VnReview
Hà Nội

Tesla “gặp hạn” ở Trung Quốc

Công ty Mỹ đang gặp hàng loạt vấn đề khủng hoảng truyền thông ở Trung Quốc. Chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, Tesla liên tiếp đối mặt với vụ việc không hay.

Sau khi một người phụ nữ làm rối loạn triển lãm xe ở Trung Quốc, các cơ quan truyền thông và nhà quản lí đã lớn tiếng chỉ trích Tesla. Trên mạng xã hội, người dùng Trung Quốc bày tỏ sự phẫn nộ trước phản ứng của công ty. Có thể nói, hãng xe điện Mỹ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng truyền thông kinh khủng nhất từ trước đến nay ở thị trường tỉ dân.

"Phanh không hoạt động"

Đầu tuần này, một người phụ nữ xuất hiện tại triển lãm xe Thượng Hải, mặc áo có in dòng chữ "Phanh không hoạt động""Kẻ giết người vô hình". Cô đứng trên nóc một chiếc xe và liên tục hét lớn chỉ trích công ty. Nội dung tập trung vào lỗi phanh mà truyền thông Trung Quốc đã liên tục gọi tên Tesla mấy tháng nay. Đoạn video về người phụ nữ đã lan tỏa trên mạng xã hội Trung Quốc, gửi một thông điệp rõ ràng tới công ty Mỹ.

Người phụ nữ làm náo loạn triển lãm xe

Và bây giờ, "giọt nước tràn ly" này càng khiến Tesla ngập sâu vào vũng bùn. Người phụ nữ châm ngòi đó về sau được xác định là Zhang, chiếc xe Tesla mà cô mua đã không may để xảy ra tai nạn vào đầu năm nay. Cô khẳng định đó là do lỗi kỹ thuật khi phanh không hoạt động như ý, trong khi phía Tesla cho biết đó là do người cầm lái đã phóng quá tốc độ.

Phó chủ tịch phụ trách thị trường Trung Quốc, Tao Lin, đã tuyên bố với nhà xuất bản tin tức tài chính Caijing rằng, người phụ nữ đó nhất quyết đòi bồi thường với một khoản phí rất cao, song lại không cho bên thứ ba vào giám định chiếc xe. Công ty đã từ chối đáp ứng yêu cầu đó và đăng bài trên mạng xã hội Weibo, khẳng định Tesla sẽ không bồi thường cho "những yêu cầu vô lý".

Một tuần thị phi

Tao còn nói với truyền thông, "Tôi không chắc nhưng trông có vẻ cô ấy khá chuyên nghiệp, có thể có ai đó đã đứng sau giật dây". Sau khi bày tỏ thái độ rõ ràng "không thỏa hiệp" trên truyền thông, công ty vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ và đã phải điều chỉnh. Chỉ vài ngày sau, Tesla phải lên tiếng xin lỗi chính thức và cam kết sẽ điều tra rõ chân tướng sự việc.

Công ty đã phải xuống nước trước áp lực từ dư luận và truyền thông

Tờ Thời báo Hoàn cầu đăng bài nhắm thẳng vào công ty: "Thái độ kiêu ngạo và hống hách đó của công ty trước công chúng là không thể chấp nhận được. Nó làm tổn hại nghiêm trọng tới danh tiếng và lòng hâm mộ tại thị trường Trung Quốc". Một cơ quan truyền thông khác cũng đăng bài có tiêu đề: "Ba bài học mà Tesla cần rút ra". Nói với Tesla rằng cần phải "tôn trọng" và đừng có "lên mặt" với thị trường Trung Quốc.

Khi Tesla đưa ra lời xin lỗi và cho biết "đang làm việc với các cơ quan chức năng để điều tra vụ việc". Tân Hoa Xã thẳng thừng nhận xét lời xin lỗi đó là "thiếu chân thành". Cơ quan ngôn luận chính thức của nhà nước Trung Quốc còn kêu gọi cách chức "một giám đốc điều hành cấp cao đang bộc lộ vấn đề". Phát ngôn ở trên của Tao được trích dẫn lại và bình luận bằng từ "ngớ ngẩn".

Ủy ban Các vấn đề Chính trị và Pháp lý đã đăng một bình luận qua tài khoản WeChat, nhắc nhở Tesla phải tôn trọng khách hàng Trung Quốc, tuân thủ đầy đủ các quy định và luật pháp địa phương. Đồng thời chỉ trích một doanh nghiệp như họ cần phải nỗ lực tìm ra nguyên nhân vấn đề và cải thiện sản phẩm, khắc phục lỗi, thay vì ngó lơ mọi chuyện.

Xe Tesla bị người Trung Quốc phàn nàn nhiều về chất lượng và dịch vụ (ảnh: Reuters)

Thực tế, nhiều vấn đề đã được truyền thông nước này réo lên trước khi xảy ra vụ việc của cô Zhang. Tu Le, nhà phân tích tại hãng nghiên cứu Sino Auto nói với Reuters: "Đã có những lời phàn nàn nhất quán với nhau trên mạng xã hội Trung Quốc, xoay quanh chất lượng và dịch vụ của Tesla. Nhưng đội ngũ địa phương của công ty đã bỏ qua chúng, mãi cho tới khi sự cố xảy ra".

Khủng hoảng liên tiếp

Đầu năm nay trước khi sự cố tại triển lãm xe Thượng Hải xảy ra, đã có một vụ nổ xe Tesla bất ngờ ngay cả khi nó đang đậu ở bãi. Trong năm 2020, có ít nhất 10 báo cáo về việc tài xế mất kiểm soát khi đang lái xe ở Trung Quốc. Sau đó, cơ quan nhà nước bất ngờ bày tỏ lo ngại bị gián điệp bởi xe Tesla. Một yêu cầu với nhân viên cơ quan nhà nước và khu vực quân đội hạn chế sử dụng xe Tesla đã được đưa ra.

Các cảm biến và camera trên xe bị nghi ngờ có thể ghi lại hình ảnh môi trường xung quanh, sau đó làm rò rỉ ra bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Theo hãng thông tấn Reuters, Tesla đã bị cấm đi vào các khu vực do quân đội quản lí. Đáp lại, CEO Elon Musk khẳng định họ không bao giờ thực hiện hành vi giám sát và theo dõi thông qua những chiếc xe. Ông tuyên bố sẵn sàng đóng cửa công ty nếu chuyện đó xảy ra.

CEO Tesla tuyên bố sẽ đóng cửa công ty nếu để xảy ra hành vi gián điệp (ảnh: Bloomberg)

Hồi tháng Hai, một video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy, nhân viên Tesla nói với khách hàng rằng mạng lưới điện nước này là nguyên nhân khiến xe của họ trục trặc. Theo Caixin, Một chủ xe Tesla Model 3 đã yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật khi xe không khởi động sau khi sạc pin, sau đó, người nhân viên đã cho biết lỗi có thể xuất phát từ mạng lưới điện quá tải dẫn tới chập mạch.

Vụ việc gây nên làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội lẫn chính các cơ quan nhà nước. Công ty điện địa phương khẳng định mạng lưới của họ hoàn toàn bình thường lúc đó. Tesla sau đó đổ lỗi cho người nhân viên phụ trách, đồng thời giải thích chập điện chỉ là một trong các nguyên nhân có thể xảy ra được đề cập.;

Trên mạng xã hội, nhiều chủ xe Tesla cũng bày tỏ bực tức. Một số không hài lòng khi công ty giảm giá quá mạnh mẫu xe mà họ vừa mua chỉ vài tuần trước. Trong khi nhiều người khác phàn nàn về thái độ phục vụ yếu kém, thiếu hụt các dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Tesla cần sớm giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài ở Trung Quốc (ảnh: Reuters)

Trung Quốc là thị trường xe điện lớn nhất thế giới và chiếm một lượng lớn doanh số của Tesla. Ước tính, tháng trước họ bán được hơn 35.000 xe ở đây. Nếu không xử lí những vấn đề khủng hoảng trong thời gian sớm, mọi chuyện có thể đi quá xa vượt khỏi tầm kiểm soát của công ty.


Ambitious Man

Chủ đề khác