VnReview
Hà Nội

Xác định "cả đời" dùng máy tính Windows nên biết 19 mẹo này

Chúng ta có thể tiết kiệm tương đối nhiều thời gian khi làm việc trên máy tính Windows nếu biết được các thủ thuật sau đây.

VnReview lược dịch bài viết của tác giả David Nield, trang Gizmodo về 19 cách để tiết kiệm thời gian khi thao tác trên Windows.

Hầu hết chúng ta đều đã từng hoặc đang gặp khó khăn trong việc quản lý thời gian, lý do mà bạn cảm thấy 24 tiếng mỗi ngày không bao giờ là đủ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như bạn quá mải mê công việc, bạn dễ bị sao nhãng…

Chính vì muốn làm chủ thời gian của mình tốt hơn, ngày nay nhiều người liên tục tìm cách để giảm thiểu tối đa thời gian thực hiện các công đoạn nhỏ nhặt trong công việc. Giả sử đối với nhân viên văn phòng, những người dành gần như cả ngày trước máy tính, tổ hợp các phím tắt đã trở thành công cụ cực kỳ quan trọng giúp họ tiết kiệm được thời gian khi thao tác trên máy tính. Bên cạnh phím tắt, vẫn còn không ít cách thức khác có thể giúp không chỉ nhân viên văn phòng mà bất cứ ai thường xuyên phải làm việc hay học tập với máy tính Windows dễ dàng tăng tốc tiến độ làm việc của mình.

1) Đóng các chương trình chạy nền

Nếu không sử dụng một chương trình nào đó thường xuyên, bạn nên kiểm tra liệu xem ứng dùng này có đang chạy nền trên máy tính hay không. Đây tưởng chừng như một việc vô ích nhưng thực chất nó cải thiện được kha khá hiệu suất làm việc của máy tính cũng như giúp bạn thao tác trơn tru hơn.

Cụ thể, bạn thực hiện theo trình từ sau: Nhấp chuột phải vào một vùng trống trên thanh Taskbar > Task Manager > Processes > chọn ứng dụng muốn đóng, nhấp phải chuột vào nó và chọn End task.

2) Tắt các chương trình tự khởi động

Trong quá trình khởi động máy tính sẽ có một số các ứng dụng mặc định khởi động cùng hệ thống như Skype, Teamviewer… Do đó, để tăng tốc cũng như tiết kiệm thời gian khởi động cho Windows thì bạn nên tắt những chương trình này nếu không sử dụng thường xuyên.

Hãy vào Task Manager > Startup > chọn ứng dụng muốn tắt, nhấp phải chuột vào nó và chọn Disable.

3) Hợp lý hóa Start Menu

Thay vì giữ nguyên Start Menu ở trạng thái ban đầu, hãy tận dụng nó làm nơi tập hợp lối tắt (shortcut) của tất cả các ứng dụng mà bạn thường sử dụng. Việc làm này có thể tiết kiệm đáng kể thời gian truy cập ứng dụng vì bạn đã ghim tất cả những chương trình cần thiết vào Start Menu.

Để thêm shortcut ứng dụng vào Start Menu, hãy mở cửa sổ File Explorer, chọn ứng dụng mình muốn, nhấp chuột phải vào nó và chọn Pin to Start. Ngược lại, để bỏ ghim ứng dụng khỏi Start Menu, nhấp chuột phải vào biểu tượng ứng dụng này trên Start Menu và chọn Unpin from Start.

4) Ghim ứng dụng vào thanh Taskbar

Bên cạnh Start Menu, thanh Taskbar là một lựa chọn khác để bạn ghim những shortcut ứng dụng thường sử dụng hoặc bạn có thể sử dụng đồng thời cả hai tính năng này. Xét về độ tiện ích và nhanh chóng thì Start Menu và Taskbar gần như tương đồng, chúng đều giúp chúng ta tiết kiệm đáng kể thời gian khi thao tác trên máy tính, cụ thể là ở khâu truy cập ứng dụng.

Để thêm shortcut ứng dụng vào thanh Taskbar, hãy mở Start Menu> tìm thư mục trong danh sách All apps bên trái Start Menu > nhấp chuột phải vào nó > More > Pin to taskbar. Ngược lại, để bỏ ghim ứng dụng khỏi Taskbar, nhấp chuột phải vào shortcut của nó trên Taskbar và chọn Unpin from Taskbar.

5) Sắp xếp "ngăn nắp" các cửa sổ chương trình

Khi làm việc đa nhiệm trên máy tính, đa phần mọi người thường mở nhiều cửa sổ hiện thị trên desktop cùng một lúc và ít khi nào sắp xếp chúng. Những cửa sổ này sẽ xếp chồng lên nhau và tạo thành một mớ hỗn độn khiến năng suất làm việc của bạn giảm rất nhiều. Do đó, hãy sắp xếp các cửa sổ làm việc theo một trình tự hợp lý để không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn đỡ cảm thấy nhức mắt.

Nhấp chuột phải vào vùng trống trên thanh;Taskbar > 4 tùy chọn sắp xếp cửa sổ sẽ hiện ra bao gồm Cascade windows, Show windows stacked, Show windows side by side, Show the desktop.

Cascade windows: Sắp xếp các cửa sổ chồng lên nhau theo một thứ tự nhất định.

Show windows stacked: Sắp xếp các cửa sổ qua bên trái desktop theo thứ tự thẳng hàng từ trên xuống dưới.

Show windows side by side: Chia đôi màn hình làm việc nếu chỉ mở hai cửa sổ.

Show the desktop: Ẩn tất cả cửa sổ đang mở.

6) Ẩn đi các cửa sổ làm việc

Đôi khi, chỉ cần đơn giản các cửa sổ trên desktop và để đầu óc thư giãn một lúc cũng chính là cách tiết kiệm thời gian hiệu quả. Trong trường hợp có nhiều cửa sổ chương trình, bạn hãy dùng tính năng Show the desktop như trên giới thiệu. Ngược lại, nếu có một hoặc hai ứng dụng thì hãy di chuyển đến góc phải cửa sổ và click vào biểu tượng thu nhỏ như cách phổ biến mà chúng ta vẫn thường làm.

7) Tận dụng menu Quick access

Nằm bên trái cửa sổ hiển thị của File Explorer mặc định là menu Quick access, đây là nơi bạn có thể ghim những ứng dụng mình thường xuyên sử dụng tương tự như Start Menu hay Taskbar. Không chỉ vậy, Quick access còn cho thấy những chương trình hay ứng dụng mà bạn vừa truy cập vào (Recent files). Để ghim ứng dụng nào đó vào Quick access, nhấp chuột phải vào nó và chọn Pin to Quick access. Ngoài ra, nếu muốn điều chỉnh chế độ hiển thị của Quick access, mở File Explorer > View > Options > Change folder and search options > General.

8) Sử dụng trợ lý ảo Cortana

Windows 10 được tích hợp sẵn một trợ lý ảo thông minh có tên là Cortana, mặc dù bị đánh giá là lép về hơn các đối thủ khác trên thị trường bây giờ, điển hình như Siri nhưng nó vẫn có thể đáp ứng tốt nhiều nhu cầu cơ bản của người dùng cũng như giúp họ cải thiện năng suất làm việc. Để kích hoạt Cortana, bạn hãy nhấp vào biểu tượng hình tròn của nó trên thanh Taskbar.

9) Tăng tốc nhập liệu với đọc chính tả

Ngoài Cortana, Windows 10 vẫn còn tính năng đọc chính tả rất hữu ích giúp tiết kiệm thời gian nhập văn bản. Cụ thể, nếu bạn muốn nhập một đoạn văn bản nào đó trong Word, Messenger… mà lại "lười" đánh máy thì hãy nhấn tổ hợp phím Windows + H để mở thanh công cụ đọc chính tả.

10) Xem lịch sử làm việc

Trong trường hợp bạn muốn truy cập lại những ứng dụng hay thư mục nằm trong dự án công việc mà mình vừa sử dụng vài ngày trước nhưng lại không thể nhớ ra, hãy nhấn tổ hợp phím Windows + Tab, máy tính hiển thị tất cả các Taskview ứng dụng này trên desktop. Bạn sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian thay vì phải ngồi nhớ lại và mò mẫm ở khắp nơi để tìm chúng.

11) Tùy chỉnh menu Send to

Tính năng Send to giúp bạn nhanh chóng chuyển ứng dụng hay tệp trên máy đến một địa chỉ có sẵn trong menu Send to. Bằng cách nhấp chuột phải vào thư mục, ứng dụng… trong File Explorer, bạn sẽ thấy tính năng Send to và khi để chuột vào mục này, menu của nó sẽ hiện ra cung cấp cho bạn về các tùy chọn vị trí có thể gửi ứng dụng đi. Để xóa hoặc thêm vị trí cần gửi, nhấn tổ hợp phím Windows + R và gõ: shell:sendto, sau đó nhấn Enter. Khi xóa bỏ một vị trí, chỉ cần nhấp chuột phải và nhấn Delete. Ngược lại, nếu muốn thêm một vị trí bạn hãy kéo shortcut của nó từ File Explorer vào thư mục SendTo.

12) Sao chép dữ liệu bằng khay nhớ tạm (Clipboard)

Hàng ngày, chúng ta đều thực hiện rất nhiều thao tác "Copy and paste" trên máy tính. Những dữ liệu mà bạn sao chép và dán trong một thời gian ngắn sẽ được lưu trữ vào trong một khay nhớ tạm thời (Clipboard), tính năng này giúp bạn có thể dán lại một dữ liệu nào đó nhiều lần mà không cần tốn thời gian quay lại nguồn của nó hay trong trường hợp bạn sao chép nhiều thứ khác nhau. Nhấn tổ hợp phím Windows + V để mở Clipboard.

13) Tạo desktop ảo

Nếu cảm thấy màn hình của mình đang có quá nhiều tab ứng dụng nhưng bạn lại không muốn tắt vì chưa hoàn thành công việc, tạo desktop ảo là một cách hợp lý giúp bạn thực hiện các phân đoạn khác của công việc hay thư giãn một khoảng thời gian trước khi quay trở lại màn hình cũ. Để tạo một desktop ảo, bạn hãy nhấn vào nút Task View trên thanh Taskbar (hoặc sử dụng phím tắt Windows + Tab), sau đó, nhấn vào biểu tượng New desktop ở góc dưới bên phải màn hình để thêm màn hình mới.

14) Quản lý desktop của mình

Màn hình máy tính là một nơi lý tưởng để đặt các shortcut ứng dụng hay thư mục mà bạn hay sử dụng, do đó, nếu thấy ứng đó thực sự cần thiết thì hãy đặt nó trên desktop. Bằng cách nhấp chuột phải vào ứng dụng > create shortcut là bạn đã có ngay một shortcut trên màn hình. Bên cạnh đó, tôi khuyên bạn cũng nên tạo một thư mục mặc định trên desktop để chứa tất cả tệp mà bạn chỉ cần trong thời gian ngắn như file download.

15) Truy cập nhanh với chuột

Bất kể bạn đang sử dụng loại chuột máy tính nào, chúng đều tích hợp một tiện ích cho phép người dùng điều chỉnh lại chức năng của các nút. Bạn có thể cài các phím tắt giúp truy cập ứng dụng nhanh hơn thông qua cài đặt chuột của mình. Hãy vào Control Panel > Mouse để thực hiện thay đổi.

16) Liên lạc nhanh hơn qua My People

My People là tính năng giúp bạn kết nối với gia đình và bạn bè dễ dàng hơn, nó mặc định sẽ tạo ra một danh sách những người bạn thường xuyên tương tác cũng như cung cấp khả năng chia sẻ hình ảnh với người thân, gia đình. Để bật tính năng My People, nhấn chuột phải vào vùng trống trên thanh Taskbar > Show People on the Taskbar, sau đó, biểu tượng của My People sẽ nằm trên Taskbar, bạn truy cập vào và thêm những địa chỉ liên lạc mình muốn.

17) Nhấp chuột phải, chuột giữa

Đối bất kỳ đối tượng nào hãy thử nhấp chuột phải hay chuột giữa vào chúng, bạn có thể rút gọn tương đối nhiều thời gian khi thao tác. Chẳng hạn như khi bạn nhấp chuột phải vào biểu tượng Start Menu thì nó sẽ hiện ra một số liên kết nhanh hoặc nhấp chuột giữa lên icon ứng dụng đang chạy trên Taskbar để mở thêm một cửa sổ phần mềm mới. Chưa hết, đối với duyệt web, nếu bạn muốn tắt một tab, hãy nhấp chuột giữa lên tab đó.

18) Sử dụng tổ hợp phím tắt

Như đã biết, các tổ hợp phím tắt trên bàn phím giúp chúng ta tiết kiệm được rất nhiều thời gian khi làm việc trên máy tính. Vì thế, hãy cố gắng ghi nhớ những tổ hợp phím mà bạn thấy cần thiết thông qua một danh sách đầy đủ do Microsoft liệt kê ở đây.

19) Tạo tổ hợp phím tắt của riêng mình

Nếu các tổ hợp phím tắt tích hợp sẵn trên Windows không đáp ứng đủ nhu cầu của bạn, hãy cài đặt AutoHotkey, chương trình này giúp bạn lưu lại một chuỗi trình tự của bàn phím (tổ hợp phím) hay chuột và sau đó bạn có thể thực hiện lại chúng.

Chí Tôn

Chủ đề khác