VnReview
Hà Nội

Thay radar bằng camera, Tesla đã đi sau Subaru

Sau khi đưa ra công bố loại bỏ cảm biến radar khỏi hệ thống hỗ trợ người lái Autopilot, Tesla đã chịu nhiều chỉ trích vì lo ngại về mức độ an toàn. Nhưng bên cạnh đó, điều này cũng khiến Tesla trở thành hãng xe không còn tiên phong về xe tự hành.

Tesla, hãng xe tự hành đi đầu ngành công nghiệp ô tô về việc sử dụng năng lượng xanh, đôi khi vướng phải nhiều ý kiến trái chiều với hệ thống hỗ trợ lái xe tự động Autopilot. Nhưng giờ đây, Tesla bất ngờ rẽ hướng và theo sau sự dẫn dắt của một thương hiệu ít ai ngờ đến: Subaru.

Xét trên nhiều khía cạnh, các nhà sản xuất ôtô không có nhiều khác biệt mà chỉ sở hữu vài ưu điểm đặc trưng. Trong khi Tesla thu hút sự chú ý nhờ hệ thống hỗ trợ người lái Autopilot hay chế độ Ludicrous mode siêu nhanh, Subaru luôn gắn liền với những chiếc xe gia đình dành cho đối tượng người dùng thích hoạt động ngoài trời.

Vào tháng trước, hãng xe của Elon Musk thông báo sẽ sử dụng hệ thống camera thay cho cảm biến radar trên hệ thống Autopilot cho hai mẫu xe Model 3 và Model Y bán chạy nhất thị trường Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại sự thay đổi đó có thể tác động đến yếu tố an toàn, cũng như ảnh hưởng đến khả năng nhận diện của xe.

Đa phần các nhà sản xuất ô tô thường ưu tiên hệ thống hỗ trợ người lái có tích hợp radar cho những tính năng như điều khiển hành trình thích ứng (ACC), giúp làm chậm và tăng tốc phụ thuộc vào điều kiện giao thông phía trước, hơn là hệ thống giám sát bằng thiết bị ghi hình.

Trong một số trường hợp, radar còn ưu điểm vượt trội hơn khi đo được tốc độ của những xe đang di chuyển xung quanh, cùng với khả năng dễ dàng quan sát lúc thời tiết xấu, như mưa và tuyết.

Sau khi đưa ra quyết định trên, Tesla trở thành nhà sản xuất thứ hai, sau Subaru đến từ Nhật Bản, tin tưởng vào camera cho công nghệ hỗ trợ người lái. Nhiều ý kiến cho rằng việc Autopilot không sử dụng bất kỳ cảm biến radar nào là một bước thụt lùi đáng lo ngại về chất lượng.

Số khác lại đưa ra quan điểm lạc quan hơn, cho rằng Autopilot có thể đủ tốt khi mà Subaru đã đạt được những thành tích giải thưởng cho hệ thống vốn dựa trên camera trong gần 10 năm qua. Tuy nhiên vẫn có những người cho rằng cần phải thử nghiệm trong thế giới thực để chắc chắn rằng chất lượng của Autopilot không có radar đã thay đổi như thế nào.

Sam Abuelsamid, phó giám đốc của tập đoàn tư vấn Guidehouse Insights, tin rằng việc Tesla loại bỏ radar khiến những chiếc xe của hãng trở nên kém an toàn hơn. Ông chỉ ra rằng Tesla đã đặt ra một số giới hạn đối với phiên bản Autopilot chỉ có camera. Đây được xem là làm bằng chứng cho thấy công nghệ hỗ trợ người lái mới không tốt như khi sử dụng kết hợp cả camera và radar.

Hầu hết những mẫu xe hiện tại của Tesla không bị ảnh hưởng bởi những hạn chế này vì chúng vẫn được trang bị radar. Tesla chưa công bố khi nào họ sẽ thực hiện việc chuyển đổi công nghệ.; 

Tuy nhiên, công ty cho biết những giới hạn đối với phương tiện không có radar sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. "Tính năng tự đánh lái Autosteer sẽ bị giới hạn ở tốc độ tối đa 120,7 km/h, tính năng Triệu hồi thông minh (nếu được trang bị) và Tránh làn đường khẩn cấp cũng có thể bị vô hiệu hóa khi giao hàng", thông báo Tesla nêu rõ.

Trên Twitter, CEO Tesla, Elon Musk cho biết thiết bị ghi hình có độ chính xác cao hơn radar, vì vậy tốt hơn là nên tăng gấp đôi lượng camera thay vì sử dụng kết hợp nhiều cảm biến. Musk cũng cho biết rằng radar vẫn cần được cải tiến để có thể đưa vào hệ thống hỗ trợ lái xe phức tạp.

Thách thức của hệ thống camera

Nhiều chuyên gia trong ngành xe tự lái cho rằng máy ảnh sẽ không bao giờ tốt bằng radar khi dùng để đo tốc độ và cần kết hợp cả hai để tạo ra hiệu quả tốt nhất.

Điều này có ý nghĩa quan trọng, quyết định chất lượng của những tính năng như phanh khẩn cấp tự động và ACC. Các chuyên gia cho biết radar đo vận tốc của xe xung quanh tốt hơn camera, cho phép nhận biết nhanh hơn và chính xác hơn về việc cần phanh gấp trong tình huống không an toàn.

Nhưng Subaru là một ví dụ minh chứng cho việc camera vẫn hoạt động đủ tốt mà không cần đến radar. Với hệ thống hai camera có tên gọi EyeSight, Subaru đã làm rất tốt trong việc phát triển các tính năng an toàn.

Kể từ năm 2013, hãng xe Nhật Bản đã bán được hơn một triệu mẫu có trang bị EyeSight, trong khi phần lớn các hãng xe đều dựa vào camera và cảm biến radar.

Camera EyeSight trên xe của Subaru

Theo Subaru, camera của EyeSight có thể đo khoảng cách mà không cần radar. Năm 2003, công ty từng sử dụng trang bị này cho hệ thống hỗ trợ người lái ở Nhật Bản bên cạnh camera. Tuy nhiên, Subaru đã ngừng sản xuất vì không bán chạy và tiêu tốn nhiều chi phí.

Đến nay, công ty đã nhận được 57 giải thưởng an toàn hàng đầu, cộng với giải thưởng từ Viện Bảo hiểm An toàn Đường cao tốc (IIHS) trao tặng từ năm 2013. Sau khi Tesla thông báo loại bỏ radar trên các mẫu xe mới, IIHS đã gạt tên Model 3 thế hệ mới khỏi các đề cử giải thưởng an toàn.

Hai cách tiếp cận khác biệt

Các chuyên gia cho biết có một số khác biệt trong cách tiếp cận hệ thống thiết bị quan sát của Tesla và Subaru, điều này có thể gây khó khăn cho Tesla.

Camera EyeSight của Subaru được đặt gần đầu kính chắn gió như của Tesla, nhưng chúng được gắn cách xa nhau để có thể cùng hoạt động và đo được chiều sâu của vật thể phía trước, một khả năng cần thiết đối với hệ thống hỗ trợ người lái.

Trong trường hợp xe phía trước phanh gấp, hệ thống của Subaru có thể nhận biết và nhanh chóng kích hoạt tính năng phanh khẩn cấp tự động. Còn với hệ thống camera gắn chùm của Tesla, xe có thể gặp hạn chế trong việc đo độ sâu ở khoảng cách xa.

Tesla lần đầu tiên bổ sung radar cho xe vào tháng 10/2014

Các chuyên gia lái xe tự hành như Ram Machness, giám đốc kinh doanh của công ty khởi nghiệp radar Arbe Robotics và Eben Frankenberg, kiêm giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp radar Echodyne, cho biết các cảm biến như camera và radar đều có điểm mạnh và điểm yếu. Họ nói rằng ô tô được trang bị các cảm biến khác nhau có thể bổ trợ bù trừ cho nhau.

Tuy vậy, vẫn còn quá sớm để kết luận xem liệu hệ thống Autopilot mới có tốt hơn hay tệ hơn hay không và thị trường cần thời gian để kiểm chứng chất lượng mà xe Tesla mang lại.

Một tương lai hoàn toàn tự lái?

Các chuyên gia cho rằng về lâu dài, việc lấy nét chỉ bằng camera của Tesla cũng có thể mang lại vấn đề, vì tham vọng của hãng đối với Autopilot là quá lớn. Theo đó, Tesla hứa hẹn rất nhiều về tính an toàn của công nghệ "tự lái hoàn toàn" sau nhiều vụ tai nạn gây thương vong.

Trong khi đó Subaru tỏ ra khiêm tốn khi đặt hy vọng lên hệ thống nhận biết bằng máy ảnh của mình. Musk thậm chí còn kỳ vọng Tesla có thể đóng vai trò như robot trong việc lái xe.

Tuy nhiên, Sam Abuelsamid cho rằng việc loại bỏ radar khiến Tesla khó tiến tới một hệ thống tự lái hoàn toàn. Trong khi đó, phần lớn các công ty như Waymo trang bị cho những chiếc ôtô tự lái với camera được ghép nối với cảm biến lidar và radar, còn Tesla chỉ tập trung vào camera để phát hiện và phân tích vật thể.

Biện pháp của Tesla sẽ giúp giảm chi phí và thương mại hóa các tính năng trợ lái, song giới chuyên gia và nhiều công ty khác đưa ra những lo ngại về tính an toàn. Theo Tesla, chuyển đổi sang hệ thống tập trung vào camera có thể hạn chế một số tính năng hỗ trợ lái xe, như giữ tâm làn đường và hỗ trợ đỗ xe.

Các hãng tập trung đầu tư lớn vào hệ thống tự động lái hoàn toàn, như Waymo của Alphabet, Argo AI được Ford hợp tác phát triển cùng Volkswagen và Aurora do Amazon hậu thuẫn, đều cho rằng radar là thành phần không thể thiếu. Waymo thậm chí còn cho biết họ đã phát triển radar riêng với độ chính xác cao và có thể đo lường khoảng cách vị trí chính xác trong thời tiết khắc nghiệt.

Các công ty khởi nghiệp như Echodyne, Oculii và Arbe Robotics đã mọc lên như nấm trong những năm gần đây. Mục tiêu của họ là tập trung việc phát triển sức mạnh radar, hứa hẹn tăng độ phân giải cao hơn cho cảm biến radar hiện có.

Ngọc Diệp (Theo CNN)

Chủ đề khác