VnReview
Hà Nội

Đây là 9 điểm bạn cần cân nhắc khi mua một dịch vụ web hosting

Khi chọn lựa một dịch vụ web hosting hoàn hảo dành cho mình, bạn hẳn từng lạc vào một mê cung gồm đủ các điều khoản lẫn tính năng mà hiếm khi một người dùng thông thường cần đến. Từ FTP đến sao lưu dữ liệu, bài viết này sẽ giải thích cho bạn những thuật ngữ và tính năng nên cân nhắc khi quyết định mua một web hosting.

1. Công cụ xây dựng website (website builder)

Ngày nay, các nhà cung cấp hosting thường "tặng kèm" mọi loại công cụ mà bạn sẽ cần để có thể tạo một website hoàn chỉnh, dù bạn là một chuyên gia viết mã hay chỉ là một lính mới tập tọe vào nghề. Các công cụ xây dựng website hiện đại - như Boldgrid - cung cấp nhiều template (khuôn mẫu) với chức năng kéo-thả, cho phép bạn tạo nên một website trông rất chuyên nghiệp mà không cần thuê thêm một nhà thiết kế web.

Hãy nhớ rằng dù nhiều công cụ xây dựng website phổ biến như WIX hay Weebly đều là những công cụ độc quyền. Chúng không thuộc sở hữu của các web hosting theo cách nghĩ thông thường. Do đó, bạn sẽ bị hạn chế nhiều tính năng, cũng như thiếu sự linh động, mà đôi lúc gây khá nhiều "ức chế" nếu bạn không hiểu rõ bản chất vấn đề.

2. Ổ cứng thể rắn (SSD)

SSD đắt hơn hẳn so với HDD, và nó có lý do chính đáng để như vậy: SSD nhanh hơn nhiều so với ổ cứng xoay truyền thống, đáng tin cậy hơn, và tiêu thụ ít điện năng hơn. Tùy thuộc vào công nghệ sử dụng, tần suất truyền tải dữ liệu của SSD cao hơn một bậc hoặc hai so với người họ hàng cồng kềnh của nó.

Cấu tạo của SSD không có bất kỳ bộ phận di chuyển nào, do đó chúng vận hành một cách đáng tin cậy, yên lặng, và là một lựa chọn bền bỉ, tiết kiệm điện năng phục vụ lưu trữ dữ liệu. Tất nhiên, HDD sẽ vẫn phổ biến và được sử dụng rộng rãi trong các dịch vụ web hosting trong một thời gian dài nữa bởi tính "giá trị" của nó, khi mà người dùng vẫn chuộng những thứ "miễn phí" và "không giới hạn" thay vì tốc độ.

3. Băng thông

Băng thông cho biết chất lượng và mức độ dữ liệu và thông lượng được phép truyền tải giữa website của bạn, người dùng, và mạng Internet. Mỗi công ty hosting sẽ cung cấp các gói băng thông khác nhau, và thông thường, băng thông là dấu hiệu cho thấy một công ty hosting có sở hữu trong tay hạ tầng mạng, kết nối và hệ thống máy chủ tốt nhất hay không.

Nếu bạn mua web hosting nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh nhỏ với ít hơn 5.000 khách truy cập mỗi tháng, bạn không phải lo lắng quá nhiều về băng thông. Phần lớn các công ty hosting sẽ cung cấp đủ lượng băng thông bạn yêu cầu trong gói hosting rẻ nhất của họ, thông thường có giá chỉ 1 USD/tháng!

4. Dung lượng lưu trữ

Hầu hết các gói hosting sẽ cung cấp cho bạn dung lượng lưu trữ "không giới hạn", nhưng kèm theo đó là một số hạn chế. Tuy nhiên, đối với các website kinh doanh nhỏ, một gói hosting chia sẻ giá rẻ sẽ đáp ứng tốt mọi nhu cầu về dung lượng lưu trữ của bạn. Rất ít khi bạn cần nhiều hơn 1GB, trừ khi bạn lưu trữ rất nhiều tập tin video và nhạc trên website của mình.

Hầu hết các công ty web hosting sẽ không chấp nhận để người dùng sử dụng dịch vụ của họ như một máy chủ chia sẻ tập tin. Nếu có ý định như vậy, nên nên sử dụng các dịch vụ trực tuyến như Dropbox hay Google Drive sẽ tiện hơn nhiều.

5. Khả năng mở rộng

Khả năng mở rộng quan trọng bởi hai lý do: đầu tiên, bạn cần website của mình đủ khả năng đáp ứng một lượng lớn khách truy cập; và thứ hai, bạn cần một nhà cung cấp hosting mà bạn có thể cùng phát triển khi công việc kinh doanh và lưu lượng truy cập website tăng lên. Khi chọn một nhà cung cấp hosting, bạn nên tìm hiểu xem họ có cho phép nâng cấp các gói hosting dễ dàng hay không.

Web host của bạn có thể chuyển từ gói chia sẻ giá rẻ lên gói VPS cao cấp khi lưu lượng truy cập đạt đến một mức nhất định mà không cần phải tạm đưa website về chế độ bảo trì hay không? Có lẽ lưu lượng truy cập website của bạn sẽ dao động tùy theo mùa. Nhà cung cấp hosting cần phải hỗ trợ điều đó.

Ví dụ, website một nhà bán lẻ cây thông Noel khả năng cao sẽ đạt lưu lượng truy cập cực lớn trong tháng 12. Khả năng mở rộng sẽ cho phép website đó xử lý tốt sự biến động trong lưu lượng mà không bị sập.

Việc website của bạn đủ khả năng xử lý sự tăng trưởng và bất kỳ đợt bùng nổ lưu lượng truy cập lớn nào là rất quan trọng. Hãy đảm bảo bạn chọn một host cho phép nâng cấp lên VPS sau này.

6. Khả năng truy xuất

Khi đăng ký một hosting, bạn sẽ được cung cấp một bảng điều khiển (control panel) để quản lý tài khoản hosting của mình. Bạn cũng sẽ cần quyền truy xuất FTP (File Transfer Protocol) đến các tập tin trên host. FTP hiện là phương thức phổ biến nhất được dùng để truyền tải các trang web và các tập tin khác từ máy tính của bạn lên máy tính của host để lưu trữ.

Hãy chú ý dung lượng tập tin tối đa, bởi nếu quá ít, nó sẽ giới hạn khả năng tải lên các tập tin đa phương tiện của bạn. Nhiều nhà cung cấp cũng sẽ cho bạn một trình quản lý tập tin trực tuyến, vốn khá hữu dụng nếu bạn đang không ở văn phòng và phải tiến hành cập nhật nhanh cho website của mình, thậm chí là từ smartphone.

7. Hỗ trợ

Khi xuất hiện các vấn đề kỹ thuật khó, bạn sẽ cần được hỗ trợ để sao lưu nhanh dữ liệu. Các nhà cung cấp hosting nổi bật sẽ hỗ trợ cho bạn 24/7, để bạn có thể đưa website của mình trực tuyến nhanh chóng nếu có sự cố xảy ra. Có nhiều phương thức hỗ trợ, bao gồm email, điện thoại, và chat trực tiếp.

Hãy kiểm tra thỏa thuận dịch vụ (SLA) để biết thêm thông tin chi tiết về dịch vụ hỗ trợ mà nhà cung cấp hosting đưa ra. Một số nhà cung cấp sẽ quy định thời gian hoạt động trong SLA. Nếu thời gian hoạt động là 99% thì website của bạn có khả năng sẽ tạm ngừng hoạt động khoảng 3,5 ngày mỗi năm.

Các gói web hosting đắt nhất hứa hẹn đến 99,999% thời gian hoạt động, tức website của bạn chỉ bị tạm ngưng tối đa là khoảng 5 phút mỗi năm mà thôi.

8. Địa điểm

Trung tâm dữ liệu càng gần khách ghé thăm website, trang web sẽ càng tải nhanh. Nếu lượng khách ghé thăm của bạn thường đến từ một khu vực, hãy chọn nhà cung cấp dịch vụ có trung tâm dữ liệu gần đó. Nếu không, bạn có thể mua một gói web hosting với tùy chọn CDN (Content Delivery Network).

Một CDN sẽ lưu trữ một bản sao của trang và nội dung tĩnh của website khi nó được truy cập từ một vùng lãnh thổ. Quá trình lưu đệm (caching) này cho phép khách ghé thăm website của bạn sẽ luôn nhận được dữ liệu từ máy chủ gần với vị trí của họ nhất.

9. Sao lưu

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, sao lưu là một dịch vụ cần thiết thường đi kèm với gói hosting bạn mua. Tuy nhiên, không phải mọi công ty hosting đều cung cấp dịch vụ này, do đó bạn nên hỏi kỹ để phòng trường hợp bị "hớ". Sao lưu thường diễn ra hàng ngày, một cách tự động, và sẽ được lưu giữ trong 7 ngày, cho phép bạn khôi phục lại website ở bất kỳ thời điểm nào nếu cần thiết.

Sao lưu thường bao gồm cả các tập tin website (tĩnh) và cơ sở dữ liệu (động). Lý do bạn cần một bản sao lưu của website bao gồm: cháy trung tâm dữ liệu, bị hack, lỗi do con người, và phần cứng bị hỏng. Bạn có thể chọn sao lưu các tập tin lên các dịch vụ bên thứ ba như Google Drive hoặc sao lưu về máy tính của mình.

Minh.T.T

Chủ đề khác