VnReview
Hà Nội

Quá tải hồ sơ học thi bằng lái 2020 để "né" Thông tư 38

Một số trung tâm đào tạo lái xe đã tạm dừng nhận học viên hoặc quá tải hồ sơ do rất đông người tranh thủ học trước khi quy định mới trong Thông tư 38 yêu cầu điểm danh học lý thuyết từ ngày 1/5/2020.

Theo khảo sát nhanh của phóng viên VnReview.vn, một số trung tâm đào tạo lái xe hiện đã khóa sổ, dừng nhận học viên. Lý do được giải thích là hiện đã quá tải hồ sơ. Mỗi trung tâm chỉ đào tạo được từng khóa với số lượng hồ sơ nhất định, tùy thuộc vào năng lực đào tạo (cơ sở phòng học lý thuyết, giáo viên, lượng xe học thực hành). Một số trung tâm cho biết hồ sơ nếu được nhận bây giờ phải đến tầm tháng 10 mới được thi, trong khi một số trung tâm khác phải đợi đến năm 2021 do quá tải hồ sơ.

Nguyên nhân dẫn đến quá tải hồ sơ học bằng lái ô tô xuất phát từ Thông tư 38 của Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 12 năm 2017 về Quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.

Quá tải hồ sơ học thi bằng lái 2020 để "né" quy định mới

Nội dung thông tư số 38 so với số 12 năm 2017 trước đó quy định về thời gian học và số km thực hành không thay đổi. Cụ thể, với bằng hạng B2 phổ thông nhất thời gian học lý thuyết và thực hành là 588 giờ, và tối thiểu 1.100km.

Tuy nhiên, nội dung học được bổ sung thêm nội dung "Phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông", học trên thiết bị mô phỏng. Số câu hỏi lý thuyết sát hạch cũng tăng từ 400 câu lên 600 câu.

Song đáng chú ý nhất là cơ quan quản lý sẽ siết chặt việc học và sát hạch thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin. Lộ trình cụ thể là từ ngày 1/5/2020, các cơ sở đào tạo ứng dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết đối với học viên học lái xe ô tô (trừ hạng B1). Điều này có nghĩa học viên phải học tập trung tại cơ sở đào tạo liên tục trong hơn nửa tháng.

Từ ngày 1/1/2021, các cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái của học viên trên xe tập lái, đồng thời, bổ sung nội dung học trên cabin tập lái xe để học viên học kỹ năng lái xe trên đường cao tốc, đường đèo núi, đường trơn trượt… và đảm bảo tối thiểu 1.100km thực hành.

Chính vì vậy, để "né" việc phải học tập trung, nhiều người đã đổ xô đi đăng ký học lấy bằng lái xe, dẫn tới quá tải và thậm chí học viên có thể phải mất thêm chi phí "đi đêm" để nộp được hồ sơ học lấy bằng lái trước ngày 1/5/2020.

Trả lời báo VietnamPlus, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), Tổng cục cho biết có nhận được thông tin nhu cầu đào tạo lái xe của năm nay tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là các thành phố lớn, tăng nhiều nhất là các tỉnh thành phía Bắc.

Để khắc phục ùn ứ học viên, tăng phí đào tạo, ông Thống cho biết sẽ yêu cầu các cơ sở đào tạo tăng đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu đào tạo tăng. Đồng thời ông khuyên người học nếu có nhu cầu thực sự hãy tham gia đăng ký học lái xe, tránh ùn ứ để cơ sở đào tạo để lấy lý do tăng giá.

Các vị chức trách ngành giao thông vận tải hôm qua cũng đã khẳng định việc tăng học phí lái xe đến 30 triệu đồng là không chính xác. Hiện tại, học phí học bằng lái xe B2, hạng phổ thông nhất, 8 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng so với trước Tết, chưa có cơ sở đào tạo nào thu học phí đến 30 triệu đồng như đồn thổi.

Tuy nhiên, với việc học giám sát thực hành đảm bảo tối thiểu 1.100 km từ năm 2021, học phí học bằng lái năm tới sẽ tăng lên do các cơ sở đào tạo phải tăng chi phí xăng xe, giáo viên, chưa kể đầu tư hệ thống phần mềm, thiết bị mô phỏng theo quy định. Nhưng tăng cụ thể đến mức nào còn phải chờ thêm thời gian, vì còn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường, khả năng đầu tư và cạnh tranh.

Minh Hương

Chủ đề khác