VnReview
Hà Nội

Xiaomi “hoãn chuyến”, có phải vì chưa mặn mòi thị trường Việt?

Có hai thông tin vừa được phát ra như đi ngược chiều nhau: Trong khi GfK công bố kết quả điều tra thị trường công nghệ quí III/2014 tại Việt Nam với chỉ riêng khoản chi tiêu cho việc mua sắm điện thoại đã lên tới 12.000 tỉ đồng (tương đương khoảng 600 triệu USD), thì ở chiều ngược lại hãng điện thoại số 3 thế giới Xiaomi lại "hoãn chuyến" thâm nhập vào thị trường Việt.

"Chiếc bánh" thị trường Việt nở dần đều…

Vào thời điểm đầu của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, doanh số thị trường ĐTDĐ Việt Nam được các hãng nghiên cứu định mức khoảng 1 tỉ USD. Nay theo dự báo của Công ty nghiên cứu thị trường GfK, năm 2014 lượng ĐTDĐ bán ra tại Việt Nam có thể đạt mức 21 triệu chiếc. Về doanh số, chỉ riêng trong quí III/2014 người tiêu dùng Việt đã bỏ ra khoảng 12.000 tỉ đồng mua sắm ĐTDĐ. Với mức tăng trưởng đều 2 con số mỗi năm, thị trường ĐTDĐ Việt Nam sẽ sớm đạt mốc doanh số 2 tỉ USD.

thị trường ĐTDĐ Việt Nam

Chỉ trong quí III/2014, gần 600 triệu USD được người dùng Việt chi cho mua sắm ĐTDĐ

Ngay cả Apple thường làm chảnh làm cao cũng đã phải nhìn nhận thị trường Việt là tâm điểm trong khu vực Đông Nam Á và họ bắt đầu quan tâm. Trước thời điểm ngày 14/11/2014 iPhone 6 và iPhone 6 Plus chính hãng được bán tại Việt Nam, có nhiều luồng thông tin đồn thổi rằng Apple sẽ chọn ngày này để ra mắt văn phòng đại diện và trước đó, Tim Cook đã có một chuyến ghé lại Việt Nam âm thầm và chớp nhoáng "gật đầu" cho việc này.

Khi Tim Cook nắm được con số trong báo cáo tài chính quí II/2014, doanh số bán iPhone tại thị trường Việt Nam đã tăng tới 262% (mới chỉ là thống kê từ kênh phân phối chính thức chứ khó mà tính được kênh phân phối xách tay với số lượng cũng không hề ít) thì việc tiếp tục lơ là thị trường Việt sẽ là xuẩn ngốc. Vì thế, việc ra mắt văn phòng đại diện của Apple tại Việt Nam là chuyện tất yếu xảy ra, chỉ là "táo khuyết" vốn quá kĩ tính nên tiến độ có thể diễn ra chậm hơn.

Người Việt đã bỏ ra 12.000 tỉ đồng mua sắm điện thoại trong đó khoản chi mua smartphone chiếm hơn 80%. Trong khi đó, theo dự báo của Công ty nghiên cứu thị trường IDC Việt Nam, lượng smartphone bán ra tại thị trường Việt năm 2014 có thể đạt mức 12 triệu chiếc, tăng trưởng 56%. Và ba cái tên hàng đầu có thể dễ dàng nêu ra được là Samsung, Nokia, Apple. Ba thương hiệu tốp đầu này đang tạo ra được sự cách biệt lớn khá vững chắc, còn lại mỗi thương hiệu trong tốp hai hay tốp ba khá chông chênh về chỗ đứng.

…không lẽ chưa hấp dẫn được Xiaomi?

Thị trường Việt Nam được xem là nhỏ so với các siêu thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ hay Nhật Bản. Nhưng so với các quốc gia khu vực Đông Nam Á, dung lượng thị trường điện thoại di động Việt Nam được dự báo đạt 21 triệu chiếc trong năm 2014 đã là có cỡ. Còn so với doanh số bán ra hơn 17 triệu chiếc điện thoại để giúp Xiaomi giành ngôi vị hãng điện thoại số 3 thế giới trong quí III/2014, thị trường Việt đủ tự tin là đã có sức hấp dẫn đối với bất cứ hãng điện thoại nào.

Ngoài những đồn đoán trong thời gian qua rằng Apple sẽ tổ chức sự kiện ra mắt iPhone 6 hay mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, thì trong năm 2014 thị trường điện thoại Việt Nam đã chứng kiến thêm nhiều chiến dịch… đổ tiền của vào quảng bá và bán hàng của các thương hiệu Trung Quốc như Gionee, OPPO… Theo một số nguồn tin, có thời điểm mỗi tháng OPPO chuẩn y khoản ngân sách đến 5 triệu USD cho marketing. Trong khi đó, Huawei, Alcatel (được thâu tóm bởi TCL của Trung Quốc) cho biết sẽ đẩy mạnh chiến dịch marketing với ngân sách cũng được tính theo đơn vị triệu USD nhằm tăng cường phân phối vào thị trường mở Việt Nam từ năm 2015.

Gần như những thương hiệu điện thoại hàng đầu của Trung Quốc, trong đó có những thương hiệu toàn cầu, đều đã lần lượt chính thức thâm nhập thị trường Việt Nam. Xiaomi đã có kế hoạch bước vào thị trường Việt và một số quốc gia khác nhưng đột ngột "hoãn chuyến". Trước thông tin này, có dư luận rằng hãng điện thoại Trung Quốc đang có chút e ngại trong việc mở rộng thị trường sau vụ tai tiếng thu thập thông tin và theo dõi người dùng một cách trái phép, đồng thời cũng chưa hoàn toàn tự tin chính thức bước vào thị trường Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc mưu đồ bá chủ biển Đông sẽ khiến người tiêu dùng Việt dần có xu hướng nói "không" với hàng hóa xuất xứ từ quốc gia này.

Thế nhưng theo một số trang tin quốc tế, trong lần "hoãn chuyến" vào thị trường Việt năm 2014 này, Xiaomi cũng "hoãn chuyến" vào một số thị trường khác như Nga, Thái Lan, Mexico, Thổ Nhĩ Kì và thậm chí cả Brazil để dồn lực tập trung phát triển và củng cố vị thế tại siêu thị trường Ấn Độ với dân số trên 1 tỉ người và thị trường số 1 Đông Nam Á là Indonesia với hơn 250 triệu người.

Ở thị trường Ấn Độ, Xiaomi đã đạt sự tăng trưởng ngoài mong đợi chỉ sau thị trường Trung Quốc. Từ mức doanh số 50.000 chiếc điện thoại mỗi tuần nay Xiaomi đã đạt mức 200.000 chiếc bán ra/tuần. Nếu tiếp tục làm tốt tại thị trường này, mỗi năm Xiaomi có thể đạt doanh số chục triệu chiếc điện thoại, buộc hãng này phải tính tới việc đặt nhà máy sản xuất để đáp ứng việc cung ứng hàng kịp thời. Sau Ấn Độ và Indonesia, Xiaomi mới tính tiếp tới Brazil (trên 200 triệu dân) và Nga (hơn 145 triệu dân), và tiếp đến là các quốc gia còn lại trong danh sách 10 thị trường mà Xiaomi đã lên kế hoạch, trong đó có Việt Nam (khoảng 90 triệu dân).

xiaomi

Xiaomi đang đặt ưu tiên vào thị trường Ấn Độ và Indonesia

Với một hãng điện thoại non trẻ mới hơn 4 năm tuổi như Xiaomi, việc tăng trưởng nóng tại thị trường Trung Quốc đại lục trong thời gian qua vô hình chung khiến họ không tập trung đủ nguồn lực cần thiết để dàn ra trên khắp 10 thị trường hải ngoại cùng trong một khoảng thời gian ngắn. Xiaomi vươn lên số 3 thế giới trong quí II/2014, vượt qua cả Lenovo (trước khi hoàn tất sáp nhập mảng ĐTDĐ của Motorola), Sony, HTC, LG, Huawei.v.v…, nhưng rõ ràng còn non về kinh nghiệm tại thị trường quốc tế so với nhiều đối thủ cạnh tranh khác, và điều này sẽ ảnh hưởng nhất định đến việc thực hiện tham vọng trở thành hãng điện thoại số 1 toàn cầu trong từ 5-10 năm tới của họ.

Việc Xiaomi "hoãn chuyến", theo tôi không phải vì thị trường Việt hay Brazil, Nga, Mexico, Thái Lan… thiếu hấp dẫn mà xuất phát từ nguyên nhân nội tại của hãng này, "lực bất tòng tâm" trong thời điểm hiện tại. Hiện việc cung ứng sản phẩm cho tất cả các thị trường của Xiaomi đều bắt nguồn từ nhà máy tại Trung Quốc gây nên hạn chế về nguồn hàng và tiến độ cung ứng sản phẩm. Đây chính là nguyên nhân lớn nhất khiến Xiaomi phải điều chỉnh kế hoạch mở rộng thị trường ra nước ngoài.

Với một thị trường điện thoại có dung lượng cỡ trung như Việt Nam, một khi đã có 3 tên tuổi lớn Samsung, Nokia, Apple án ngữ, trong khi tốp dưới với tập hợp đông đúc các thương hiệu Việt, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Đức… tạo ra một không gian cạnh tranh chật chội, thì ngay cả một thương hiệu đang lên đầy sung sức như Xiaomi bước vào cũng không dễ cầm chắc phần thắng.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác