VnReview
Hà Nội

4 lưu ý để lái xe an toàn khi có người ngồi sau

Khi di chuyển bằng xe máy, nhiều trong số chúng ta ưa thích sự tự do với "một thân một ngựa" trong khi không ít người lại xoay sở để có một người bạn đồng hành ngồi phía sau xe.

Thực tế cho thấy, việc đi xe máy 2 người được khuyến khích trong những chuyến phượt dài vì nó khiến hành trình trở nên ngắn hơn và cũng thú vị hơn. Tuy nhiên, việc điều khiển xe máy chở người ngồi sau làm nảy sinh một số vấn đề cần lưu ý mà nếu chủ quan có thể dẫn đến những rắc rối không cần thiết hoặc tai nạn đáng tiếc. Sau đây là những lưu ý khi đi xe máy 2 người:

Khía cạnh pháp lý

Những quy định pháp lý liên quan đến việc chở người ngồi sau khi di chuyển bằng xe máy là điều mà bạn nên chú ý trước khi tham gia lưu thông trên đường. Hãy chắc rằng bạn hội đủ các điều kiện để có thể điều khiển xe máy với số lượng người được chở phù hợp.

4 lưu ý để lái xe an toàn khi có người ngồi sau

Hãy lưu ý luôn đội mũ bảo hiểm cho trẻ em trên 6 tuổi. Ảnh: VnExpress

Tại Việt Nam, người điều khiển xe máy có thể chở thêm tối đa 2 người ngồi sau xe trong trường hợp là trẻ em dưới 14 tuổi. Khi chở trẻ em từ 6 tuổi trở lên phải đội nón bảo hiểm và cài quai đúng cách. Khi chở theo trẻ em, có thể đặt trẻ ngồi trước yên xe. Các trường hợp còn lại người điều khiển xe máy chỉ được chở tối đa 1 người ngồi sau và phải đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông.

Sự tin tưởng và giao tiếp

Dù với bất cứ lí do gì, chở theo một người ngồi sau xe máy đồng nghĩa với việc bạn phải chịu trách nhiệm cho sự an toàn của họ. Trong trường hợp này, sự tin tưởng giữa đôi bên là điều rất quan trọng để lái xe an toàn. Bạn nên tạo được niềm tin với người bạn đồng hành về khả năng điều khiển xe và sự tập trung của mình. Nếu bạn lái xe một cách cẩu thả, tâm lý sợ hãi và nghi ngờ có thể khiến người ngồi sau phản ứng thái quá dẫn đến tai nạn khó lường.

4 lưu ý để lái xe an toàn khi có người ngồi sau

Giao tiếp khi di chuyển là cần thiết, tuy nhiên đừng đánh mất sự tập trung khi đi xe. Ảnh: VnExpress

Khi đi đường, bạn cũng nên duy trì sự giao tiếp với người ngồi sau. Hoạt động trao đổi thông tin giữa người lái và người ngồi sau đôi khi cũng có ích trên một số phương diện như chống bùn ngủ hoặc cảnh báo nguy cơ tai nạn. Tuy nhiên, việc chạy xe máy 2 người không nên biến thành cơ hội cho những cuộc trò chuyện dài bất tận. Việc mải mê nói chuyện có thể là tác nhân khiến bạn bị phân tâm và không còn tập trung vào con đường phía trước. Cãi nhau khi đang di chuyển trên đường là điều nên tránh nếu bạn muốn đảm bảo an toàn cho bản thân và người ngồi sau. Rất nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra có nguyên nhân từ việc cãi vã hay đơn giản từ những cuộc thảo luận bài vở trên đường đến trường.

Tình trạng xe

Sự an toàn khi lái xe phụ thuộc nhiều vào tình trạng xe. Bạn nên kiểm tra để chắc rằng chiếc xe của mình đang trong tình trạng tốt để có thể lưu thông trên đường và chở thêm người phía sau. Hãy chắc chắn lốp của bạn không bị thủng hay mòn khi ra đường, và chú ý lựa chọn loại lốp xe phù hợp với việc chở thêm người. Hầu hết các nhà sản xuất tung ra thị trường nhiều loại lốp xe với khả năng chịu được áp lực khác nhau và người lái nên sử dụng loại phù hợp với mục đích lái. Thông thường, người dùng có thể biết được các chỉ số liên quan đến khả năng chịu áp lực của lốp xe thông qua nhãn hiệu của nhà sản xuất.

4 lưu ý để lái xe an toàn khi có người ngồi sau

Ảnh: Carmudi

Ngoài ra, hãy kiểm tra để đảm bảo phanh xe vẫn hoạt động hiệu quả và hệ thống giảm xóc có thể hỗ trợ khi xe phải chịu thêm sức nặng. Bên cạnh đó, việc kiểm tra các chỉ số về số lượng dầu nhớt, gas, xăng sẽ không tốn nhiều thời gian của bạn trước khi ra đường nhưng góp phần quan trọng giúp bạn và người đồng hành có chuyến đi an toàn.

Đồ bảo hộ

Khi lưu thông trên đường, việc đội nón bảo hiểm là vô cùng cần thiết xét về khía cạnh pháp lý và an toàn. Bạn có thể mượn nón bảo hiểm cho người bạn đồng hành của mình trong trường hợp không chuẩn bị sẵn cho việc chở thêm người. Tuy nhiên, bạn nên có ít nhất 2 nón bảo hiểm chất lượng cao nếu phải thường xuyên chở thêm người khi điều khiển xe máy. Hãy chắc rằng bạn biết cách lựa chọn nón bảo hiểm phù hợp với người đội và có tính năng an toàn cao.

4 lưu ý để lái xe an toàn khi có người ngồi sau

Với những chuyến đi xa, dài ngày thì bạn nên chuẩn bị kỹ đồ bảo hộ

Găng tay là dụng cụ cần thiết cho những chuyến đi xa. Hãy luôn chọn loại găng tay chuyên dụng dành cho người chạy xe máy để bảo vệ đôi tay của bạn khỏi các tác động của môi trường như nắng nóng, những cơn mưa bất chợt hay nhiệt độ xuống quá thấp. Trong trường hợp tai nạn, găng tay sẽ là lớp bảo vệ hiệu quả giúp đôi tay bạn tránh trầy xước khi phải ma sát với mặt đường. ;  

Nếu bạn đang lên kế hoạch cho một chuyến phượt dài cùng người bạn đồng hành, hãy chắc rằng cả 2 đều chuẩn bị những món đồ bảo hộ phù hợp cho chuyến đi như bốt, găng tay, áo mưa, áo khoác, quần tây, quần jeans… Nên nhớ rằng người ngồi phía sau cũng chia sẻ những rủi ro tương tự với người lái trong trường hợp tai nạn xảy ra.

Trương Đạt

Chủ đề khác