VnReview
Hà Nội

Tesla bị chính phủ Mỹ điều tra vì chế độ tự lái gây ra 11 vụ tai nạn

Mỹ đang mở cuộc điều tra chính thức về 11 vụ tai nạn liên quan đến xe Tesla. Những ô tô này đang ở chế độ lái tự động Autopilot hoặc hỗ trợ người lái khi đâm vào xe khẩn cấp.

Theo Nikkei, cuộc điều tra khiến Tesla phải chịu thêm nhiều áp lực do hãng vừa; gánh chịu hàng loạt cuộc điều tra về an toàn ở Trung Quốc. Các cơ quan quản lý trên toàn thế giới ngày càng lo ngại về công nghệ lái xe tự hành còn non trẻ.

Theo tài liệu của Cục An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia, 11 sự cố đang được điều tra ở Mỹ xảy ra từ tháng 1/2018 đến tháng 7/2021, dẫn đến một người chết và 17 người bị thương.

Tất cả các phương tiện trong sự cố được xác nhận đã sử dụng tính năng Autopilot hoặc tính năng kiểm soát hành trình Traffic-Aware Cruise Control. Autopilot là một tính năng hỗ trợ lái xe của Tesla, giúp người lái duy trì tốc độ và định tâm làn đường, trong khi Traffic-Aware Cruise Control khớp tốc độ của xe với giao thông xung quanh.

Hầu hết các vụ tai nạn diễn ra trong hoàn cảnh đêm tối, có đèn nhấp nháy, có pháo sáng, bảng mũi tên chiếu sáng hoặc nón đường được sử dụng để cảnh báo người lái xe về sự có mặt của các phương tiện khẩn cấp.

NHTSA - một đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải, có quyền thu hồi xe và ban hành các quy tắc an toàn trong toàn ngành - cho biết họ đang xem xét các mẫu xe Model Y, Model X, Model S và Model 3 được sản xuất từ ​​năm 2014 đến năm 2021. NHTSA cho biết cuộc điều tra sẽ đánh giá các công nghệ và phương pháp giám sát, hỗ trợ và vai trò tham gia của người lái xe trong quá trình vận hành Autopilot. 

Cổ phiếu Tesla giảm gần 5% hôm thứ Hai (16/8) sau khi có thông tin về cuộc điều tra. Công ty vẫn chưa bình luận gì về vụ việc.

Vào tháng 6, Tesla đã thực hiện một đợt "triệu hồi từ xa" gần 300.000 chiếc xe Model 3 và Model Y do Trung Quốc sản xuất và nhập khẩu. Tesla đã ra một bản cập nhật phần mềm trực tuyến liên quan đến hỗ trợ lái xe. Cơ quan quản lý nhà nước về quy định thị trường của Trung Quốc cho biết động thái này có liên quan đến một chức năng hỗ trợ lái xe có thể bị vô tình kích hoạt, gây ra hiện tượng tăng tốc đột ngột.

Vụ triệu hồi diễn ra sau một số cuộc điều tra an toàn do các cơ quan quản lý Trung Quốc ở cấp trung ương và cấp tỉnh khởi động. Trước đó, chủ sở hữu xe Tesla cho rằng những chiếc xe này là nguyên nhân gây ra tai nạn.

Trung Quốc đang giám sát chặt ngành công nghiệp ô tô thông minh. Tuần trước, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã công bố các đề xuất mới nhằm thắt chặt quy định đối với các phương tiện kết nối internet. Hướng dẫn liệt kê bốn yêu cầu đối với các công ty phát triển công nghệ lái xe tự hành, bao gồm trang bị hộp đen để ghi lại dữ liệu lái xe nhằm phân tích tình huống tai nạn. Ngoài ra, nhà sản xuất bổ sung bất kỳ tính năng lái xe tự động từ xa nào cần phải được Bộ phê duyệt trước.

Tuần trước, một doanh nhân Trung Quốc ở Hán Giang, tỉnh Phúc Kiến, đã tử vong trong một vụ tai nạn chết người trên chiếc xe thể thao đa dụng NIO, chiếc xe có bật chức năng hỗ trợ lái xe.

Giám đốc điều hành của NIO, một trong những đối thủ lớn nhất của Tesla tại Trung Quốc, cho biết trên mạng xã hội rằng vụ tai nạn thật "thảm khốc" nhưng ông không trả lời câu hỏi liệu nó có liên quan đến hệ thống hỗ trợ lái xe NIO Pilot của công ty hay không.

Hoàng Lan

Chủ đề khác