VnReview
Hà Nội

Bỏ quy định bật đèn xe máy ban ngày

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi đã bỏ quy định bắt buộc xe máy bật đèn cả ngày.

Bộ GTVT đang lấy ý kiến lần hai dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi. Điểm đáng chú ý trong dự luật lần này là việc bỏ quy định xe máy phải bật đèn cả ban ngày.

Chỉ bật đèn khi trời tối, sương mù

Thay vào đó, Điều 27 của dự luật chỉ quy định: "Phương tiện tham gia giao thông vào ban đêm (từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau), hoặc khi trời tối hoặc khi có sương mù, thời tiết xấu bị hạn chế tầm nhìn phải bật đèn…".

Các đèn được đề xuất bật gồm: Đèn chiếu xa hoặc đèn chiếu gần, đèn sương mù (đối với xe có trang bị đèn sương mù theo thiết kế của nhà sản xuất), đèn chiếu hậu và đèn tín hiệu nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất.

Bỏ quy định bật đèn xe máy ban ngày

Các phương tiện chỉ phải bật đèn vào ban đêm hoặc sương mù, thời tiết xấu. Ảnh: Hoàng Giang

Các phương tiện cũng được yêu cầu phải tắt đèn chiếu xa và bật đèn chiếu gần trong trường hợp lưu thông qua khu vực dân cư có bố trí hệ thống chiếu sáng đang hoạt động, hoặc chuẩn bị vượt xe phía trước, để không chói mắt người điều khiển xe theo chiều ngược lại.

Đại diện Bộ GTVT cho rằng quy định xe máy bật đèn nhận diện (đèn position light hay gọi là đèn đờ mi) cả ngày được áp dụng theo khoản 6 Điều 32 Công ước vienna về giao thông đường bộ. Trong đó, nước ta cam kết thực hiện các quy định chung của công ước. Vì vậy, quan điểm xây dựng dự luật giao thông đường bộ phải nội luật hóa các luật chung này.

Quy định này cũng nhằm nâng cao an toàn khi các phương tiện bật đèn sẽ dễ dàng nhận diện cho người điều khiển giao thông khác. Việc bật đèn nhận diện khi tham gia giao thông cũng không ảnh hưởng lớn tới xã hội do các phương tiện đều được trang bị đèn. "Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của người dân, dự thảo đã được chỉnh lý như trên" - đại diện Bộ GTVT cho hay.

Phân hạng giấy phép lái xe chỉ là thay tên gọi

Về việc phân hạng giấy phép lái xe (GPLX), dự luật chia ra 17 hạng GPLX, thay cho 13 hạng như hiện nay. Trong đó, bằng lái A0, A1, A, B1 không có thời hạn, còn lại đều xác định thời hạn.

Bộ GTVT cho rằng việc phân lại hạng GPLX chỉ thay đổi tên gọi để tránh sự chênh lệch trong việc cấp, đổi GPLX và để phù hợp quy chuẩn quốc tế, tạo điều kiện cho việc sử dụng GPLX của Việt Nam ở nước ngoài và nước ngoài vào Việt Nam.

Người dân đã được cấp bằng lái không cần phải đổi lại bằng. Với trường hợp mất bằng lái xin cấp lại, cơ quan chức năng sẽ tiến hành làm các thủ tục chuyển đổi sang hạng tương đương. "Việc này không làm phát sinh thủ tục, chi phí cho người dân…" - Bộ GTVT khẳng định.

Riêng đối với GPLX hạng A0 (lần đầu được quy định để cấp cho người đi xe gắn máy, xe máy điện có dung tích xylanh dưới 50 cm3…), được áp dụng theo lộ trình nhằm giúp người dân có thời gian hoàn thiện. "Chính phủ, Bộ GTVT sẽ quy định nội dung chương trình đào tạo, sát hạch phù hợp thực tế…" - Bộ GTVT lý giải.

Điều 18 của dự luật cũng quy định chi tiết tốc độ và khoảng cách của các xe. Một số ý kiến cho rằng luật có tính ổn định lâu dài, không nên cần quy định cứng tốc độ tối đa cho phép để sau này dễ điều chỉnh. Bởi tốc độ hiện nay chỉ phù hợp với điều kiện hạ tầng hiện có, tương lai hạ tầng giao thông phát triển với quy định cứng sẽ trở thành "tấm áo chật". "Tốc độ phương tiện chỉ cần quy định bằng một văn bản dưới luật, cụ thể nghị định của Chính phủ" - đại diện Sở GTVT tỉnh Cao Bằng ý kiến.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng việc quy định tốc độ và khoảng cách giữa các xe đã được thực hiện ổn định ở văn bản dưới luật nhiều năm qua và không có sự thay đổi. Hơn nữa, việc quy định khoảng cách và tốc độ xe vào dự thảo luật là thực hiện nghĩa vụ của quốc gia thành viên theo yêu cầu của Công ước vienna.

Cụ thể, tại khoản 2 Điều 13 Công ước vienna quy định: "Luật quốc gia phải quy định giới hạn tốc độ tối đa cho tất cả tuyến đường. Luật quốc gia đồng thời phải quy định giới hạn tốc độ nguy hiểm đặc biệt áp dụng cho các loại phương tiện vận tải khác nhau, do đặc điểm trọng lượng và trọng tải của chúng".

Như vậy, theo quy định của Công ước Giao thông đường bộ và Luật Điều ước quốc tế thì việc quy định tốc độ tối đa cho các tuyến đường bắt buộc phải được quy định trong văn bản luật.

Đèn xanh không được đi nếu…

Khoản 1 Điều 13 về tín hiệu đèn giao thông của dự luật có quy định: "Đèn xanh là báo hiệu được đi, trừ trường hợp hướng định đi tới đang bị ùn tắc nếu tiến vào nút giao thì sẽ không thoát ra khỏi nút giao trước khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang báo hiệu cho các hướng khác tiến vào nút giao".

Như vậy có thể hiểu trong trường hợp nút giao ùn tắc, kể cả có đèn xanh, các phương tiện vẫn phải dừng lại. Nếu cố vượt có thể bị xử phạt. Thay vì các xe vẫn cố vượt qua vạch dừng khi đèn xanh, bất kể nút giao ùn tắc và không bị phạt như quy định hiện hành. Được biết, hiện trên thế giới nhiều quốc gia đã áp dụng quy định này.

Theo báo PT.TPHCM

Chủ đề khác