VnReview
Hà Nội

Mua xe ô tô cũ cần chú ý những gì?

Thời điểm Tết là lúc mà rất nhiều người có xu hướng mua xe ô tô cũ đi chơi Tết, để tránh rơi vào tình trạng tiền mất mà xe tốt đi không có thì bạn nên nắm chắc 6 kinh nghiệm dưới đây.

1. Xác định khả năng tài chính

Mặc dù mua xe cũ tiết kiệm hơn so với việc bạn mua một chiếc xe mới nhưng không vì thế mà bạn bỏ qua những tính toán về khoản chi tài chính kèm theo bao gồm: đăng ký, bảo hiểm, bảo dưỡng, sửa chữa chiếc xe.;

2. Nhờ người thân, quen có kinh nghiệm, kiến thức am hiểu về xe đi chọn xe cũ

Nếu như bạn là một người chưa có kinh nghiệm sử dụng xe ô tô, nên nhờ người thân đi xem xe cùng để có thể phát hiện những lỗi trên xe. Bởi lẽ có những lỗi dù nhỏ nhưng ảnh hưởng khá lớn đến việc vận hành xe bạn sẽ không thể phát hiện ra một sớm một chiều. Với việc đi cùng người có kinh nghiệm, kiến thức về xe sẽ giúp bạn hạn chế được những lỗi hay gặp trên những chiếc xe cũ, bên cạnh đó bạn sẽ hiểu thêm về chiếc xe mà bạn định mua. Tuy nhiên, cũng không nên ỷ tất cả vào người khác mà nên giắt túi một vào mẹo kiểm tra nho nhỏ trước khi đi xem xe.

3. Lái thử xe

Là người mua xe, sử dụng xe trực tiếp bạn không nên đi loanh quanh chiếc xe bên trong, bên ngoài mà bạn nên mang xe ra lái thử. Việc lái thử rất quan trọng trong việc mua xe cũ. Trong quá trình vận hành, bạn sẽ cảm nhận rõ ràng về chiếc xe mình định mua. Do vậy, khi mua xe, không nên ngần ngại đề nghị chủ sở hữu xe cho phép bạn lái thử.

4. Cẩn trọng với những chiếc xe đã được "mông má"

Nên xem xe ở nơi có ánh sáng tốt, đặc biệt là ở ngoài trời để có thể thấy rõ những chi tiết xe, từ đó giúp bạn có thể phát hiện xe đã từng sơn, sửa ngoại thất hay không. Đồng thời nên lưu ý số km hoạt động (ODO), nó sẽ phản ánh rõ tổng thể quá trình hoạt động của xe. Nếu bạn gặp một chiếc xe chỉ đi khoảng 20.000 km, chắc hẳn nội thất sẽ còn khá mới. Tuy nhiên, nếu chiếc xe bạn đang xem xét mua có ODO lên tới 40.000 – 50.000 km mà nội thất "bóng bẩy" thì chắc chắn chiếc xe này đã được "mông má".

Tất nhiên, trong trường hợp ngược lại, một chiếc xe có nội thất hao mòn, cũ kỹ mà ODO chỉ ở mức 20.000 – 30.000 km, điều này bạn cần phải yêu cầu chủ xe cung cấp sổ bảo dưỡng để biết chính xác xe đã lăn bánh bao nhiêu, tránh tình trạng xe bị "tua" đồng hồ. Trong trường hợp xe không có sổ bảo dưỡng thì việc đưa xe lên hãng hoặc các gara xe để kiểm tra chính xác ODO và kết hợp kiểm tra hệ thống máy có bị thuỷ kích, xe có bị đâm đụng không là điều bắt buộc phải làm.

5. Quan tâm đến năm sản xuất (đời xe) và nơi sản xuất

Khi mua xe bạn nên quan tâm tiếp theo đến năm sản xuất để có thể định giá được chính xác. Có rất nhiều mẫu xe cách nhau một năm sản xuất nhưng về kiểu dáng lại khác nhau, khiến cho mức giá cũng có sự chênh lệch. Do vậy, để có thể định giá chính xác, bạn hãy xem kỹ giấy tờ xe.

Bên cạnh đó, ở thị trường Việt Nam, khách hàng luôn "tin dùng" xe nhập khẩu hơn xe lắp ráp trong nước. Trong cùng một dòng xe, xe nhập khẩu sẽ có giá cao hơn hẳn.

6. Kiểm tra thật kỹ hồ sơ của xe

Sau khi đã ưng ý với chiếc xe bạn lựa chọn, bạn hãy đề nghị chủ xe cho xem 3 loại giấy tờ bao gồm: Giấy đăng ký xe (cà vẹt), đăng kiểm, giấy ủy quyền (nếu có). Những thông tin sau đây bạn cần lưu ý kiểm tra: tên chủ sở hữu, biển số, số khung, số máy, màu sơn, năm sản xuất.

Nếu như bạn mua những chiếc xe sản xuất vào 8/2008 đến tháng 11/2010 bạn nên yêu cầu người bán đưa thêm bộ hồ sơ tự quản để tránh gặp phiền phức khi làm hồ sơ sang tên xe.

Long Trần

Chủ đề khác