại game RTS cần thực hiện rất nhiều tính toán khác nhau bằng CPU (tìm hiểu thêm về game RTS trên Wikipedia tại đây). Tương tự với các game này, việc sử dụng ổ cứng SSD sẽ cho tốc độ cao hơn ổ cứng HDD truyền thống.

Nhưng đối với RAM thì đó là một chuyện khác. Ai cũng biết RAM DDR4 cho tốc độ nhanh hơn DDR3, nhưng không phải ai cũng nhận thấy sự khác biệt về tốc độ giữa chúng khi chơi game.

Trong hoàn cảnh thông thường, có lẽ bạn sẽ lo lắng nhiều hơn về dung lượng của RAM là bao nhiêu chứ không phải tốc độ của chúng. Game, hệ điều hành và các phần mềm mà bạn chạy đều có bộ nhớ riêng của chúng, và chúng cần có đủ số RAM cần thiết để dữ liệu của phần mềm luôn được lưu trữ trên RAM mà không cần phải chuyển sang lưu trên ổ cứng, bởi nó sẽ làm giảm đi tốc độ của phần mềm.

Acer Predator 17, laptop chơi game với khả năng nâng cấp RAM tối đa 64GB - Ảnh: LaptopMag

Như vậy, đáp án của câu hỏi ở tiêu đề bài viết hoàn toàn phụ thuộc vào phần mềm mà bạn sử dụng và cần cung cấp bao nhiêu RAM để chúng đừng bị "đói".

Nếu chỉ dùng máy tính để lướt web hay chạy các chương trình cơ bản, thì 4GB RAM là quá đủ dùng (trừ trường hợp một vài phần mềm đặc biệt yêu cầu nhiều RAM hơn). Nhưng ngược lại, 32GB RAM có thể vẫn chưa đủ đối với các hệ thống ảo hóa, máy chủ, hoặc những phần mềm cần bộ nhớ RAM cực lớn để hoạt động.

Vậy thì game máy tính cần bao nhiêu RAM?

Một cảnh trong game "The Witcher 3" với thiết lập đồ họa Ultra

Khá nhiều tựa game hiện nay được phát hành cho nhiều nền tảng khác nhau, ngoài PC còn có các hệ máy console như PS4 hay Xbox One. Cả Xbox One và PS4 đều có RAM 8GB, vì vậy sẽ không ngạc nhiên nếu một số tựa game trên PC hiện nay cũng yêu cầu bộ nhớ RAM tương tự, từ 6GB đến 8GB.

Đó là dung lượng cần thiết để chúng có thể chơi được (bộ nhớ tối thiểu). Hầu hết các tựa game đều khuyên người dùng trang bị bộ nhớ RAM nhiều hơn so với những gì nó yêu cầu nhằm đảm bảo hiệu suất hoạt động được mượt mà nhất. Nói chung, nhiều RAM hơn không nhất thiết cải thiện mức đồ họa mà bạn tùy chỉnh trong game với các chi tiết trong game cần nhiều VRAM trên card đồ họa, chứ không phải RAM trên hệ thống.

Đây là dung lượng RAM yêu cầu của một số tựa game nổi tiếng trong năm qua và đầu năm nay, thông tin được lấy từ trang giới thiệu trên Steam của mỗi game:

Ảnh: wccftech.com

  RAM tối thiểu RAM khuyến nghị
Dying Light 4GB 8GB
Grand Theft Auto V 4GB 8GB
The Witcher 3 6GB 8GB
Fallout 4 8GB 8GB
Batman: Arkham Knight 6GB 8GB
12GB để chơi mượt trên Windows 10
(nguồn)
Rise of the Tomb Raider 6GB 8GB
Far Cry Primal 4GB 8GB
Hitman 8GB 8GB
Quantum Break 8GB

16GB
(nguồn)

 

Những con số này cho thấy các game thường yêu cầu bộ nhớ RAM khoảng 8GB, ngoài chúng ra vẫn còn một số game khác yêu cầu ít hơn nhưng 8GB vẫn đang trở thành tiêu chuẩn tối thiểu cho các tựa game hiện nay, hoặc ít nhất là trong 1-2 năm tới.

Một số game thậm chí còn yêu cầu nhiều hơn, như Batman: Arkham Knight, dù bộ nhớ RAM khuyến nghị chính thức được công bố là 8GB, nhưng nhà phát triển công bố 12GB RAM là cần thiết để game có thể chơi mượt mà trên Windows 10. Trong khi đó, Quantum Break sắp được Microsoft phát hành có lẽ sẽ thiết lập một tiêu chuẩn mới trong tương lai khi yêu cầu bộ nhớ RAM lên đến 16GB để mức đồ họa Ultra được hoạt động mượt mà.

Kết luận: Cần ít nhất 8GB RAM để chơi các game mới

8GB RAM là con số đủ dùng, ít nhất là trong thời điểm hiện tại khi nó đáp ứng khá đầy đủ yêu cầu của các game cũng như nhu cầu sử dụng thông thường của người dùng. Tất nhiên, nếu có những nhu cầu "cao cấp" hơn ngoài chơi game như dựng phim, thiết kế,… thì bạn hoàn toàn có thể nâng cấp hay mua những chiếc máy có RAM 16GB hoặc cao hơn nếu có điều kiện, vì trong tương lai sẽ có thêm nhiều tựa game ngoài Quantum Break yêu cầu 16GB RAM. Song thời điểm hiện tại con số 16GB vẫn vượt quá nhu cầu thông thường của người dùng

Nếu lỡ mua hoặc ráp máy rồi, tất nhiên bạn vẫn có thể nâng cấp chúng trong tương lai để tăng bộ nhớ RAM. Những chiếc máy tính laptop hay PC hiện nay đều có nhiều khe cắm RAM, do đó bạn chỉ cần mua thêm 1 thanh RAM mới rồi gắn thêm vào chứ không nhất thiết phải thay thế thanh RAM hiện tại, vừa tiết kiệm chi phí vừa dễ dàng thay thế hoặc bán lại về sau.

Ảnh: pchardware.wikia.com

Giá RAM hiện tại cũng không quá đắt, và dung lượng giữa 8GB và 16GB chỉ chênh lệch nhau khoảng 1 triệu đồng, vì vậy nếu thực sự có nhu cầu hoặc đang ráp một bộ máy tính mới thì bạn vẫn nên chọn 16GB. Dù 16GB có thể dư dả trong thời điểm hiện tại, nhưng trong tương lai bạn sẽ không phải mất thời gian mua RAM về để nâng cấp nữa.

Nếu dùng card đồ họa onboard, bạn sẽ cần thêm nhiều RAM

Tất cả những tư vấn trên đây được áp dụng cho những chiếc máy tính dùng card đồ họa rời.

Trong trường hợp máy tính của bạn dùng card onboard (card đồ họa được tích hợp sẵn vào CPU), thì chúng tôi khuyên bạn nên tăng thêm dung lượng RAM (nên nhiều hơn 2GB) so với các khuyến nghị ở trên. Việc tăng thêm RAM so với mức khuyến nghị sẽ phần nào làm giảm đi điểm yếu của card onboard so với card rời chính là tốc độ và hiệu suất hoạt động.

Vi xử lý Intel Core i7-6700K được tích hợp sẵn card đồ họa Intel HD Graphics 530

Vì sao? Card đồ họa rời được tích hợp thêm video RAM (VRAM), có thể hiểu đơn giản VRAM là bộ nhớ RAM riêng của card đồ họa, tách biệt hẳn với RAM trên hệ thống, còn card onboard lại sử dụng một phần bộ nhớ RAM hệ thống để hoạt động (vì nó không có VRAM). Do đó tốc độ giữa card onboard và card rời sẽ khác nhau, và trong trường hợp này bạn cần nhiều RAM cho hệ thống hơn.

VÍ dụ, card đồ họa onboard của Intel chiếm khoảng 1,8GB bộ nhớ RAM trên hệ thống, vì vậy bạn sẽ cần nhiều hơn 8GB (nên là 12GB hoặc 16GB) nếu muốn chơi các tựa game mới với card onboard. Một số tựa game hiện nay thậm chí còn không hỗ trợ chơi trên card onboard, trong trường hợp này bạn buộc phải bổ sung thêm card rời cho máy tính của mình.

Kết luận

Không có một mức dung lượng chính xác nào đáp ứng tốt cho nhu cầu của mọi người. Nếu muốn chạy hàng loạt máy ảo cùng lúc khi chơi một tựa game với thiết lập đồ họa cao, chắc chắn lượng RAM mà bạn cần là nhiều hơn 16GB. Nhưng, nếu chơi game vẫn là công việc chính thì 8GB là vừa đủ dùng, song không có lý do gì để bạn không nâng cấp lên 16GB nếu có điều kiện.

Phúc Thịnh

Chủ đề khác