VnReview
Hà Nội

Nhìn lạch lịch sử hơn 120 năm của xe ô tô điện

Các phương tiện chạy điện đã xuất hiện từ những thập kỷ đầu tiên của ngành công nghiệp xe hơi.

Chúng ta vẫn tin rằng xe hơi điện là tương lai của ngành công nghiệp bốn bánh, nhưng hơn một thập kỷ trước, đó đã là suy nghĩ chung của khá nhiều người. Trong khi các nhà sản xuất xe hơi đang lên kế hoạch để dần loại bỏ động cơ đốt trong, thì sự kiện Amelia Island Concours d'Elegance năm nay - diễn ra từ 20-23/5 tại Florida - là một lời nhắc nhở rằng xe hơi chạy điện chẳng phải là một ý tưởng mới mẻ.

"Xe chạy điện từng lập một kỷ lục về tốc độ, và khả năng kiểm soát dễ dàng cùng với việc không phát ra tiếng động và mùi hôi sẽ giúp nó thuyết phục được những người đang băn khoan khi mua xe không cần ngựa kéo" - đó là nội dung một bài viết trên tờ Scientific American vào năm 1895. Đã có một thời, đó là điều hoàn toàn chính xác.

Dưới đây là những mẫu xe hơi tiên tiến, mang trong mình những hứa hẹn cao xa, những lời hứa mà cho đến ngày nay mới bắt đầu "đơm hoa kết quả".

1895: Morris and Salom Electrobat IV

Với tên gọi Electrobat, bạn hẳn đã biết người ta sẽ nhớ về mẫu xe này như thế nào. Nhà hoá học Pedro Salom và kỹ sư Henry Morris ở Philadelphia (Mỹ) là những người đầu tiên nhận được bằng sáng chế của Mỹ về một mẫu xe hơi điện, và Electrobat là kết quả họ đạt được. Với bộ khung bằng ống thép và nặng 363kg, nó có hệ thống truyền động bằng bánh trước, chuyển hướng bằng bánh sau, hộp số tiến 3 cấp và hộp số lùi. Bên trong xe là viên pin nặng 159kg cùng hai mô-tơ 1.1 kW, có thể đi với tốc độ 24 km/h trên quãng đường dài 40 km. Luật sư Isaac Rice ở Philadelphia sau này nắm quyền kiểm soát và đổi tên công ty thành Electric Vehicle Company (EVC), và tích luỹ hơn 500 bằng sáng chế về pin trước khi bán nó cho chuyên gia tài chính người New York là William Whitney.

1901: Waverly Electric

Thành lập sau thương vụ sáp nhập American Electric Car Company với Indiana Bicycle Company của Colonel Albert Pope vào năm 1898, Waverly Electric là một phần trong kế hoạch của Pope nhằm đón đầu thị trường xe hơi giống như cách ông đã làm với thị trường xe đạp. Waverly là một mẫu xe đơn giản với hai chỗ ngồi và điều khiển bằng cần gạt, có bánh rộng 36-inch, lốp bơm hơi, hai đèn pha, và một mô-tơ 1.8 kW có thể chạy được 64 km sau mỗi lần sạc.;

1905: Columbia XXXV Open Drive Brougham

Một công ty khác của Albert Pope, Pope Manufacturing, bắt đầu chế tạo xe hơi điện Columbia vào năm 1899 thông qua một liên minh với EVC (Pope Manufacturing đảm nhận việc sản xuất taxi điện cũng như xe hơi chở khách cho EVC). Mẫu Columbia đạt vận tốc 29 km/h nhờ hai mô-tơ, bộ truyền động 5 cấp, và pin 88-volt. Khi đế chế của Pope lung lay, Columbia đã được mua lại bởi United States Motor Company, một nỗ lực nhằm cạnh tranh với General Motors nhưng thất bại.

1909: Baker Victoria Roadster

Thành lập bởi Walter Baker ở Cleveland, Ohio, vào năm 1899, Baker Electric được quảng bá là "Quý tộc của giới xe hơi". Họ khẳng định mẫu xe của mình có thể chạy được 393 km sau mỗi lần sạc nhờ pin nickel-sắt của Edison, dù những người được chứng kiến nó hoạt động chưa bao giờ có thể xác nhận điều này. Dẫu vậy, Bakers vẫn trở nên phổ biến. Tổng thống Taft từng mua một chiếc để dùng trong đội xe hơi đầu tiên của Nhà Trắng. Nhưng động cơ đốt trong ở thời điểm đó vẫn quá phổ biến, và đến năm 1915, Baker đành nói lời từ biệt, bị mua lại bởi Rauch and Lang, công ty mà sau này cũng chịu chung số phận.

1909: Studebaker Electric 13a

Studebaker là nhà sản xuất phương tiện lớn nhất thế giới vào thế kỷ 19, từng chế tạo ra mẫu xe ngựa Conestoga phục vụ việc di cư về  bờ tây nước Mỹ. Khi xe hơi xuất hiện, công ty này miễn cưỡng thử nghiệm xe hơi chạy điện. Dù nhà sáng lập John M. Studebaker yêu thích loại xe này, hầu hết giới chơi xe không có cảm tình với xe hơi chạy điện. Studebaker sau đó loại bỏ các phương tiện chạy điện khỏi danh mục sản phẩm của mình vào năm 1913 sau khi đã sản xuất xấp xỉ 1.800 chiếc.

1910: Waverley Four Passenger Coupe

Ra mắt năm 1900 với tên gọi Waverly, mẫu xe này được đổi tên thành Pope-Waverly từ 1904 - 1908 cho đến khi đế chế của Pope sụp đổ. Các doanh nhân Indianapolis đã mua lại công ty này, và đổi tên xe trở lại thành Waverly. Slogan của công ty, "The Silent Waverly" (Waverly âm thầm), có vẻ khá phù hợp khi mà nhà sản xuất xe hơi này đã âm thầm biến mất khỏi thị trường vào năm 1917.

1912: Woods Model 1316 Extension Brougham

Được thành lập vào năm 1899 ở Chicago nhằm cạnh tranh với EVC của William Whitney, Woods là mẫu xe khá đắt đỏ vào thời điểm đó khi có giá khoảng 3.000 USD, trong khi chỉ cần 690 USD là bạn đã có thể mua một chiếc Ford Model T (xấp xỉ 82.600 USD theo tỉ giá đô-la năm 2021). Woods có tốc độ cao nhất 32 km/h và có thể chạy đến 160 km sau mỗi lần sạc. Mẫu xe này tồn tại đến năm 1918, có cả một phiên bản lai vừa xăng vừa điện gọi là Dual Power.

1921: Milburn Light Electric

Đã chế tạo xe ngựa từ năm 1848, đến năm 1914, Toledo (công ty trụ sở tại Ohio) tung ra những chiếc xe điện đầu tiên của mình. Với phạm vi chạy lên đến 121 km, pin xe được trang bị trục lăn để người dùng có thể trượt pin đã cạn ra và đẩy pin mới vào. Một trận hoả hoạn đã phá huỷ nhà máy của Toledo, khiến họ mất trắng 900.000 USD - tương đương 13,4 triệu USD ngày nay. Công ty sau đó tái sinh, nhưng nhu cầu đối với phương tiện chạy điện thì không. Đến năm 1923, Milburn chính thức biến mất, nhà máy thì được Buick mua lại.

1922: Detroit Electric 90

Dù Henry Ford chủ yếu sản xuất xe chạy xăng, bà Clara vợ ông đã lái chiếc Detroit Electrics, khiến tình cảm gia đình không được thuận hoà cho lắm. Dẫu vậy, Henry vẫn mua một chiếc xe mới cho bà mỗi năm từ 1908 đến 1914. Nó được sản xuất bởi Anderson Carriage Company, thành lập năm 1884, chuyên sản xuất xe điện kể từ năm 1907. Có phạm vi hoạt động 129 km, công ty khẳng định Detroit Electric 90 từng đạt được quãng đường đến 340 km trước khi phải sạc lại. Công ty này tồn tại đến những năm 1930, và hiện nay tên nó đã được tái sinh bởi một startup EV tại Anh.

1979: Volkswagen Elektro-Bus

Được chế tạo từ năm 1972 - 1976 dành cho thị trường Đức, biến thể chạy hoàn toàn bằng điện của mẫu Microbus Type 2 này gặp nhiều khó khăn bởi công nghệ pin mà nó sử dụng chưa hề tiến bộ thêm chút nào trong suốt 8 thập kỷ. Với khối lượng 838 kg và hoạt động nhờ 72 cell pin chì-axit, Elektro-Bus có phạm vi hoạt động 40 km. Và nếu bạn cho rằng phiên bản Microbus chạy xăng có tốc độ khá lề mề, thì Elektro-Bus phải mất đến 30 giây mới đạt được vận tốc tối đa 69 km/h. Có khoảng 70 chiếc đã được sản xuất, bao gồm một mẫu tương tự tên Elektro-Transporter.

Minh.T.T (theo ArsTechnica)

Chủ đề khác