VnReview
Hà Nội

3 lỗi dễ gặp của người mới chạy xe côn

So với việc sử dụng xe ga hay xe số, sử dụng xe côn tay đòi hỏi người lái xe phải có kỹ năng cơ bản để giúp xe hoạt động trơn tru khi di chuyển. Bên cạnh đó, những kỹ năng dưới đây sẽ giúp chủ xe hạn chế nguy cơ tai nạn xảy ra do chưa hiểu rõ về xe côn tay.

Sử dụng xe số hay xe tay ga không còn là điều gì khó khăn đối với người mới biết đi xe. Điểm khác biệt là ở mẫu xe côn tay, khi chủ xe hoàn toàn làm chủ sức mạnh của chiếc xe thông qua thao tác sử dụng côn, hộp số.

Hầu hết người mới chuyển sang xe côn tay thường hay gặp phải tình trạng bộ nồi (bộ ly hợp) của xe nhanh hỏng, kèm theo đó việc kết hợp giữa hộp số và côn không hợp lý dễ dẫn đến tình trạng tai nạn.

Rà côn liên tục

Về mặt thiết kế, bộ nồi của xe côn tay được cấu tạo từ nhiều lá thép và lá bố ép chặt vào nhau thông qua lò xo. Khi bóp côn, các lá thép và lá bố bên trong sẽ tách nhau ra và ngắt truyền động của xe hay còn gọi là cắt côn.

Khi nhả côn là lúc mà lá thép và lá bố ma sát lại để truyền chuyển động từ động cơ đến trục hộp số. Việc rà côn liên tục sẽ khiến cho lớp lá bố bị mài mòn nhanh chóng và giảm tuổi thọ sử dụng.

Hiện tượng này được dân chuyên trong nghề gọi là cháy nồi và chủ xe sẽ phải ra ngoài để thay lá thép và lá bố mới.;

Bóp côn khi đang phanh, đổ đèo dốc

Đây này là thói quen rất nguy hiểm, việc bóp côn khi đang xuống đèo hay phanh sẽ khiến cho xe không sử dụng được lực hãm tốc từ động cơ vì vậy sẽ chỉ khiến xe trôi nhanh hơn. 

Người điều khiển xe cần cài số hợp lý kèm theo đó là không rà côn hay còn gọi là âm côn trong lúc xe đang đổ đèo dốc. Kèm theo đó, sử dụng kết hợp thêm bóp phanh đập nhả để làm giảm tốc độ trôi của xe. Có quy tắc khi di chuyển trên đèo dốc, khi lên sử dụng số nào, khi xuống sử dụng số ấy. Ví dụ, chủ xe di chuyển lên đèo bằng số 2, đi xuống cũng nên cài số 2 hoặc số thấp hơn để hạn chế xe trôi nhanh.

Bóp côn và chuyển số lúc vào cua

Trong quá trình vận hành xe ở những khúc cua, bánh sau của xe có vai trò cung cấp sức kéo và duy trì độ bám đường. Vì vậy, nếu như chủ xe chuyển số lúc xe đang vào cua sẽ khiến cho bánh sau quay trơn theo quán tính và làm giảm độ bám đường.

Độ bám của bánh sau giảm sẽ khiến chiếc xe bị trượt, văng và tăng nguy cơ xảy ra tai nạn, đặc biệt nếu điều này xảy ra với điều kiện đường xá kém như có nhiều cát, đá hay đường trơn do trời mưa, việc tai nạn là không tránh khỏi. 

Trước khi vào khúc cua, chủ xe nên chủ động giảm tốc độ, sang số phù hợp và khi thoát cua hoàn toàn có thể tăng tốc độ.

Nắm rõ 3 lỗi sai này và cách khắc phục sẽ giúp chủ xe côn tay di chuyển an toàn hơn, ở các cung đường dù khó hay đơn giản. 

Long Trần

Chủ đề khác