VnReview
Hà Nội

8 bước nhận biết lỗi Internet bạn đang gặp có phải do nhà mạng hay không

Không ai thích mạng internet bị "sập", bởi nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công việc cũng như hoạt động liên lạc của bạn, chưa nói đến việc quản lý hệ thống nhà thông minh hay giám sát hệ thống an ninh.

Nhưng trong những tình huống đó, làm sao để biết nguyên nhân xuất phát từ đâu?

Trong bối cảnh chúng ta ngày càng phải làm việc tại nhà nhiều hơn và các thiết bị nhà thông minh cũng trở nên phổ biến hơn, thì mức độ kiên nhẫn của chúng ta trước những sự cố mạng lại càng giảm đi nhiều hơn. Mất kết nối là một sự cố gián đoạn khá phổ biến, nhưng phải làm sao khi mà vấn đề diễn ra liên tục và vượt ngoài tầm kiểm soát? Nếu vấn đề của bạn có dấu hiệu lặp đi lặp lại, nhiều khả năng gốc rễ của nó không liên quan đến thiết bị hay các thiết lập của bạn, mà xuất phát từ phía nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) và có thể cần một kỹ thuật viên đường truyền can thiên.

Nghe thì dễ, nhưng phân tích ra mới khó.

Đôi lúc, lịch hẹn sửa chữa đường truyền có thể mất vài ngày mới được thực hiện, đặc biệt trong trường hợp bạn cần một kỹ thuật viên đường truyền. Các kỹ thuật viên đường truyền khác với kỹ thuật viên thông thường, vốn chỉ trả lời và giải đáp các cuộc gọi bạn thực hiện với tổng đài. Kỹ thuật viên đường truyền có nhiệm vụ giải quyết các vấn đề xuất phát từ đường truyền chính đến đường cáp bên ngoài nhà bạn.

Tại các thành phố, đường truyền chính thường có một đầu đặt gần trụ điện cao thế và biến áp, đôi lúc có hàng tá dây nhợ chằng chịt bao quanh. Vừa cao, vừa nguy hiểm và phức tạp, việc bảo trì đường dây này đòi hỏi các kỹ thuật viên đường truyền phải có giấy phép đặc biệt và chi phí cũng khá cao. ISP của bạn hiển nhiên sẽ không muốn gửi những kỹ thuật viên giỏi nhất của họ đến sửa chữa những vấn đề internet mà ai cũng biết cách khắc phục.

Các bước loại trừ vấn đề từ phía người dùng

Trước khi tìm đến kỹ thuật viên đường truyền, điều quan trọng là bạn phải tìm hiểu để đảm bảo vấn đề đang diễn ra thực sự cần đến nhà cung cấp, còn bản thân bạn không thể làm gì. Các nhân viên chăm sóc khách hàng của nhà mạng và các kỹ thuật viên thông thường sẽ tìm cách nói hầu như bất kỳ thứ gì để tránh nhận trách nhiệm trừ khi bạn đã thực hiện đầy đủ các bước dò lỗi từ phía người dùng.

Bạn có thể đã thử nhiều bước, hoặc tất cả các bước này, nhưng với những ai chưa biết, danh sách dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu vấn đề đang gặp phải từ mọi góc độ trước khi yêu cầu kỹ thuật viên đường truyền xuất hiện. Đừng quên ghi chú lại những kết quả thu được sau khi thực hiện từng mục trong danh sách.

1. Kiểm tra kết nối trên một thiết bị khác

Nếu bạn gặp vấn đề kết nối, hãy thử kết nối và kiểm tra đường truyền trên một thiết bị khác cùng loại. Để có được kết quả tối ưu, sử dụng SpeedTest.net để đo tốc độ download và upload.

2. Thử khởi động lại thiết bị gặp vấn đề

Bạn có thể nhanh chóng biết được khi toàn bộ hệ thống mạng gia đình bị "sập". Nhưng nếu vấn đề chỉ xảy ra với một thiết bị, hãy tắt hoàn toàn nó đi, rút phích điện khỏi ổ cắm, tháo hết pin nếu có thể. Chờ ít nhất 30 giây và khởi động lại thiết bị. Nếu vấn đề vẫn tiếp diễn, hãy sang bước tiếp theo

Khởi động lại router

Rút điện router, chờ ít nhất 30 giây và bật nó lên lại, sang bước tiếp theo.

Lưu ý: nếu bạn sử dụng bất kỳ thiết bị chia sẻ tập tin nội bộ hoặc lưu trữ mạng, bạn vẫn có thể sử dụng chúng bình thường kể cả khi không có đường truyền ra bên ngoài. Nếu những giao thức kia hoạt động tốt, khả năng lỗi đối với cáp, modem, hay đường truyền chính là càng cao.

Khởi động lại modem

Tương tự, hãy khởi động lại router. Rút điện trong 30 giây và bật nó lên lại.

Nếu bạn thuê thiết bị từ ISP, modem và router của bạn nhiều khả năng nằm trong cùng một thiết bị.

3. Kiểm tra đèn modem

Modem của bạn nhiều khả năng có ít nhất 4 đèn ở trước và chúng sẽ nhấp nháy trong quá trình khởi động. Những đèn này báo tình trạng của 4 thông số quan trọng: nguồn điện, downlink, uplink và kết nối internet. Mọi thứ hoạt động tốt nếu đèn sáng liên tục. Nếu một trong số chúng không sáng liên tục mà cứ nhấp nháy, thì đó thể là nguồn của tín hiệu đang đi vào thiết bị.

- Nguồn điện: cho biết modem đã kết nối đến nguồn điện và đã bật lên

- Downlink: đèn này thường có biểu tượng một mũi tên chỉ xuống dưới, cho biết modem đã kết nối đến kênh tải xuống. Kênh này mang dữ liệu từ internet vào nhà bạn.

- Uplink: đèn này thường có biểu tượng mũi tên chỉ lên trên và cho biết kết nối thành công đến kênh tải lên. Đây là kênh đưa dữ liệu từ nhà bạn lên web.

- Internet: đèn này thường có biểu thượng hình quả địa cầu và cho biết internet có thể sử dụng được. Đèn này sẽ không sáng liên tục trừ khi ba đèn nêu trên gặp vấn đề kết nối.

4. Chẩn đoán chất lượng tín hiệu cáp

Nếu những bước nêu trên không cải thiện được tình hình, bạn có thể đánh giá chất lượng kết nối cáp thông qua giao diện đồ hoạ người dùng (GUI) của modem. Giao diện này có thể được truy xuất bằng một trình duyệt web thông thường. Đây cũng là nơi bạn có thể tìm thấy thông tin về chất lượng và độ mạnh của tín hiệu.

Nếu bạn có một thiết bị sử dụng cổng ethernet, hãy sử dụng nó để kết nối trực tiếp vào một trong những cổng còn trống trên modem. Nếu không có thiết bị nào có khả năng kết nối ethernet, hãy sử dụng kết nối WiFi. Các bước hướng dẫn sau đây sẽ dành cho trường hợp bạn sử dụng modem độc lập. Nếu đang sử dụng router kết hợp modem mà ISP cung cấp, bạn có thể bị chuyển hướng đến một trang web yêu cầu nhập thông tin đăng nhập tài khoản.

Tuỳ thuộc vào cấu hình mạng nhà bạn, truy xuất vào GUI của modem thông qua WiFi có thể không thực hiện được. Nếu rơi vào tình huống này, hãy gọi ISP để được cung cấp thêm thông tin.

Bây giờ hãy mở bất kỳ trình duyệt web nào bạn thích. Gõ địa chỉ IP của modem vào thanh địa chỉ. Địa chỉ này khác nhau tuỳ thuộc nhà sản xuất modem, nhưng phổ biến nhất là 192.168.100.1 và 192.168.0.1. Sau khi đã nhập đúng địa chỉ IP, bạn sẽ vào trang hiển thị logo của nhà sản xuất modem. Từ trang này, hãy tìm đến trang hiển thị trạng thái hoạt động của modem để phân tích công suất của tín hiệu mạng.

Công suất lý tưởng có thể khác nhau tuỳ thuộc chỉ số DOCSIS của router. Tuy nhên trong ví dụ này, modem được sử dụng là Arris Surfboard 8200, một trong những modem phổ biến nhất thế giới, và firmware của nó được sử dụng trong đại đa số các modem kết hợp router mà ISP thường cung cấp cho khách hàng. Với modem này, công suất downstream vào khoảng từ -7 đến +7 dBmV, còn upstream vào khoảng từ 38-48 dBmV.

5. Phân tích chỉ số công suất

Bất kỳ chỉ số công suất nào nằm ngoài phạm vi nêu trên đều đáng chú ý, đặc biệt là khi giá trị upstream quá cao. Ngược với những gì bạn nghĩ, giá trị công suất upstream cao cho thấy công suất modem đang ở mức thấp. Khi giá trị công suất upstream tăng vượt 48 dBmV, có nghĩa là modem của bạn đang phải làm việc vất vả hơn để cho ra mức công suất upstream tương xứng. Khi giá trị này đạt mức 53 dBmV, modem sẽ tự động khởi động lại và tái lập đường truyền, dẫn đến boot loop (liên tục khởi động lại) khiến modem không thể kết nối trong nhiều giờ hay thậm chí là nhiều ngày.

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng modem liên tục mất kết nối vì vấn đề liên quan công suất.

Làm gì để giải quyết

Dù bạn có phát hiện được điều gì đáng nghi liên quan mức công suất hay không, bạn vẫn nên xem xét môi trường mạng để tìm kiếm những giải pháp khắc phục cuối cùng có thể. Đầu tiên, kiểm tra xem mạng có bị quá tải không. Hãy vào trang web hoặc trang Facebook của ISP và xem có bài viết nào đề cập đến việc gián đoạn dịch vụ hay bảo trì hệ thống hay không.

Nếu không có gì, những website như Downdetector có thể cung cấp cho bạn thêm thông tin hữu ích. Những website này là nơi người dùng của các nhà mạng chia sẻ tình trạng gián đoạn mà họ đang gặp phải. Nếu vấn đề của bạn giống với một nhóm người dùng khác ở các vùng lân cận, giải pháp duy nhất là...chờ đợi. Nếu không, tiếp tục kiểm tra những thông tin khác liên quan môi trường modem và cáp.

6. Vấn đề quá nhiệt

Modem của bạn nên được đặt ở nơi mát mẻ, khô ráo, có không khí lưu thông. Giống như bất kỳ thiết bị điện tử nào khác, modem dễ bị quá nhiệt nếu đặt trên thảm hay những nơi chật hẹp, bí bách. Đảm bảo modem không được đặt ở nơi có ánh nắng trực tiếp chiếu vào.

7. Xung đột tín hiệu từ môi trường xung quanh

Modem và cáp băng thông rộng nên được đặt ở khoảng cách an toàn từ bất kỳ nguồn sóng radio nào có khả năng gây xung đột tín hiệu. Nguồn sóng bao gồm lò vi sóng, máy điều hoà không khí, tủ lạnh, và các thiết bị gia dụng cỡ lớn khác. Hãy lưu ý mỗi khi kết nối bị ảnh hưởng trong quá trình sử dụng một thiết bị gia dụng nhất định.

8. Kiểm tra đường cáp

Cuối cùng, bạn cần dò tìm và kiểm tra cách chạy dây cũng như chất lượng bên ngoài của đường cáp. Việc này sẽ có chút khó khăn nếu cáp chạy ngầm trong tường. Tuy nhiên, nếu cáp chạy bên ngoài, hãy lần theo chiều dài của nó. Lưu ý những chi tiết cho thấy cáp bị hỏng như lớp bọc ngoài bị nứt gãy, vết gặm nhấm từ các loài động vật, hay những vết gập... tất cả đều có thể là nguồn gốc vấn đề internet bạn đang gặp phải. Trong trường hợp này, bạn sẽ cần chạy đường cáp mới.

Các điểm kết nối nên khô ráo và không bị ăn mòn. Ngoài những hư hại bên ngoài, hãy để ý đến những bộ tách cáp không cần thiết. Bộ tách cáp là những thiết bị nhỏ bằng kim loại dùng để tạo ra hai đường cáp từ một đường vào. Chúng được sử dụng phổ biến để dẫn cáp truyền hình đến nhiều TV trong nhà. Chúng ngày càng ít hữu dụng hơn khi mà cả thế giới đang dần chuyển sang các loại hình giải trí qua mạng internet.;

Dù bộ tách cáp khá tiện lợi để chia tín hiệu truyền hình, chúng có thể tạo ra tín hiệu băng thông rộng không ổn định. Hãy gỡ bỏ bất kỳ bộ tách cáp nào khỏi đường cáp nếu có thể. Sau khi gỡ bỏ, bạn sẽ có hai đầu kết nối đồng trục đực - để nối chúng lại với nhau, hãy dùng một đầu nối đồng trục.

Ok. Sau khi đã kiểm tra đầy đủ mọi thứ, bạn đã có trong tay một số thông tin để buộc ISP phải "ra tay" khắc phục sự cố kết nối cho bạn rồi. Có thể sẽ là một quá trình khá dài đấy, hãy kiên nhẫn nhé!

Minh.T.T (Theo HowToGeek)

Chủ đề khác