VnReview
Hà Nội

Tính năng Autopilot của xe Tesla dễ dàng bị “đánh lừa” khi không có ai ngồi trên ghế lái

Trang tin Consumer Reports nhấn mạnh "Không được phép thử điều này!"

Thứ năm vừa qua, trang tin Consumer Reports xuất bản một bài viết trong đó cho rằng họ có thể "dễ dàng" đánh lừa hệ thống lái tự động của xe Tesla để khiến chiếc xe vận hành mà không cần bất kỳ ai ngồi trên ghế lái. Thử nghiệm đề cập trong bài viết này được đưa ra trong bối cảnh đang dấy lên những câu hỏi và nghi ngại về mức độ an toàn của hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến của Tesla sau một vụ tai nạn chết người ở Texas - mà trong vụ việc đó, các nhà chức trách cho biết không có ai ngồi sau vô lăng.

Tính năng Autopilot của xe Tesla dễ dàng bị

Bằng cách sử dụng một dây xích có khối lượng gắn vào vô lăng để mô phỏng lực của tay người lái, hai nhà nghiên cứu của Consumer Reports đã có thể sử dụng nút xoay trên vô lăng trên Tesla Model Y để tăng tốc từ điểm dừng hoàn toàn, sau đó "lái" vòng quanh trên một cung đường chuyên được sử dụng để thử nghiệm và đã được "đóng" hoàn toàn - tức là không có phương tiện hay người tham gia giao thông nào khác - dài vài dặm, trong quá trình đó, cả hai người đều ngồi ở ghế hành khách và hàng ghế sau. Họ dừng xe lại bằng cách sử dụng nút xoay để đưa tốc độ về không.

Việc đánh lừa Tesla để vận hành mà không cần người ngồi sau vô lăng chỉ đơn giản là giữ dây an toàn của người lái, không mở cửa bên của người lái trong quá trình thử nghiệm và sử dụng trọng lượng để mô phỏng bàn tay người trên vô lăng.

"Chiếc xe chạy đi chạy lại trên đoạn đường dài nửa dặm đường của chúng tôi, lặp đi lặp lại, nó không để ý rằng không có ai ngồi trên ghế lái"

"Chiếc xe chạy đi chạy lại trên đoạn đường dài nửa dặm đường của chúng tôi, lặp đi lặp lại, nó không để ý rằng không có ai ngồi trên ghế lái, không một lần để ý rằng không có ai chạm vào vô lăng, không hề để ý rằng không có trọng lượng của người ngồi trên ghế,"Jake Fisher, Giám đốc cấp cao về thử nghiệm ô tô của CR, cho biết trong một tuyên bố. "Có một chút kinh hãi khi chúng tôi nhận ra rằng việc đánh bại các biện pháp bảo vệ của chiếc xe này dễ dàng như thế nào, mà chúng tôi đã chứng minh rằng rõ ràng những biện pháp đó là không đủ."

Fisher cũng cảnh báo mọi người không nên cố gắng đánh lừa hệ thống Autopilot của Tesla với cách thức tương tự và lưu ý rằng thí nghiệm này không nên được thực hiện bởi những người không phải là chuyên gia được đào tạo. Ngoài việc thực hiện thử nghiệm trên một cung đường đóng, CR còn có đội an toàn túc trực và không bao giờ vượt quá tốc độ 30 dặm/giờ. "Hãy để tôi nói rõ: Bất cứ ai sử dụng Autopilot trên đường mà không có người ngồi trên ghế lái sẽ tự đặt mình và những người khác vào tình thế nguy hiểm sắp xảy ra," Fisher nói.

Đường chạy xe mà CR sử dụng để tiến hành thử nghiệm được sơn làn đường, điều kiện mà theo CEO Tesla Elon Musk là cần thiết để tính năng Autopilot cần để vận hành. Trước vụ tai nạn ở Spring, Texas khiến hai người đàn ông thiệt mạng mà nhà chức trách cáo buộc là chiếc Tesla Model S được vận hành trong trạng thái không người lái, Elon Musk đã lưu ý rằng đoạn đường đó không có vạch sơn. Tuy nhiên, một số tài xế xe Tesla đã lên tiếng khẳng định rằng tính năng Autopilot vẫn hoạt động trên những con đường không có làn đường sơn. Các nhà điều tra vụ tai nạn liên bang hiện đang xem xét vụ tai nạn ở Texas.

Musk cũng tuyên bố rằng các bản ghi dữ liệu được khôi phục từ chiếc Model S gặp nạn "cho thấy tính năng Autopilot chưa được kích hoạt." Nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng Autopilot có thể tắt đột ngột mà không có cảnh báo cho người lái. "Chế độ lái tự động vẫn có thể mắc sai lầm và khi gặp tình huống mà nó không thể xử lý được, tính năng này có thể tự tắt ngay lập tức," Fisher nói. "Nếu người lái xe không sẵn sàng phản ứng nhanh chóng, mọi chuyện có thể kết thúc bằng một vụ tai nạn."

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng Autopilot có thể tắt đột ngột mà không có cảnh báo cho người lái

Tesla đã đưa ra cảnh báo rằng người lái xe cần phải luôn quan sát đường và tay lái ở mọi thời điểm, mặc dù nhà sản xuất ô tô nổi tiếng đã từ chối đưa vào vận hành các hệ thống giám sát lái xe mạnh mẽ hơn (chẳng hạn như theo dõi mắt hồng ngoại) để đảm bảo khách hàng của họ vẫn đang tập trung vào giao thông và tuân thủ các giao thức an toàn. Hệ thống lái xe tự động chỉ được coi là hệ thống "tự động một phần" cấp độ 2 theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Kỹ sư Ô tô, trong đó yêu cầu người lái vẫn phải giữ tay lái và quan sát đường.

Nhưng điều này vẫn không ngăn được nhiều chủ sở hữu xe hơi Tesla lạm dụng Autopilot - đôi khi họ còn quay video và đăng tải khả năng hoạt động của tính năng này. Một số tài xế đã bị phát hiện đang ngủ trên ghế hành khách hoặc ghế sau của chiếc Tesla của họ trong khi chiếc xe này đang lao xuống con đường cao tốc đông đúc. Một người đàn ông Canada đã bị buộc tội vì hành vi lái xe liều lĩnh mới đây, sau khi quyết định… đi ngủ khi xe của người này đang di chuyển với tốc độ 150 km/h (93mph).

Chế độ lái tự động đã được các nhà điều tra giao thông liên bang Mỹ chứng minh là nguyên nhân gây ra một số vụ tai nạn chết người trong quá khứ, và gia đình của các tài xế thiệt mạng đã kiện Tesla về cái chết đầy "oan ức" của người thân. Về phần mình, Musk đổ lỗi cho việc người lái xe quá tự tin và phó mặc cho chiếc xe tự vận hành. "Khi có một tai nạn nghiêm trọng, luôn luôn (và trên thực tế là gần như luôn luôn) do người lái xe có kinh nghiệm nhưng lại quá tự tin vào bản thân," Musk nói năm 2018.

Consumer Reports có quan hệ khá "gập ghềnh" với Tesla trong những năm qua. Vào năm 2015, trang tin này đã "phá vỡ" hệ thống đánh giá của chính họ khi dành sự khen ngợi hết lời chưa từng có về dòng xe Model S P85D. Nhưng mọi chuyện đã đảo chiều gần như ngay lập tức khi trang tin khảo sát khoảng 1.400 chủ sở hữu Tesla và sử dụng dữ liệu đó để kết luận người mua xe mới gặp "tỷ lệ gặp vấn đề tổng thể ở mức dưới trung bình" trong suốt vòng đời của chiếc xe. Kết quả là, Consumer Reports đã rút lại mức xếp hạng "được đề xuất" (Recommended) dành cho Model S. Trang tin cũng có động thái tương tự với Model 3, với lý do "độ tin cậy đang giảm dần".

Quang Huy

Chủ đề khác