VnReview
Hà Nội

Làm thế nào sao lưu dữ liệu an toàn đối với doanh nghiệp?

Với các doanh nghiệp, việc sao lưu dữ liệu thường xuyên là rất quan trọng, bởi dữ liệu doanh nghiệp liên tục được cập nhật và tăng trưởng về khối và lượng theo thời gian cũng như rất dễ gặp rủi ro mất dữ liệu. Bảo vệ dữ liệu là việc thiết yếu đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Tiếp theo bài viết Làm thế nào để sao lưu dữ liệu an toàn - Phần 1 hướng dẫn sao lưu dữ liệu cá nhân, VnReview tiếp tục giới thiệu các phương pháp sao lưu dữ liệu đối với doanh nghiệp.

2/ Các phương pháp sao lưu cho các doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn:

a/ Phương pháp "Ổ cứng mạng" dành cho các doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình:

Trong phần này, tôi sẽ giới thiệu với các bạn một phương pháp khá hữu hiệu cho các công ty vừa và nhỏ hoặc thậm chí xoay quanh các thành viên trong một hộ gia đình kinh doanh. Đó là phương pháp truy xuất dữ liệu từ "ổ cứng mạng".

WD My Book Live có khả năng kết nối nhiều thiết bị trong cùng một mạng gia đình với chi phí thấp và khả năng truy xuất từ xa hiệu quả.

- Tại sao chúng ta cần đến "ổ cứng mạng"?

Trong một số trường hợp, lưu trữ đám mây có thể sẽ không còn là giải pháp thực tế nữa. Nếu bạn thường xuyên "đối mặt" với các tập tin dung lượng lớn, liệu rằng băng thông Internet có đủ để sao lưu dữ liệu trực tuyến của bạn hay không? Dữ liệu do các nhà cung cấp lưu trữ đám mây có đủ lớn để bạn chia sẻ tài nguyên không? Lưu trữ đám mấy không thích hợp với việc lưu trữ và chia sẻ dữ liệu lớn, khi người làm việc chung với bạn muốn tải hoàn tất dữ liệu bạn gửi cũng phải mất một khoảng thời gian không hề nhỏ.

- Giải pháp "ổ cứng mạng"

Một trong những ổ cứng được sử dụng trao đổi dữ liệu, thông tin của nhau trong cùng một mạng khá quen thuộc với người dùng là ổ cứng WD My Book Live (của hãng Western Digital).

Khi nghe đến từ "mạng" trong "ổ cứng mạng", các bạn có thể hiểu rằng cách thức hoạt động cũng không khác nhiều so với dịch vụ Dropbox, MediaFire hay Google Drive thông dụng, chỉ khác ở chỗ là người dùng có toàn quyền kiểm soát, điều khiển, sao lưu thông tin chung an toàn, tải dữ liệu riêng, trao đổi dữ liệu với những người khác… trong mạng nội bộ của mình thay vì phụ thuộc vào Internet và nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến.

Để sử dụng, bạn chỉ cần kết nối ổ cứng mạng WD My Book Live;với thiết bị định tuyến mạng nội bộ (Modem, router hay switch). Sau đó truy cập vào mạng nội bộ để lấy dữ liệu từ ổ cứng này thông qua máy tính (Windows và Mac OS X) hoặc truy xuất dữ liệu từ xa với các ứng dụng chuyên biệt trên các thiết bị di động (Android, iOS, Windows Phone) – hay chúng ta gọi với tên gọi khác là WD My Cloud, My Cloud EX2, My Cloud EX4.

Ổ cứng WD My Book Live có các mức dung lượng: HDD WD My Book Live 1TB (WDBACG0030HCH), Western My Book Live 2TB (WDBACG0020HCH), WD My Book Live 3TB (WDBACG0010HCH)

Với nhu cầu lưu trữ cho NAS thì My Book Live vẫn còn hạn chế về dung lượng, Dòng HDD My Book Live Duo sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo cho bạn với mức dung lượng tối đa 4TB, 6TB, 8TB, hỗ trợ RAID 1 đảm bảo an toàn cho dữ liệu.

  

Ổ cứng mạng WD My Cloud sử dụng như một NAS thông thường nhưng cho phép truy xuất nội dung từ xa thông qua internet.

WD My Cloud là ổ cứng mạng được phát triển từ phiên bản My Book Live dùng kết nối Ethernet 1 Gigabit và có thêm 1 cổng USB 3.0 mở rộng dùng để kết nối đến 1 ổ cứng khác để mở rộng thêm dung lượng tối đa đến 4TB, hoặc kết nối trực tiếp đến các thiết bị lưu trữ như thanh nhớ flash, máy ảnh, máy quay… để sao chép dữ liệu. Giờ đây WD đã phát triển thêm ứng dụng cho smartphone và máy tính bảng Android/ iOS cũng như phần mềm cho PC/MAC nhằm giúp khách hàng có thể truy xuất dữ liệu của mình ở bất cứ đâu khi đang truy cập vào Internet. Nhờ vậy mà bạn có thể cố định ổ cứng tại nhà, trong khi vẫn truy xuất vào dữ liệu từ văn phòng làm việc từ xa thông qua kết nối Internet.

Việc đầu tiên bạn cần làm là phải có một "đám mây lưu trữ cá nhân" trong hệ thống mạng nội bộ của mình. Bằng việc tạo đám mây cá nhân, bạn có thể lưu trữ phương tiện truyền thông và các tập tin trên ổ cứng và truy cập chúng an toàn qua Internet với bất kỳ máy tính nào. Bảo vệ dữ liệu với sao lưu không dây cho tất cả các PC và các máy tính Mac trên mạng gia đình hay văn phòng. Đi kèm theo phần cứng là các ứng dụng di động được cung cấp miễn phí từ WD (như WD 2GO, WD PHOTOS) để dễ dàng truy cập để chia sẻ và tải lên hình ảnh và video trực tiếp đến đám mây cá nhân dử dụng smartphone hoặc máy tính bảng.

WD 2GO:

Bạn luôn được kết nối với đám mây cá nhân, tiết kiệm không gian trên các thiết bị iOS với việc tải trực tiếp dễ dàng các hình ảnh, video tới đám mây cá nhân, sau đó truy cập an toàn và chia sẻ dữ liệu từ bất cứ đâu. Ngoài việc hỗ trợ UPnP/DLNA, My Cloud còn có khả năng đồng bộ với các dịch vụ đám mây như Dropbox, OneDrive… khả năng tạo nhiều tài khoản của người sử dụng, đồng thời phân quyền truy xuất dữ liệu cho những thư mục của từng người sử dụng.

WD PHOTOS:

WD Photos hỗ trợ khả năng tự động sao lưu khi người dùng chụp những bức ảnh mới. Việc thiết lập để truy xuất từ xa rất đơn giản, người dùng chỉ cần cài phần mềm trên di động và nhập mã code trong trình điều khiển chính của ổ cứng. Phần mềm khi truy xuất từ xa sẽ được mã hoá theo chuẩn AES 128-bit.

Lưu ý: Các thiết bị WD: My Net N900 Central HD, My Book Live hay My Book Live Duo lưu trữ đám mây cá nhân với firmware mới nhất, kết nối tới Internet. iPhone, iPad, iPod touch với iOS 4.3 hoặc mới hơn.

WD My Cloud hiện có 3 phiên bản từ 2TB, 3TB đến 4TB với giá bán lần lượt là 3,95 triệu đồng, 4,89 triệu đồng và 6,39 triệu đồng. Trước đó hãng cũng giới thiệu My Cloud Ex4 cho gia đình và văn phòng nhỏ với nhu cầu sử dụng cao hơn nhờ thiết kế 4 khay ổ cứng, đáp ứng khả năng lưu trữ và tuỳ chọn thêm nhiều tính năng cho doanh nghiệp.

Bảng so sánh một số sản phẩm ổ cứng mạng hiện có trên thị trường của Western Degital:

b/ Phương pháp sao lưu, lưu trữ dữ liệu an toàn dành cho các doanh nghiệp lớn:

* Giải pháp DAS (Direct Attached Storage):

DAS (Direct Attached Storage) là giải pháp dùng gắn trực tiếp các thiết bị lưu trữ vào Server, bạn có thể dùng các bộ sao lưu băng từ (backup Tape), hoặc các ổ đĩa cứng gắn rời hoạt động nhờ các phần mềm tự động sao lưu. Thiết bị này kết nối trực tiếp với máy chủ và lập lịch cho các tác vụ lưu trữ, tạo các bản sao lưu dữ liệu cho hệ thống mạng nội bộ của mình.

Ưu điểm của giải pháp DAS là khả năng dễ lắp đặt, chi phí thấp, hiệu năng cao.

Tuy nhiên cũng có khuyết điểm là về lâu dài, khi nâng cấp hệ thống với dung lượng này thì dữ liệu sẽ bị chia nhỏ và phân tán trên các hệ thống khác nhau, gây khó khăn cho việc quản lý dữ liệu.

+Khả năng mở rộng hạn chế: Thực tế DAS làm việc rất tốt với một server nhưng khi dữ liệu tăng, số lượng máy chủ cũng tăng sẽ tạo nên những vùng dữ liệu phân tán và gián đoạn. Khi đó, nhà quản trị sẽ phải bổ sung hay thiết lập lại dung lượng, và công việc bảo trì sẽ phải thực hiện trên từng server. Điều đó sẽ làm tăng chi phí lưu trữ tổng thể cho doanh nghiệp và sẽ càng khó khăn hơn khi muốn sao lưu hay bảo vệ một hệ thống kho lưu trữ dữ liệu đang nằm rải rác và phân tán như vậy.

+ Trong môi trường DAS, khi một máy chủ chứa dữ liệu không hoạt động thì toàn bộ dữ liệu đó không thể sử dụng được.

* Giải pháp NAS (Network Attached Storage):

NAS (Network Attached Storage) là phương pháp lưu trữ dữ liệu sử dụng các thiết bị lưu trữ đặc biệt gắn trực tiếp vào mạng LAN như một thiết bị mạng bình thường (tương tự máy tính, switch hay router). Các thiết bị NAS cũng được gán các địa chỉ IP cố định và được người dùng truy nhập thông qua sự điều khiển của máy chủ. Trong một số trường hợp, NAS có thể được truy cập trực tiếp không cần có sự quản lý của máy chủ.

Trong môi trường đa hệ điều hành với nhiều máy chủ khác nhau, việc lưu trữ dữ liệu, sao lưu và phục hồi dữ liệu, quản lý hay áp dụng các chính sách bảo mật đều được thực hiện tập trung.

Ưu điểm khi sử dụng NAS:

+ Khả năng mở rộng: khi người dùng cần thêm dung lượng lưu trữ, NAS mới có thể được bổ sung và lắp đặt vào mạng.

+ Dễ quản lý thiết bị do mỗi thiết bị NAS sẽ được gán một số IP cố định.

+ Tùy theo thiết bị có thể lưu trữ mà không cần máy chủ quản lý.

+ Dễ nâng cấp về dung lượng.

+ NAS cũng tăng cường khả năng chống lại sự cố cho mạng: Trong môi trường NAS, dữ liệu vẫn hoàn toàn có thể được truy nhập bởi người dùng. Các biện pháp chống lỗi và dự phòng tiên tiến được áp dụng để đảm bảo NAS luôn sẵn sàng cung cấp dữ liệu cho người sử dụng.

Khuyết điểm:

+Dễ gây nghẽn băng thông trong mạng nội bộ (làm nghẽn mạng).

+ Với việc sử dụng chung hạ tầng mạng với các ứng dụng khác, việc lưu trữ dữ liệu có thể ảnh hưởng đến hiệu năng của toàn hệ thống (làm chậm tốc độ của LAN), điều này đặc biệt đáng quan tâm khi cần lưu trữ thường xuyên một lượng lớn dữ liệu.

+ Trong môi trường có các hệ cơ sở dữ liệu thì NAS không phải là giải pháp tốt vì các hệ quản trị cơ sở dữ liệu thường lưu dữ liệu dưới dạng block chứ không phải dưới dạng file nên sử dụng NAS sẽ không cho hiệu năng tốt.

* Dùng giải pháp SANs (Storage Area Networks):

SAN là một hệ thống mạng lưu trữ chuyên dụng kết nối nhiều Server và nhiều thiết bị lưu trữ, với mục đích chính là truyền tải dữ liệu giữa hệ thống máy tính và phần tử lưu trữ và giữa các phần tử lưu trữ với nhau.

Storage Area Networks (SANs) là một hệ thống mạng được thiết kế để sử dụng thêm các thiết bị sao lưu dữ liệu cho máy chủ một cách dễ dàng như : Disk Array Controller, Tape Librries....

Ưu điểm khi sử dụng SANs:

+ Hỗ trợ nhiều hệ điều hành và môi trường cluster, cho phép thiết kế linh động và bảo vệ sự đầu tư.

+ Dễ dàng chia sẻ lưu trữ và quản lý thông tin.

+ Cho phép nhiều máy chủ cùng chia sẻ một thiết bị lưu trữ. Lưu trữ tập trung dữ liệu trên một hệ thống đơn nhất.

+ Cho phép truy cập dữ liệu với tốc độ rất cao (2Gb/s; 4Gb/s; tương lai sẽ lên đến 10Gb/s).

+ Mở rộng lưu trữ dễ dàng thông qua quá trình thêm các thiết bị lưu trữ vào mạng không cần phải thay đổi các thiết bị như máy chủ hay các thiết bị lưu trữ hiện có.

+ Tính ổn định liên tục của thiết bị rất cao, người dùng có thể yên tâm vì hệ thống không bị lỗi vặt.

+ Cho phép thay đổi hay nâng cấp máy chủ một cách dễ dàng và dữ liệu không hề ảnh hưởng khi máy chủ bị lỗi.

+ Tính bảo mật cao: xác thực, xác quyền, điều khiển truy xuất và khả năng quản lý theo vùng tăng thêm mức bảo mật mạng.

+ Khả năng tương thích ngược với các switch thế hệ cũ hơn, và khả năng nâng cấp firmware của thiết bị mà không phải dừng hoạt động hệ thống, đảm bảo mọi dịch vụ đều được duy trì liên tục 100%.

+ Có khả năng sao lưu dữ liệu trong nội bộ hệ thống SAN, mà không phải dừng dịch vụ của máy chủ để sao lưu như các hệ thống lưu trữ khác, đồng thời không hề ảnh hưởng băng thông của mạng LAN khi thực hiện các thao tác backup (LAN-free backup).

Khuyết điểm:

+ Chi phí đầu tư cho thiết bị phần cứng khá cao (thêm server backup, sử dụng tape library cổng quang, phần

mềm backup trong SANs,…).

* Kết Luận:

Không chỉ việc lưu trữ dữ liệu và bảo vệ dữ liệu là cần thiết với mỗi cá nhân chúng ta mà ngay cả với đa số các Doanh Nghiệp vừa và nhỏ hiện nay đang phát triển tại Việt Nam thì việc đầu tư một dịch vụ tốt hay hệ thống lưu trữ dữ liệu, sao lưu các thông tin, truyền thông quan trọng với chi phí vừa phải và đáp ứng được yêu cầu của họ là một bài toán khá nan giải. Để giải quyết các vấn đề phức tạp đó, các giải pháp nêu trên là những phương pháp hữu hiệu, thực tế nhất đem lại cho bạn sự an toàn, gọn gàng, nhanh chóng.

Tuy nhiên, với các giải pháp mạng lớn hơn, các bạn cần tìm hiểu, học hỏi để có những kiến thức cần thiết về hệ thống máy tính cho riêng mình để không phải gặp những khó khăn nhất định.

Minh Triết

(Một số thông tin có sự tham khảo từ Western Digital)

Chủ đề khác