VnReview
Hà Nội

Đây là cách bộ phận Halo trên xe F1 cứu sống tay đua tại giải GP Bỉ trong gang tấc

Sau vụ tai nạn này có lẽ ban tổ chức giải đua F1, các đội đua và cả người hâm mộ sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn về bộ phận Halo tưởng chừng nhỏ bé nhưng lại có tác dụng phi thường này.

Gọi nôm na là thiết bị bảo vệ vùng đầu, "Halo" được làm bằng titan, có hình bầu dục hoặc hình vòm, bao quanh phía trên đầu của tay đua với 3 điểm được gắn vào xe, 2 điểm ở sau buồng lái và 1 điểm ở trước mặt tay đua. Dù được dự định áp dụng trong mùa giải F1 2017 nhưng phải tới mùa giải F1 2018, Halo mới xuất hiện trên nhiều mẫu xe đua của các đội. Và ngay trong lần xuất hiện đầu tiên sau hơn 2 năm thử nghiệm, Halo đã xuất sắc cứu sống một tay đua tại chặng GP Bỉ vừa qua.

Tai nạn xảy ra khi chiếc McLaren của tay đua nổi tiếng Fernando Alonso lật nghiêng và lao qua xe của tay đua Charles Leclerc. Trước đó xe của Alonso đã bị xe của tay lái Nico Hulkenberg húc từ phía sau khiến anh bị mất lái và lao qua đầu xe của Charles Leclerc.

Chia sẻ trên Twitter sau khi thoát khỏi vụ tai nạn kinh hoàng, Leclerc cho biết: "Tôi chưa bao giờ là một fan của Halo nhưng thật vui vì nó đã cứu mạng tôi ngày hôm nay".

Về phía Alonso, anh này cho biết: "Điều tích cực là cả ba chúng tôi đều ổn, đặc biệt là Charles Leclerc. Tôi đã lao qua đầu xe của anh ấy và Halo đã bảo vệ xuất sắc chủ nhân của nó".

Gầm chiếc xe đua gần như chạm hẳn vào vị trí của tay lái phía dưới nhưng rất may Halo đã bảo vệ được chủ nhân của nó

Hình ảnh chiếc xe đua của Leclerc một lần nữa minh chứng sức chịu đựng bền bỉ của bộ phận Halo

Đảm bảo an toàn tối đa cho các tay đua F1 luôn là ưu tiên hàng đầu của người tổ chức giải. Không chỉ nỗ lực cải thiện đường đua, giải F1 và các hãng sản xuất xe còn liên tục cải tiến công nghệ và kỹ thuật để bảo vệ các tay đua.

Halo là một ý tưởng hay ho như vậy, nhằm mục đích bảo vệ phần đầu của các tay đua trước những va chạm bất ngờ. Thực tế đã có những tai nạn đáng tiếc xảy ra khiến các tay đua tử vong và thương tích do va chạm vùng đầu với xe đua khác.

Đơn cử như vụ tai nạn của Felipe Massa hồi năm 2009 khiến anh này phải bỏ dở nửa cuối mùa giải chỉ vì mảnh vỡ văng vào đầu. Hay sau đó là tai nạn của Jules Bianchi tại Grand Prix Nhật vào năm 2014. Từ những sự cố đáng tiếc đó, FIA (Liên đoàn ôtô quốc tế) đã phải lên kế hoạch bảo vệ các tay đua.

Hồi năm 2016, Ferrari đã cho ra mắt bộ phận Halo 2, một bản cải tiến mới của Halo cũ đã được FIA chấp thuận. Bộ phận này được làm từ sợi carbon và titan siêu nhẹ nhờ đó độ cứng và lực đàn hồi khá tốt.

Halo bảo vệ ngay phía trước mặt của tay lái

Theo FIA, một bộ phận an toàn này nặng khoảng 9kg và khung titan có thể giúp nó chịu được lực va chạm tương đương một chiếc xe buýt 2 tầng.

Halo 2 có kiểu dáng khí động lực học và gắn ở phần khung phía trước và sau vị trí người lái. Trước Halo cũng có nhiều hệ thống Aeroscreen của Redbull giúp bảo vệ phần đầu của các tay đua F1.

Trước khi chính thức xuất hiện trên đường đua Grand Prix, nhiều người vẫn còn hoài nghi về độ an toàn, tính thẩm mỹ của bộ phận và cả việc các tay đua không còn thi đấu quyết liệt như trước. Mặc dù vậy sau khi có màn thể hiện xuất sắc tại Grand Prix Bỉ vừa qua, Halo chắc chắn sẽ là một bộ phận không thể thiếu trên xe đua F1 trong tương lai.

Vụ va chạm tại giải Grand Prix Bỉ và công dụng tuyệt vời của Halo

Tiến Thanh

Chủ đề khác