VnReview
Hà Nội

Những nhà khoa học không chuyên cần được xác lập vị trí

Toàn văn các Dự thảo văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã được đưa lên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và được đăng tải rộng rãi trên các báo, nhằm lấy ý kiến đóng góp từ người dân, chuẩn bị trình Đại hội XII của Đảng. Trước sự kiện quan trọng này của đất nước, VnReview xin đăng tải ý kiến của tác giả Đ.Ngọc với góp ý xác đáng về việc nên công nhận những đóng góp của các nhà khoa học không chuyên đối với nền khoa học công nghệ nước nhà và đưa vào dự thảo văn kiện như một nội dung thiết yếu cần phải có để xác lập vị trí của họ.

---------

Tôi đã đọc Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng lần thứ XII và dừng lại khá lâu ở phần VI- Phần nói về phát triển Khoa học-Công nghệ. Mặc dù đã đọc khá kỹ song tôi chưa thấy những nhà khoa học nông dân được đề cập tới ở phần này, mặc dù trong thực tế họ đã có những đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Những nhà khoa học không chuyên đã trở thành một lực lượng

Hàng ngày, qua các phương tiện truyền thông vẫn thấy xuất hiện hình ảnh, tin tức về những người sáng chế ra những cỗ máy phục vụ cho sản xuất, lai tạo ra những loại giống cây mới có năng xuất cao, có các sáng kiến cải tiến các mô hình, quy trình nuôi trồng cho năng suất cao hơn... Người ta gọi họ là những nhà sáng chế "chân đất", còn trong văn bản chính thức của Nhà nước thì gọi là "những nhà khoa học không chuyên". Nhiều sản phẩm, nghiên cứu của những nhà sáng chế không chuyên đã được đưa vào ứng dụng rộng rãi, vươn ra thị trường mạnh mẽ, thậm chí một số sản phẩm máy phục vụ nông nghiệp còn được xuất sang nước ngoài.

Có thể kể đến một số cá nhân: ông Lương Minh Đồng, 59 tuổi, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam đã tạo ra chiếc máy cày đa năng từ mảnh bom và các vật liệu khác; ông Nguyễn Văn Dũng, tỉnh Tây Ninh, chỉ học đến lớp 3 nhưng đã chế tạo được máy phun thuốc nông nghiệp, máy phóng lúa, gặt đập liên hợp có khả năng giải phóng sức lao động tương đương 50 người; anh Trần Đại Nghĩa, huyện Tiền Hải, Thái Bình chế tạo thành công máy cấy không động cơ; anh Ngô Thái Nguyên, ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa chế tạo cỗ máy để xử lý rác thải và một công nghệ xử lý rác thải của riêng anh, mang lại hiệu quả cao; anh Trần Văn Thành ở Bến Tre với chiếc máy phát điện từ sức gió, tạo ra nguồn điện đủ dùng cho nhiều thiết bị trong nhà, như tivi, quạt, bóng điện; ông Nguyễn Tấn Biền ở Ninh Hòa, Khánh Hòa, làm ra máy bóc tách vỏ đậu có khả năng bóc tách 100 - 120 kg hạt/giờ; ông Dương Văn Thuận, xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang đã chế tạo thành công bộ phụ kiện phun thuốc bảo vệ thực vật đa năng; anh Huỳnh Thái Dương, ở Phan Thiết, Bình Thuận chế tạo được máy bóc vỏ, tách hạt bắp; anh Lê Văn Trung, tỉnh Vĩnh Long, trong một lần sang Nhật Bản đã mua được 100 hạt giống đậu bắp xanh về kiên trì nhân lai tạo giống trong suốt 2 năm đã tạo ra một giống đậu bắp năng suất cao, phù hợp với đất đai ở địa phương; ông Đào Viết Thoàn - thương binh hạng 1/4 - nổi tiếng với công nghệ bào chế thuốc mỡ sinh cơ chữa bỏng, đã giúp hơn 20.000 người khỏi bệnh và miễn phí nhiều tỉ đồng tiền thuốc cho gần chục ngàn bệnh nhân nghèo.

máy cấy lúa không động cơ

Máy cấy không động cơ của anh Trần Đại Nghĩa đang nhận được đặt hàng từ khắp nơi trên cả nước

Những nhà sáng chế không chuyên còn phát minh ra những thiết bị thông minh: anh Võ Văn Phước, xã Phú Đức, huyện Tam Nông, Đồng Tháp sáng chế máy vét mương, phun thuốc sâu, điều khiển từ xa, không người lái; anh Nguyễn Văn Thanh ở Lâm Đồng đã sáng chế thành công thiết bị chống trộm, được kết nối với điện thoại di động; anh Trần Thanh Tuấn (ấp Trung Nhì, xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) sáng chế máy phun thuốc điều khiển từ xa có thể di chuyển không đạp trên lúa, không bị lún trên đất bùn nhão, đặc biệt đạt công suất phun rất cao 10ha/ngày, phù hợp với những cánh đồng lớn, máy do anh sáng chế đã có khách hàng ở Lào đặt mua. Có những sản phẩm của những nhà khoa học không chuyên với kết cấu phức tạp, có thể ứng dụng trong những lĩnh vực đặc biệt như máy nâng hạ, thậm chí tàu ngầm, xe tăng...

máy phun thuốc sâu

Anh Trần Thanh Tuấn với chiếc máy phun thuốc sâu tự chế, đã xuất khẩu được sang Lào

Trên đây là những liệt kê đơn cử về những sáng chế, cải tiến khoa học, kỹ thuật của những nhà khoa học không chuyên. Còn rất nhiều những cá nhân có sáng chế, cải tiến khác không thể kể hết được. Phong trào sáng chế, cải tiến kỹ thuật trong lao động, sản xuất đã lan tỏa ra xã hội và ngày càng xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm mới, gương điển hình về ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Vì thế, tôi cho rằng, những nhà khoa học không chuyên đã trở thành "một lực lượng trong xã hội", một nguồn lực khoa học của đất nước.

Cần bổ sung vào Dự thảo Báo cáo chính trị

Trong buổi gặp gỡ những nhà khoa học không chuyên mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đánh giá cao các thành quả sáng tạo của các nhà sáng chế này, bằng nỗ lực lao động nghiêm túc, bền bỉ và niềm đam mê đối với khoa học, họ đã tạo ra các sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị được ứng dụng trong sản xuất và đời sống, tiết kiệm chi phí, thời gian, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ, phục vụ thiết thực đời sống sinh hoạt của người dân. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói: "Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng sự phát triển, nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt coi trọng phát huy tính năng động, sáng tạo, sáng kiến trong nhân dân để xây dựng, bảo vệ đất nước".

thủ tướng nguyễn tấn dũng với các nhà sáng chế không chuyên

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các nhà sáng chế không chuyên

Nhưng đọc Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI đưa ra lấy ý kiến toàn dân, phần về Phát triển và ứng dụng Khoa học, công nghệ không thấy có câu chữ nào đề cập tới lực lượng khoa học không chuyên này. Vì vậy tôi kiến nghị: Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng cần bổ sung một vài từ, hay một câu về "lực lượng khoa học không chuyên" vào Phần 1-Tình hình, Phần 2-Phương hướng, nhiệm vụ thuộc Phần VI của Dự thảo Báo cáo chính trị. Câu chữ cụ thể cần bổ sung vào phần này như thế nào do Ban soạn thảo văn kiện, nhưng cần có những đánh giá về "lực lượng khoa học không chuyên" và trong phương hướng, nhiệm vụ họ cần phát huy như thế nào?

Theo thiển nghĩ của mình, tôi xin đề xuất:

Ở Phần 1-Tình hình, câu "Thị trường khoa học, công nghệ đã hình thành và bước đầu phát huy tác dụng" có thể bổ sung thành: "Thị trường khoa học, công nghệ, trong đó có lực lượng khoa học không chuyên, đã hình thành và bước đầu phát huy tác dụng".

Phần 2-Phương hướng và nhiệm vụ, thêm câu: "Tạo môi trường thuận lợi cho những sáng chế không chuyên" vào trước, hoặc sau câu: "Huy động mạnh mẽ nguồn vốn xã hội và các nguồn vốn nước ngoài đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ".

Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng toàn quốc được ví như "Bộ luật gốc". Có được một câu, hay vài chữ nhận định về lực lượng khoa học không chuyên trong Báo cáo đó, nghĩa là vị trí của lực lượng khoa học không chuyên đã được xác lập, Đảng đã nhìn nhận rõ vai trò đóng góp của họ và phát huy lực lượng này trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ta. Tôi nghĩ, để thực hiện được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, phải phát huy được tài nguyên trí tuệ của người Việt Nam, năng lực sáng tạo của nhân dân - nguồn tài nguyên vô tận mà càng khai thác, sử dụng thì càng thêm giàu có, phong phú.

Đ. Ngọc

Chủ đề khác