VnReview
Hà Nội

Dùng thử tính năng tìm kiếm giọng nói cho người Việt của Google

Nối tiếp thành công với tính năng nhận diện giọng nói bằng tiếng Việt cho các thiết bị chạy hệ điều hành Android, Google mới đây đã tiếp tục ra mắt công cụ tìm kiếm bằng giọng nói dành riêng cho người dùng Việt Nam, được tích hợp trực tiếp vào trình duyệt Google Chrome.

Giờ đây khi truy cập vào Google.com.vn trên trình duyệt Chrome, người dùng chỉ cần click chuột vào biểu tượng micro bên cạnh khung tìm kiếm để bắt đầu quá trình tìm kiếm bằng giọng nói. Tuy nhiên để sử dụng tính năng này, bạn cần có một chiếc mic rời (hoặc tai nghe có gắn mic).

Nhận diện tiếng Việt khá hiệu quả

Qua thử nghiệm, chúng tôi nhận thấy tính năng tìm kiếm bằng giọng nói của Google nhận diện tiếng Việt khá hiệu quả. Khi thử tìm kiếm "Làm thế nào để học giỏi tiếng Anh", "Những công trình đẹp nhất thế giới", "Những chiếc điện thoại tốt nhất hiện nay"...hay với những kết quả tìm kiếm thuần tiếng Việt khác, Google đều trả về kết quả cực kì chính xác dù người viết đã thử nói nhanh nhất có thể.

Đối với những cụm từ tìm kiếm có sự pha trộn giữa tiếng Việt và tiếng Anh, kết quả nhận được cũng đủ khiến những người dùng khó tính nhất phải hài lòng. "hướng dẫn sử dụng xe Ford Escape", "điện thoại Samsung Galaxy S3", "Ronaldo sẽ vượt Messi trong mùa tới", "ngân hàng Vietcombank"... đều được trả về kết quả chính xác tuyệt đối.

Tuy nhiên, một số từ khóa lại bị chuyển thành kí tự *** dù những từ đó khá phổ biến. Chẳng hạn khi bạn đọc "điện thoại di động", kết quả tìm kiếm luôn hiện là "điện thoại di đ***", hay "cộng đồng mạng" bị trả về thành "cộng đ*** mạng". Thậm chí một số từ luôn bị trả về kết quả không dấu, như "chổi lông gà" khi đọc lên kết quả lại thành "choi long ga".

Riêng đối với những kết quả tìm kiếm có một tổ hợp chữ cái, người đọc có thể đọc cụm chữ cái bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt (chẳng hạn tìm kiếm: ngân hàng BIDV, bạn có thể đọc vào mic là "ngân hàng bi-ai-đi-vi" hoặc "ngân hàng bê-i-đê-vê").

Thậm chí cả ở một số ngôn ngữ địa phương phổ biến, tính năng tìm kiếm giọng nói cũng đáp ứng được phần nào. Người viết đã thử với giọng Hà Tĩnh, khi đọc "đang làm chi rựa" kết quả được trả về rất chính xác là "đang làm chi rứa". Nhưng với những tìm kiếm khó hơn như "bữa nớ tau đi Hà Nội mi à" lại không cho kết quả khả quan.

Tính năng tìm kiếm bằng giọng nói cũng không thích hợp cho những ai nói ngọng. Chẳng hạn, nếu bạn đọc "nong nanh nung ninh" (nếu đúng phải là "long lanh lung linh"), Google sẽ gợi ý cho bạn "long an ninh", "mong an ninh", "nóng lạnh linh kiện"...Nếu đọc chuẩn là "long lanh lung linh", kết quả trả về chính xác ngay lập tức.

Việc Google "chặt chẽ" đối với người nói ngọng được chính minh rõ ràng hơn trong những cụm từ cần sự chính xác tuyệt đối như "lúa nếp là lúa nếp làng, lúa lên lớp lớp lòng nàng lâng lâng", hay "con cá mòi béo để gốc quéo cho mèo đói ăn" chỉ cần đọc sai một chút (dù đọc chậm) cũng khiến kết quả trả về không giống như mong muốn.

Tiết kiệm thời gian tìm kiếm trang web

Nhờ tính năng tìm kiếm bằng giọng nói, những người dùng ít khi tiếp xúc với máy tính (chẳng hạn ông bà, bố mẹ) có thể dễ dàng truy cập vào website nào đó mà không cần căng mắt "mổ cò" từng chữ cái trên bàn phím. Người dùng muốn truy cập dantri.com.vn chỉ cần đọc "dân trí chấm com chấm vi-en" (hoặc "dân trí chấm com chấm vê-nờ") vào micro, trang web ngay lập tức được trả về ở kết quả tìm kiếm đầu tiên.

Đối với những trang web có tên bằng tiếng Anh, chỉ cần phát âm tương đối hoặc gần đúng, Google cũng trả về chính xác địa chỉ đó. Bạn có thể vào Vnreview.vn bằng cách đọc "Vi-en-ri-viu chấm vi-en" hoặc "vê-nờ-rì-viu chấm vi-en" đều được.

Tìm kiếm chữ số chưa tốt

Thử với những từ khóa tìm kiếm có chứa chữ số, chả hạn "máy ảnh Nikon D7000", nếu người dùng đọc là "máy ảnh ni-công Đê-bảy-nghìn" thì không bao giờ nhận được kết quả chính xác. Hay kể cả "máy ảnh ni-công Đê-bảy-không-không-không" cũng không trả về kết quả khả quan. Người viết không tìm ra cách nào để khiến Google tìm kiếm được cụm từ "máy ảnh Nikon D7000" qua giọng nói.

Thậm chí một số từ khóa tìm kiếm trả về kết quả khá "oái oăm" như đọc "máy ảnh Nikon D3100" (người viết phát âm "máy ảnh ni-công Đê-ba-nghìn-một-trăm") thì kết quả nhận được là Google tìm kiếm cụm từ "máy ảnh nikon d3 nghìn một trăm". Nếu muốn đúng, trong trường hợp này bạn phải phát âm "máy ảnh ni-công Đê-ba-một-không-không".

Nhìn chung, tính năng tìm kiếm bằng giọng nói bằng tiếng Việt của Google hoạt động khá hiệu quả, đáp ứng được phần lớn nhu cầu tìm kiếm cơ bản của người dùng Việt. Tuy không thể chính xác hoàn toàn ở mọi từ khóa, nhưng với kho dữ liệu liên tục được cải thiện khi nhiều người sử dụng, trong thời gian tới tính năng tìm kiếm bằng giọng nói của Google hứa hẹn sẽ "hiểu" tiếng Việt hơn.

Minh Dũng

Chủ đề khác