VnReview
Hà Nội

Vì sao các thương hiệu xe sang “đổ bộ” về Việt Nam?

Theo VAMA, thị trường còn dư địa rất lớn nhờ nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định, những chuyển dịch tích cực của đầu tư nước ngoài trong khi các chính sách với ngành sản xuất ôtô đã cải thiện.

Thị trường ôtô Việt Nam đang bị ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 khiến nhiều nhà máy của các hãng xe như Honda, Ford, Hyundai, Toyota, Nissan… phải tạm dừng hoạt động và doanh số bán hàng có thể giảm mạnh.

Mặc dù vậy, các thương hiệu xe hạng sang liên tiếp tung ra thị trường nhiều mẫu xe mới. Vậy đâu là lý do để các thương hiệu xe sang "đổ bộ" sản phẩm mới vào thị trường Việt Nam thời gian gần đây?

Thaco bắt tay cùng BMW ra mắt loạt xe tại Việt Nam

Sự chuyển dịch sang các dòng xe sang

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), thị trường còn dư địa rất lớn nhờ nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định, những chuyển dịch tích cực của đầu tư nước ngoài và thương mại, các chính sách đối với ngành sản xuất ôtô đã cải thiện hơn.

Ngoài ra, dù có dân số gần 100 triệu người nhưng tỷ lệ sở hữu xe hơi ở Việt Nam còn khá khiêm tốn với chỉ hơn 20 xe/1.000 người dân, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Trong xu thế đó, các hãng xe sẽ đáp ứng được xu hướng tiêu dùng mới cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của khách hàng.

Giám đốc Công ty Thiên Phúc An – đơn vị có nhiều năm kinh doanh xe nhập khẩu, ông Nguyễn Tuấn đánh giá nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định, thu nhập bình quân trên đầu người tăng hơn, tầng lớp trung lưu tăng mạnh và thị trường ôtô tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Bên cạnh đó, xu hướng người tiêu dùng đang dịch chuyển sang sử dụng dòng xe sang là lý do để các thương hiệu "đổ bộ" vào thị trường Việt Nam đón đầu thị trường.

Qua quan sát thị trường cho thấy người Việt đang có xu hướng chuyển từ xe ôtô bình dân, phổ thông để lên đời tiệm cận xe sang và khi đã sử dụng dòng xe này thì khó có thể quay lại sử dụng xe bình dân như trước. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều doanh nghiệp ôtô vừa tập trung sản xuất, lắp ráp trong nước vừa nhập nhập khẩu xe sang về phân phối.

Điều này khiến thị trường ôtô Việt Nam trở thành "miếng mồi béo bở" đối với hầu hết các thương hiệu xe sang trên thế giới như Mercedes-Benz, BMW, Audi, Lexus, Maserati, Jaguar, Land Rover, Porsche, Bentley, Rolls-Royce, Ferrari… Trong các thương hiệu xe sang, Mercedes-Benz là thương hiệu duy nhất có nhà máy sản xuất lắp ráp tại Việt Nam, còn lại là nhập khẩu về phân phối.

Trong năm 2019, dù được dự báo thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng Mercedes-Benz Việt Nam vẫn tiêu thụ đến hơn 6.800 xe, tăng 8% so với năm 2018. Đây cũng là đơn vị luôn giữ được vị trí dẫn đầu thị trường xe sang nhờ lợi thế chuyển sang lắp ráp trong nước với những sản phẩm phong phú và tạo ra lợi thế về giá so với nhập khẩu nguyên chiếc về phân phối.

Lexus dù không lắp ráp trong nước nhưng nhờ lợi thế có tập đoàn mẹ là Toyota nên đã khai thông được nguồn nhập khẩu với 1.511 xe được tiêu thụ tại Việt Nam trong năm 2019 (tăng tới 157% so với năm 2018).

Trong khi đó, dù không được tiết lộ danh số cụ thể nhưng thương hiệu BMW ước tính có khoảng 1.000 xe được tiêu thụ trong năm qua.

Các thương hiệu khác góp mặt tại thị trường Việt Nam như Audi, Jaguar Land Rover cũng không tiết lộ về doanh số bán hàng mà chỉ thông báo có mức tăng trưởng ấn tượng hoặc tăng trưởng tốt.

Đây cũng là lý do khiến tập đoàn ôtô Trường Hải (Thaco), vốn trước đây chỉ tập trung lắp ráp xe du lịch của Kia, Mazda và xe thương mại, đã bắt đầu hợp tác với chi nhánh của BMW tại châu Á để trở thành nhà đầu tư và nhập khẩu xe thương hiệu BMW và Mini tại thị trường Việt Nam.

Sau khi tiếp quản thương hiệu, Thaco nhập khẩu lô xe BMW đầu tiên về phân phối với giá rẻ hơn từ 49 triệu đồng đến gần 600 triệu đồng so với nhà phân phối cũ và được khách hàng đón nhận tích cực. Để thương hiệu xe sang của Đức có thị phần cao tại Việt Nam, Thaco cho biết có kế hoạch đến cuối năm 2020 bố trí 15 tổ hợp đại lý BMW với quy mô lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh thành phố khác. Thaco cũng có kế hoạch bố trí sản xuất, lắp ráp xe trong tương lai…

Đáng chú ý, sau khi Mercedes-Benz Việt Nam cùng lúc ra mắt 6 mẫu xe mới vào cuối tháng 3 vừa qua, ngày 22/4, Thaco tạo bất ngờ lớn khi tung ra thị trường Việt Nam 10 mẫu xe hạng sang BMW thuộc 5 dòng xe là 3-Series, 7-Series, X1, X5 và X6.

Thaco cũng là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam ra mắt xe qua hình thức trực tuyến để giới thiệu đến khách hàng do đại dịch COVID-19 và thực hiện việc giãn cách xã hội.

Đón đợi "cuộc đua" giữa các thương hiệu lớn

Showroom của Mercedes-Benz tại Việt Nam. (Ảnh: Autodaily)

Theo giới kinh doanh, nếu hai thương hiệu đến từ Đức tiếp tục trình diễn "cuộc đua" song mã trong thời gian tới, đặc biệt là khi Thaco có "thói quen" ưu đãi giá xe hàng tháng, điều này sẽ tạo sức ép không nhỏ cho các thương hiệu khác và khi đó người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.

Theo đánh giá của anh Vĩnh Nam, một chuyên gia trong lĩnh vực xe sang lâu năm đến từ Công ty AVIS Vietnam, việc Thaco ra mắt loạt xe sang này là tín hiệu tốt cho BMW, dù đang thời điểm dịch bệnh COVID-19. Đây là cách làm tốt của BMW khi phân chia nhỏ các dòng xe để cạnh tranh với những đối thủ Mercedes-Benz và Audi tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, hạn chế của BMW là xe nhập khẩu phải chịu nhiều loại thuế nên việc cạnh tranh với xe lắp ráp trong nước của Mercedes-Benz tương đối khó trong thời điểm này.

Chuyên gia Vĩnh Nam nhận định cùng với Mercedes-Benz ra mắt loạt xe đầu tháng 3, BMW vừa giới thiệu 10 mẫu xe mới, Audi Việt Nam cũng vừa ra mắt Q3 và chuẩn bị ra mắt một số mẫu xe mới nên thị trường xe sang thời gian tới sẽ sôi động hơn. Người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn và các hãng cũng phải nỗ lực để giành thị phần trước dịch bệnh COVID-19 gây ra.

Đặc biệt, Chính phủ đang giao Bộ Tài chính cho ý kiến về các phương án miễn, giảm thuế; trong đó có việc giảm 50% lệ phí trước bạ ôtô sản xuất lắp ráp trong nước, giảm 50% VAT cùng ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô nội… dẫn đến việc khách hàng chưa quyết định mua xe.

Nếu kế hoạch hỗ trợ trên được phê duyệt, Mercedes-Benz Việt Nam là hãng xe sang có lợi nhất do có nhiều dòng xe lắp ráp trong nước, trong khi các hãng BMW, Audi và một số hãng xe khác không có.

Nhiều người tiêu dùng cho rằng họ sắp có cơ hội mua xe nhập khẩu từ châu Âu với giá rẻ khi Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam đã được Nghị viện châu Âu thông qua. Theo đó, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu ôtô (sau 9 năm đối với ôtô phân khối lớn trên 3000cc cho động cơ xăng và trên 2500cc cho động cơ diesel và 10 năm đối với các loại ô tô còn lại), linh kiện, phụ tùng ôtô cũng được xóa bỏ tối đa trong 7 năm.

Hiện tại, ô tô nhập khẩu từ EU về Việt Nam đang chịu thuế suất khoảng 70% cùng với thuế tiêu thụ đặc biệt đang áp dụng cho các dòng xe có dung tích trên 3.0L (phổ biến ở các dòng xe sang và siêu xe từ 90-150%) khiến giá bán xe ở Việt Nam cao hơn từ 3-4 lần so với giá bán ở nước sản xuất.

Theo Vietnamplus

Chủ đề khác