VnReview
Hà Nội

Sony "manh nha" thâm nhập thị trường xe điện

Sony nhắm đến tận dụng thế mạnh chuyên môn về cảm biến để nắm bắt xu hướng khi mà xe điện sẽ dần trở nên phổ biến hơn.

Mẫu xe concept Vision-S của Sony được phát triển chỉ trong hai năm.

Theo sát bước chân Apple lấn sân sang lĩnh vực xe điện, Sony đang cố gắng chuyển đổi từ mảng thiết bị điện tử và dịch vụ sang sản xuất ô tô.

Công ty Nhật Bản đã bắt đầu đưa vào thử nghiệm thực tế mẫu xe điện Vision-S của mình trong nỗ lực tận dụng sức mạnh công nghệ sẵn có từ phần mềm và điện thoại thông minh của hãng. Mẫu xe concept cho thấy trọng tâm chính là khả năng tự hành và tích hợp kiểm soát trên toàn bộ sản phẩm.

Vào tháng 12 năm 2020, Sony bắt đầu thử nghiệm xe hơi concept Vision-S trên đường phố công cộng tại Áo. Ngạc nhiên thay, họ chỉ mất hai năm kể từ khi khởi động dự án để vươn đến cột mốc hiện tại. Izumi Kawanishi, giám đốc điều hành Sony phụ trách mảng kinh doanh robot AI cho biết: "Chúng tôi đã dành nhiều thời gian để định hình nên concept của phương tiện, vì vậy giai đoạn phát triển thực tế đã ngắn hơn nhiều".

Làm thế nào mà Sony - một tân binh trong lĩnh vực ô tô điện, lại có thể phát triển mẫu xe concept nhanh một cách bất ngờ như vậy?

Tham gia vào lĩnh vực xe điện, đồng nghĩa với việc Sony không phải chập chững nghiên cứu lại công nghệ động cơ đốt trong (ICE) đầy xa lạ. Thứ mà chiếc xe cần đến chính là phần mềm, một thế mạnh của Sony. Bên cạnh đó, công ty Nhật Bản cũng tự hào về khả năng "phát triển theo triết lý Agile" (một phương thức phát triển phần mềm linh hoạt, đưa sản phẩm đến tay người dùng càng nhanh càng tốt), có thể nhanh chóng thích ứng với những yêu cầu sản xuất luôn biến chuyển - một bước tiến lớn so với "mô hình phát triển thác nước" (waterfall development), một quy trình phổ biến đối với phát triển ô tô truyền thống, trong đó các thông số kỹ thuật đã được "cố định" trước khi sự tân tiến kịp "ra đời".

Phát triển theo phương thức Agile chủ yếu được sử dụng trong các lĩnh vực kỹ thuật, chẳng hạn như tích hợp thiết kế HMI - Human Machine Interface trong màn hình điều khiển và kết nối 5G. Sony cũng tái ứng dụng nhiều tài nguyên từ smartphone và các thiết bị công nghệ khác.

Kawanishi nói rằng "phát triển Agile đã tương đối thành công" trong lĩnh vực lái xe tự động, có thể kể đến các chức năng cơ bản của xe hơi như "chạy, dừng và rẽ" và đối với cả những thứ mà Sony có rất ít chuyên môn.

Nhưng Sony cũng nhận thấy những khó khăn nhất định trong việc áp dụng hình thái Agile vào các quy trình điều khiển truyền thống, như động cơ truyền động và hệ thống lái.;Các hệ thống này liên quan đến an toàn, vì vậy rất khó để dựa vào thử nghiệm và sai sót trong quá trình phát triển. Vì thế, công ty lựa chọn giải pháp quay lại với hình thái phát triển kiểu thác nước theo tiêu chuẩn ngành, cố gắng "tận dụng tốt nhất cả hai phương pháp phát triển", Kawanishi nói.

Giờ đây, các nhà cung cấp siêu lớn đã cải thiện khả năng cung ứng tương đương với các nhà sản xuất ô tô, thời gian phát triển ngắn hơn là một tiềm năng khác biệt. Các công ty phụ tùng như Bosch, Continental và ZF gần như có thể sản xuất toàn bộ một chiếc xe. Magna Steyr ở Áo, công ty mà Sony "bắt tay" để phát triển phần thân xe, cũng có một bề dày thành tích đáng nể.

Việc tập trung phát triển xe điện (EV) cũng rất quan trọng. Sẽ rất khó để một công ty điện tử có thể phát triển một phương tiện sử dụng công nghệ ICE chỉ trong thời gian ngắn như vậy. Chỉ các nhà sản xuất ô tô truyền thống mới có đủ chuyên môn để phát triển và sản xuất hàng loạt xe ICE. Tuy nhiên, đối với EV, "một người mới" như Sony cũng có thể dễ dàng có được động cơ và pin để thay thế cho phần động cơ đốt trong.

Một trong những mục tiêu của Sony khi phát triển Vision-S EV là cải thiện hoạt động của cảm biến hình ảnh, lĩnh vực cốt lõi. Công nghệ truyền động tự động và các cảm biến trung tâm vẫn đang tiếp tục được phát triển. Sony hy vọng rằng bằng cách tự tay xây dựng hoàn toàn phương tiện của riêng mình, hãng có thể nhanh chóng xác định ưu thế cần thiết và đánh bại các đối thủ cạnh tranh trong việc sản xuất hàng loạt thành phần quan trọng.

Cảm biến hình ảnh tích hợp IMX324 của Sony đã được thương mại hóa cho hệ thống Hỗ trợ người lái nâng cao (ADAS).

Ngoài ra, Sony đã bắt đầu phát triển hệ thống LiDAR của riêng mình trong nỗ lực mở rộng phạm vi cảm biến lái xe tự hành. Công ty đồng thời cũng muốn xác định hình thái sử dụng tối ưu nhất cho cảm biến hình ảnh và hệ thống LiDAR đó.

Trên Vision-S, nền tảng điện tử cốt lõi được chia thành năm phân vùng chính, mỗi phân vùng được trang bị một bộ xử lý riêng biệt. Trong đó, công ty sẽ cố gắng tăng tốc phát triển hệ thống hỗ trợ lái tiên tiến ADAS, kiểm soát việc xe tự hành, bằng cách sử dụng công nghệ của các công ty khác. Cải tiến các công nghệ liên quan đến cảm biến sẽ được ưu tiên hàng đầu. Bản thân Sony dường như cũng đang tập trung nhiều hơn vào công nghệ "nhận diện cảm biến" và phó thác phần lớn phần mềm điều khiển điều khiển chuyển động EV cho các công ty khác.

Cụ thể, Sony sẽ sử dụng công nghệ từ công ty AImotive ở Hungary, nơi đang phát triển các thiết bị bán dẫn, còn bộ xử lý SoC và phần mềm lái xe tự động là từ Nvidia ở Mỹ. "Công nghệ xe tự hành là sự tích hợp của nhiều chức năng khác nhau. Chúng tôi không nghĩ rằng có thể tự mình làm tất cả" và việc phân công lao động trong các lĩnh vực này là rất cần thiết, Kawanishi nói.

Một mục tiêu khác của xe Sony là đánh giá sự trùng dẫm giữa các mảng kinh doanh hiện có của công ty và xe tự lái. HMI và lĩnh vực kết nối không dây là những ví dụ điển hình. Nhiều smartphone sử dụng chip Snapdragon của Qualcomm và Android làm hệ điều hành của mình. Kết nối trên EV của Sony sẽ dựa trên chipset Qualcomm 5G - tương tự như chipset được sử dụng trên Sony Xperia và dễ dàng tương thích với các mảng kinh doanh hiện có.

Trong lĩnh vực HMI và kết nối, việc sử dụng hệ thống Ethernet tích hợp với tốc độ truyền dữ liệu lên đến 1 gigabit mỗi giây cũng rất quan trọng. Hệ thống sẽ cung cấp khả năng kết nối cực nhanh cho mạng ô tô, thường bị giới hạn ở vài trăm kilobit mỗi giây. Điều này cho phép các kỹ sư tập trung vào phát triển phần mềm mà không cần lo lắng về những hạn chế của tốc độ truyền dữ liệu.

Kawanishi cho biết Sony đang định vị chiếc xe của mình trở thành một "thiết bị kết nối Internet cá nhân". Việc sử dụng Ethernet sẽ giúp Sony liên kết chiếc xe với các dịch vụ internet. Chẳng hạn như, sẽ dễ dàng hơn khi tạo ra các dịch vụ mới bằng cách kết nối ô tô Sony với PlayStation Plus, có hơn 47 triệu người đăng ký. Một phiên bản đời thực của siêu xe trong tựa game đua xe nổi tiếng "Gran Turismo" có thể ra đời. Sony có thể tận dụng lợi thế của thực tế là có rất ít dịch vụ internet quy mô lớn trong ngành công nghiệp ô tô.

Và như một thiết bị internet, chiếc xe cũng có thể là một thiết bị thanh toán. "Sony đã phát triển công nghệ thẻ IC không tiếp xúc Sony Felica, vì vậy có thể sử dụng thế mạnh của mình trong lĩnh vực cryptography dành cho xe điện", Sanshiro Fukao, thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Itochu cho biết. Điều đó sẽ giúp công ty dễ dàng hơn trong việc phát triển các dịch vụ di động mới, chẳng hạn như tính phí dựa trên quãng đường di chuyển hoặc lượng điện được sạc.

Bên cạnh hiệu suất, thứ đang ngày càng trở nên quan trọng đối với các phương tiện tự động, Kawanishi tin rằng công nghệ của Sony có thể được sử dụng để mang đến cảm giác thoải mái khi điều khiển. Ông cho rằng, chiếc xe hơi của Sony sẽ là một chiếc xe "khử tiếng ồn".

Khử tiếng ồn vốn đã là một đặc sản của Sony. Công nghệ này sử dụng micrô tích hợp của tai nghe để đo đạc tiếng ồn xung quanh và tạo ra âm thanh ngược pha để loại bỏ tiếng ồn đó. Sự thoải mái được kỳ vọng nơi EV cũng sẽ tương tự như vậy, trong đó việc kiểm soát hệ thống treo sẽ loại bỏ những rung chấn gây ra bởi những yếu tố bất thường trên đường.

Chiếc xe hơi của Sony được trang bị bộ giảm chấn biến thiên và hệ thống treo khí nén điều khiển hệ số đàn hồi. Sony cũng sẽ sử dụng công nghệ cảm biến để đo lường mức độ chênh lệnh của đường phố. Nếu phương tiện có thể kiểm soát được tình trạng say tàu xe, người lái hoàn toàn có thể xem video hoặc làm việc trên xe ô tô tự lái. Mục đích là tạo ra một môi trường mà người lái có thể thưởng thức đầy đủ nội dung video của Sony.

Ngoài hệ thống treo, Sony đang nghiên cứu hệ thống điều khiển tích hợp của xe, bao gồm động cơ truyền động và pin. Để tạo ra một chiếc xe không bị rung lắc hoặc khiến người lái cảm thấy buồn nôn, các kỹ sư cần kiểm soát gia tốc đầu và sau của động cơ truyền động trong khi đồng thời triệt tiêu các dao động theo phương dọc và ngang với hệ thống treo.

Bên cạnh đó, Sony cũng muốn kiểm soát ngay cả phần thân xe. Các kỹ sư có thể tạo ra một không gian nội thất thoải mái bằng cách tinh chỉnh ghế ngồi, nhiệt độ bên trong, ánh sáng… Thế mạnh của Sony trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng sẽ được tận dụng cho các chức năng này.

Tuy nhiên, việc xử lý chuyển động của xe và kiểm soát thân xe nằm ngoài phạm vi của các nhà sản xuất cảm biến, mà phần lớn là lĩnh vực của các nhà sản xuất ô tô. Sony đang xem xét việc sản xuất hàng loạt xe điện trong tương lai, nhưng Kawanishi cho biết mục tiêu dự án xe hơi của công ty Nhật Bản chính là để thu thập kiến ​​thức về xe hơi chứ không phải sản xuất hàng loạt. Ông nói: "Chúng tôi muốn hiểu đúng về cấu trúc của ô tô bằng cách tự chế tạo xe điện".

Chỉ mới dừng lại ở công đoạn thử nghiệm thực tế EV trên đường phố, vẫn còn quá sớm để công ty đánh giá tính khả thi của việc sản xuất hàng loạt. Sony cũng phải xem xét các tác động có thể xảy đến đối với hoạt động kinh doanh cảm biến chính của mình. Nếu Sony bắt đầu sản xuất hàng loạt, ô tô của họ sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh với chính các khách hàng khác trong lĩnh vực kinh doanh cảm biến của mình.

Hơn nữa, việc đưa xe điện vào sản xuất hàng loạt rất rủi ro. Nhìn chung, yêu cầu sản xuất đòi hỏi đầu tư hơn 100 tỷ yên (903,7 triệu USD), và những sai lầm trong khâu thiết kế hoặc lắp ráp ô tô có thể gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Chỉ một sai lầm cũng có thể gây nên tổn thương "không thể sửa chữa" đối với thương hiệu Sony.

Nhưng những rủi ro này dự kiến ​​sẽ dần trở nên ít đi. Có những dấu hiệu cho thấy sự phân công lao động theo chiều ngang trong sản xuất đang ngày càng mở rộng. Ví dụ, Foxconn của Đài Loan, một nhà sản xuất linh kiện iPhone theo hợp đồng, đã thông báo rằng họ sẽ bắt đầu phát triển nền tảng EV. Sự xuất hiện của Apple Car có thể thúc đẩy sự phân công lao động theo chiều ngang trên thị trường xe điện tựa như những gì đã xảy ra đối với iPhone.

Hơn 1.200 công ty đã cho biết họ sẽ tham gia vào phát triển nền tảng EV của Foxconn.

Kawanishi nói: Việc sản xuất xe điện theo hợp đồng sẽ "không hề dễ dàng, nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian. Nó hoàn toàn khả thi". Sony đã từng "bắt tay" hợp tác với Foxconn trong lĩnh vực truyền hình và các lĩnh vực khác. Theo Kawanishi, Sony chưa có những thương thảo với Foxconn về xe điện, nhưng lựa chọn phân công lao động theo chiều ngang sẽ giúp đưa ra quyết định sản xuất hàng loạt dễ dàng hơn.

Còn đối với các giải pháp nhằm đối phó với nguy cơ gây thiệt hại đến thương hiệu Sony, một số ý kiến ​​cho rằng nên đổi tên công ty thành Sony Group từ tháng 4 năm 2021 và tách chức năng của trụ sở ra khỏi các tổ chức kinh doanh. Ryosuke Katsura của SMBC Nikko Securities cho biết: "Nếu họ chuyển việc kinh doanh EV thành một thương hiệu độc lập, thì việc tự quản lý sẽ dễ dàng hơn".

Kết quả mang đến sẽ tương tự như Tập đoàn Volkswagen của Đức, họ sử dụng nhãn hiệu VW cho thị trường xe phổ thông và thương hiệu Porsche cho xe thể thao hạng sang. Ngay cả khi thương hiệu VW phải gánh chịu một đợt thu hồi lớn thì hiệu ứng xảy đến đối với Porsche vẫn là rất ít. Thay đổi thành Sony Group sẽ dễ dàng hơn trong việc hoàn thiện chiến lược đa thương hiệu này.

Kawanishi cho biết: "Chúng tôi không sai lệch nhiều so với những giả định ban đầu của mình". Sự phát triển xe hơi Sony đang tiến triển thuận lợi hơn nhiều so với những mong đợi. Công ty cũng đã tiếp thu được rằng có nhiều lĩnh vực mà các tài nguyên công nghệ hiện có của họ có thể được đưa vào ứng dụng.

Người ta cho rằng mức lợi nhuận của xe điện và xe động cơ thông thường sẽ cân bằng vào khoảng năm 2025 sau khi tính đến các khoản phí riêng, và thị trường xe điện sau đó sẽ mở rộng nhanh chóng. Khi sự phân công lao động theo chiều ngang trong sản xuất ngày càng phổ biến, các rào cản đối với xe điện sẽ giảm đáng kể. Theo đó, sân khấu đã được bày biện sẵn để xe điện của Sony và Apple có màn cạnh tranh đáng mong đợi.

Giang Vu theo Nikkei

Chủ đề khác