VnReview
Hà Nội

Những nhà phát minh nông dân và bài toán nhân rộng sáng kiến nhà nông (phần 1)

Nước ta có rất nhiều nông dân không được đào tạo bài bản nhưng đã tự mày mò nghiên cứu chế tạo được nhiều loại máy giúp cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất nông nghiệp. Mời bạn đọc cùng gặp gỡ một vài gương mặt nhà nông sáng tạo tiêu biểu và tìm hiểu các thách thức cần giải quyết để triển khai rộng rãi và nâng cao chất lượng các sáng chế nông dân qua loạt bài 2 phần dưới đây.

< Sáng chế nông dân: Dùng điện thoại "cùi" đóng ngắt điện

< Những nhà khoa học không chuyên cần được xác lập vị trí

< Thuyền năng lượng mặt trời cải tiến của nông dân Đồng Tháp

< Nông dân phun thuốc, tưới cây… chỉ bằng điện thoại "cùi bắp"

Phần 1: Những nhà phát minh nông dân tài năng và các khó khăn trong việc nhân rộng sáng chế nhà nông

Những nhà phát minh nông dân tài năng

Anh Lê Hữu Minh 39 tuổi ở thị xã Hương Trà, Thừa Thiên – Huế đã chế tạo ra máy ép dầu đậu phụng (lạc) và dầu mè bằng thủy lực, máy xay nghệ tươi... cùng một số loại máy khác. Anh Minh chỉ học hết lớp 8 nhưng sinh ra trong gia đình có truyền thống sản xuất cơ khí nông cụ. Từ năm 16 tuổi, anh đã theo nghề cơ khí dưới sự chỉ dẫn của bố và tiếp quản cơ sở cơ khí gia đình vào năm 2009 sau khi bố anh qua đời, tiếp tục duy trì sản xuất cho đến nay.

Máy ép dầu phộng - dầu mè được anh Minh nghiên cứu thành công từ 2014-2015, hoạt động với công suất ép 1,5 tấn lạc/ngày giúp tiết kiệm nhân công và chi phí mua thiết bị tương tự trên thị trường. Đến nay, anh đã bán hơn 10 máy theo đơn đặt hàng của các nông dân ở Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, giá mỗi máy từ 45-75 triệu đồng/máy tùy công suất.

Năm 2016, anh Minh tiếp tục thành công với máy xay nghệ tươi cho công suất 5 tạ đến 1 tấn nghệ/ngày có giá thành từ 5-10 triệu đồng. Hai sáng chế hữu ích máy ép dầu phộng - dầu mè bằng thủy lực và máy xay nghệ tươi của anh Minh đã được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu thị xã Hương Trà năm 2017 và giúp anh được chọn vào nhóm 18 nhà sáng chế trẻ nhất tại buổi gặp mặt và vinh danh các nhà sáng chế không chuyên tiêu biểu Thừa Thiên Huế năm 2017. Ngoài hai loại máy trên, xưởng cơ khí của anh Minh hàng năm còn cung cấp cho thị trường cả nước hàng trăm máy bóc vỏ lạc, mè; máy sàng lạc, giàn cày lưỡi; sửa chữa các loại máy móc nông nghiệp, máy xay bắp, sắn khô, xay bánh dầu… Từ xưởng cơ khí này, mỗi năm anh Minh có thu nhập hơn 1 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 4 lao động với thu nhập ổn định từ 4-6 triệu đồng/tháng/người.

Anh Minh bên chiếc máy ép dầu phộng – dầu mè bằng thủy lực (Ảnh: Tuấn Nguyễn - Khoa học Phát triển)

Một nhà phát minh khác có thể được xếp vào loại tài năng nhất trong các nhà phát minh nông dân ở Việt Nam, từng được người Mỹ mời về làm việc với mức lương hơn trăm triệu mỗi tháng, đó là anh Phạm Văn Hát sinh năm 1972 ở Tứ Kỳ, Hải Dương. Anh Hát cũng chỉ học hết lớp 7 rồi lên thành phố xin vào một xưởng cơ khí vừa học vừa làm. Khi có chút kiến thức, anh Hát lại về quê mở xưởng cơ khí riêng. Trong giai đoạn 2007-2010, anh thuê thêm đất tham gia trồng rau sạch nhưng thiếu kinh nghiệm và bị nhà buôn lừa đảo nên anh và gia đình vỡ nợ 3 tỷ đồng. Anh Hát vẫn liều mượn thêm 200 triệu đồng nữa để đi xuất khẩu lao động, với hy vọng học hỏi công nghệ trồng rau sạch ở quốc gia có trình độ nông nghiệp tiên tiến như Israel.

Sang Israel làm thuê ở một trang trại, thấy việc làm nông ở quốc gia rất hiện đại như Israel vẫn còn nhiều công đoạn thủ công và một người phải làm việc đến 10 tiếng/ngày, anh Hát đề xuất với ông chủ trang trại ý định chế tạo một chiếc máy rải phân. Được ông chủ đồng ý và cấp vốn nghiên cứu, chỉ sau vài tháng, anh Hát đã chế tạo thành công máy rải phân đạt hiệu quả rất tốt khi thử nghiệm trên các cánh đồng ở Israel. Anh được thưởng hơn 200 triệu đồng Việt Nam và sáng chế của anh được chính phủ Israel ghi nhận, mua bản quyền sản xuất hàng loạt cho nông dân toàn quốc.

Sau đó, anh Hát đã chế tạo thêm một số loại máy khác như máy dọn rau, máy cắt rau, cắt hành, máy phân chia luống… tất cả đều đạt kết quả tốt khi đưa vào hoạt động. Anh được chủ tăng lương nhưng lúc đó thì anh quyết định quay về Việt Nam để theo đuổi đam mê chế tạo máy nông nghiệp phục vụ quê hương.

Sau khi về Việt Nam, anh Hát đã chế tạo thêm nhiều loại máy khác cũng rất thành công trong sản xuất nông nghiệp. Tiêu biểu như máy đặt hạt giúp giảm tải ngày công lao động đồng thời nâng cao năng suất gieo hạt, vì vậy còn được gọi là robot đặt hạt. Tùy vào từng cánh đồng, robot có thể đặt hạt chính xác ở khoảng cách 2 hoặc 3cm và thay thế cho khoảng 40 người làm việc. Robot này được anh Hát bán với giá 35-40 triệu (rẻ hơn nhiều so với các thiết bị nhập khẩu có chức năng tương tự), xuất sang 14 nước như Đức, Mỹ, các nước trong khu vực ASEAN như Singapore, Thái Lan. Robot đặt hạt đã giúp anh Hát giành giải cao tại các hội thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh Hải Dương và toàn quốc những năm 2012, 2013, nhận Huân chương lao động tại Đại hội nông dân toàn quốc lần IV giai đoạn 2010-2015.

Anh Hát thống kê mình đã sáng chế và cải tiến được trên 15 loại máy móc, ngoài các máy nêu trên còn có những máy như: máy cày hai lưỡi, bốn lưỡi, máy bỏ phân…

Một điều đặc biệt ở anh Hát là anh đã hai lần từ chối những cơ hội làm việc ở nước ngoài trong môi trường tiên tiến với mức lương rất cao. Khi còn ở Israel, anh Hát đã được ông chủ tăng lương lên gấp 2,5 lần, từ 1.000 USD lên 2.500 USD bằng hơn 60 triệu tiền Việt Nam hàng tháng, nhưng đó cũng là lúc anh quyết định về nước. Sau khi về Việt Nam và sáng tạo thêm nhiều loại máy khác, anh Hát lại nhận được lời mời làm việc của một tập đoàn Mỹ với mức lương 140 triệu đồng/tháng. Anh đã từ chối cả hai cơ hội trên vì muốn đóng góp ngay trên quê hương, giúp đỡ các nông dân khác cùng đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển lên những tầm cao mới.

Anh Phạm Văn Hát giới thiệu máy cày 3 lưỡi (Ảnh: Nguyễn Ánh)

Ngoài các nông dân có nền tảng kinh nghiệm cơ khí nhất định như anh Minh, anh Hát thì cũng có rất nhiều trường hợp "kỹ sư" nông dân hoàn toàn không bằng cắp, không kinh nghiệm chuyên môn mà dấn thân vào chế tạo máy móc và thành công trong lĩnh vực mới. Như;ông Nguyễn Văn Chế sinh năm 1962 ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương chỉ học hết lớp 7/10 (hệ 10 năm), chưa từng được đào tạo về cơ khí nhưng cũng đã có nhiều sáng chế hữu ích. Sáng chế nổi tiếng nhất của ông Chế là lưỡi cày lên luống được ra đời sau một năm nghiên cứu từ 2008-2009.

Lưỡi cày của ông Nguyễn Văn Chế là một lưỡi cày đa năng, vừa cày được vừa lên luống được với những luống đều nhau được tạo ra khi sử dụng cùng với máy cày lật đất. Lưỡi cày có thể được điều chỉnh nâng lên, hạ xuống cho phù hợp với độ cao thấp của luống đất. Theo thống kê, lưỡi cày đa năng của ông Nguyễn Văn Chế giúp nông dân giảm 50-60% chi phí làm đất (200.000 - 210.000 đồng/sào), giảm nhân công, thời gian làm đất trong vụ đông. Mỗi năm, xã Nam Trung quê ông Chế trồng gần 200ha cây vụ đông thì có thể tiết kiệm trên 1 tỉ đồng công lao động, rút ngắn thời gian làm đất 10-15 ngày/vụ khi sử dụng lưỡi cày mới. Nhờ vậy, sản phẩm này rất phổ biến ở các tỉnh có phong trào làm vụ đông mạnh như Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hòa Bình... và đến nay đã xuất hiện trên 63 tỉnh thành cả nước với giá 1 triệu đồng/cái. Lưỡi cày đa năng đã được nhận các giải thưởng Khoa học công nghệ, giải thưởng trong Hội nghị khoa học kỹ thuật của tỉnh Hải Dương.

Ngoài lưỡi cày lên luống, ông Nguyễn Văn Chế còn có những sáng chế khác góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất cho bà con nông dân như: Máy phay thái hành tỏi, máy sử dụng quạt gió tỏa nhiệt giúp cho việc sơ chế hành tỏi… Những phát minh thiết thực này không chỉ đem lại cho ông Chế danh hiệu "vua sáng chế" trong mắt bà con nông dân mà còn giúp ông mở được xưởng sản xuất tại nhà, tạo việc làm cho 8 lao động với thu nhập trung bình 5 triệu đồng/tháng.

Các ảnh chụp ông Chế và sáng chế thành công đầu tiên: lưỡi cày lên luống (Nguồn: Lao Động)

Một số sáng chế nông dân khác:

 

Những khó khăn trong việc phát huy, nhân rộng các sáng chế nhà nông

Nguyện vọng của các nhà sáng chế nông dân

Ba gương mặt trên chỉ là một vài trong rất nhiều nhà phát minh nông dân ở nước ta từng được báo đài đưa tin. Không nghiên cứu bài bản, dài hạn như các nhà khoa học chuyên nghiệp mà tất cả các nhân tài không chuyên này đều chế tạo, cải tiến máy móc xuất phát từ nhu cầu của cá nhân, gia đình mình, làm những gì mình cần và có thể ứng dụng thực tiễn ngay trong công việc canh tác, trồng trọt hàng ngày. Mọi nhà khoa học nông dân đều có chung nguyện vọng là nhân rộng các sáng kiến của mình nhưng còn gặp nhiều khó khăn, chưa được sự hỗ trợ hợp lý từ các cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Văn Chế chia sẻ: Nông dân như chúng tôi thực sự đang làm khoa học theo kiểu "tay không bắt giặc", cố gắng duy trì sản xuất theo đơn đặt hàng. Ông Chế bày tỏ khó khăn là muốn vay ngân hàng mở rộng sản xuất đại trà thì phải có thế chấp. Muốn chủ động thị trường đầu ra chứ không trông đợi sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng và tạm thời chỉ sản xuất theo nhu cầu khách hàng cũng là quan điểm của anh Minh trên báo Khoa học và phát triển.

Còn băn khoăn của anh Phạm Văn Hát là đăng ký bằng sáng chế. Trả lời phỏng vấn Vietnamnet, anh Hát cho biết ban đầu mình đã nhiều lần đi đăng kí nhưng vẫn chưa được. Sau này, nhờ báo đài, tin tức về anh được nhiều người biết đến hơn và anh đã được bộ Khoa học Công nghệ cử cán bộ tới hướng dẫn thủ tục và hỗ trợ anh đăng kí bản quyền. Theo anh Hát, việc đăng ký bản quyền tác chế ở Việt Nam rất khó khăn vì việc tuân thủ các yêu cầu mô hình, bản kê khai của các cơ quan hữu quan không phải là dễ dàng với người không được đào tạo cơ khí bài bản mà chỉ học nghề như anh. Trong khi đó, ở các nước đã có người mua máy của anh, việc đăng ký bản quyền sáng chế dễ dàng hơn nhiều, chỉ cần có máy và bằng chứng hiệu quả, thay thế được bao nhiêu người thì sáng chế đã được công nhận.

Như các nhà phát minh nông dân khác, anh Hát cũng muốn liên kết với một doanh nghiệp để sản xuất đại trà nhưng còn lo lắng việc có thể mất bí quyết. Nhiều loại máy do anh sáng tạo đã bị làm nhái. Có nơi đặt hàng máy của anh, lại mang mẫu đó đặt chỗ khác làm rồi bán với tên anh. Vì vậy, anh Hát phải liên tục cải tiến thiết kế và sau này trong các mẫu máy mới, anh thường đưa thêm bí quyết vào để không ai có thể tháo ra sao chép lại được (anh tặng thêm cho người mua các phụ kiện bên ngoài đơn giản dễ thay thế khi máy hư hỏng).

Ý kiến của các doanh nghiệp, nhà quản lý

Trên đây là ý kiến của những người nông dân trực tiếp tham gia sáng tạo máy móc. Còn quan điểm của các doanh nghiệp, nhà quản lý về vấn đề triển khai sáng chế, sáng kiến của nông dân trên quy mô lớn như thế nào?

Tại một hội thảo về giải pháp thúc đẩy hoạt động sáng kiến, sáng chế nhà nông do Cục Sở hữu trí tuệ và Sở Khoa học công nghệ TP.HCM đồng tổ chức năm 2012, nhiều đại biểu cùng chia sẻ quan điểm là các sáng kiến, sáng chế của nhà nông chưa được xem trọng đúng mức.

Theo giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo Cục Sở hữu trí tuệ Nguyễn Văn Bảy, các sáng kiến cải tiến kỹ thuật của nhà nông chỉ sử dụng trong gia đình hoặc địa phương nên chưa được các cơ quan nhà nước nắm bắt và đánh giá chính thức. Đó cũng là ý kiến của nguyên bộ trưởng Bộ Khoa học-công nghệ Nguyễn Quân trong một lần trả lời phỏng vấn báo Vietnamnet. Ông cho rằng, nhiều nơi người dân "lặng lẽ nghiên cứu" vì các nghiên cứu của họ có thể chỉ gắn với một công việc cụ thể hàng ngày nên họ suy nghĩ đơn giản là không cần tốn kém, không mất nhiều thời gian và công sức. Họ làm và sử dụng trong cuộc sống, phổ biến cho cộng đồng. Rất nhiều người e ngại vì cảm thấy để có hỗ trợ của Nhà nước không phải đơn giản.

Theo nguyên bộ trưởng, hiện vẫn chưa có kênh nào để ngân sách Nhà nước hỗ trợ kịp thời và trực tiếp cho sáng chế người dân. Về quy định pháp luật, đã có nghị định 13/2012 của Chính phủ về sáng kiến mới và Thông tư 18 (Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN ngày 1.8.2013) được ban hành nhưng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể do vướng mắc từ luật Ngân sách Nhà nước. Do đó, nghị định 13 chỉ có trên giấy tờ chứ chưa được thực thi trên thực tế, hầu hết các tỉnh thành đều chưa triển khai được các hoạt động đánh giá, công nhận sáng kiến theo quy định mới.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học-công nghệ Nguyễn Quân (Ảnh: Quý Đoàn)

Tại hội thảo của Cục sở hữu trí tuệ, nhiều nông dân và doanh nghiệp cũng cho rằng việc phát huy nhân rộng sáng kiến nhà nông còn gặp vướng mắc ở nhiều khâu: thủ tục đăng ký bản quyền, thời gian thẩm định hồ sơ đăng ký bằng sáng chế quá dài, thông tin không xuyên suốt giữa 3 nhà: nhà quản lý, nhà nông, doanh nghiệp. Nếu không khéo thì "thủ tục lại là nguyên nhân triệt tiêu niềm say mê nghiên cứu, sáng tạo của nông dân", lời giám đốc một công ty nuôi trồng nấm dược liệu ở TP.HCM đã nộp hồ sơ xin cấp bằng sáng chế khá lâu, đến 2 năm vẫn chưa nhận được kết quả.

Ở góc độ luật pháp, theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch Công ty luật SB law ở Hà Nội: Luật sở hữu trí tuệ quy định, tổng thời gian từ khi nộp đơn đăng ký sáng chế đến khi được cấp văn bằng bảo hộ sáng chế là 38 tháng, chưa kể các trường hợp hồ sơ bị trục trặc. Thời gian này dài gấp 3 lần so với các đối tượng khác như đăng ký nhãn hiệu. Do đó, nhiều trường hợp khi có được văn bằng bảo hộ thì sáng chế thực tế đã trở nên lạc hậu hoặc bị làm nhái tràn lan. Quy trình thẩm định quá dài không những tạo kẽ hở mà còn khiến các nhà sáng chế nản lòng. Luật cũng có những quy định để bảo vệ sáng chế trong khi chờ được cấp bằng chính thức như được hưởng quyền được bảo hộ tạm thời, quyền tạm thời đối với sáng chế… nhưng các quy định này đều chưa đủ mạnh.

Do đó, lời khuyên của luật sư Hà cho các nhà sáng chế là, trước khi nghiên cứu xây dựng giải pháp cải tiến kỹ thuật, để tránh trùng lặp và mất thời gian công sức tìm giải pháp cho vấn đề đã có, người sáng chế cần tra cứu dữ liệu thông tin sáng chế. Khi nộp đơn đăng ký để được Nhà nước cấp bằng độc quyền sáng chế, người sáng chế nên nhờ các luật sư có kinh nghiệm hỗ trợ viết các bản mô tả, yêu cầu bảo hộ và các tài liệu liên quan để tránh sai sót làm kéo dài thời gian thẩm định. 

Linh Trần (tổng hợp)

(còn tiếp)

Chủ đề khác