VnReview
Hà Nội

Làm thế nào để biết tài khoản Facebook của bạn có nằm trong 29 triệu tài khoản bị hack không?

"Tin tốt" là Facebook khẳng định chỉ có gần 30 triệu người tài khoản bị tấn công so với con số ước tính trước đó là 50 triệu người. Nhưng bạn hoàn toàn có thể nằm trong danh sách những người đã bị tấn công.

Facebook mới đây đã chính thức xác nhận có khoảng 29 triệu tài khoản Facebook đã bị hacker đánh cắp dữ liệu sau vụ tấn công vào lỗ hổng bảo mật của tính năng View As.

Để biết bạn có nằm trong danh sách gần 30 triệu tài khoản bị hacker tấn công và đánh cắp tài khoản không, Facebook đã giới thiệu một cách kiểm tra nhanh mà bạn có thể tham khảo trong bài viết này.

Bước 1: Đầu tiên hãy truy cập vào đường link của Trung tâm trợ giúp Facebook tại đây

Bước 2: Sau đó bạn cuộn xuống phần "Is my Facebook account impacted by this security issue?", tạm dịch là "Tài khoản Facebook của tôi có bị ảnh hưởng do vấn đề bảo mật không?".

Bước 3: Nếu Facebook gửi về câu trả lời là "Yes", tức là tài khoản của bạn đã nằm trong danh sách gần 30 triệu tài khoản bị ảnh hưởng sau vụ tấn công vào lỗ hổng của tính năng View As.

Nếu tài khoản của bạn bị xâm phạm, bạn sẽ nhận được thông báo này

Còn nếu tài khoản của bạn không bị tấn công, Facebook sẽ khẳng định bạn không bị ảnh hưởng

Ngoài ra những người bị ảnh hưởng cũng sẽ nhận được thông báo giống như này ở trên đỉnh của News Feed.

Nếu dính phải trường hợp xấu nhất, bạn sẽ thuộc 1 trong 3 trường hợp sau đây:

1. Bạn nằm trong số 15 triệu người dùng bị tấn công và đánh cắp tên người dùng, email hoặc số điện thoại.

2. Bạn nằm trong số 14 triệu người bị truy cập trái phép các dữ liệu trên và thông tin khác gồm tên người dùng, giới tính, ngôn ngữ, trạng thái quan hệ, tôn giáo, loại thiết bị sử dụng để truy cập Facebook, công việc, 10 địa điểm cuối cùng check-in hoặc các trang mà bạn theo dõi, tìm kiếm gần đây.

3. Bạn nằm trong danh sách khoảng 1 triệu người dùng bị đánh cắp mã truy cập (access token). Khi kết nối với bất kỳ một ứng dụng trên Facebook, ứng dụng đó sẽ được cấp token để truy cập tạm thời vào API Facebook và tài khoản người dùng. Nhưng rất may là 1 triệu tài khoản này không bị ảnh hưởng gì từ vụ tấn công.

Bạn nên làm gì nếu tài khoản bị tấn công?

- Bạn không nhất thiết phải thay đổi mật khẩu Facebook hoặc thông tin thẻ tín dụng liên kết với Facebook; vì chưa có bằng chứng cho thấy dữ liệu đó đã bị truy cập trong các cuộc tấn công.

- Hãy coi chừng các cuộc gọi, email spam, lửa đảo hoặc tin nhắn cảnh báo rằng thông tin liên lạc của bạn đã bị bán cho các bên thứ ba.

- Cảnh giác trước những email bảo bạn đăng nhập tài khoản trên các trang web giả mạo có khả năng lấy cắp dữ liệu của bạn. Nếu nhận được một email đáng ngờ từ Facebook, hãy kiểm tra tính hợp pháp của chúng.

- Nếu bạn đang nằm trong trường hợp thứ 2, tốt nhất bạn nên liên hệ với ngân hàng hoặc các bên cung cấp dịch vụ điện thoại để bổ sung thêm các lớp bảo mật khác, ví dụ như mã PIN.

Tin tặc hoàn toàn có thể sử dụng thông tin tiểu sử của bạn để trả lời các câu hỏi bảo mật và đánh cắp mật khẩu truy cập Facebook. Từ đó, kẻ xấu có thể bày ra muôn vàn chiêu trò để làm hại bạn bao gồm lợi dụng sự quen biết để lừa đảo, spam, bán thông tin cá nhân hoặc tống tiền.

Phía Facebook cũng xác nhận chỉ có tài khoản Facebook bị tấn công trong khi các dịch vụ như Messenger, Instagram, WhatsApp, Oculus, Workplace, Pages, phương tiện thanh toán, các ứng dụng bên thứ ba, tài khoản quảng cáo và nhà phát triển không hề bị tấn công.

Trước đó vào hồi cuối tháng Chín vừa qua, Facebook xác nhận đã có một nhóm hacker tấn công vào lỗ hổng bảo mật của tính năng View As vào ngày 14/9 và chiếm quyền truy cập tài khoản của một lượng lớn người dùng. Lỗ hổng View As cũng đã được Facebook kịp thời vá lại. Mạng xã hội này đang hợp tác với FBI để truy tìm danh tính của những hacker nguy hiểm này.

Tiến Thanh

Chủ đề khác