VnReview
Hà Nội

Ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc: Ai được? Ai mất?

Khoảng cách giữa kẻ thắng và người bại trong ngành công nghiệp xe hơi Hàn Quốc đang ngày càng rộng hơn khi mà Hyundai Motor và công ty con Kia Motors tăng trưởng thần tốc, khiến những đối thủ yếu hơn phải ngậm ngùi hít khói.

Trong khi doanh thu của Hyundai và Kia đang trên đà hồi phục sau những biến động kinh tế gây ra bởi đại dịch COVID-19, GM Hàn Quốc, công ty con của General Motors, Renault Samsung Motors, và SsangYong Motor, vốn thuộc sở hữu bởi nhà sản xuất xe hơi Ấn Độ Mahindra & Mahindra, đang chật vật để tìm chỗ đứng. Đại dịch càng cho chúng ta thấy rõ số mệnh trái ngược của hai kẻ dẫn đầu và những cái tên yếu ớt tụt lại phía sau.

Vào tháng 12/2020, SsangYong Motor đã phải nộp đơn lên toà án đề nghị giám sát tài sản, trong khi Renault Samsung chứng kiến sản lượng giảm đến 31% trong năm ngoái khi một trong những bản hợp đồng sản xuất lớn nhất của hãng hết hạn. Vào ngày 3/2, nhà máy Pyeongtaek của SsangYong đã chấm dứt hoạt động vì "những gián đoạn gây ra bởi các nhà cung ứng linh kiện từ chối cung cấp sản phẩm" -;theo đại diện công ty. SsangYong vào thời điểm đó không thể đáp ứng yêu cầu thanh toán tiền mặt của các nhà cung ứng. Tuy nhiên, nhà máy nay đã khởi động lại, dù nhiều lần phải tạm ngừng sản xuất do thiếu hụt linh kiện.

Vào cuối năm ngoái, SsangYong lại bị buộc phải ngừng sản xuất vì lý do tương tự. Những lo lắng về khả năng trả được nợ của họ bắt đầu tăng cao sau khi công ty quá hạn trả khoản vay và tìm cách dời thời hạn trả tiền bằng cách nộp đơn xin giám sát tài sản với toà phá sản ở Seoul vào ngày 21/12.

Mahindra & Mahindra, vốn sở hữu 75% SsangYong, và nhà đầu tư chính của họ, Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc, đang tìm kiếm các nhà tài trợ. Công ty mẹ ở Ấn Độ cho biết sẽ giúp đưa nhà sản xuất xe hơi Hàn Quốc trở lại đường đua bằng cách thoả thuận với các cổ đông. Nhưng những cuộc đàm phán liên quan quá trình tái cơ cấu của SsangYong không đạt thuận lợi khi mà công ty đang gặp rắc rối này không thể thu hút được các nhà đầu tư tiềm năng.

Trong hai thập kỷ qua, SsangYong Motor đã gặp hết thất bại này đến thất bại khác. Sau khi tập đoàn SsangYong chao đảo giữa khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1997, bộ phận sản xuất xe hơi trọng yếu của họ bị bán lại cho SAIC Motor của Trung Quốc vào năm 2004. Nhưng SsangYong không tạo được sự hứng khởi cho các nhà đầu tư và bị đưa vào tình trạng giám sát tài sản vào năm 2009.

Hãng sau đó bị bán cho Mahindra vào năm 2011 và tìm cách khôi phục lại vị thế bản thân, nhưng kết quả đạt được là không nhiều. Sản lượng của hãng trong năm 2020 đã giảm đến 20% so với năm trước, còn 106.000 phương tiện. Vì thiếu vốn, những nỗ lực tung ra các mẫu xe mới của SsangYong buộc phải tạm hoãn, càng làm trầm trọng thêm tình hình. Trừ khi một nhà tài trợ mới xuất hiện, công ty sẽ phải giải thể - đó là nhận định của một nhà quan sát trong ngành công nghiệp xe hơi Hàn Quốc.

Renault Samsung, vốn 80% thuộc sở hữu bởi Renault Pháp, công bố mức sản lượng thậm chí còn giảm mạnh hơn nữa. Kể từ khi bị Samsung bán cho nhà sản xuất xe hơi Pháp vào năm 2000, hãng xe này luôn duy trì được số lượng xe xuất xưởng bằng cách sản xuất xe hơi cho tập đoàn Renault. Công ty này từng có thời sản xuất khoảng 100.000 chiếc Nissan Rogue mỗi năm tại nhà máy duy nhất ở Busan, nhưng liên minh Nhật - Pháp đã ngừng ký tiếp thoả thuận vào năm ngoái trong khuôn khổ kế hoạch tái cơ cấu toàn cầu, khiến sản lượng của Renault Samsung giảm 31%.

Một yếu tố đằng sau quyết định "thả trôi" thời hạn hợp đồng của Renault là công đoàn quá khích tại nhà máy. Công đoàn này vẫn tổ chức một cuộc bãi công kể cả khi công ty đang đàm phán với công ty mẹ để tìm kiếm những mô hình thay thế phục vụ sản xuất - theo lời các lãnh đạo của Renault. Với việc quá trình đàm phán hợp đồng mới không đạt được kết quả khả quan, viễn cảnh của nhà sản xuất xe hơi này vẫn rất mờ mịt.

Về phần GM Hàn Quốc, dù sản lượng sụt giảm ít hơn, công ty này cũng đang đứng ở ngã ba đường. GM đã công bố sẽ ngừng sản xuất các phương tiện chạy xăng vào năm 2035. Nhà máy của GM tại Hàn Quốc chưa bao giờ sản xuất phương tiện chạy điện, có nghĩa GM Hàn Quốc có thể phải đối mặt với một mức sụt giảm sản lượng rất lớn khi công ty mẹ chuyển trọng tâm sang EV.

Giống Renault Samsung, GM Hàn Quốc cũng bị ngăn trở bởi một công đoàn quá khích. Các công nhân đình công mặc cho công ty đang trải qua một quãng thời gian khó khăn, khiến ban lãnh đạo của GM ngừng thông qua khoản đầu tư trị giá 180 triệu USD nhằm sản xuất một mẫu SUV mới. Bởi nhu cầu trong nước là chưa đủ để giữ công ty hoạt động hiệu quả, quá trình đàm phán với công ty mẹ tại Mỹ đang gặp nhiều khó khăn.

Một vấn đề chung đối với các nhà sản xuất xe hơi "thấp cổ bé họng" trên thị trường Hàn Quốc là họ thất bại trong việc thích ứng với xu hướng CASE - những phương tiện kết nối (connected), tự hành (autonomous), chia sẻ (shared) và chạy điện (electric).

Mặc cho có mối liên hệ với các nhà sản xuất xe hơi lớn trên toàn cầu, Renault Samsung và GM Hàn Quốc đang chật vật với những bất định vì quá trình tái cơ cấu của các công ty mẹ. VIễn cảnh đối với SsangYong, sản xuất hơn 100.000 phương tiện mỗi năm, cũng buồn tẻ hơn bao giờ hết.

Kể cả Hyundai, nhà sản xuất xe hơi hàng đầu Hàn Quốc, và công ty con Kia cũng phải hợp lực với các nhà sản xuất nước ngoài nhằm duy trì các quỹ nghiên cứu và phát triển vốn luôn cần thiết trong một ngành công nghiệp thay đổi từng ngày.

Năm ngoái, sản lượng xe hơi nội địa của Hàn Quốc giảm 11% xuống 3,5 triệu phương tiện, còn tình hình xuất khẩu thì bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Với nhu cầu thị trường tiếp tục ở mức thấp, ngành công nghiệp xe hơi của quốc gia này nhiều khả năng sẽ tiếp tục chật vật, với 3 nhà sản xuất xe hơi là SsangYong, GM Hàn Quốc và Renault Samsung mắc kẹt trong hố sâu chưa biết bao giờ mới khôi phục được.

Minh.T.T (theo Nikkei)  

Chủ đề khác