VnReview
Hà Nội

Đừng cập nhật lên phiên bản hệ điều hành mới nhất ngay trong ngày đầu tiên phát hành!

Giữ cho mình một sự bình tĩnh và sáng suốt chính là cách cứu bạn khỏi những nguy cơ gặp phải nếu cập nhật lên các phiên bản hệ điều hành máy tính hoặc di động mới nhất ngay trong ngày đầu phát hành.

Đã qua thời điểm chúng ta phải dùng một hệ điều hành không đổi qua nhiều năm như hồi Windows 7, Windows 8. Giờ đây với Windows 10, người dùng sẽ liên tục nhận được bản cập nhật mới sau 6 tháng. Nhưng càng có nhiều bản cập nhật thì lại phát sinh thêm nhiều lỗi và sự cố khác.

Hãy lấy ví dụ như bản cập nhật Windows 10 October 2018 Update gần đây. Đã có không ít người dùng phản ánh, bản cập nhật không rõ vì lý do gì đã xóa toàn bộ dữ liệu hình ảnh, nhạc trong ổ C:\, sau đó là lỗi âm thanh, ánh sáng và màn hình xanh.

Trước đó với bản cập nhật Anniversary Update (1607), người dùng còn gặp phải lỗi webcam, màn hình xanh khi kết nối với các thiết bị máy tính bảng Kindle. Ngoài ra cứ mỗi bản cập nhật Windows 10 lại có thêm những lỗi mới được phát hiện.

Apple cũng không kém khi từng bị người dùng chỉ trích với các bản cập nhật iOS 11, iOS 9, iOS 8 chứa rất nhiều lỗi phát sinh ngớ ngẩn, ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng. Google không đứng ngoài lề khi một số bản cập nhật Android trên smartphone Pixel của Google khiến máy mở khóa và sạc chậm hơn.

Vậy tại sao dù là bản phát hành chính thức tới người dùng nhưng các hệ điều hành máy tính và di động vẫn xuất hiện lỗi? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem trước khi đến tay người dùng, vòng đời của bản cập nhật như thế nào?

Bản beta đầu tiên

Theo Howtogeek, đây là bản sơ khai đầu tiên tới tay người dùng nhưng chỉ có một số ít người liều lĩnh mới dám thử những bản beta này. Những công ty như Microsoft, Apple, Google đều có các chương trình thử nghiệm beta cho nhà phát triển và người dùng. Chúng giúp các hãng lắng nghe được phản hồi của người dùng về phiên bản mới, đồng thời biết còn lỗ hổng nào để kịp thời vá lại.

Thế nhưng dù được người dùng ra sức chỉ điểm nhưng bản beta đầu tiên vẫn còn tồn tại rất nhiều lỗi phát sinh. Đây là tiền để để tung ra các bản sửa lỗi ổn định hơn sau đó.

Bản beta thứ hai

Khi bản cập nhật Windows 10 (beta) dần ổn định hơn, Microsoft sẽ từ từ phát hành nó tới một số ít máy tính Windows. Tất nhiên Microsoft sẽ tiếp tục lắng nghe phản hồi của người dùng để xem liệu bản beta thứ hai đã ổn định hơn hay chưa và đưa ra các giải pháp khắc phục sớm nếu có lỗi phát sinh.

Thông thường trong giai đoạn này, người dùng Windows Insider thường sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên để trải nghiệm bản beta thứ hai. Nhưng nếu bạn thường xuyên nhấn Check for Updates (Kiểm tra cập nhật) trong Settings, Windows sẽ tự động hiểu bạn đang cần bản cập nhật này và sẽ xếp bạn lên đầu trong danh sách nhận bản beta thứ hai.

Bản cập nhật Windows 10 October 2018 Update (1809) phát hành sớm trong thời gian vừa qua cũng có thể coi là một bản beta thứ hai.

Quá trình tương tự cũng xảy đến với người dùng Android, đặc biệt trên dòng smartphone Pixel khi Google thường xuyên tung ra các bản cập nhật mới chỉ sau vài tuần. Nếu bạn hay nhấn vào nút "Kiểm tra cập nhật", bạn cũng sẽ được xếp lên đầu danh sách nhận bản cập nhật ngay lập tức.

Nhưng Apple có lẽ là hãng đi ngược lại khi quyết định tung ra bản cập nhật iOS và macOS cho tất cả mọi người cùng lúc. Cách này giúp tất cả mọi người sớm được trải nghiệm bản cập nhật mới nhất mà không phải chờ đợi lâu như Android hay Windows.

Bản beta thứ ba: Bản phát hành đầy đủ tới người dùng

Ngay cả khi bản cập nhật Windows, Android, iOS tới tay người dùng phổ thông thì bản phát hành tưởng chừng "ổn định" đó đôi khi vẫn thuộc chương trình beta. Chương trình beta ra đời với mục đích cho phép người dùng có thể thử trước các tính năng mới và trợ giúp các hãng phát hiện lỗi phát sinh từ sớm.

Nếu là một người dùng Windows 10 Pro, bạn có thể lựa chọn tính năng hoãn cập nhật Windows 10 October Update trong thời gian tối đa 120 ngày, tức là 4 tháng. Ngoài ra, Windows 10 Pro cũng cho phép bạn có thể chọn các kênh cập nhật khác nhau. Theo mặc định máy tính sẽ có hai kênh cập nhật gồm Semi-Annual Channel (Targeted) và "Semi-Annual Channel".

Nếu như chọn kênh Semi-Annual Channel (Targeted), bạn sẽ nhận được bản cập sẵn sàng cho tất cả người dùng. Trong khi kênh Semi-Annual Channel chỉ hướng tới các bản cập nhật khi nó đã có sẵn cho các tổ chức.

Sự khác biệt nằm ở chỗ kênh Semi-Annual Channel (Targeted) vẫn còn tồn tại nhiều lỗi hơn. Một khi các lỗi đó được giải quyết triệt để trên máy tính của người dùng phổ thông, Microsoft mới bắt đầu phát hành bản cập nhật mới nhất qua kênh Semi-Annual Channel tới các tổ chức, doanh nghiệp.

Apple cũng tương tự như Microsoft khi cho phép trì hoãn cập nhật iOS trong tối đa 90 ngày nếu người dùng chưa sẵn sàng. Trong lúc đó, Apple cũng sẽ có thêm thời gian để sửa lỗi iOS trong các bản cập nhật mới.

Các công ty phần mềm giờ đây muốn nhồi nhét toàn bộ các tính năng mới trên một phiên bản hệ điều hành. Có lẽ họ đã học cách nhiều hãng phần mềm cập nhật tính năng mới cho các trình duyệt web và dịch vụ đám mây tính theo tháng.

Nhưng rõ ràng, hệ điều hành phức tạp hơn trình duyệt web rất nhiều. Bởi chúng phải giao tiếp với phần cứng và phần mềm của thiết bị. Máy tính Windows lại chia ra nhiều loại phần cứng khác nhau dẫn tới việc tương thích với hệ điều hành càng trở nên khó khăn hơn. Chúng không giống như smartphone khi các hãng chỉ cần tung bản cập nhật để sửa lỗi.

Vậy chúng ta nên làm gì nếu hệ điều hành lại có bản cập nhật mới?

Bản thân người viết không khuyên bạn tránh các bản cập nhật mới hoàn toàn. Những bản cập nhật bảo mật rất quan trọng trong việc giữ máy tính của bạn an toàn trước các cuộc tấn công mạng.

Tuy nhiên rõ ràng bạn nên thân trọng trước quyết định cài đặt một bản cập nhật mới. Khi có bản cập nhật Windows 10 mới phát hành, đừng vội nhấn nút cập nhật và tải về bản cài đặt. Hãy giữ cho mình một sự kiên nhẫn nhất định và cố gắng chờ trong vòng 1-2 tuần, đồng thời lắng nghe các phản hồi của người dùng đi trước về những lỗi phát sinh ngoài ý muốn và hướng xử lý của Microsoft.

Nếu là người dùng Windows 10 Pro, hãy chọn ngay tính năng trì hoãn cập nhật để tránh hệ thống tự động tải về và cài đặt bản cập nhật.

Còn với người dùng iOS của Apple, lời khuyên cũng không khác là bao. Cách tốt nhất vẫn là nên tránh cập nhật trong ngày đầu tiên phát hành và dành thời gian để chờ đợi những phản hồi từ người dùng khác.

Dù thế nào thì cũng nên chăm chỉ sao lưu nội dung để tránh tai họa

Bản cập nhật Windows 10 October 2018 Update chắc chắn là lời cảnh tỉnh cho bất kỳ ai về thói quen lười sao lưu dữ liệu. Nhiều người đã phải trả giá đắt vì dữ liệu trong ổ C:\ đã không cánh mà bay sau khi cập nhật lên phiên bản Windows 10 mới.

Bản cập nhật hệ điều hành đôi khi không phải là thứ duy nhất có thể khiến bạn mất dữ liệu. Còn rất nhiều các trường hợp bất khả kháng như bị virus, mã độc tấn công, bị đánh cắp dữ liệu hoặc bộ nhớ bị hỏng,…Nhưng nếu chăm chỉ sao lưu dữ liệu thường xuyên, bạn chắc chắn chẳng phải lo về vấn đề này.

Trên điện thoại, việc sao lưu lại càng dễ dàng hơn. Ví dụ với iPhone, bạn có thể sao lưu dữ liệu qua iCloud trong khi smartphone Android thì sao lưu lên máy chủ của Google với các dịch vụ như Google Drive hay Photos.

Tựu chung lại nếu không muốn phải đánh đổi những rủi ro quá lớn khi cập nhật phiên bản hệ điều hành chưa hoàn thiện, tốt nhất đừng sốt sắng nhấn nút "cập nhật" ngay trong ngày đầu tiên phát hành.

Mai Huyền

Chủ đề khác