VnReview
Hà Nội

Đánh giá nhanh smartphone pin "trâu" Lenovo Vibe P1m

Không chỉ trang bị viên pin dung lượng lên tới 4000 mAh, Lenovo Vibe P1m còn sở hữu một nút bấm vật lý chuyên biệt giúp kích hoạt chế độ siêu tiết kiệm pin nhằm kéo dài thời gian sử dụng.

Vài năm gần đây, hãng điện thoại Trung Quốc Lenovo vẫn miệt mài duy trì dòng smartphone pin "trâu", mỗi năm ra vài mẫu mới. Chiếc P1m là đại diện mới nhất trong dòng điện thoại pin khủng của Lenovo. Máy được giới thiệu lần đầu tiên tại triển lãm IFA 2015 vào đầu tháng 9 năm nay cùng với chiếc Vibe P1 và S1, vừa được bán chính hãng tại Việt Nam với giá 3,79 triệu đồng.

Ngoài việc sở hữu viên pin dung lượng cao, Vibe P1m được trang bị cấu hình ở mức khá so với tầm giá: màn hình IPS LCD 5 inch độ phân giải HD, mật độ điểm ảnh 294 PPI, bộ vi xử lý 64-bit Mediatek MT6735P lõi tứ 1GHz, GPU Mali-T720 RAM 2GB, bộ nhớ trong 16GB, có khe cắm thẻ nhớ ngoài hỗ trợ tối đa 32 GB, camera sau 8MP và camera trước 5MP, chạy Android 5.1 Lollipop, hỗ trợ 2 SIM.

Thiết kế

Những chiếc điện thoại pin "trâu" thường phải hy sinh đi thiết kế để đánh đổi lấy dung lượng pin tốt hơn. Tuy nhiên, Lenovo đã từng làm tốt với chiếc P70 khi vẫn tạo ra được một chiếc smartphone đủ mỏng nhẹ dù trang bị viên pin có dung lượng 4000 mAh. Với P1m, tuy không được thanh thoát như P70 và có phần hơi mập mạp hơn nhưng thiết kế của máy vẫn được Lenovo chăm chút khá cẩn thận, nhất là ở phần mặt lưng và khung viền.

Mặt lưng của P1m sử dụng chất liệu nhựa polycarbonate bề mặt nhám mịn không trơn tay, chống bám bẩn và vết mồ hôi khá tốt. Mặt lưng cũng được làm vát cong về 2 cạnh giúp cầm máy bằng một tay chắc chắn hơn. Cụm camera, đèn flash và mic chống ồn được đặt trên miếng kim loại trông khá nổi bật ở nắp lưng.

Theo Lenovo, mặt lưng của P1m được phủ một lớp nano với công nghệ của P2i cho phép máy chống nước nhẹ. Thử nhỏ nước lên mặt sau của P1m thì thấy giọt nước đọng trên nắp lưng của P1m không bị loang ra và khi gạt đi thì giọt nước này dễ dàng trượt khỏi bề mặt, không bị thấm vào lớp vỏ. Điều này sẽ giúp người dùng có thể sử dụng P1m dưới trời mưa nhẹ hoặc không phải quá lo lắng nếu sơ ý đổ nước vào phần mặt lưng của máy.

Mặt lưng của P1m cũng dễ dàng thể tháo được để gắn 2 SIM chuẩn micro cùng thẻ nhớ microSD. 2 SIM của P1m đều có thể thay nóng, không cần khởi động lại máy, không phân biệt khe chính hay phụ và hỗ trợ cả chuẩn 4G LTE. Giống như chiếc P70, Lenovo vẫn tiếp tục cảnh báo người dùng không được tháo pin.

Ở phần khung viền, tuy sử dụng chất liệu nhựa nhưng nhờ việc sơn nhũ bạc khéo léo và vát cong nhẹ ở các mép nên khung viền của P1m trông tựa như được làm từ kim loại. Các nút bấm và lỗ loa trên máy được gia công khá gọn gàng. Duy chỉ có phím gạt chuyển đổi sang chế độ tiết kiệm pin là hơi khó thao tác, cần phải dùng đến móng tay để gạt sang do được làm khá nông và bề mặt trơn nhẵn.

Phím gạt chuyển sang chế độ tiết kiệm pin bên cạnh trái

Tương tự như chiếc P70, cạnh dưới của P1m cũng xuất hiện hai dãy chấm nhỏ khiến máy trông như được trang bị hệ thống loa kép. Nhưng thực chất, máy chỉ có một loa ở bên trái, còn khe loa bên phải chỉ để tạo sự cân đối trong thiết kế và cũng chính là nơi đặt mic thoại.

Trong khi đó, cổng microUSB và giắc cắm tai nghe đều được đưa hết lên cạnh trên nên sẽ gây một chút vướng víu khi vừa dùng máy vừa cắm sạc.

Trái với mặt sau được chăm chút, mặt trước của vibe P1m không để lại nhiều ấn tượng. Phần viền màn hình khá dầy, khiến mặt trước kém thanh thoát. Điểm sáng là Lenovo đã thiết kế lại biểu tượng 3 phím Back, Home, Menu theo hướng "phẳng" hóa, hiện đại hơn. Ba phím cảm ứng này cũng được in rõ ràng, sắc nét, có đèn nền phía dưới, tiện sử dụng trong đêm.

Lenovo cũng tỏ ra chu đáo khi tặng kèm một chiếc ốp lưng dạng nhựa mềm đi kèm P1m. Tuy nhiên, khi lắp ốp lưng, phím gạt chuyển đổi sang chế độ tiết kiệm pin, phím nguồn và cụm phím âm lượng trở nên khó thao tác hơn do bị chìm xuống quá nhiều. Ốp lưng cũng làm lem màu lên phần mặt lưng và rất khó để làm sạch những vết lem màu này.

Lenovo Vibe P1m khi lắp thêm chiếc ốp lưng đi kèm

Tuy nhiên, ốp lưng rất dễ làm lem màu lên phần mặt lưng dù chỉ sử dụng trong thời gian ngắn

Màn hình

Với màn hình LCD 5 inch, sử dụng tầm nền IPS độ phân giải 1280x720 pixel đạt mật độ điểm ảnh 294 PPI, chất lượng hiển thị của P1m đủ để đem lại hình ảnh sắc nét, không quá rỗ hạt. Màn hình của máy có góc nhìn khá và nhiệt màu gần với mức chuẩn (không quá ấm và không bị lạnh).

Các yếu tố còn lại gồm độ sáng tối đa, độ tương phản và khả năng hiển thị màu chuẩn đều ở mức trung bình, kém hơn chút khi so với chiếc Lenovo P70. P1m cũng có cảm biến ánh sáng tự động điều chỉnh độ sáng màn hình nhưng hoạt động chưa hiệu quả nên thường cho ra độ sáng thấp hơn mức cần thiết.

Đáng chú ý, màn hình của P1m được trang bị công nghệ tối ưu chất lượng hình ảnh được hãng gọi là MiraVision cho phép người dùng có thể tuỳ chỉnh độ tương phản, bão hoà hay nhiệt độ màu để cải thiện chất lượng hình ảnh.

Bảng đo kết quả màn hình của P1m và các một số sản phẩm khác

Bảng đo không gian màu màn hình của P1m thể hiện khả năng hiển thị màu (chấm tròn càng gần với ô vuông thì màu sắc hiển thị càng chuẩn).

Camera

P1m có camera 8MP phía sau và 5MP phía trước. Phần mềm chụp ảnh mặc định cũng tương đối đơn giản, không có nhiều chế độ để "nghịch ngợm". Tính năng quay video cũng chỉ có chất lượng cao nhất ở độ phân giải HD 720p với thời lượng 30 phút. Máy cũng có chế độ HDR nhưng hoạt động không thật sự hiệu quả do tốc độ chậm, phải giữ chắc tay khi chụp, thời gian lưu ảnh lâu.

Giao diện, tính năng trên camera chính của P1m khá đơn giản

Với chế độ tự động, trong điều kiện đủ sáng, camera 8MP phía sau cho tốc độ chụp, lấy nét và lưu ảnh khá nhanh, đo sáng chuẩn nhưng cân bằng trắng chưa chính xác, thường khiến ảnh hơi lạnh, màu sắc có phần nhợt nhạt, chi tiết chưa cao. Trong điều kiện thiếu sáng, ảnh chụp xuất hiện nhiễu hạt khá nhiều, các chi tiết bị bệt lại, tốc độ chụp thấp cũng khiến ảnh dễ bị nhòe hình, mất nét.

Dưới đây là một số ảnh chụp từ máy ở chế độ tự động hoặc HDR, chỉ thu nhỏ cho phù hợp với website (bấm vào để xem ảnh cỡ lớn):

Trong khi đó, camera trước 5MP lại cho những bức ảnh selfie với chất lượng khá, hình ảnh tương đối trong trẻ, nhiều chi tiết và màu sắc tươi tắn. Tuy nhiên, tốc độ chụp của camera hơi chậm nên ảnh dễ bị mờ nhòe do rung tay, cộng với việc không có chế độ làm đẹp gương mặt là một thiếu sót đáng tiếc.

Phần mềm

Được cài sẵn Android 5.1 Lollipop với giao diện Vibe UI đặc trưng của Lenovo, phần mềm trên P1m có giao diện đơn giản, dễ sử dụng và hoạt động khá mượt. Khay quản lý ứng dụng được loại bỏ đi, thay vào đó toàn bộ các ứng dụng cài đặt trên máy được đưa hết ra ngoài màn hình chính. Các tùy chọn thiết lập nhanh cũng rất đầy đủ, phong phú nhưng không cho phép thêm bớt. Bạn cũng có thể thay đổi giao diện, nhưng chỉ với 6 chủ để cài sẵn chứ không thể tải thêm.

Lenovo cũng cài sẵn các phần mềm "cây nhà lá vườn" của họ nhưng bộ ứng dụng Shareit, Syncit để chia sẻ file nhanh, đồng bộ hóa dữ liệu.

Dù vậy, các tính năng thông minh trên chiếc P70 như chạm hai lần vào màn hình để bật máy; bấm hai lần vào phím Home khi màn hình tắt để chụp ảnh,…đều không xuất hiện trên P1m.

Hiệu năng

Về hiệu năng, với vi xử lý MT6735P lõi tứ Cortex-A53 (nâng cấp từ Cortex-A7 để hỗ trợ tập lệnh 64-bit), sản xuất ở quy trình 28 nm, xung nhịp 1 GHz, đi kèm với vi xử lý đồ họa Mali-T720 của ARM cùng với dung lượng RAM 2GB, P1m mang tới khả năng phản hồi khá nhanh nhẹn với các hoạt động cơ bản. Điểm số từ các phần mềm đánh giá hiệu năng như AnTuTu, GeekBench cũng cho kết quả tốt, không chênh lệch nhiều với các máy cùng tầm giá.

Máy cũng có thể chơi được các tựa game 3D với đồ họa khá nặng, phổ biến hiện nay như Asphalt 8, Dead Trigger 2 ở mức đồ họa trung bình (medium) mà không gặp phải tình trạng giật, lag. Tuy nhiên, nếu cố đẩy lên mức đồ họa cao nhất (High), P1m sẽ khó lòng đáp ứng nổi bởi hạn chế của chip đồ họa.

Một điểm cộng nữa cho hiệu năng của P1m là máy được trang bị bộ nhớ trong 16 GB, hệ thống chỉ chiếm dụng khoảng 4,9 GB do đó vẫn còn trên 10 GB để người dùng cài đặt ứng dụng, lưu trữ ảnh, video khá thoải mái.

Thời lượng pin

Về thời lượng pin, chúng tôi chưa đánh giá thời lượng pin của máy ở hoạt động xem phim, chơi game, lướt web và gọi điện, những bài test pin quen thuộc của VnReview. Tuy vậy, kết quả sử dụng thực tế với 4 hoạt động hỗn hợp gồm lướt web và xem phim trên YouTube trên mạng Wi-Fi, xem phim HD offline và chơi game Asphalt 8, mỗi tác vụ 30 phút từ 100% đến 10% pin, cho thấy viên pin 4000 mAh của P1m có thời lượng sử dụng khá ấn tượng.

Cụ thể, máy trụ được gần 7 giờ sử dụng hỗn hợp của 4 hoạt động trên. Với kết quả này, P1m hoàn toàn đủ dùng thoải mái cả ngày cả với cường độ sử dụng cao và nếu ít chơi game thì máy có thể dùng được 2 ngày mới phải sạc ở cường độ trung bình.

Ngoài ra, như đã nhắc đến ở phần thiết kế, P1m còn sở hữu một nút gạt chuyên dụng ở cạnh trái cho phép máy chuyển sang chế độ "tiết kiệm pin cực mạnh". Ở chế độ này, màn hình chính của máy sẽ chuyển sang giao diện đơn giản với màu đen trắng (các ứng dụng khác vẫn hoạt động ở chế độ màu sắc đầy đủ như bình thường). Chế độ Wi-Fi và kết nối dữ liệu 3G cũng được tắt và người dùng phải tự mở lại nếu muốn. Chỉ có 6 ứng dụng cơ bản sử dụng được là nghe, gọi, nhắn tin, máy tính, nghe nhạc, lướt web và duyệt Facebook. Bạn cũng không vuốt được thanh Notification để xem thông báo và cũng không vào được Settings (Cài đặt) nữa.

Chế độ "tiết kiệm pin cực mạnh" của P1m

Chế độ này tỏ ra đặc biệt thích hợp khi pin của máy đã xuống mức rất thấp, từ khoảng dưới 20% nhưng bạn lại không thể sạc ngay và nó sẽ giúp cho P1m vẫn có thể liên lạc, nghe gọi, duyệt web, lướt Facebook thêm khoảng vài tiếng trước khi bạn tìm được bộ sạc.

Một chi tiết đáng chú ý nữa là việc P1m được tích hợp công nghệ sạc nhanh Pump Express của MediaTek. Tuy nhiên, bộ sạc đi kèm P1m vẫn chỉ là sạc thường với cường độ 5.2V – 2A. Thử nghiệm với cục sạc đi kèm cho; thấy P1m sạc đầy từ 10% đến 100% trong khoảng 3 giờ, trong đó 30 phút đầu tiên có thể sạc đầy 30% pin. P1m cũng hỗ trợ cáp OTG (không đi kèm theo máy, phải mua thêm) để sử dụng chính viên pin trong máy sạc cho các thiết bị khác khi cần thiết.

Kết luận

Với những gì thể hiện, Lenovo Vibe P1m đã cho thấy đây là chiếc điện thoại đáp ứng tốt hầu hết các nhu cầu cơ bản của người dùng với thiết kế ổn, hiệu năng khá, màn hình tạm ổn và đặc biệt là thời lượng pin cực "trâu". Dù vậy, nếu chú trọng đến khả năng chụp ảnh trên smartphone, P1m sẽ không phải là một lựa chọn phù hợp bởi những hạn chế của camera.

Ở tầm giá này, trong phân khúc smartphone chính hãng, P1m sẽ phải cạnh tranh với các smartphone khác như Asus Zenfone 2 Laser và Oppo Neo 7. Lợi thế của chiếc điện thoại đến từ Lenovo là thời lượng pin tốt hơn hẳn và hiệu năng cũng có phần nhỉnh hơn. Chỉ có camera và thiết kế là những điểm P1m còn cần phải cải tiến thêm.

Thành Đạt

Chủ đề khác