VnReview
Hà Nội

Đánh giá Moto Z Play: thú vị hơn nhiều với phụ kiện Moto Mods

Điện thoại "mô đun" đã luôn là giấc mơ của nhiều người yêu thích công nghệ. Ý tưởng về một chiếc điện thoại tháo lắp được như máy tính đã chính thức bị Google gạch bỏ, nhưng những hãng điện thoại như Moto hay LG vẫn âm thầm phát triển những sản phẩm cách của riêng mình.

Z Play

Đầu năm nay LG giới thiệu chiếc LG G5 với một loạt phụ kiện để bổ sung khả năng chụp ảnh hoặc nghe nhạc. Mặc dù LG thất bại nhưng Moto (trước đây là Motorola, hiện thương hiệu này thuộc hãng Lenovo, Trung Quốc) vẫn tiếp tục kiên trì với ý tưởng phụ kiện Moto Mods, có thể lắp ghép và kết nối dễ dàng trên điện thoại.

Không chỉ có 1 sản phẩm, Moto giới thiệu tới 3 chiếc smartphone tương thích với bộ Moto Mods, trong đó có Moto Z và Z Play được bán tại Việt Nam. Z Play là điện thoại tầm trung, có giá bán và cấu hình thấp hơn hai đàn anh. Ngoài bộ phụ kiện Moto Mods, chiếc điện thoại này có những gì hấp dẫn?

Thiết kế

Vẻ ngoài của Z Play có những nét khá giống với Nexus 6, cũng do Motorola sản xuất. Máy có kiểu dáng tròn trịa, 4 cạnh vuốt cong và phần viền dày, vuông vắn chứ không vát. Kích thước của máy không quá lớn, kết hợp với thiết kế này giúp cảm giác cầm nắm chắc tay, không bị trơn hay sắc khi cầm chặt điện thoại.

Viền dưới của màn hình khá dày do đây là nơi đặt cảm biến vân tay, nhưng bản màu đen tạo cảm giác viền đỡ dày hơn. Ngoài tác dụng mở khóa, cảm biến này cũng có chức năng tắt màn hình khi giữ tay một lúc. Đây là một chi tiết thiết kế không hợp lý, dễ gây hiểu nhầm, vì trên nhiều điện thoại khác đây là vị trí của nút Home. Người mới dùng sẽ dễ bấm nhầm vào nút này khi muốn quay trở lại màn hình chính, nhất là khi ứng dụng chạy toàn màn hình và các nút ảo bị giấu đi. Cách làm này cũng ảnh hưởng tới thao tác đăng nhập bằng vân tay ở các ứng dụng hỗ trợ, và Moto hiện tại không cho tắt tùy chọn này.

Cụm camera của máy lồi lên khá nhiều khi không gắn ốp lưng

Ở mặt sau, cụm camera nổi bật và lồi lên khoảng 2 mm so với lưng. Các chấu nam chân ở gần đuôi máy cũng rất nổi bật, nhất là trên bản màu đen. Những chi tiết này khiến điện thoại trông khá "dị" khi không gắn ốp lưng. Chất liệu kính bóng ở mặt lưng rất dễ bám vân tay, đây cũng là một lý do khuyến khích người dùng sử dụng ốp lưng cho Z Play.

Moto Z Play hỗ trợ gắn 2 Nano SIM, ở phía đối diện còn có khe cắm thẻ nhớ MicroSD

Máy sử dụng chân cắm USB Type C và vẫn có giắc cắm tai nghe 3,5 mm, trong khi hai mẫu Moto Z cao cấp hơn đã bỏ giắc này

Z Play đã sử dụng chuẩn kết nối USB Type C tiện lợi hơn. Trong khi mẫu Moto Z cao cấp đã loại bỏ giắc cắm tai nghe 3,5mm, Z Play vẫn có cổng cắm phổ thông này để người dùng có thể nghe bằng bất cứ tai nghe nào. Máy cũng hỗ trợ cắm cùng lúc hai Nano SIM và thẻ nhớ MicroSD.

Bộ phụ kiện Moto Mods

Điểm độc đáo nhất của dòng Moto Z là tương thích với bộ phụ kiện Moto Mods. Moto Mods gồm 4 phụ kiện bổ sung chức năng (chụp ảnh, nghe nhạc, pin và máy chiếu) cùng 4 vỏ ốp (Style Shell). Giá của vỏ ốp từ 299.000 đồng, còn phụ kiện có giá từ 2,39 triệu đồng. Mỗi máy bán ra sẽ được kèm một vỏ ốp.

Lenovo công bố đầy đủ bộ phụ kiện Moto Mods tại Việt Nam

Chiếc Moto Z Play mà chúng tôi nhận được đi kèm hai phụ kiện là chiếc vỏ ốp vân gỗ (màu Charcoal Ash) và loa JBL SoundBoost. Cả hai đều được gắn chặt và giao tiếp với Moto Z thông qua các chấu nam châm ở mặt lưng. Việc kết nối phụ kiện rất dễ dàng, có thể nói là nhắm mắt cũng làm được.

Ốp lưng vân gỗ của Moto Z Play giúp cho máy cầm đầm tay hơn, camera không bị lồi và mặt lưng đỡ bám vân tay

Khi gắn ốp lưng vào, thân máy dày hơn một chút nhưng phần camera không còn bị lồi lên. Vân gỗ trên ốp đẹp và đem lại ngoại hình độc đáo cho chiếc Z Play, so với chất liệu kính hoặc kim loại đã quá phổ biến. Điểm trừ của chiếc ốp này là lực hút của nam châm chỉ có ở phần dưới, nên khi cầm chặt phía trên điện thoại tôi vẫn cảm thấy ốp hơi lỏng.

Thao tác "kết nối" điện thoại với loa SoundBoost đơn giản hơn rất nhiều so với các loại loa Bluetooth thông thường

Chiếc loa gắn ngoài JBL SoundBoost có điểm cộng là kết nối và hoạt động nhanh hơn hẳn so với các loại loa Bluetooth. Ngay sau khi gắn loa, máy sẽ nhận biết là bạn đã kết nối và phát âm thanh ra loa. Loa không có nút điều khiển nào nên các thao tác đều được chỉnh trên điện thoại. Mặt sau loa có một chân đế để dựng điện thoại khá tiện.

Loa có pin riêng nên sẽ không làm ảnh hưởng đến pin của điện thoại khi phát nhạc. Ở mặt trong của loa có cổng USB Type C để sạc, còn khi gắn vào điện thoại và cắm nguồn thì loa sẽ được sạc sau khi điện thoại đầy pin. Khi bật nhạc ở mức dung lượng khoảng 80%, loa mất khoảng 15% pin sau 1 giờ. Như vậy thời gian pin 10 giờ như Moto công bố là có thể đạt được nếu bật nhạc nhỏ hơn.

Sau khi gắn loa, chiếc Z Play sẽ trở thành một "bé bự" với độ dày gần 2 cm và nặng hơn 300 g

Về mặt chất lượng, loa JBL SoundBoost với công suất 6W (mỗi bên loa 3W) đem lại âm thanh rất lớn, có thể lấp đầy căn phòng với diện tích khoảng 20m2. Khả năng thể hiện âm trầm hơi đuối do kích thước loa nhỏ, do vậy những bản nhạc rock sẽ hơi thiếu lực. Khi gắn vào máy phần mềm Moto Mods sẽ được chỉnh mặc định về chế độ tăng bass nhằm cải thiện điểm yếu này.

Thiết kế của loa khiến cho âm thanh hướng về phía sau, nhưng đây không hẳn là vấn đề do âm lượng lớn. Khi mở chân đế và đặt loa trên mặt phẳng âm thanh có hiệu ứng vang và ấn tượng hơn.

Nhìn chung chất lượng âm thanh của JBL SoundBoost chỉ ở mức khá, chưa phải là lựa chọn loa xuất sắc nhất ở mức giá 3 triệu. Tuy nhiên sự nhỏ gọn, kết nối tiện lợi là ưu điểm giúp đây là phụ kiện cần có đối với dòng Moto Z.

Màn hình

Màn hình của Z Play hiển thị ổn với độ tương phản cao, độ sáng đủ để nhìn rõ ngoài trời

Chiếc Z Play sử dụng màn hình AMOLED với độ phân giải Full HD (1920 x 1080). Chất lượng hiển thị của màn hình ở mức khá, độ đen sâu, độ sáng tối đa hơn 500 nits đem lại khả năng hiển thị tốt ngoài trời. Góc nhìn của màn hình rộng, màu sắc và độ tương phản chỉ bị ảnh hưởng khi nhìn ở góc gần ngang màn hình. Mật độ điểm ảnh khoảng 403 ppi đủ để đảm bảo độ sắc nét mà vẫn tiết kiệm pin.

Nhìn ở góc nghiêng, màu sắc và độ tương phản màn hình gần như không thay đổi

Tính năng Moto Display giúp người dùng nắm bắt nhanh các thông báo, bên cạnh đó cũng giúp tiết kiệm pin cho máy

Z Play được thừa hưởng tính năng Moto Display từ các điện thoại Motorola trước đây. Màn hình chờ này giúp cho người dùng dễ dàng thấy được thông tin ngày giờ và các thông báo trên điện thoại, và người dùng cũng có thể thao tác trực tiếp với các thông báo. Moto Display không phải lúc nào cũng hiện lên mà chỉ xuất hiện khi máy nhận biết có chuyển động. Tính năng này rất hợp với màn hình AMOLED, góp phần tiết kiệm pin rõ rệt cho điện thoại.

Camera: chụp ban ngày tốt, chụp đêm đuối

Giao diện chế độ chụp ảnh chuyên nghiệp của Moto Z Play

Camera sau của chiếc điện thoại này có độ phân giải 16MP, còn camera trước có độ phân giải 5MP ;và đèn flash trợ sáng. Giao diện chụp ảnh của chiếc điện thoại này khá đơn giản, chỉ gồm vài chế độ chụp nhưng vẫn có chế độ chụp thủ công cho phép điều chỉnh độ bù sáng, ISO, cân bằng trắng, thời gian khép khẩu...

Máy thể hiện chi tiết ổn khi điều kiện sáng tốt

Chụp trong nhà vào ban ngày cũng dễ có bức ảnh ưng ý

Ảnh chụp ban ngày với chế độ HDR

Khả năng chụp ảnh của Z Play tương đương với các máy tầm trung khác: thể hiện tốt khi chụp ban ngày và không mấy ấn tượng khi chụp tối. Khi chụp ban ngày, máy bắt nét và lưu ảnh nhanh. Ảnh chụp có độ chi tiết tốt và màu sắc trung thực.

Ảnh chụp trong nhà, buổi tối. Dù ánh sáng xung quanh khá tốt, ảnh vẫn không thể hiện được nhiều chi tiết

Đây là tình huống có đèn chiếu thẳng vào nhân vật đang chụp, nhưng Z Play cũng mất vài tấm ảnh mới bắt nét chính xác

Với điều kiện khó như bức ảnh này thì Z Play thể hiện rõ hạn chế

Tuy nhiên khi điều kiện sáng kém đi, chụp buổi tối thì Z Play bắt nét chậm, đôi lúc không bắt nét chính xác được. Ảnh chụp tối không được nét nhưng màu sắc vẫn theo hướng gần với thực tế, không bị sai nhiều. Máy được trang bị đèn flash hai tông màu, có thể hữu ích trong trường hợp môi trường chụp quá tối.

Độ phân giải camera trước của Z Play chỉ 5MP nhưng có kích thước điểm ảnh lớn, do đó khả năng thu sáng tốt và đem lại những bức ảnh "tự sướng" khá sắc nét. Chế độ làm đẹp của máy có tác động rõ rệt, giúp làm mịn da và nổi bật khuôn mặt hơn. Người dùng cũng có thể điều chỉnh mức độ làm đẹp để có bức ảnh ưng ý.

Ảnh chụp mặc định (trái) và chế độ làm đẹp. Khi bật chế độ làm đẹp, gương mặt mịn và hồng hào hơn

Camera trước cũng có chế độ chụp HDR, hữu dụng trong trường hợp chụp ngược sáng. Ngoài ra Z Play còn cso đèn flash ở camera trước, phát huy tác dụng tốt nhất khi chụp buổi tối hoặc chụp ngược sáng. Độ sáng của đèn được tính toán để đủ làm sáng khuôn mặt chứ không bị cháy.

Ảnh chụp ngược sáng khi tắt (trái) và bật đèn trợ sáng

Có lẽ do chỉ được trang bị chip tầm trung nên Moto Z Play không hỗ trợ quay video độ phân giải 4K ở tốc độ 60 khung hình/giây. Ở các độ phân giải thấp hơn như Full HD, HD thì máy cũng chỉ quay được tối đa 30 khung hình/giây.

Hiệu năng tốt so với cấu hình, pin ấn tượng

Hiệu năng của Moto Z Play khá tốt so với cấu hình, chỉ thua kém những máy đầu bảng khi chơi các game nặng

Cấu hình của Moto Z Play chỉ ở mức tầm trung với vi xử lý Qualcomm Snapdragon 625, RAM 3GB và bộ nhớ trong 32GB. Dù thông số không mấy ấn tượng, phần cứng của máy đủ đáp ứng tốt đa số game và ứng dụng trên hệ điều hành Android, thêm vào đó nhờ phần mềm gọn gàng và được tối ưu tốt nên trải nghiệm sử dụng vẫn rất mượt mà.

Hạn chế về sức mạnh phần cứng chỉ thể hiện khi chơi những game 3D với đồ họa phức tạp trên Z Play. Ở game Warhammer 40K, chiếc Z Play chỉ đạt trung bình 40 khung hình/giây, trong khi những smartphone với cấu hình đầu bảng như Sony Xperia XZ hay Xiaomi Mi 5s đều đạt 60 khung hình/giây. Tuy nhiên sự khác biệt này không thực sự rõ rệt, vì mức khung hình của Z Play vẫn đảm bảo chơi game ổn.

Điểm số ở bài đánh giá hiệu năng xử lý (Geekbench) và hiệu năng đồ họa (GFXBench) của Z Play không mấy ấn tượng, nhưng trong thực tế máy đem lại hiệu năng tốt so với cấu hình

Các ứng dụng đánh giá hiệu năng cũng cho thấy sức mạnh của vi xử lý Snapdragon 625 chỉ ở mức tầm trung, kém khá xa Snapdragon 820/821 trên các smartphone đầu bảng. Tuy nhiên các con số này không phản ánh được hiệu năng khá ấn tượng của Z Play.

Các yếu tố như màn hình AMOLED Full HD, cấu hình tầm trung và viên pin dung lượng 3510 mAh mang lại thời gian sử dụng pin rất ấn tượng cho Z Play. Trong quá trình sử dụng, tôi thường xuyên sử dụng kết nối 3G để lên Facebook, chụp ảnh hay vào các trang web. Với thói quen sử dụng như vậy, trong khi chiếc Xiaomi Mi 5s Plus chỉ trụ được gần 1,5 ngày thì Z Play có thể kéo dài tới tối ngày thứ hai. Tốc độ sụt pin ở chế độ chờ rất chậm, có lẽ do phần mềm tối ưu tốt và ít ứng dụng chạy ngầm. Tính năng Moto Display cũng giúp tiết kiệm pin hơn hẳn khi tôi không còn phải mở màn hình ra thường xuyên nữa.

Nhìn chung pin của Z Play mang lại cảm giác sử dụng khá thoải mái, bạn có thể rút sạc vào ngày hôm trước và tới tối hôm sau mới phải cần sạc nữa. Nếu muốn thoải mái hơn, viên pin Moto Mods Incipio sẽ tăng dung lượng pin thêm 60%, tức là bạn có thể dùng tới 4 ngày mới phải sạc pin, đủ cho cả một chuyến đi chơi.

Z Play cũng thể hiện tốt trong các bài đánh giá pin tiêu chuẩn của VnReview. Cụ thể máy đạt hơn 8 giờ trong bài đo thời gian lướt web và hơn 15 giờ trong bài đo thời gian xem phim.

Phần mềm: Android "gốc" theo cách của Moto

Phần mềm của Z Play gần như giữ nguyên phiên bản Android gốc của Google

Mặc dù hiện nay đã thuộc về Lenovo, Motorola vẫn giữ phần mềm gần với Android gốc giống như khi còn nằm dưới mái nhà Google. Như đã nói ở phần hiệu năng, phần mềm góp phần quan trọng đem lại hiệu năng tốt cho Z Play. Phần mềm "sạch", ít ứng dụng chạy ngầm chính là yếu tố giúp cho máy hoạt động mượt mà. Nếu so với những hệ điều hành phức tạp như TouchWiz của Samsung thì Moto Z Play có số lượng ứng dụng chạy ngầm ít hơn rất nhiều.

Tính năng hiển thị màn hình âm bản được đưa hẳn lên phần cài đặt nhanh của Z Play

Bên cạnh phần mềm gốc, Moto cũng bổ sung nhiều tùy chỉnh để đem lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng như Moto Display hay Moto Action. Moto Action là tập hợp các cử chỉ để mở nhanh ứng dụng: lắc tay hai lần để mở camera hay "chém" 2 lần để mở đèn pin. Một số tính năng hơi lạ khác cũng được cài đặt sẵn như tính năng hiển thị màu phim âm bản.

Một điểm đáng tiếc là phiên bản Android hiện tại trên Z Play chỉ là 6.0.1. Hai chiếc Moto Z và Z Force đã được cập nhật lên Android 7 Nougat, và hi vọng Z Play cũng sẽ sớm có bản cập nhật.

Kết luận

Nhìn qua thì Moto Z Play có thể không sở hữu cấu hình cao, nhưng trải nghiệm sử dụng của chiếc điện thoại này lại ấn tượng. Hiệu năng mượt mà, pin "trâu" là hai khía cạnh cho thấy sản phẩm có thể tốt lên nhiều nhờ tối ưu phần mềm. Bên cạnh đó, điểm trừ của máy là khả năng chụp ảnh của máy chỉ ở mức trung bình và vị trí đặt cảm biến vân tay cũng có thể khiến người dùng mới bị nhầm lẫn. Mức giá hiện tại của Z Play là 9,99 triệu đồng cũng chưa thực sự cạnh tranh.

Ngoài ra, không thể không kể đến các phụ kiện Moto Mods. Mỗi phụ kiện có tính năng riêng, và qua trải nghiệm với loa JBL SoundBoost thì có thể thấy Moto đã đầu tư vào chất lượng và sự tiện lợi mà bộ phụ kiện này mang lại. Z Play là một chiếc điện thoại thú vị, và các phụ kiện càng làm nó hấp dẫn hơn.

Anh Lê

Chủ đề khác