VnReview
Hà Nội

Tại sao xe hơi chạy thử trên đường luôn được dán một lớp decal kỳ quái?

Câu trả lời ngắn gọn: để nguỵ trang.

Mỗi khi có một mẫu xe mới được mang ra chạy thử trên đường, các con nghiện xe hơi luôn háo hức ngóng chờ diện mạo của nó. Nhưng bạn càng mong muốn bao nhiêu, thì các nhà sản xuất xe hơi càng tìm cách để khiến bạn chẳng thấy được gì.

Việc các công ty xe hơi sử dụng một loại "áo nguỵ trang" khi thử nghiệm các phương tiện trước lúc đi vào sản xuất đại trà được xem là khá bình thường trên toàn thế giới.

Ba lý do đơn giản

Đầu tiên, mấu chốt của chiến lược marketing chính là tính bí mật. Che kín một mẫu xe mới bằng lớp áo nguỵ trang bí ẩn sẽ làm tăng sự hào hứng và tò mò của các khách hàng tiềm năng.

Thứ hai, tiết lộ thiết kế của một mẫu xe có thể gây tác động tiêu cực lên doanh số các mẫu hiện tại, bởi người tiêu dùng sẽ so sánh chúng với những lựa chọn mới mẻ hơn sắp ra mắt trong tương lai.

Cuối cùng là lý do cạnh tranh. Các nhà sản xuất xe hơi tiêu tốn rất nhiều tiền của và thời gian để có được những thiết kế độc, lạ - hiển nhiên, họ không muốn các công ty khác biết được và ăn cắp ý tưởng.

Lớp decal nguỵ trang hiệu quả ra sao

Mục tiêu của lớp decal hiển nhiên không phải để che giấu bản thân chiếc xe, mà nhằm tạo ra ảo ảnh thị giác, đánh lừa con mắt người nhìn. Đó là lý do tại sao lớp decal này có hoạt tiết kỳ quái.

Dù rằng khi dán decal nguỵ trang, chiếc xe sẽ dễ dàng bị "tia" hơn, chúng thực ra có hiệu ứng ngược lại - theo giải thích của trang Motor Biscuit. Những hoạ tiết trên decal có khả năng che giấu phong cách thiết kế thân xe, bởi mắt của chúng ta - theo lẽ tự nhiên - sẽ lướt theo những đường kẻ hoạ tiết trên decal thay vì thứ nằm bên dưới chúng. Do đó, những chi tiết nổi bật của một chiếc xe, như lưới tản nhiệt, đèn pha, và những đường gân dập nổi sẽ lọt khỏi tầm mắt người nhìn.

Nhưng đánh lừa ống kính camera lại khó hơn nhiều so với đánh lừa mắt người. Theo một số nhiếp ảnh gia, những hoạ tiết uốn lượn màu đen và trắng thường được sử dụng không ảnh hưởng đến khả năng lấy nét của camera nhờ độ tương phản cao của các màu sắc này.

Vì lý do đó, các công ty xe hơi bắt đầu nảy ra những ý tưởng sáng tạo hơn để nguỵ trang các phương tiện của họ hiệu quả hơn.

Ví dụ, một chiếc Toyota Prius (ảnh trên) được phát hiện chạy trên đường vào năm 2016 được phủ lớp "áo nguỵ trang" màu đen làm từ polyester, có khả năng hấp thụ ánh sáng hồng ngoại mà camera phát ra trong quá trình tự động lấy nét, khiến nó khó mà chụp được những bức ảnh rõ ràng.

Tương tự, cũng trong năm 2016, Ford đã thiết kế một lớp nguỵ trang mới, gọi là "Brick", với những hoạ tiết phức tạp hơn cùng hình ảnh đồ hoạ xếp lớp, giúp xe không thể bị camera lấy nét vào.

Dẫu vậy, trong bối cảnh công nghệ camera và các phần mềm biên tập đang phát triển cực kỳ nhanh chóng, các nhà sản xuất xe hơi sẽ phải liên tục đưa ra những ý tưởng sáng tạo hơn để nguỵ trang cho những đứa con mới lọt lòng của họ.

Vậy tóm lại, tại sao các công ty xe hơi sử dụng decal với hoạ tiết kỳ lạ trên các phương tiện thử nghiệm của họ? Bởi họ đang áp dụng những nguyên lý về ảo ảnh và kỹ thuật đánh lừa thị giác thông qua làm biến dạng hình ảnh.; Bằng cách ẩn giấu những phương tiện thử nghiệm khỏi những cặp mắt không mong muốn, cũng như những ống kính camera ở khắp mọi nơi, trước khi đưa vào sản xuất đại trà, các nhà sản xuất xe hơi có thể làm tăng sự bí ẩn của xe, đồng thời bảo vệ được thiết kế của họ trước các đối thủ.

Minh.T.T (Theo TheNextWeb)

Chủ đề khác