VnReview
Hà Nội

Chiến trường pin dành cho xe điện: “Tam quốc tranh hùng” giữa Nhật - Hàn - Trung

Được thành lập năm 1995, công ty BYD là nhà sản xuất lớn nhất Trung Quốc phục vụ các xe chạy năng lượng thay thế. Với khẩu hiệu: "Xây dựng giấc mơ của bạn", công ty này được biết đến ;nhiều ở phương Tây khi nằm trong danh mục đầu tư của "huyền thoại" Warren Buffett. Còn ở Trung Quốc, họ nằm trong hàng ngũ tiên phong của một sự thúc đẩy tầm cỡ quốc gia, nhằm đưa quê hương lên làm chủ tương lai tự động hóa.

Nhà máy Huệ Châu của BYD đặt tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải. Cứ vào 5 giờ chiều mỗi ngày, dòng người đổ ra từ nhà máy lộ rõ sự "vắt kiệt" về thể lực, nhắm thẳng vào khu phố ẩm thực đối diện để tìm kiếm thức ăn và đồ uống. Một công nhân chia sẻ: "Dù có làm thêm ca bao nhiêu đi chăng nữa, chúng tôi vẫn bị thiếu hụt nhân lực".

Một ví dụ rất sinh động cho áp lực bắt kịp nhu cầu tăng lên nhanh chóng của mặt hàng sản xuất ở đây: pin cho xe chạy điện. BYD là một trong những nhà cung cấp lớn nhất thế giới về sản phẩm này, họ đang đặt mục tiêu đầy tham vọng khi có thể đáp ứng sản lượng lên đến 60 Gigawatt mỗi giờ cho đến 2020. Con số này tương đương với khoảng một nửa năng lực của toàn Trung Quốc năm 2017.

Tham vọng thống trị của Trung Quốc

Công ty thực sự đang gặp thời mới dám liều lĩnh như vậy. Những nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc đã đặt cược rất lớn vào các loại phương tiện chạy điện, mong muốn thay thế hệ thống xe hơi đã 130 năm tuổi của mình. Vì vậy, họ chi cả chục tỉ đô-la để biến đất nước thành nhà lãnh đạo toàn cầu về xe điện.

Công nhân tại nhà máy Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông kết thúc một ngày làm việc bận rộn

Sự thúc đẩy mạnh mẽ này đã có hiệu quả. Năm ngoái, Trung Quốc chiếm 7 vị trí trong danh sách 10 hãng cung cấp pin li-ion lớn nhất toàn cầu. Top 3 lần lượt là Contemporary Amperex Technology Ltd. (CATL), Pansonic và BYD, số 1 và số 3 thuộc về người Trung Quốc. Theo tính toán của Bloomberg, Trung Quốc sẽ đảm nhận sản xuất 70% tổng số pin cho xe điện vào năm 2021. Và phần thưởng hậu hĩnh cho điều đó là mức doanh thu tăng từ dưới 10 tỉ USD lên 60 tỉ USD vào năm 2030 của ngành này, theo Goldman Sachs. Chính xu hướng giảm phát thải nhà kính trên toàn cầu đã giúp các công ty Trung Quốc hưởng lợi khi nhu cầu xe điện bùng nổ.

Không chỉ là lò sản xuất pin lớn nhất, Trung Quốc đồng thời cũng là thị trường tiêu thụ bậc nhất về xe điện. Sự thống trị đó khiến người Hàn và người Nhật không hề thoải mái. Các công ty cạnh tranh lập tức lao vào tăng công suất dù gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, châu Âu chậm chạp bước vào cuộc đua, ra mắt một liên minh vào năm ngoái.

Takaki Nakanishi, CEO của Viện nghiên cứu Nakanishi cảnh báo: "Việc Trung Quốc làm chủ ngành sản xuất pin không phải là tình huống tốt cho các công ty xe hơi châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc". Ông bổ sung: "Nhìn chung, nguy cơ rất rõ rệt khi các công ty xe hơi bị phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn cung bất kì nào đó khi mua sắm linh kiện".

Với một số nhà quan sát, sự thống trị của BYD và CATL thực ra chính là kết quả mong muốn của chính phủ Trung Quốc, khi họ o ép các công ty cạnh tranh nước ngoài hòng hậu thuẫn cho hãng nội địa. Điều này đã xảy ra ở thị trường tấm năng lượng mặt trời và sản phẩm điện tử tiêu dùng. Nakanishi cho hay: "Chính quyền Bắc Kinh thiết lập một danh sách gồm toàn các nhà cung cấp trong nước, sau đó "khuyến khích" các hãng xe mua linh kiện từ đây".

Xe điện tại một bãi đỗ xe ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc

Điều này dẫn đến việc nở rộ các hãng sản xuất pin, trong khi nguồn cung dần thừa thãi. Để kiểm soát, chính phủ bắt đầu tiến hành làm giãn ra ngành công nghiệp đã quá đông đúc này. Đầu tiên, thắt chặt những tiêu chí đánh giá cho các khoản trợ cấp, vốn để thúc đẩy doanh thu tăng trưởng. Ngừng một số gói hỗ trợ tài chính. Và cởi mở hơn, nới lỏng hàng rào cho công ty bên ngoài có thể tiếp cận với thị trường nội địa.

Đối với nhiều công ty Nhật, sự thay đổi về mặt chính sách này chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi. Toyota, Pansasonic nhanh chóng nắm lấy thời cơ. Họ mong muốn có thể nghiên cứu ra loại pin mới, vượt trội hơn pin li-ion đang phổ biến. Shigeki Terashi, Phó Chủ tịch điều hành của Toyota phụ trách mảng kinh doanh pin đã tuyên bố: "Bất kì ai chinh phục được công nghệ pin, cũng sẽ chinh phục được thị trường xe hơi đang đi theo hướng điện khí hóa".

Vậy là cuộc chiến toàn cầu bùng nổ.

Đường đua đổi mới

Nhật Bản thực ra đã là một "tay chơi" ở đây từ khá sớm. Họ thành lập liên doanh giữa công ty sản xuất pin li-ion với công ty nội địa, Toyota hợp tác với Panasonic, Nissan thì tìm đến NEC. Điểm chung là Nhật Bản sử dụng các công nghệ độc quyền trong nước rất phức tạp, nỗ lực chiếm phần lớn thị trường pin dành cho xe điện. Tuy nhiên những lợi thế này nhanh chóng bị mất đi bởi sự xuất hiện của Hàn Quốc, sau đó là Trung Quốc.

Nissan ra mắt Leaf, mẫu xe điện bán chạy nhất mọi thời đại, trở thành người dẫn đầu thị trường năm 2010. Tuy nhiên sau đó công ty cảm thấy mình bị mắc kẹt bởi cuộc chiến giá cả. Cuối cùng, Nissan tuyên bố rút lui khỏi liên doanh với NEC và bán lại cho một hãng Trung Quốc. Công ty giải thích rằng tự sản xuất chi phí rất cao, đi mua từ bên ngoài sẽ tiết kiệm hơn.

Nissan Leaf là một mẫu xe điện bán rất chạy của công ty Nhật Bản

Tuy nhiên, Toyota thì không từ bỏ sớm như vậy. Họ mong muốn có thể tái lập vị thế dẫn trước đối thủ bằng công nghệ pin mới. Công ty Nhật Bản đặt ra khoản đầu tư lên đến 13,2 tỉ USD cho đến năm 2030, đổ vào chương trình nghiên cứu và phát triển thế hệ pin tiếp theo bao gồm công nghệ pin thể rắn. Họ thậm chí còn tham gia vào một dự án mang tầm quốc gia, tập hợp 23 công ty trong nước gồm Panasonic, Nissan, Honda,... với vai trò dẫn đầu. Một liên minh "thuần Nhật" với tham vọng dẫn đầu cuộc đua.

Hideki Iba, dẫn đầu mảng vật liệu pin của Toyota phát biểu trong một buổi họp báo hồi tháng Sáu: "Chúng tôi mong muốn có thể tạo ra những bước đột phá lớn lao, và hiện thực hóa chúng bằng bất kì giá nào". Công ty hiện có 200 kĩ sư làm việc với công nghệ pin thể rắn, so với loại li-ion, công nghệ này vượt trội hơn ở mật độ lưu trữ năng lượng, độ bền bỉ khi hoạt động với dòng điện cao. Không chỉ vậy, pin thể rắn cũng tỏa ít nhiệt hơn, khó bắt lửa hơn.

Quan trọng hơn, công nghệ mới được cho sẽ giúp xe điện kéo dài quãng đường đi sau mỗi lần sạc. Nhờ mật độ lưu trữ năng lượng tốt hơn li-ion, xe điện có thể tăng thêm 40% quãng đường đi tương đương khoảng 800 km. Như vậy là xấp xỉ bằng với xe chạy động cơ xăng.

Tuy nhiên, chính Toyota cũng cho biết họ không kì vọng loại công nghệ này có thể phổ biến trước năm 2030.

Ngoài Toyota, hãng xe hơi Volkswagen và một vài công ty Mỹ, kể cả CATL cũng đang tham gia phát triển loại pin này. Tuy vậy, đại diện người Nhật vẫn rất tự tin và cho rằng họ đang dẫn trước các đối thủ về công nghệ mới.

Pin lithium-ion đang là loại chủ đạo hiện nay trên xe điện, tuy nhiên công nghệ này sẽ bị thay thế trong tương lai

Nhu cầu về những siêu nhà máy

Mặc dù tương lai của pin thể rắn khá đảm bảo, tuy nhiên, chiến trường hiện vẫn đang diễn ra chủ yếu ở các dây chuyền sản xuất pin li-ion. Theo JATO Dynamics, doanh số bán xe điện toàn cầu năm 2017 vẫn khá nhỏ bé, chỉ đạt 668.000 chiếc. Trong khi lượng xe hơi du lịch tiêu thụ cùng kì đã đạt tới con số khổng lồ 82 triệu xe. Điều này có nghĩa dư địa tăng trưởng của xe điện vẫn còn rất rộng mở, tăng trưởng năm 2017 đạt 78% và còn ở mức cao những năm tới.

Một số công ty đã tranh thủ điều này, Panasonic và Tesla xây dựng tại Nevada, Mỹ, một siêu nhà máy pin li-ion có tên Gigafactory, trị giá 5 tỉ USD. Mặc dù là đối tác gần như độc quyền cho hãng xe điện lớn nhất thế giới, Panasonic vẫn đang gặp khó khăn. Họ đã bị lỗ hai quý liên tiếp do chi phí sản xuất chưa kịp tối ưu, phải thuê thêm nhân lực để bắt kịp nhu cầu. Đặc biệt khi Tesla nhận được rất nhiều đơn hàng cho mẫu xe Model 3.

Kazuhiro Tsuga, Chủ tịch công ty nói rằng tầm nhìn lâu dài của ông là khi nhu cầu của thị trường bùng nổ, họ thậm chí còn cần mức năng lực sản xuất lớn bằng 10 nhà máy Gigafactory hiện tại. "Đây là một cuộc đua thực sự, và chúng tôi muốn chiến thắng nó", ông tuyên bố.

Người Hàn cũng giống như người Nhật, đang bị Trung Quốc dẫn trước và muốn "lật ngược thế cờ". LG Chem đã tăng năng lực tại đại lục khi vận hành thêm một nhà máy sản xuất pin thứ hai của họ, đặt tại Nam Kinh. Kì vọng cho đến cuối 2019, nhà máy này sẽ giúp tăng thêm 500.000 đơn vị pin mỗi năm để đáp ứng thị trường Trung Quốc và các nước châu Á xung quanh. Công ty dự định sẽ đầu tư thêm 1,8 tỉ USD cho đến 2023.

Danh sách một số khách hàng của các công ty sản xuất pin

Park Jin-soo, CEO LG Chem lộ rõ quyết tâm khi tuyên bố sẽ biến nhà máy Nam Kinh trở thành số một, bằng cách đầu tư vào công nghệ và cơ sở vật chất hiện đại  nhất. Với việc bổ sung thêm một cơ sở, LG đã sở hữu tổng cộng năm nhà máy gồm hai ở Trung Quốc, còn Hàn Quốc, Mỹ và Ba Lan mỗi nơi có một.

Trong khi đó, đồng hương Samsung SDI không có nhiều sự hiện diện ở đại lục. Công ty chủ yếu phụ thuộc vào các khách hàng ở châu Âu, được nhận định sẽ tăng trưởng ổn định.

Và người Hoa cũng không hề ngồi yên

Trên đường đua, mặc dù đã dẫn trước nhưng các hãng Trung Quốc không hề tỏ ra chậm lại. Nhà sản xuất pin cho xe điện lớn nhất thế giới CATL tiếp tục các kế hoạch mở rộng của mình. Dựa vào một chính sách thu hút nhân tài có chính phủ chống lưng, họ đã mời được một chuyên gia công nghệ pin người Mĩ về làm Giám đốc công nghệ (CTO), nhiều kĩ sư khác đến từ Bosch, Continental và Valeo.

Bên trong một cơ sở sản xuất của CATL

Năng lực của công ty rất đáng nể. Trong năm 2017, đạt tổng công suất 11.8 Gigawatt mỗi giờ. CATL vẫn đang xây dựng thêm một cơ sở 24 GWh khác và có dự tính mở nhà máy đầu tiên ở nước ngoài tại Đức.

BYD, không chịu kém cạnh khi đã vận hành một nhà máy mới công suất 24 GWh nằm tại tỉnh Thanh Hải, cách trụ sở chính 2.000 km. Họ đã đầu tư vào đây 1.5 tỉ USD, nằm tại "đầu nguồn" nguyên liệu sản xuất pin li-ion. Nơi này có trữ lượng lithium ước tính 80% toàn cầu, giúp BYD tiết kiệm được chi phí vận chuyển, và quan trọng nhất, là nguồn nguyên liệu thô thiết yếu phục vụ sản xuất.

Không dừng lại ở đó, tham vọng bắt kịp CATL khiến BYD đang nung nấu ý đồ xây dựng thêm nhiều nhà máy ở đây. Với trị giá khoảng 3 tỉ USD, có thể giúp công ty tăng gần 4 lần công suất hiện nay. Wang Chuanfu, Chủ tịch hãng BYD có niềm tin mạnh mẽ rằng, xe điện sẽ trở thành ngành công nghiệp thiết yếu của Trung Quốc, và pin chính là trái tim của xe điện.

Ở một tương lai mà xe điện trở thành phương tiện di chuyển chính, bất luận là Nhật, Hàn hay Trung, phe nào cũng đang chạy đua để giành lấy lợi thế nhiều nhất cho mình.

Ambitious Man

Chủ đề khác